Người Quảng Trị

PHẠM XUÂN DŨNG |

QUANGTRI74.VN: Có lẽ đề tài về đất và người Quảng Trị khó vơi cạn vì bản thân nó đã mang trong mình những tìm tòi, trải nghiệm không có dấu chấm hết. Chính vì vậy mà khi trở lại với đề tài tưởng chừng đã cũ này, tác giả vẫn thấy mới và vẹn nguyên cảm xúc về những con người miệt mài cống hiến cho quê hương, đất nước. Điều này càng ý nghĩa hơn khi Quảng Trị đang náo nức, sôi động kỉ niệm 30 năm trở lại với tên gọi chính mình.

Chương trình lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Quảng Trị diễn ra tối 30.6.2019 tại thành phố tỉnh lỵ Đông Hà. Ảnh: BẢO TRUNG
Chương trình lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Quảng Trị diễn ra tối 30.6.2019 tại thành phố tỉnh lỵ Đông Hà. Ảnh: BẢO TRUNG

Những lãnh đạo trong lòng dân

Tôi xin bắt đầu bài viết này bằng câu chuyện về một người đã khuất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hoan. Không phải vì ông từng giữ chức vụ cao cấp trong hệ thống chính trị, bởi ai hết quan rồi lại hoàn dân và cũng chỉ sống hết một đời người. Điều tôi và chắc có lẽ nhiều độc giả quan tâm là ở khía cạnh khác, cách sống của một con người.

Dông dài một chút, ở Quảng Trị có nhiều ông tên Hoan làm lãnh đạo tỉnh hoặc đứng đầu ngành. Nhưng có hai người được dân yêu mến là ông Lê Văn Hoan, dân thường gọi là ông “Hoan Mặt trận” vì ông hầu như chuyên trách làm công tác mặt trận, được coi là người khi còn đương chức sống và làm việc tử tế, quy tụ được nhân tâm, nhất là ở thời kì đầu khi Quảng Trị trở lại với tên gọi của chính mình. Nay về hưu, anh em trí thức, văn nghệ hay đến nhà thăm chơi, thường gọi ông nửa đùa nửa thật là “Đại lão hòa thượng”, ý nói tính ông hiền lành, hay thương người. Còn ông Hoan thứ hai chính là ông Nguyễn Đức Hoan, hay dân còn gọi là ông “Hoan tóc bạc”, biệt danh theo mái đầu bạc trắng của ông. Muốn biết người chết sống và làm việc ra sao hãy nhìn vào thái độ của người sống. Khi ông Nguyễn Đức Hoan qua đời, nhiều cộng sự và cả người dân tỏ lòng thương tiếc, một nhân quả không phải cán bộ nào cũng đạt được, đặc biệt khi nhận trọng trách ở một địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hoan (thứ hai phải sang) tham quan Hội Báo Xuân năm 2000. Ảnh: TD.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hoan (thứ hai phải sang) tham quan Hội Báo Xuân năm 2000. Ảnh: TD.
 Trước khi tái lập tỉnh hơn mười năm, ông là chỉ huy trưởng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn, một công trình đã lại dấu ấn to lớn và dài lâu với sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị trong suốt gần 40 năm qua, đương nhiên cho đến khi lập lại tỉnh rồi cho đến bây giờ và có lẽ cả mai sau. Chính phong cách sống giản dị, chan hòa, trầm tĩnh, lo lắng việc chung, có tình có lí đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng các cộng sự cũng như nhiều người dân Quảng Trị. Dĩ nhiên nhân vô thập toàn nhưng làm lãnh đạo mà được như những người gần dân, lo toan việc nước giống hai ông Hoan kể cũng là điều không dễ, vì vậy nên các ông đã được dân tình ghi nhận, yêu mến.

Những người dân Quảng Trị

Nhiều người dân Quảng Trị mà tôi có dịp được tiếp xúc đã khiến tôi ngưỡng mộ. Trong bài viết này xin một vài câu chuyện vừa quen, vừa lạ.

Sau tết vừa rồi theo lời giới thiệu của một đồng nghiệp, tôi có chuyến công tác vùng cao Hướng Hóa, đến với làng Đại Thủy thuộc xã Tân Liên, một làng kinh tế mới trẻ nhất tỉnh Quảng Trị, chỉ mới định hình hai mươi năm nay, sau ngày quê hương trở lại tên gọi của chính mình. Làng kinh tế mới thì không thiếu nhưng đây là mô hình kinh tế mới hoàn toàn tự túc, tự lực cánh sinh. Người dân huyện Lệ Thủy, Quảng Bình tiên phong vào đây, quyết tìm một nơi đất lành chim đậu. Ông Võ Xuân Hằng- một trong mấy người đi đầu- nay là trưởng làng, cười tự tin bên chén trà hóm hỉnh kể lại: “Tôi vốn là bộ đội, hồi tại ngũ có công tác ở huyện Hướng Hóa, thích đất đai nơi đây nên sau này vào đây lập nghiệp. Lúc đầu chỉ có năm anh em nhưng quyết tâm lắm. Có đủ năm anh em nhưng không có xe tăng, chỉ có rựa, cuốc, ba lô và những tấm lòng quyết một phen thoát đói nghèo”. Về sau, bà con xã Triệu Đại thuộc huyện Triệu Phong lên đây lập nghiệp. Tên gọi Đại Thủy là được gép từ hai địa danh: Triệu Đại và Lệ Thủy. Ông Nguyễn Cử Cẩn, một người gốc Triệu Đại, ngồi bên vui vẻ tiếp chuyện: “Dân Lệ Thủy và Triệu Đại coi nhau như anh em nên việc gì cần làm, dù khó đến đâu chúng tôi cũng đồng thuận, bà con sống với nhau như đọi (bát) nước đầy”. Bí quyết thành công là vậy, đúng như lời kêu gọi lớn lao và thấm thía của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được nhân dân thường xuyên nhắc nhở: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công/thành công/đại thành công”. Chân lí vĩ đại mà giản dị đã đi vào đời sống đồng bào hôm nay một cách vẹn toàn và đầy thuyết phục.

Lên rừng lại nhớ về biển, nhớ đến những lão ngư như ông Bùi Đình Sành ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Gặp ông vài lần, tôi ấn tượng về ông như với nhân vật chính trong tiểu thuyết “Ông già và biển cả” của văn hào người Mỹ Hê-minh-guê. Vóc người khá cao lớn, chắc nịch, dáng đi mạnh mẽ, khoan thai, giọng nói rành rọt tạo nên khí chất hào sảng khiến người nghe tin cậy và ngưỡng mộ. Miệng nói, tay làm, ông vận động ngư dân làm theo, tập hợp được mọi người trong mưu sinh cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Mọi người coi ông là thủ lĩnh của ngư dân vùng biển Cửa Việt. Ông cũng chính là người đầu tiên ở Quảng Trị hưởng ứng mô hình tự quản của ngư dân trên biển và mô hình này càng ngày càng phát huy tác dụng quan trọng, thiết thực trong hành trình bám biển của ngư dân. Đó không chỉ là câu chuyện mưu sinh đơn thuần mà còn đóng góp nhiều vào việc lớn bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay. Ông Sành từng nói với tôi rằng: “Anh thấy đó, bây giờ mô hình tự quản của ngư dân có lợi ích to lớn như thế nào thì ai cũng thấy rõ, từ bà con ngư dân cho đến chính quyền, bộ đội biên phòng...đều ghi nhận. Phải đoàn kết và có tổ chức trên biển thì mới có thể giúp nhau khi cần, phát huy hiệu quả và góp phần giữ biển của mình”. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi về thăm Quảng Trị đã vui vẻ bắt tay và trò chuyện thân mật với lão ngư Bùi Đình Sành. Nhiều người vẫn nghĩ rằng những mẻ cá lịch sử trong vài năm trở lại đây của ngư dân Cửa Việt đã chứng minh tinh thần vượt khó bám biển của bà con ngư dân và cũng chứng tỏ vai trò, sự ảnh hưởng của “thủ lĩnh biển khơi” như ông Bùi Đình Sành. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh miền Trung sau sự cố môi trường biển.

Bây giờ Đảng, Nhà nước đang kêu gọi cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền nêu gương. Rất cần như thế. Nhưng ở Quảng Trị có những con người từ lâu coi điều này như một lẽ sống tự nhiên ngấm vào hơi thở và máu thịt của mình. Là tôi muốn nói đến những người như thầy thuốc Đông y dân tộc Vân Kiều Hồ Văn Hùng ở huyện Đak Rông. Ông nguyên là cán bộ huyện ủy luôn gương mẫu trong công việc. Nhưng ngày nghỉ ông lại không ngơi tay vì tranh thủ chữa bệnh cho bà con gần xa bằng y thuật cổ truyền. Đến khi về hưu, tưởng sẽ an nhàn, nhưng ông lại càng bận rộn hơn với các bệnh nhân. Ông chữa bệnh chủ yếu lấy tiền thuốc, làm phúc không làm giàu, người nào quá nghèo ông giúp luôn. Hàng chục năm qua đã có hàng vạn người nhờ ông mà khỏi bệnh hoặc phục hồi sau tai nạn giao thông. Không những thế, ông còn là người hòa giải những xích mích và tuyên truyền bà con đừng mê tín dị đoan, ốm đau phải nhờ vào y học, Tây y hay Đông y đều được. Lúc vui chuyện, ông nói: “Nhiều lúc cũng quá vất vả vì mình tuổi đã cao nhưng lại nghĩ những người bị chấn thương do tai nạn giao thông hay người bệnh đi đứng không nổi phải đến nhờ mình nên tôi phải gắng. Còn sống ngày nào, tôi giúp bà con ngày nấy. Mình vì mọi người mà, ai sống cũng thế, mà mình lại còn là đảng viên thì càng phải giúp dân”.

Mấy chục năm qua nguồn nhân lực chất lượng của Quảng Trị không ngừng được tăng cường, một phần đáng kể từ các trường đại học. Và không thể không nói đến sự đóng góp thiết thực, chân tình và cảm động của quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với các ban ngành thực hiện. Một người chúng ta không thể không nhắc đến, đó là doanh nhân Lê Quốc Phong. Anh đã bằng nhiều cách huy động hằng tâm, hằng sản hỗ trợ cho con em quê nhà là những tân sinh viên vượt khó. Những đóng góp của anh đầy hiệu quả, tạo nên sức lan tỏa và gây men cảm hứng cộng đồng, khiến mọi người cảm kích. Không những thế, anh còn cho xây dựng nhà máy phân bón Bình Điền mang thương hiệu “Đầu trâu” trên quê nhà tiếp sức cho bà con nông dân. Một người làm được nhiều việc cho cộng đồng và quê hương như thế nhưng chẳng hề nói nhiều về mình, chỉ thích ngồi lại với anh em sau những công việc vất vả và tâm huyết, rồi hát say sưa như... một người Quảng Trị! Rất nhiều người dân nói rằng: làm giàu như thế, làm doanh nghiêp như thế, như anh Lê Quốc Phong thì ai mà không ngưỡng mộ.

Tôi muốn kết bài viết này về một Việt kiều Quảng Trị đang định cư ở Mỹ. Tôi cũng đã có lần nhắc đến ông, Phạm Quyến. Hôm gặp lại, ông vẫn say sưa nói về ý tưởng làm dự án du lịch dựa trên việc phục dựng hàng rào điện tử Mc.namara, một tiềm năng du lịch đặc biệt, một “cơ hội vàng” chỉ có ở Quảng Trị. Ông cho tôi và mọi người xem bằng chứng xác thực những mối quan hệ với các cựu tướng lĩnh nước Mỹ, từ trung tướng, đại tướng, các nghị sĩ, những người có uy tín bên kia đại dương. Họ đều nóng lòng chờ đợi dự án này và cũng hết lòng ủng hộ theo cách của mình. Được biết ý tưởng của ông Quyến đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị ghi nhận, hiện đang tiếp tục xúc tiến. Mong rằng một ý tưởng làm kinh tế du lịch và hữu nghị như thế sẽ vượt qua khó khăn, nhất là những trở ngại về thủ tục sớm trở thành hiện thực. Được hỏi vì sao một người cao tuổi, lại có công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao lại tha thiết với ý tưởng này như vậy, ông Quyến trả lời một câu ngắn gọn mà thấm đẫm nghĩa tình: “Vì tôi yêu quê hương, muốn chân tình đóng góp một điều gì đó cho Quảng Trị”.

Vậy một Quảng Trị với những tiềm năng như thế, con người như thế lẽ nào cam chịu đói nghèo, tụt hậu. Câu trả lời chắc chắn là: Không!

TAGS

20 giờ tối nay: Chương trình nghệ thuật "Quảng Trị - Niềm tin & Khát vọng

G.LINH |

Vào lúc 20 giờ ngày 30.6, tại Trung tâm Văn hoá- Điện ảnh tỉnh Quảng Trị diễn ra chương trình nghệ thuật QUẢNG TRỊ-NIỀM TIN & KHÁT VỌNG nhân lễ kỷ niệm 30 năm Ngày lập lại tỉnh Quảng Trị (1.7.2989 - 1.7.2019). Sau chương trình nghệ thuật đặc biệt là màn bắn pháo hoa nghệ thuật.

Quảng Trị khai mở “vùng đất vàng”

TIẾN NHẤT – HƯNG THƠ |

Chưa bao giờ, tỉnh Quảng Trị lại rầm rộ với những tìm tòi, đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi như bây giờ. Với những tiềm năng sẵn có và những kỳ vọng đang được nỗ lực thực hiện, Quảng Trị đặt ra mục tiêu trở thành “vùng đất vàng” đối với các dự án đầu tư của các DN trong và ngoài nước…

Quảng Trị: Khởi công thêm 2 Nhà máy điện gió

QUANGTRI74.VN |

Ngày 27.6.2019,  tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị), Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX phối hợp với UBND tỉnh tổ chức lễ khởi công hai dự án nhà máy điện gió Hướng Phùng 2 và Hướng Phùng 3.