Truyền thuyết cá thần trên những dòng sông chảy ngược

Hoàng Hải Lâm |

Miền tây Quảng Trị, nơi có gần 5 ngàn người dân tộc Vân Kiều sinh sống, nơi lưu giữ rất nhiều câu chuyện giải thích nguồn gốc của sự vật, sự việc… liên quan đến sự ra đời, sự sống của người Vân Kiều. Mấy ngàn năm, cuộc sống có rất nhiều thay đổi. Nhưng câu chuyện xem như huyền thoại, mà với người Vân Kiều đó vẫn là sự thật được lưu truyền mãi cho đến tận ngày nay.

Những con sông, nơi khởi nguồn sự sống

Xã Hướng Lập (Hướng Hóa – Quảng Trị) là nơi đầu tiên chúng tôi tìm đến để tìm hiểu về chuyện lạ về loài cá trên dòng Sê Pôn. Đáng lẽ, điểm đầu tiên chúng tôi đến là dòng Sê Pôn, con sông hữu nghị của hai nước Việt – Lào nhưng qua lời kể của ông Hồ Văn Đăng, một bậc cao niên ở thôn Tà Puồng, xã Hướng Việt thì “muốn biết về loại cá lạ này thì tới sông Sê Păng Hiêng, ở đây có rất nhiều cá này, cả lớn và nhỏ”.

Hơn 100km từ thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi đi từ sáng sớm và đến được Hướng Lập cũng đã hơn 10 giờ trưa. Dòng Sê Păng Hiêng nổi tiếng bởi nhiều cảnh quan đẹp, nhưng có lẽ nó được biết đến nhiều hơn bởi đây là con sông chảy ngược. Dòng nước từ Việt Nam chảy sang đất Lào. Ngoài huyền thoại về tình yêu, con sông còn là nơi sinh sống chủ yếu của loài cá da trơn mà người dân tộc Vân Kiều xem đó là “người thân” của họ.

 
Cá Dar – một trong những loài cá quý hiếm trên dòng Sê Pôn, từng được xem là vật linh thiêng bị mắc lưới tại xã Thanh – Hướng Hóa đánh bắt. Ảnh: CTV

Ngược đường từ Hướng Lập đến dòng Sê Pôn, chúng tôi đến đoạn sông chảy qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và một số thôn bản ở xã Thanh. Tại đây, chúng tôi đã nhặt nhạnh được trong chuyện kể của người dân ở một số bản Ka Tăng, Ka Túp, Khe Đá, Aho… về chuyện dòng sông, con cá và câu chuyện huyền thoại vẫn nhuốm sắc màu liêu trai nhưng là chuyện có thật đối với người đồng bào.

Người Vân Kiều ở Quảng Trị với sự sinh tồn còn rất đỗi tự nhiên, nên nguồn nước được xem là quan trọng nhất. Cũng bởi thế, nên việc chọn nơi ở, nơi lập bản làng đều dựa vào nguồn nước, sau đó là đồi núi. Bản làng dựa lưng vào đồi núi để mong thần núi che chở. “Nước có vai trò rất quan trọng đối với sự sống của chúng tôi, không có nước là chết, nước còn hơn cả ăn. Người Vân Kiều chọn nơi có nước để ở mong rằng thần sông, thần suối cưu mang, thần núi bảo vệ. Tập quán hàng ngàn đời nay của người Vân Kiều là sống nhờ vào sông núi” - một già làng nói.

Loài cá được xem là người thân của đồng bào Vân Kiều

Người bản địa gọi loài cá thiêng mà chúng tôi tìm hiểu gồm nhiều tên khác nhau, tùy theo vùng miền: cá I Rắc, cá Úc, cá Dar, Xia xing yêng, Xăng yêng, Hoàng Đế, Bôi, Ta côi... người Vân Kiều ở Cù Bai (xã Hướng Lập) gọi đây là cá I Rắc, loại cá rất giống với cá lăng đuôi đỏ ở đồng bằng, thân dài của con trưởng thành hơn 70cm và nặng đến 10kg, có con hơn. Nó có đôi râu bằng chiều dài của cơ thể. Tương truyền rằng, đây là hóa thân của một người con gái. Anh Hồ Văn Thông, 30 tuổi, người Vân Kiều ở thôn Cù Bai xã Hướng Lập kể cho chúng tôi nghe “ngày trước, trên đỉnh núi trước mặt làng, có hai chị em mồ côi sống với nhau, người chị rất thương yêu em trai nhưng người em lại ngang ngược, chị bảo ban không nghe nên chị xuống suối khóc cạn nước mắt, về sau thì chị chết và biến thành loài cá mà người ta gọi là cá I Rắc ngày nay”.

 
 Loài cá được xem là "người thân" của đồng bào Vân Kiều. Ảnh: CTV

Ông Vỗ Theng, 80 tuổi, người Vân Kiều ở thôn Xà Bai, xã Hướng Linh cho chúng tôi biết thêm “chuyện người chị gái buồn em trai mà chết biến thành cá được nhắc từ xưa đến nay, và người Vân Kiều tin vào chuyện đó. Người ta còn kể, ở sông Sê Păng Hiêng, mỗi đêm trăng sáng, người chị nhớ em ngoi lên mặt nước để gặp em, người em trai cũng đến đây gặp chị. Một năm vài lần, người chị muốn trở về với em cũng không được, vì đã biến thành cá Dar (người Vân Kiều vùng Hướng Linh gọi cá I Rắc là cá Dar), vì đã lấy vua cá”.

Cổ tích dần phai

Được xem là loài vật thiêng, là “người” có quan hệ huyết thống. Nhưng cá Dar ngày dần biến mất cùng với thời gian bởi người đánh cá (trong đó có cả người Vân Kiều) đã đánh bắt cá Dar. Bà Hồ Thị Minh, tộc Vân Kiều, ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa đã có rất nhiều năm tìm hiểu về loài cá này chia sẻ với chúng tôi: “Được xem như là hiện thân của người quá cố, khi hóa kiếp thành loài cá nên hầu hết người Vân Kiều không ăn loài cá này. Thậm chí khi đi thả lưới mà gặp loài cá này thì về nhà phải làm lễ xin thứ tội nếu không là người đánh cá hoặc những người trong gia đình họ gặp ốm đau, bệnh tật…”. Anh Hồ Văn Thiên, bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo cho chúng tôi hay “tôi là người Vân Kiều nên tôi biết rất rõ về loài cá này, nó được sinh ra từ một người con gái trong huyết thống chúng tôi nên cả dòng họ chúng tôi già trẻ, gái trai gì đều kiêng loài cá này, chúng tôi không ăn cá Ta bôi, nếu ăn cá là ăn thịt người thân của mình”.

 
Cá Dar là loài cá da trơn nước ngọt. Ảnh: CTV

Có lẽ, những chuyện cổ tích, những huyền thoại đã xa nay lại rất xa. Hay đời sống hiện đại đã đẩy con người đến một vị trí mới nên dần phai nhạt với đời sống tâm linh.

Tại xã Thanh (huyện Hướng Hóa), chúng tôi đã chứng kiến một bữa tiệc mà thực phẩm được làm bằng cá Dar. Có thể đếm được một vài món: gỏi, canh chua và hấp… chúng tôi đã không thử món ăn này. Cũng bởi lẽ, nếu biết đến thì giữ, cho mình và cho loài cá huyền thoại ngày càng biến mất trên dòng sông Sê Pôn và Sê Păng Hiêng, hai con sông được xem là nơi cư ngụ của loài cá linh thiêng này.

Bà Hồ Thị Minh có lẽ là người cay đắng nhất, khi hàng ngày, bà ở địa phương và thỉnh thoảng lại bắt gặp cảnh cá Dar đi vào món ăn của người Vân Kiều, bà chia sẻ thêm với chúng tôi lúc chiều muộn: "Cũng không biết phải làm sao, tùy vào cách ứng xử của mỗi người đối với loài vật, nhất là đối với loài cá từng đi vào cổ tích đẹp với câu chuyện thấm đẫm tình yêu thương, nhân văn. Cũng không hiểu sao bạn trẻ bây giờ bỏ ngang đi chuyện đó. Có thể họ không tin, đành chịu”.

 
 Sông Sê Păng Hiêng, một trong hai con sông chảy ngược ở huyện Hướng Hóa là nơi trú ngụ của loài cá này. Ảnh: T.L

Dòng Sê Păng Hiêng vẫn chảy ngược về Lào, con sông Sê Pôn người dân địa phương hai nước Việt – Lào vẫn qua lại tấp nập. Câu chuyện về loài cá huyền thoại này có lẽ ngàn năm sau vẫn tồn tại. Nhưng với loại cá Dar đã đi vào cổ tích, nó ngày càng biến mất bởi sự đánh bắt bất chấp vấn đề tâm linh.

Thiết nghĩ, mọi người, nhất là đối với lớp trẻ người Vân Kiều ở miền tây Quảng Trị nên nghĩ lại, hãy chung tay bảo vệ loài cá từng được người Vân Kiều gìn giữ, bảo vệ như những người thân.

Cù lao Bắc Phước

Yên Mã Sơn |

Sau những bước chân không ngừng nghỉ để kiếm đường mưu sinh, những chuyến đi mải miết với chuyện cơm áo thì lòng thèm đặt chân lên trên mảnh đất cù lao để được nghe tiếng sóng vỗ từ bốn bề, tiếng hàng tre rì rào trong cơn gió nồm. Dường như đất này là chốn nương thân cho bước chân ta khi mỏi gối, chồn chân hay ít nhất nó là nơi để tấm thân này được “refresh - làm tươi mới”. Đó là đất cù lao quê tôi.

Phía Tây thành phố trẻ

Phạm Xuân Dũng |

Một đô thị trẻ có nhiều hứa hẹn về triển vọng lâu dài nếu biết cách quy hoạch và phát triển đúng hướng, biết bảo tồn thiên nhiên, ruộng đồng bên cạnh với việc phát triển phố xá, nhà cao tầng, biết kết hợp giữa văn minh, hiện đại với dân tộc, cổ truyền như người ta vẫn nói, biết pha trộn khéo léo giữa cái cũ và cái mới. 

Hàng chục nghìn cây lan hồ điệp khoe sắc ở độ cao 1.500 mét trên đỉnh Sa Mù

Hưng Thơ |

Ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển, đỉnh Sa Mù (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) được Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Trị chọn làm nơi thử nghiệm các giống hoa lan hồ điệp. Thật bất ngờ, 7 loại lan hồ điệp được trồng sinh trưởng rất tốt, cho ra hoa tuyệt đẹp…

"Đại vũ khúc" đập Trấm

Phạm Xuân Dũng |

Hơn 2 vạn con người, chủ công là lớp trẻ, lăn lộn suốt mấy năm trời để viết nên kỳ tích công trình đập Trấm. Tuy hầu hết làm bằng thủ công nhưng công trình vững chãi qua hàng thập kỷ