Chợ xứ núi

YÊN MÃ SƠN |

Trong tiếng Nhật, chữ “chợ” gồm 3 chữ “phụ nữ” ghép thành. Phải chăng họ quan niệm rằng chợ là những người phụ nữ, sinh ra để dành cho phụ nữ. Trong khuôn khổ gia đình, sang hèn nhờ vợ thì rộng ra bộ mặt của một vùng miền “sang hay hèn” cũng nhìn kinh tế của chợ là biết ngay!

“Sáng chợ Dưới, chiều chợ Côi

Quanh đi, quẩn lại hai nồi, bốn triêng”

Câu ca tả thực về dáng mẹ, dáng chị ở xứ núi Lao Bảo buổi sáng bán chợ Dưới (chợ Tân Phước), buổi chiều bán chợ Côi (chợ Thương mại Lao Bảo) sao mà thân thương. Cái thị trấn “bé xíu” nằm cuối đường Quốc lộ 9 vốn đã mang trong mình cái “máu” giao thương buôn bán nên đã hình thành hai cái chợ để đáp ứng nhu cầu đó. Dù hai ngôi chợ này hình thành muộn hơn so với những chợ có mặt trên trục đường xuyên Á, nhưng quy mô và sự sôi động của nó thì không hề kém cạnh.

Chợ Lao Bảo hình thành từ năm 1975, khi dòng người từ xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong di cư lên làm kinh tế mới. Cũng như các ngôi chợ khác đều đặt ở những vị trí đắc địa, nhằm thuận lợi cho việc đi lại, chợ Lao Bảo ban đầu họp ở một khoảnh đất ở ngã ba đường vào làng Tân Kim (nay là ngã ba Lê Thế Tiết - Phan Đăng Lưu). Chợ ban đầu chỉ lưa thưa vài cái chòi để người dân các thôn đưa rau củ quả và cá ra bày bán, chợ họp sớm rồi chóng tan khi nắng vừa lên. Về sau chợ Lao Bảo chuyển về ngã ba ông Thản (ngã ba Quốc lộ 9 và Lê Thế Tiết), nhưng do mặt bằng nhỏ hẹp, không đáp ứng với sự phát triển của địa phương nên năm 1989 chợ lại chuyển lên khu đất nằm sát Quốc lộ 9, nằm giữa đường Huyền Trân Công Chúa và đường Hữu Nghị như ngày nay. Từ khi hình thành chợ Lao Bảo, các tiểu thương đã xây nhà quanh chợ để tiện kinh doanh và cùng với các hộ gia đình ở hai tuyến đường sát chợ lập nên xóm Chợ. Năm 1995, xã Tân Phước đổi tên thành thị trấn Lao Bảo, xóm Chợ trở thành khóm Chợ và cũng trở thành đơn vị hành chính của thị trấn Lao Bảo. Sau khi khu thương mại Lao Bảo được hình thành, nhà nước cho xây Trung tâm thương mại Lao Bảo và chuyển toàn bộ các quầy quán tại chợ Lao Bảo lên đây. Khóm Chợ xóa sổ. Ngôi chợ cũ để hoang hóa theo thời gian cho đến khi các tiểu thương buôn cá ở xã Triệu Phước cùng với các hộ bán rau màu ở các vùng lân cận của Lao Bảo tổ chức họp chợ trên nền chợ cũ. Lâu ngày chợ đông dần và chính quyền cho xây dựng chợ mới khang trang trên cái nền đất hoang phế đó. Chợ này được gọi là chợ Tân Phước (tên cũ của thị trấn Lao Bảo) mà người dân ở đây gọi là chợ Cộ hay chợ Dưới để phân biệt với chợ Thương mại Lao Bảo - chợ Mới hay chợ Côi.

Dài dòng vậy để biết lịch sử của ngôi chợ Lao Bảo trong mấy lần thay đổi vị trí để có được như hôm nay. Từ năm 1975 đến nay tuy không lâu nhưng vì sự phát triển và tiềm năng của vùng đất biên ải nên nó không ngừng nới rộng và thay đổi.

Chợ Lao Bảo như cái tên gọi của nó là trung tâm thương mại nên chủ yếu các hộ kinh doanh bán hàng cao cấp như đồ điện tử, rượu, áo quần… với ba ngôi nhà A1, A2, A3 phân biệt rõ ràng. Sau lưng là các đình kinh doanh nông sản nhưng có vẻ mờ nhạt trước sự bề thế của quầy hàng cao cấp. Những năm trước khi chính sách thuế còn ưu đãi, chợ Lao Bảo thu hút khách du lịch từ các tỉnh trong cả nước đến mua sắm. Nhưng nay thì điều đó đã trở thành thời hoàng kim quá vãng. Hiện nay các quầy quán thu hẹp dần theo lượng khách đến Lao Bảo. Các cửa hàng bán hàng cao cấp ít dần, thay vào đó là hàng nông sản. Chợ này đã trở thành đầu mối phân phối hàng hóa sang Lào. Hàng ngàn thứ hàng hóa được chất đầy lên xe để trung chuyển sang Lào.

Chợ Tân Phước khiêm tốn như cái tên của nó - chợ Cộ. Chợ bắt đầu họp vào 5 giờ sáng, khi tiếng chặt thịt heo từ các sạp thịt lạch cạch cũng là lúc các chị các mẹ ai gần thì triêng gióng gánh rau ra chợ, ai xa thì đèo xe máy. Chợ chỉ họp vào buổi sáng đến trưa là các chủ hàng gói ghém lên chợ Côi bán tiếp. Hỏi vì sao không bán cả ngày mà chạy đi chạy lại cho mệt. Ai cũng bảo cá, tôm hết là chợ tan. Chợ vốn hình thành nhờ các lái buôn ở tận đồng bằng xã Triệu Phước, mà cụ thể là những người buôn cá ở cù lao Bắc Phước. Khoảng 4 giờ sáng những người này mua cá từ chợ cá Bắc Phước rồi theo xe đò lên đây. Đến nơi gần 8 giờ sáng. Khi cá, tôm lên là chợ bắt đầu đông, nhộn nhịp. Những mớ cá vượt cả trăm cây số sau hai giờ đồng hồ là có mặt tại xứ sở biên giới. Cá từ sông Thạch Hãn, từ biển Cửa Việt được đưa lên góp mặt làm nên những món ngon trong mâm cơm của người dân xứ núi khi cá ở sông Sê Pôn hay cá ao hồ quanh đây không đủ đáp ứng. Theo những người buôn bán, có bao nhiêu món ngon vật lạ đều dành cho Lao Bảo. Có khi ở quê đi chợ muộn là không có cá ngon vì có bao nhiêu đã chuyển lên Lao Bảo, họ bảo chợ này “được giá” hơn. Người ta nói đùa một nửa chợ Dưới là dân buôn cá Triệu Phước lên nghe có vẻ hơi quá nhưng sự thực những ngày mưa bão to, nếu không có người buôn cá từ xã Triệu Phước đưa cá lên thì người dân xứ này cũng lao đao vì thiếu dĩa cá trên bàn ăn.

Đúng như tên gọi chợ nông sản, ở chợ Dưới đa phần là những gánh rau được trồng từ phù sa ven sông Sê Pôn. Bên cạnh đó là sự góp mặt của khu chợ Vân Kiều của đồng bào ở các bản Ka Túp, Ka Tăng, Hà Lệt và cả nước bạn Lào buổi sáng vượt sông Sê Pôn qua bán. Khu chợ Vân Kiều chủ yếu bày bán sản vật của rừng như rau dớn, măng, lá giang… Chủ hàng là những chị, những em váy áo sặc sỡ nhưng hiền lành, đáng yêu, chẳng bao giờ bán hai giá. Sáng tinh mơ các em cõng hàng từ bản về chợ, bán không hết thì chiều lên chợ Côi bán tiếp. Măng năm ngàn một gói là cứ năm ngàn, chợ sắp tan mà bốn ngàn nhất định không là không. Hỏi sao trưa rồi không hạ giá mà bán để về sớm. Bảo bán không hết thì lúc khác bán chứ lấy được một mụt măng khó lắm. Họ thật thà, trong sáng như nước suối chảy qua bản!

Những buồng chuối từ bên kia biên giới Lào xa xôi cũng góp mặt ở ngôi chợ nhỏ nhoi này. Đó là người dân các bản Ka Túp, Ka Leng bên kia sông Sê Pôn vốn là con dân người Việt, làm dâu bên kia sông. Họ có mặt ở chợ muộn hơn và thường mang nông lâm sản đến bán rồi mua áo quần, nếp gạo về. Những món ngon vật lạ cũng từ những chủ hàng Việt kiều này mà có. Đó là những oi dế được đào ven sông, vài ba con dúi (hay cù lúi), đặc biệt là kỳ đà, sâu tre. Các chị kể, đến mùa đốt rẫy thì kỳ đà nhiều vô kể, ăn không hết nên đem bán. Chợ thi thoảng lẫn lộn tiếng Lào chèn vào tiếng Việt. Những người phụ nữ Lào vốn “khoái khẩu” món mực tươi của vùng biển Cửa Việt nên thường xuyên vượt cửa khẩu sang mua. Họ ngã giá bằng tiếng Việt nhưng khi diễn đạt không hết ý cũng sử dụng tiếng Lào. Và đương nhiên những “con buôn” ở xứ đồng bằng, xứ biển Triệu Phong cũng bắt đầu biết “khặp chày, khặp chày” (cám ơn) khi khách mua hàng.

Những sạp hàng ẩm thực nằm khiêm tốn trong khu chợ nhưng hương thơm của nó vấn vương xa gần. Gánh bánh xèo của mệ Trọng có mặt ở xứ này ngót nghét 30 năm nhưng hương vị vẫn không đổi. Buổi sáng mệ bán ở chợ Dưới, chiều thủng thẳng lên chợ Côi. Cứ thế mà nuôi cả đàn con ăn học nên người. Người dân xứ núi bảo ở xứ này không có món gì đại diện đặc sản cho vùng nhưng với vùng đất kinh tế mới, vùng đất của dân tứ xứ thì bao nhiêu món ngon của thiên hạ đều có mặt ở nơi xa xôi này.

Ngay cạnh chợ Dưới là bến xe cũ. Nhỏ khiêm tốn đủ đậu 5 chiếc xe khách. Trưa, khi cánh tài xế nhá còi inh ỏi là người buôn cá bắt đầu hạ giá, trút hàng để thu vén lên xe. Lúc hàng cá hết người bán thì chợ cũng bắt đầu tan. Các gánh hàng rau củ bắt đầu theo quầy cá mà định mức giá sao cho bán càng nhanh càng tốt, đỡ phải gánh nặng lên chợ Côi. Và khi những chiếc xe cá quay đầu về xuôi thì chợ vãn dần, đến trưa thì không còn một bóng người.

Chợ bắt đầu bằng tiếng lạch cạch chặt thịt và kết thúc bằng tiếng còi vội vã của những chiếc xe khách. Họp và tan chóng vánh nhưng cái đông đúc, nhộn nhịp thì lúc nào cũng có. Ở đó, người phụ nữ thức khuya dậy sớm, đảm đang chịu thương chịu khó gồng gánh đắp đổi qua ngày như một “định mệnh” của trời đất. Thế nên các cụ dạy rằng trai khôn tìm vợ chốn chợ đông thì chẳng bao giờ sai. Trong tiếng Nhật, chữ “chợ” gồm 3 chữ “phụ nữ” ghép thành. Phải chăng họ quan niệm rằng chợ là những người phụ nữ, sinh ra để dành cho phụ nữ. Trong khuôn khổ gia đình, sang hèn nhờ vợ thì rộng ra bộ mặt của một vùng miền “sang hay hèn” cũng nhìn kinh tế của chợ là biết ngay!

Trên con đường xuyên Á, chợ xứ núi Lao Bảo cũng là “những phụ nữ” đáng trân trọng vậy.

Quảng Trị sẽ trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam

HƯNG THƠ |

Ghi nhận và đánh giá cao những thành quả của tỉnh Quảng Trị đã đạt được trong 30 năm qua. Đảng và Nhà nước đã trao tặng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị nhiều phần thưởng cao quý.

Người Quảng Trị

PHẠM XUÂN DŨNG |

QUANGTRI74.VN: Có lẽ đề tài về đất và người Quảng Trị khó vơi cạn vì bản thân nó đã mang trong mình những tìm tòi, trải nghiệm không có dấu chấm hết. Chính vì vậy mà khi trở lại với đề tài tưởng chừng đã cũ này, tác giả vẫn thấy mới và vẹn nguyên cảm xúc về những con người miệt mài cống hiến cho quê hương, đất nước. Điều này càng ý nghĩa hơn khi Quảng Trị đang náo nức, sôi động kỉ niệm 30 năm trở lại với tên gọi chính mình.

Những đôi mắt

NGÔ HẢI PHONG |

Nhìn vào đấy, có cái gì vừa ấm áp, hạnh phúc và xót xa