Cũng là nước chảy, mây trôi lỡ làng...

Hoàng Hải Lâm |

Chạm tới năm ngàn năm lịch sử, tức thời điểm ước tính sự có mặt của người Chăm ở miền tây Gio Linh, Quảng Trị.

Không có sự trập trùng của đồi núi, Gio An thuộc vùng trung du với đồi núi thấp. Và nếu lấy núi so với trí tuệ con người, mà ở đây là người Chăm- một nền văn minh rực rỡ phủ lên ngày xưa, ngày nay và cả ngày sau- thì đồi núi Gio An chỉ mang chiều cao vật lí. Trong buổi sớm mai nắng vàng mới lên đã gặp giọt sương vấn vít, màu xanh của Gio An như ánh mắt của người đang yêu. Cứ lúng liếng, diệu vợi, lãng đãng mà mạch nguồn từ những chiếc giếng cổ như những nhân chứng tình yêu. Hay nói đúng hơn đó là vũ trụ của tình yêu, nó chi phối tất cả đời của sinh linh ở vùng gò đồi này.

Con đường hơn 7 km nối từ quốc lộ 1 đến Gio An được người dân Quảng Trị gọi là đường 75. Chỉ đi tầm 2 km với đường nhựa uốn khúc trong bạt ngàn cây cối xanh tươi và đá núi trập trùng. Đá được người dân miền tây đưa về để biến thành cơm. Nghề đá ở đây đã có từ lâu đời, người ta ước tính có hơn 200 năm. Nhưng lật tìm ở những cái giếng cổ năm ngàn năm cũng đã thấy đá biến thành cơm rồi. Chưa nói đến ngày nay khi người dân ở Gio An và các xã lân cận chẻ đá đi bán khắp nơi trong cả nước để có một cuộc sống ấm no. Những truyền nhân của ngàn năm có lẽ đã tỉ mẩn bóc tách từ những khốn khó của núi đá để chọn lấy cho mình cái nghề làm nên cơm áo. Nhưng cái đáng để suy ngẫm, để hàm ơn và nó thực là sự mang ơn của người dân Gio An đối với người Chăm là mấy chục cái giếng nước cho những cánh đồng lúa, những cánh đồng rau liệt xanh đến ngập người.

Nhiều vùng đồng bằng trong tỉnh như Triệu Phong, Vĩnh Linh… giếng cổ người Chăm khởi nguồn từ mạch nước phun lên từ những cánh đồng. Còn đối với Gio An, trên những quả đồi non thoải như chiếc bát úp lên mảnh giấy, của cái thời con người mới đặt chân đến nơi đây. Chưa biết gì về mảnh đất này, thì sự tìm tòi, đầu tiên là nguồn nước để dùng cho sinh hoạt kịp thời, sau đó là nguồn nước theo ý con người. Dùng để tưới tiêu cho nông nghiệp, cho sinh hoạt thường ngày và cả những hoạt động tâm linh. Giếng “pheo”, nơi thể hiện rõ nhất nền văn minh của người Chăm đã nói lên điều đó. Nó có kết cấu ba vòng tròn bằng đá. Và điều đặc biệt là “con mắt” mạch nguồn được dùng đá theo kết cấu âm dương từ lòng núi, sau đó dẫn nước ra. Kết cấu này cho thấy trí tuệ của người xưa thật đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Biết đến âm dương, là biết đến vũ trụ có hai đối cực trong một tổng thể. Và theo nghĩa đen trong sự tìm nguồn nước thì người Chăm đã biết gạn đục, khơi trong, biết tìm những cái tốt đẹp để mang đến cho mình và cộng đồng mình thừa hưởng. Và sau đó là cộng đồng khác sống trên mảnh đất này, đó là hơn bốn ngàn người dân thuộc tám thôn ở xã Gio An. Trong đó các thôn Tân Văn, Hảo Sơn, Long Sơn, An Nha, An Hướng được hưởng lợi trực tiếp, từ nguồn nước được dựng xây năm ngàn năm, từ những chiếc giếng cổ với bể lắng sâu trong.

Năm ngàn năm văn hóa, tính đồng thời với sự ra đời của giếng cổ cũng đáng để bỏ sức con người. Và không hoang phí, đối với sự chinh phục những mảnh đất mà người Việt từng đi qua trong tiến trình phát triển đất nước vào “đàng trong”.

 
 

Cả miền núi Gio An là cả một vương quốc yên bình. Đi qua những con đường ngoằn nghèo, từ lối đá đi rất tịnh là tiếng chim rừng lảnh lót. Còn nước chảy không nghe tiếng. Sự im lìm của dòng nước được khơi nguồn hàng ngàn năm trước không nói lên bằng âm thanh của nước. Chỉ có tiếng người của hôm nay hiện hữu. Cụ Trần Đức Điền, 91 tuổi, người xưa nay hiếm ở làng Hảo Sơn có làn da đỏ au với giọng nói cười sảng khoái. Khi chúng tôi hỏi đến đền tháp người Chăm, cụ mới ngẫm ra ở đâu có người ở thì chí ít cũng có đền đài, nhà cửa, nhất là đối với người Chăm. Khi họ đã biết dùng đá núi để dựng xây những cái giếng mà người đời nay phải gật đầu thán phục thì hà cớ chi không xây dựng đền đài. Đó là một ẩn số.

Ngay cả những gạch đá xây đền hay một vài vật dụng gì đó của người Chăm còn sót lại cũng không có. Chỉ có giếng cổ. Chỉ có những dòng nước trong vắt chảy ra những ruộng rau liệt ở phía thượng nguồn và những ruộng lúa ở vùng hạ lưu của Gio An và một số xã lân cận như Gio Bình, Gio Châu…nước cứ chảy cho qua đi con nước, hồn nhiên như chiếc lá xanh, con chim hót ở trên cành. Rồi một lúc chúng bay đi chỉ làm cho người chứng kiến ngẩn ngơ, đó là lẽ thường tình. Thì vẻ đẹp của những cánh đồng rau ở Gio An, những cái giếng cổ cũng khiến chúng ta ngẩn ngơ đi tìm ngày xưa hiện hữu cũng là lẽ thường tình.

 
Giếng cổ có tuổi đời hàng trăm năm 

Người Chăm xưa đã rạch ròi trong ứng xử. Đã có sự tách bạch hẳn hoi giữa hai giới tính đàn ông và đàn bà, những người đã có quan hệ nam nữ và những người còn trinh trắng. Và trong đời sống tâm linh, đã cho thấy có sự linh nghiệm của thế lực siêu nhiên đối với đời sống con người. Những thứ đó là một trong những yếu tố làm nên nền văn minh rực rỡ của Chăm Pa, đã tạo ra Gio An với những chiếc giếng cổ gắn liền với cuộc sống con người.

Sự phân biệt có chừng mực, rất văn minh và rất văn hóa trong đời sống cộng đồng người Chăm khi kiến tạo mạch nguồn nước cho giếng ông (dùng cho đàn ông); giếng bà (dùng cho đàn bà) và đặc biệt là giếng son (dùng cho nam thanh nữ tú còn trong trắng), giếng trạng (dùng nước trong dịp tế lễ). Những cái đó ra đời từ năm ngàn năm trước, thậm chí hơn. Cứ nghĩ, tâm hồn người Chăm như làn nước ở Gio An, mưa nắng gì bất kể, nước cứ trong. Hạn hán gì cũng mặc, nước cứ chảy. Và lưu lượng không mấy đổi thay, mực nước dao động chỉ đủ để mắt thường nhìn thấy.

Trong các nguồn nước do người mẹ thiên nhiên ban tặng, thì mạch nước ngầm là lựa chọn tối ưu. Hàng ngàn năm trước người Chăm đã nhận thấy điều này, khi chọn mạch nước ngầm trong vắt quanh năm, mát lạnh về mùa nắng nóng và ấm áp vào những ngày đông lạnh giá. Những lớp đá chồng xếp lên nhau chỉ là cái cớ cho nguồn nước chững lại tạo đủ độ sâu để những tấm thân mảnh khảnh của đàn bà lội xuống, những thân hình rắn rỏi của đàn ông bì bõm trong không gian yên bình. Cứ nhìn xung quanh Gio An hôm nay thì có thể tưởng tượng ra một nơi sinh sống yên bình ngày trước. Và sự yên bình ấy chảy suốt hơn năm ngàn năm lịch sử.

 
Hệ thống giếng cổ là công trình độc đáo của người Chăm 

Cũng như thế, đối với ngày trước, như trong suy nghĩ cụ Điền thì người Chăm đã khăn gói ra đi không để lại bất cứ thứ gì ngoài những cái giếng cổ mà người dân Gio An ngày nay vẫn hàm ơn khi được kế thừa. Những cái giếng cổ hiện chỉ đơn thuần là nguồn nước sinh hoạt cho người dân địa phương. Nếu để phát triển du lịch thì Gio An nói riêng và miền tây Gio Linh nói chung đủ sức để trở thành điểm đến hấp dẫn. Nhưng những thứ ấy, cảnh quan, giếng cổ, con người như một nàng công chúa đang ngủ say đợi ngày được hoàng tử đánh thức. Ngút ngàn ở Gio An là những vườn cây xanh, đẹp như bức tranh và những chiếc giếng cổ với lối đi lát đá, có cây cổ thụ vươn mình che bóng mát và những lối dẫn nước ra ruộng rau liệt (tức cải xong, người Pháp khi đến đây gọi rau liệt là xà - lách - xong) đẹp đến ngỡ ngàng.

Trên một vùng gò đồi, sự sinh tồn đã trải qua mấy ngàn năm lịch sử, từ mảnh đất Chăm Pa trước đây cho đến người Việt bây giờ con người luôn biết ơn với người mẹ thiên nhiên. Bằng chứng là nước, nơi khởi đầu của sự sống muôn loài. Nếu người Chăm xưa chẻ đá xây giếng nước thì người dân Gio An ở miền tây Gio Linh giữ cho nguồn nước trong ấy chảy mãi trên mảnh đất này.

Trở lại với hiện thực của Gio An hôm nay, những con nước nhỏ ngoằn nghèo ôm lấy những ruộng rau liệt, tưới tắm cho ruộng lúa rồi quần tụ về một chiếc đập ngăn nước để tưới tiêu cho vùng hạ lưu Gio Linh. Di sản của Gio An là nước, là con người, là sự nhân hậu. Nếu tìm ra được một đối cực nào đấy cho sự bất hòa của trời đất, trong đời sống hiện tại ở đây thì thực tình hiếm hoi chứ đừng nói đến con người. Người đời, sống như nước, cứ chảy hết mình, xuôi về đồng bằng, lượng sức ngang đó rồi thấm sâu vào đất, chờ nắng hóa kiếp và trở về làm những cơn mưa, tạo nên những bàn tay êm ái vuốt ve một vùng nắng rát. Còn giếng cổ Gio An, với mạch nguồn hơn mấy ngàn năm lịch sử vẫn thế. Trong trẻo, êm đềm, tĩnh lặng đến độ chúng tôi đi ngang qua Gio An mà như đi ngang qua đền đài tháp cổ. Trong đó, tiếng nô đùa của trẻ thơ khi chúng quẫy mình trên những vũng nước tạo nên âm thanh như điệu nhạc Apsara mà giếng cổ Gio An là trầm tích của văn hóa, nơi dội về của những âm thanh dĩ vãng khó lòng thanh tẩy.

 
 Lỗi vào giếng cổ

Khách vãng lai khi đi qua miền này, bước trên những tấm đá, trở về giếng cổ như trở về với những tháng năm yên bình nhất của đời người lúc còn là trẻ thơ. Được tắm mát trong làn nước, được ủ ấm chính trong dòng nước và được thanh tẩy cũng trong dòng nước đó. Hơn năm ngàn năm, người Việt ở Gio An có giếng đào, giếng khoan nhưng họ vẫn mải mê bơi trong dòng nước, được tích lại từ bể lắng nguồn của giếng cổ Gio An. Người dân không tổ chức tế lễ, chỉ thắp nén nhang bên những chiếc giếng năm ngàn năm tuổi. Lẽ dĩ nhiên, đó là việc họ thường làm.

Còn chúng tôi, có chút thoáng buồn khi nhìn trời chiều với cảnh nước chảy mây trôi. Về thì không muốn mà ở cũng chẳng xong. Thế mới biết sự phán quyết của lịch sử mới vô cùng nghiệt ngã. Giữa đất trời mênh mông, cứ âm ư điệu Apsara giữa miền yên bình mà lòng trộn trạo những bâng khuâng. Có đá núi, có nước chảy, có mây trôi… mới hiểu được lòng mình. Có thế, mà dùng dằng không dứt, như lỡ yêu một người mà cố chôn vùi đến mấy kiếp chẳng tàn phai.

Cháo cá me cù lao Bắc Phước

Yên Mã Sơn |

Không nổi tiếng như cháo vạt giường, cháo cá lóc Hải Lăng và những món ngon khác của đất Quảng Trị, cháo cá me ngon một cách “nhu mì”, thậm chí vô danh trên cái cù lao bé tí bằng bàn tay – Bắc Phước.

Cù lao Bắc Phước

Yên Mã Sơn |

Sau những bước chân không ngừng nghỉ để kiếm đường mưu sinh, những chuyến đi mải miết với chuyện cơm áo thì lòng thèm đặt chân lên trên mảnh đất cù lao để được nghe tiếng sóng vỗ từ bốn bề, tiếng hàng tre rì rào trong cơn gió nồm. Dường như đất này là chốn nương thân cho bước chân ta khi mỏi gối, chồn chân hay ít nhất nó là nơi để tấm thân này được “refresh - làm tươi mới”. Đó là đất cù lao quê tôi.

Chợ xứ núi

YÊN MÃ SƠN |

Trong tiếng Nhật, chữ “chợ” gồm 3 chữ “phụ nữ” ghép thành. Phải chăng họ quan niệm rằng chợ là những người phụ nữ, sinh ra để dành cho phụ nữ. Trong khuôn khổ gia đình, sang hèn nhờ vợ thì rộng ra bộ mặt của một vùng miền “sang hay hèn” cũng nhìn kinh tế của chợ là biết ngay!

Người Quảng Trị

PHẠM XUÂN DŨNG |

QUANGTRI74.VN: Có lẽ đề tài về đất và người Quảng Trị khó vơi cạn vì bản thân nó đã mang trong mình những tìm tòi, trải nghiệm không có dấu chấm hết. Chính vì vậy mà khi trở lại với đề tài tưởng chừng đã cũ này, tác giả vẫn thấy mới và vẹn nguyên cảm xúc về những con người miệt mài cống hiến cho quê hương, đất nước. Điều này càng ý nghĩa hơn khi Quảng Trị đang náo nức, sôi động kỉ niệm 30 năm trở lại với tên gọi chính mình.