Sau những bước chân không ngừng nghỉ để kiếm đường mưu sinh, những chuyến đi mải miết với chuyện cơm áo thì lòng thèm đặt chân lên trên mảnh đất cù lao để được nghe tiếng sóng vỗ từ bốn bề, tiếng hàng tre rì rào trong cơn gió nồm. Dường như đất này là chốn nương thân cho bước chân ta khi mỏi gối, chồn chân hay ít nhất nó là nơi để tấm thân này được “refresh - làm tươi mới”. Đó là đất cù lao quê tôi.
Cù lao Bắc Phước nằm kẹp giữa hai con sông Hiếu và Thạch Hãn, lọt thỏm giữa huyện Gio Linh và Triệu Phong, gồm ba làng, người ta gọi tắt là Xuân, Phiên, Hà. Làng Duy Phiên và Hà La đất đai rộng nên có nghề làm ruộng. Riêng làng Dương Xuân có nghề chài lưới. Làng Duy Phiên có lịch sử lâu đời, là một trong những làng cổ ở Quảng Trị hình thành từ năm 1075 - 1553, theo cuộc di cư đầu tiên của nhà Lý từ tỉnh Nghệ An. Ban đầu thuộc châu Minh Linh (Gio Linh ngày nay). Làng Hà La hình thành muộn hơn, cư dân của làng này là một phần họ Nguyễn của làng An Cư, nằm bên kia sông sang canh tác, sinh sống. Còn làng Dương Xuân hình thành khoảng đầu thế kỷ XIX, khi Gia Long thống nhất giang sơn, xây dựng kinh thành Phú Xuân, người dân làng Dương Xuân ở Thuận Hóa đã phải di cư để nhường đất lại. Một bộ phận lớn họ ra phía bắc kinh thành, nay thuộc phường Hương Sơ, thành phố Huế sinh sống. Một bộ phận khác đi xa hơn về huyện Phú Vang, nơi có phá Tam Giang để mưu sinh. Trong cuộc lưu loạn tìm miền đất hứa lập nghiệp đó, có một người con đã chèo đò theo đường thủy ra đến sông Thạch Hãn lập nghiệp. Trải qua ba đời lênh đênh sông nước, họ đã cư ngụ trên mảnh đất chật hẹp ở cù lao Bắc Phước và đặt tên làng Dương Xuân như tên gốc ở Phú Xuân để tiếp nối nghề chài lưới của cha ông.


Mùa hè, những bờ đê phía làng Duy Phiên được “nhuộm đen”. Lại gần mới biết người dân vớt rong câu phơi nắng. Từ đời này qua đời khác, kinh nghiệm đã dạy cho họ là rong câu phải phơi ba nắng ba sương. Rong câu được giặt xong đem phơi nắng, để qua đêm phơi sương rồi lại được đưa xuống sông giặt lại rồi đem phơi. Từ bữa cơm đạm bạc cho đến lễ giỗ, món rau câu thấu da lợn trộn đậu phụng là món “đụng đũa” nhiều nhất. Cùng với cơm cá, dĩa rong câu được trang trọng đặt trên bàn thờ tổ tiên để luôn nhớ về người lập làng và tôn vinh sản vật truyền thống.

Ai đã từng ăn canh cá bống thệ hay cá tràu nấu canh dưa chua của làng Dương sẽ trầm trồ và “xem thường” những món canh của xứ khác. Có lẽ cá tươi vừa vớt lên từ con sông trước nhà thì nấu với thứ gì nó cũng ngon. Nhưng để từ ngon trở thành đặc sản nức tiếng thì phải có cái bí quyết gì đó chăng? Rồi người ta nghiệm ra sự khác biệt của món canh dưa chua này là nước. Chính xác là nguồn nước lợ muối măng và nguồn nước lợ để nấu canh. Người ta thử đem con cá ấy, thứ dưa chua ấy nấu với nước máy hay nước của vùng khác thì không đạt được vị ngon như xứ này. Bởi thế cậu tôi dù có nhà thành phố Đông Hà nhưng vẫn về làng xây nhà bên cạnh nhà thờ tổ tiên cốt để… ăn cá và tắm nước lợ. Sau khi quay lại thành phố không quên gói thêm dưa chua và một can nước lợ từ giếng đã được lọc cẩn thận để lên thành phố nấu canh.
Nhưng với những tay hay nhậu quá chén, khi rượu bia đã đầy bụng, cơm nhét không vào thì lúc này món cháo cá me nóng hổi vừa thổi vừa ăn là món cứu cánh. Bên chiếu rượu ven sông, chỉ cần gọi với người cất rớ ngoài lòng sông là có được rá cá tươi thập cẩm gồm tôm, cá đối, cá kình và nhiều nhất là cá me. Cá me con nhỏ như lá trúc, còn gọi là cá trích lầm loại nhỏ đã theo dòng nước mát từ ngoài biển bơi lên. Nắm gạo bắc lên, gạo vừa nhừ là cho cá lên, nêm vào thêm tiêu ớt hành là có món cháo “trứ danh” để giải rượu. Xong chén cháo thơm ngon cũng là lúc mồ hôi vã ra như xông hơi, gió từ sông thổi vào man mát. Bên chén trà vãn cuộc, câu chuyện lịch sử, cội nguồn vẫn sôi nổi không có hồi kết.

Cũng như những vùng đất khác của xứ Việt, ẩm thực đại diện cho bộ mặt văn hóa tinh thần và vật chất của con người. Người dân cù lao cũng phóng khoáng như người miền Tây ở đồng bằng sông Cửu Long. Chính thiên nhiên ban tặng cho họ nhiều sản vật đã hình thành hồn cốt đó. Có người bảo dân xứ này khổ sở. Khổ trong cách ăn: Khi ăn đũa chén kêu leng keng, ăn kiểu vội vàng. Vừa ăn vừa chạy việc. Ăn theo kiểu để giải quyết cơn đói chứ không phải thưởng thức. Người ta bảo thế cũng phải vì vốn nghiệp sông nước, ăn vội để còn đi làm cho kịp. Do vậy tính cách hoạt bát từ đó mà ra. Trong câu ca dao này đã thể hiện tất bật của người cù lao: “Trời mưa trời gió/ Vác đó đi đơm/ Chạy vô ăn cơm/ Chạy ra mất đó”.

Mỗi lần về quê, đứa em con chú ruột bảo bỏ điện thoại ở nhà để khỏi vướng bận, leo lên chiếc đò tròng trành với nó để đi du ngoạn trên sông. Nó bảo nghe trong Quảng Nam hay miền Tây, cho khách du lịch lênh đênh cùng đánh cá để chiêm nghiệm sông nước như ri là có tiền phải không eng? Rứa mần du lịch cũng dễ hè! Tôi tin một ngày ở xứ này cũng có một tour như thế khi hệ thống rừng phòng hộ quanh cù lao đã phủ kín bởi cây bần. Trên cây các loại chim về trú ngụ, dưới nước cua tôm nuôi theo kiểu bán tự nhiên. Cùng với những món ngon do bàn tay của người dân nơi này chế biến sẽ là địa điểm thu hút khách thập phương.