Nhà báo, Nhà thơ Lê Bá Dương là tác giả của 4 câu thơ nổi tiếng mang tên "Lời gọi bên sông" (còn được biết đến với tên gọi khác "Đò xuôi Thạch Hãn"). Ông là người nặng tình với đất Quảng Trị.
Bút ký "Gio An - linh địa diệu kỳ" của Nhà thơ Lê Bá Dương là tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn - Bút ký trên Tạp chí Cửa Việt (2018 - 2019).
quangtri74.vn xin trận trọng giới thiệu.
Đang trên đường đi Tây Bắc, bất chợt nhận cuộc gọi từ anh Hồ Hữu Nhạc, cơ quan tỉnh hội cựu chiến binh Quảng Trị thông báo: Anh em đội quy tập 584 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị vừa tìm thấy 38 hài cốt liệt sỹ với nhiều di vật kèm theo tại Gio An. Đặc biệt trong số hài cốt đó, một hài cốt còn có chiếc bút Hồng Hà có khắc thông tin trên thân bút cụ thể: Nguyễn Văn Hưng, bên dưới khắc tên Lê Thị Thể - theo anh Nhạc, rất có thể đây là những hài cốt thuộc trung đoàn 270 hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ và đề nghị tôi kiểm tra, xác nhận.
Gần như tức thì tôi buột miệng: Chắc chắn không phải anh em trung đoàn 270, mà là anh em trung đoàn tôi - trung đoàn 27 Triệu Hải - nguyên là trung đoàn Xô Viết Nghệ Tĩnh hy sinh trong quãng thời gian vây ép căn cứ Cồn Tiên vào khoảng tháng 5 đến tháng 9 năm 1968. Nhưng để chắc chắn, khi về đến điểm dừng nghỉ, tôi sẽ kiểm tra trong file lưu danh sách liệt sỹ đơn vị để có câu trả lời chính xác.
Và rồi cứ chập chờn trên cung đường đèo lượn giữa những thung ruộng bậc thang Tây Bắc, là ký ức một thời Gio An cách đây 50 năm cứ như sắp lớp ùa về trong tôi.
Cái thời một người lính giải phóng mới 15 tuổi đời, lần đầu tiên vào trận với súng thật, đạn thật, bom thật, lửa thật… ngầu đỏ cả trời Gio An. Giữa những rát rạt đạn lửa, là những người lính ngã xuống trên miệng công sự, máu loang thẫm áo, mà tay vẫn bấu chặt vào ốp súng. Chiều buông, tiếng súng bộ binh thưa dần, thay vào đó là những ùng oàng đạn cối, pháo xăm vào trận địa. Biết địch đang co lại, trung đội trưởng Nguyễn Văn Vạn phân công mấy anh em tiếp tục chốt phòng địch tấn công bất ngờ, số còn lại khiêng cáng anh em vừa hy sinh về nghĩa trang tạm ở thôn Phượng Xuân giáp ranh An Nha, hì hụi moi huyệt mộ, chôn cất anh em thành từng nấm mồ nối tiếp những nấm mồ đồng đội hy sinh từ các hướng Xuân Hòa, Thanh Khê, Gia Bình, Xuân Hải trong các đợt chiến đấu từ đầu tháng 3 năm 1968 khi đơn vị mở đầu chiến dịch. Thấy tôi tần ngần bên một ngôi mộ đất như vừa vun thêm, anh Vạn bảo, đó là mộ thủ trưởng Bá, đại đội phó hy sinh từ hai tuần trước. Nhưng sau ngày chôn anh ấy xong, là khi tụi lính thiết đoàn kỵ binh bay Mỹ nống ra, dùng xe ủi, ủi tung những phần mộ đó lên. Khi ta phản công, đẩy bọn địch lui lại, thì nhiều ngôi mộ đã bị xới lên, phơi chồng lớp những di hài anh em còn nguyên trong lớp tăng võng bó thân. Không còn bất cứ dấu vết gì phân biệt được danh tính từng người, ngoài đại đội phó Bá còn nhận diện được qua khuôn mặt dù đã bầm tím. Chưa hết, sau vài ngày những tưởng được yên mồ, khu vực nghĩa trang tạm lại bị chồng thêm những đợt bom từ tụi máy bay B57 rải xuống. Những di hài đồng đội lại chịu thêm một lần xáo trộn, buộc phải chôn di lệch dần khỏi vị trí nghĩa trang ban đầu. Lại thêm một lần mất dấu, chỉ riêng đại đội phó, không hiểu sao lại vẫn bị bóc rã tấm tăng bọc di hài, khuôn mặt sau mấy ngày chết đi, chết lại… râu cứ tua tủa mọc thêm trên khuôn mặt tím bầm.Một tuần sau, vào ngày 19/8/1968, lại thêm mấy anh em trong trung đội tiếp tục hy sinh. Vừa cáng anh em ra nghĩa trang thì gặp anh em trung đội bạn đang chôn cất các đồng đội hy sinh vừa được đưa từ đỉnh cao điểm 56 về. Nhận ra tôi, anh Hồ Sỹ Thảo, người cùng quê Thái Hòa với tôi buồn buồn thông báo:
- Dương ơi, bên anh hy sinh 13 anh em, trong đó có Nguyễn Hoàng Quế, bạn học cùng Dương. Bọn anh phải chờ địch lui hẳn, mới lên trận địa tìm kiếm anh em, nhưng nhiều anh em không còn nhận dạng được, chỉ biết có Quế trong số di hài 13 anh em trong trung đội thôi. Nghe nói hôm qua, anh Võ Quý người Thái Hòa ta ở đại đội hỏa lực cũng hy sinh, được chôn đâu trong số mộ tại nghĩa trang này Dương à.
Vâng, đã có những cuộc tiễn đưa đồng đội về đất theo cái cách có thể của trận mạc. Không tắm rửa thi hài, không lễ lạt... Chỉ là những cái nuốt khan xót đau đến tận cùng thay nén hương lòng tiễn đưa đồng đội về trước khi đến lượt mình. Càng đau hơn, khi tự mình gói đồng đội trong tấm tăng, mảnh võng bạt, hoàn toàn chưa có quy định dùng lọ Penicillin đựng mẩu giấy ghi mã tên quy ước để chứng danh hài cốt sau này. Duy nhất trên túi áo người lính lúc đó chỉ vỏn vẹn một dòng tên tự thêu sau hai chữ Phan Rang (Mật danh đơn vị). Dẫu không nói ra, nhưng mỗi chúng tôi ngầm hiểu một cách xót xa, không chỉ những di hài đồng đội bom đạn xé toạc phần áo có thêu chữ, mà với sự phân hóa theo thời gian, môi trường… chẳng có gì chắc chắn để nhận ra danh tính hài cốt đồng đội từ những dòng chữ tự thêu của người lính thời đó.
Mà cũng không chỉ là sự khắc nghiệt của thực trạng trận mạc chiến tranh, tháng 7 năm 1976, chỉ tám năm sau chiến tranh, ngày trở về Gio An, tôi đã như lạc giữa lau lách sim mua. Không còn những đồi trọc bầm đất đỏ bazan, chơ vơ những gốc chè, gốc mít xơ tướp vì bom pháo, không còn lô nhô những nấm mộ phần giữa trảng đất loang lổ cỏ tranh bị đốt cháy để nhận ra nghĩa trang xưa, nơi chính mình nuốt nghẹn mỗi lần chôn cất những đồng đội một thời sinh tử. Chỉ trong hình dung thôi, rằng đâu đó giữa trảng đất bời bời cỏ cây trước mặt là khu mộ đồng đội cứ rộng ra theo từng đợt chiến đấu những ngày binh lửa.
Nhìn tôi lặng mình ngơ ngác giữa chiến địa xưa, anh Mỹ, cán bộ xã đội Gio An, người dẫn tôi rẽ cây, nhớm bước giữa gò đồi Gio An hồi đó, cũng ngậm ngùi:
- Đến tôi là người địa phương còn như lạc giữa làng quê của mình, huống chi các anh chủ lực lâu ngày trở lại.
Rưng rưng một chiều về Gio An ngày ấy, tôi lặng lẽ ngắt những bông hoa xuyến chi, buông vào giếng cổ… lòng dặn lòng sẽ trở lại những mong tìm kiếm được những dấu vết đồng đội một thời. Vậy nhưng hết lần này đến lần khác, năm này qua năm khác, ngày trở về cứ nặng lòng thêm khi mỗi năm, mỗi khi biết tin đồng bào Gio An trong khi vỡ đất trồng cây, phát hiện hài cốt liệt sỹ rồi được đội quy tập của tỉnh đội về mở rộng khu vực khai quật, tìm thấy thêm nhiều hài cốt liệt sỹ nhưng đều trong tình trạng không dấu vết danh tính của từng hài cốt. Theo anh Trần Bình, một cán bộ của xã Gio An, thì chỉ riêng hai năm 2016 - 2017, đã có trên 70 hài cốt liệt sỹ được phát hiện và cất bốc. Mỗi lần vậy qua thông báo của anh Trần Bình, dẫu trong linh cảm của mình rằng đó là những hài cốt có thể liên quan đến các đồng đội trung đoàn, nhưng rồi khi chứng kiến những hài cốt tủ quốc kỳ nằm bên nhau không danh tính mà buồn lòng, xót xa. Chỉ ước có một phép màu nào đó, có được một dấu vết cụ thể về danh tính làm cớ để có thể khẳng định danh tính tập thể các đồng đội trung đoàn.
Cho đến một ngày trung tuần tháng 9 năm 2018, sau cuộc điện thoại của anh Hồ Hữu Nhạc, từ dòng chữ trên thân chiếc bút di vật được phát hiện kèm một trong số 38 hài cốt liệt sỹ mới được tìm thấy ở Gio An. Ngay đêm hôm về một thị trấn nhỏ miền Tây Bắc, tôi đã mở file lưu danh sách liệt sỹ trung đoàn. Chỉ mới gõ từ khóa bằng dòng tên Nguyễn Văn Hưng khắc trên thân bút, tôi đã có ngay kết quả đúng như linh cảm của mình: Đó chính là liệt sỹ Nguyễn Văn Hưng, chiến sỹ tiểu đoàn 3 trung đoàn 27, quê ở xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, hy sinh ngày 13/9/1968 tại Xuân Hải, Gio An, và dòng tên Lê Thị Thể, chính là vợ của người lính Nguyễn Văn Hưng. Lấy ngày hy sinh của liệt sỹ Hưng làm từ khóa, tôi đã có ngay kết quả thêm 25 danh tính liệt sỹ cùng tiểu đoàn với liệt sỹ Nguyễn Văn Hưng. Và rồi trắng đêm, trong nhạt nhòa nước mắt, tôi cứ theo trí nhớ từng khoảng ngày tháng diễn ra các trận đánh trong chiến dịch làm từ khóa, lần lượt từng dòng tên cộng dồn gần 80 đồng đội trung đoàn đến từ các miền quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa… đã hóa mình nằm trong lòng đất đỏ Gio An.
Những ngày sau đó, thấy tôi đêm đêm ngồi rê chuột, gõ phím, dựng thành danh sách những đồng đội hy sinh, anh bạn ngủ cùng phòng ngạc nhiên hỏi sao chỉ từ 38 hài cốt liệt sỹ mới tìm thấy, sao không gói gọn trong số các liệt sỹ có cùng ngày hy sinh tại cùng vị trí, mà cứ phải kỳ công dựng lại cả hàng trăm liệt sỹ hy sinh trong suốt hơn bốn tháng chiến dịch?Cũng khó thể giải thích sao cho anh bạn hiểu điều mà những người trong cuộc mới hiểu. Tôi lặng lẽ phóng to mảnh bản đồ còn nguyên những ký hiệu mũi tên cho biết từng mũi chiến đấu phía trước, từng khoanh đỏ vùng tựa phía sau, nơi các đồng đội hy sinh được an táng mà chúng tôi vẫn gọi theo quy ước là nghĩa trang tạm nơi các đồng đội tôi lớp trước, lớp sau, tiểu đoàn này, đại đội kia từng đợt thành mồ, và chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ rằng, những di hài liệt sỹ nằm trong một thửa đất Gio An, không hẳn là những di hài từ một trong nhiều những đợt chôn cất những đồng đội hy sinh.
Điều này, khi ngồi nghe thượng tá Lê Phương Đông, chính trị viên đội quy tập hài cốt kể lại, càng thấy cái lẽ cần mở rộng diện danh sách các liệt sỹ dẫu khác ngày hy sinh, nhưng cùng địa bàn Gio An. Trải các tấm ảnh màu ghi lại hình ảnh những di hài nguyên gói bọc được đưa lên từ các vị trí tìm kiếm khác nhau, Lê Phương Đông cho biết, nói là tìm thấy trong một khu vực nhưng thực tế, từ vị trí người dân phát hiện ban đầu, bằng kinh nghiệm của mình, anh em trong đội cứ theo màu và cấu tượng đất để mở rộng diện tích khai mở, và số hài cốt được phát hiện có từ lô cao su số 52 nơi cất bốc được 22 hài cốt, qua lô cao su chếch về hướng đông khoảng 500 mét thêm 16 hài cốt. Theo hồ sơ lưu, cũng tại các lô cao su kế cận, qua những đợt quy tập trước đó, lúc ít, lúc nhiều, cũng đã có hàng trăm hài cốt được phát hiện và cất bốc với đầy đủ xương cốt. Cho thấy, việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ trong lòng đất Gio An không thể, và không nên khuôn hẹp trong một diện danh sách người hy sinh trong cùng không gian Gio An. Chỉ vào bản đồ hình thái tác chiến của đơn vị tôi vừa mở cho xem, người sỹ quan trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh làm tôi bất ngờ khi anh tâm sự: Làm công tác quy tập, lâu dần, chỉ nhìn vào cách chôn cất, vị trí phân bố di hài cũng hình dung được quy mô chiến dịch với sự khốc liệt của chiến tranh. Thời đó chôn cất đồng đội khó có thể chu toàn mọi bề, nên việc tìm kiếm bây giờ càng không thể dễ gì. Nhiều khi đưa lên mấy chục hài cốt… không bia mộ, không một mảnh ghi danh tính, anh em trong đội cứ bùi ngùi, ước chi có một phép màu nào đó, dù chỉ mong manh để có thể lần tìm ra dấu vết thể hiện danh tính cho các bác, các anh đã hy sinh. Hai điều trong nguyên tắc bất di bất dịch khi cất bốc hài cốt là phải có xương, răng, không có xương, răng phải có di vật. Vậy nên qua sàng, gạt từng vụn đất để tìm xương cốt liệt sỹ trong đợt vừa rồi, khi cầm trên tay chiếc ví, chiếc bút có ghi dòng tên trên thân bút, linh cảm của anh em như chạm đến điều ước, và đó đã thật sự là điều kỳ diệu khi dòng tên đã được xác nhận thành danh tính liệt sỹ với đầy đủ hồ sơ lưu từ đơn vị.
Vâng, đã có một điều kỳ diệu từ chiến địa xưa Gio An, trở thành linh chứng cho việc khẳng định sự hiện hữu của những đồng đội cùng đội hình trong chiến tranh. Cũng là cơ hội vàng khó có thể hơn để những hài cốt liệt sỹ đã được đưa lên từ cuộc khai quật lần này, và trước đó tại Gio An trong những năm qua sẽ được hoàn nguyên danh tính mà trở về nơi chôn rau cắt rốn chốn quê nhà. Và điều diệu kỳ đó thêm gần hiện thực, khi anh Hoàng Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị khi tiếp nhận bản danh sách 79 liệt sỹ trung đoàn 27 hy sinh và từng được chôn cất tại Gio An được lập nên từ các cựu chiến binh đơn vị và anh chị em tình nguyện cả nước với đầy đủ thông tin liệt sỹ và thông tin thân nhân liệt sỹ hiện tại, và thực hiện nhanh cuộc làm việc qua điện thoại với Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, rồi thông báo ngay: Cục đã hoàn toàn đồng ý với cách tổ chức tập hợp danh sách liệt sỹ, coi đó như bản trích lục thông tin liệt sỹ tập thể để thực hiện việc trưng cầu mẫu phẩm đối chứng làm giám định ADN. Với quyết định của cục, trên cơ sở hợp thức các văn liệu tương ứng quy định theo đề án quy tập hài cốt liệt sỹ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị sẽ có kế hoạch tổ chức việc tiếp cận trực tiếp đến từng địa phương có thân nhân liệt sỹ để thực hiện việc lấy mẫu phẩm và thực hiện tất cả những điều kiện bắt buộc trong quy trình hoàn nguyên danh tính các hài cốt liệt sỹ từng ngã xuống và hiển linh điều diệu kỳ từ linh địa Gio An.