Nghĩa Trủng Đàn - Một di sản đạo lí của người Quảng Trị

Nguyễn Duy Hùng |

Nghĩa Trủng là tên gọi của một nghĩa trang được xây dựng vào năm 1872 (năm Tự Đức thứ 25). 

Năm 1872, ông Hoàng Hữu Lợi cùng phu nhân đã bàn bạc nhau mua một mảnh đất 7 sào của cư dân làng Thạch Hãn, trong đó ông bà đã dành riêng 3 sào để lập nghĩa trang và tiến hành cho di dời những mồ mả vô chủ ở bờ sông Thạch Hãn và nhiều nơi khác trong tỉnh về qui táng.

Đây là những hài cốt vô chủ bị lũ lụt của sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Định hàng năm làm xói lở và hoàn toàn không có sự liên quan đến huyết thống với gia tộc họ Hoàng Hữu ở Bích Khê - Triệu Long. Cũng chính tại nghĩa trang này, ông Hoàng Hữu Xứng con trai của ông Hoàng Hữu Lợi và phu nhân Lê Thị Hơn lúc đó đang giử chức Bố chánh Thanh Hoá đã tiếp ý cha, tìm và đưa về qui táng vào nghĩa trang này nhiều hài cốt của những người đồng hương và các sĩ tử thuộc đoàn quân Tây Sơn miền Thuận Quảng theo vua Quang Trung Nguyễn Huệ ra chinh phạt quân Thanh đã bỏ mình nằm lại. Ông đã thuê người cất bốc, thu nhặt hơn 600 bộ hài cốt rồi thuê ghe bầu ngược vào Thuận Quảng, đưa về mai táng ở Nghĩa trũng. Vào ngày 25 tháng chạp Âm lịch  hàng năm, tại Nghĩa Trủng luôn diễn ra Lễ tế do Tỉnh hạt Quảng Trị và các quan đầu tỉnh như: Tuần vũ Đào Thái Hanh, Lê Từ thường đứng vai chủ tế. Việc chăm sóc hương khói cho nghĩa trang ngoài những người con của Hoàng tộc ở Bích Khê - Triệu long thường xuyên bám sát định kỳ còn có những người của tỉnh cắt cử và được phong hàm, miễn siêu dịch và được cấp ruộng đất trong đó có 7 sào đất nói trên làm trợ cấp đền đáp công lao phục vụ hương khói.

 
 Ảnh: Nguyễn Duy Hùng

Đúng như tên gọi của nó, Nghĩa Trủng là ngôi mộ vì nghĩa để chôn cất những nắm xương lạc loài, là di chỉ từ những biến cố thiên nhiên, lịch sử và những thảm cảnh số phận con người. Nghĩa Trủng hiện nay toạ lạc trên khu đất ruộng của làng Thạch Hãn, thuộc khu phố 8, phường 3, thị xã Quảng Trị. Nghĩa Trủng được xây dựng trên khu đất rộng lớn có chiều dài 70m, chiều ngang 17m và chiều cao 1m so với mặt ruộng, đây là nơi yên nghỉ của hơn 1000 hài cốt vô danh. Bên cạnh khu đất mà ông bà Hoàng Hữu Lợi đã qui táng  còn cho xây dựng thêm công trình khác đó là Nghĩa Trủng Đàn, Nghĩa Trủng Đàn là nơi thờ cúng các vong linh cô hồn, Nghĩa Trủng Đàn bao gồm các hạng mục như: 2 chánh điện, 2 bàn tã hữu, 1 bàn Hội đồng kết liền với Hương án chính ở phía trước. Trước mặt tiền là tấm Bình phong và có thành bao bọc xung quanh chỉ chừa một lối ra vào ở chính diện, hai bên có 2 trụ lung cao vượt lên.

Vị sáng lập ra Nghĩa Trủng là một Bô lão làng Bích khê - Triệu Long có tên Hoàng Hữu Lợi. Hoàng Hữu Lợi tự là Hoà Nghĩa, hiệu là Ngu Hồ Tiên Sinh, ông sinh ngày 24.12.1809 năm Kỷ Tỵ (Gia Long thứ 8), mất ngày 26.03.1876 năm Bính Tý (Tự Đức thứ 29) là một con người nho học uyên thâm, là thầy dạy hầu hết con cháu trong gia đình mà về sau đều là những tài năng xuất chúng, đỗ đạt cao, đức hạnh tốt đem tiếng thơm cho dòng họ, làm rạng rỡ tông môn, ông là một vì sao sáng chói của dòng họ về kiến văn, tài năng và đức hạnh. Chính vì vậy, năm 1898 ông Hoàng Hữu Lợi đời 16 Hoàng tộc Bích Khê - Triệu Long đã được Triều đình Nguyễn ban tặng Sắc phong TRUNG PHỤNG ĐẠI PHU.

Tuy nhiên khi chiến tranh nổ ra, những người con trong Hoàng tộc phải tha hương, lánh nạn mưu sinh nên không còn mấy ai nhớ đến nghĩa trang này. Năm 1972 đúng 100 năm sau khi Nghĩa Trủng được xây dựng, cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược của nhân dân ta bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt. Cùng với thời gian, sự phong hoá của thiên nhiên và đặc biệt là sự huỷ diệt của bom đạn trong 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị. Nghĩa Trủng nằm gần với Thành cổ nên các hạng mục công trình gần như bị sụp đỗ hoàn toàn. Trong đống đổ nát hoang tàn đó ông Nguyễn Đình Ngữ và Phạm Bá Trai là hai cư dân sinh sống tại làng Thạch Hãn thường xuyên chăm sóc, hương khói tại đền đã tiến hành công tác tái thiết Đàn Nghĩa Trủng và tìm thấy hai câu đối ở 2 cột chính điện có nội dung như sau :

                                    “ Ân Đức thiên thu tại

                                     Hương yên vạn cổ tồn  ”

          Dịch là:            “ Ân đức ngàn thu sẵn

                                   Khói hương vạn cổ tồn ”

Xuất phát từ nhận thức đúng đắn và kế thừa sự nghiệp của cha ông, năm 1990, ông Hoàng Hữu Dai, con trai thứ tư của Cụ Hồng Lãng Hoàng Hữu Thãng và Bà Phan Thị Truy, là cháu đích tôn của Ngài Hiệp Biện Đại học sĩ Hoàng Hữu Xứng đã vận động con cháu nội ngoại đóng góp để sớm phục hồi di sản đạo lý của tổ tiên. Đến ngày 01.04.1994, công tác tái thiết Nghĩa Trủng của con cháu Hoàng tộc được khánh thành với sự tham dự của đông đảo con cháu trong dòng họ và cư dân làng Thạch Hãn. Hai năm sau, ngày 25.8.1996 nhằm ngày Lễ Vu lan năm Bính Tý, ngày mà dân gian gọi là ngày Lễ “Xá tội vong nhân” công tác chỉnh trang đợt II được hoàn thành với 2 công trình lớn: 2 tường rào ở phía đông và phía tây có tổng chiều dài 34m, ở vị trí trung tâm khu mộ đặt một Văn bia, phụng soạn Văn bia này là Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường (đời 16, gia tộc họ Hoàng).

Nội dung văn bia được lập như sau:

Tìm một mảnh đất để nắm xương lạc loài có chỗ qui về ấy là đạo lý của người sống đối với sinh linh bất hạnh đã khuất. Nghĩa Trủng này được lập nên là bởi điều nhân, dù nhỏ không thể không làm vậy. Vị sáng lập Nghĩa Trủng là ngài Hoàng Hữu Lợi, tước Trung nghị đại phu Phó Đô ngự sử, tiền nhân đời 12 của Hoàng tộc, Bích Khê, Quảng Trị. Nguyên thường năm chứng kiến nhiều mộ phần vô chủ dọc sông Thạch Hãn bị lũ lụt xói lở rất thương tâm. Ngài cùng phu nhân phát nguyện mua khu đất này của làng Thạch Hãn làm nơi quy táng. Nghĩa Trủng được kiến lập năm Tự Đức thứ 25 (1872).
 
 Ảnh: Nguyễn Duy Hùng

Trưởng nam ngài Hữu Lợi là Hiệp Biện Đại học sĩ Hoàng Hữu Xứng, thời làm Tuần phủ Hà Nội, nhận thấy nhiều di chỉ mộ hoang ở vùng quản hạt, hỏi kỳ lão, được biết đều là của nghĩa quân Tây Sơn hồi chinh phạt quân Thanh. Thiết nghĩ, đến xương tàn của giặc còn được qui táng thành gò, huống đây là di hài của các chiến sĩ vì nước quên mình, bèn thu tập đưa về an táng ở Nghĩa Trủng này. Trước sau, Nghĩa Trủng là nơi yên nghĩ của hơn nghìn vong linh vốn dĩ bơ vơ trong trời đất, hơn phân nửa là liệt sĩ vô danh của đoàn quân áo vải cờ đào.

Thời vua Nguyễn, Nghĩa Trủng được ban hưởng qui chế quốc gia do chính quyền tỉnh Quảng Trị đảm nhiệm, cấp ruộng tự điền, miễn sưu, phong hàm cho những người trực tiếp coi sóc. Các Tuần phủ sở tại như Lê Từ, Đào Thái Hanh hằng năm từng đến chủ tế. Nội tộc họ Hoàng nối đời chăm việc khói hương.

Vào năm 1972, Nghĩa Trủng bị đổ nát. Con cháu họ Hoàng trong nước và Hải ngoại chung góp tài lực lo việc tái thiết, thêm công đức của kỳ lão và hương dân Thạch Hãn, Nghĩa Trủng được trùng tu qua hai đợt, hoàn tất vào ngày 26.8.1996.

Tổ tiên ươm trồng, hậu bối từng ngày vun đắp, để cây đức mãi mãi xanh tươi. Đó là nghiêm huấn của các tiên hiền đã lao khổ dựng nghiệp nơi quê hương linh kiệt, con cháu Hoàng tộc khắc cốt mang theo dù phải sống ly hương khắp bốn phương trời.

Năm 2002, con cháu Hoàng tộc cùng với Hợp tác xã Nông nghiệp Thạch Hãn đã tiến hành đắp một con đường bằng đất từ đường Nguyễn Trãi hiện nay chạy thẳng vào Nghĩa Trủng. Trong bài phát biểu nhân Lễ ra mắt con đường này, ông Hoàng Hữu Hạch một người con trong Hoàng tộc đã phát biểu: “… Đó là con đường nối liền tình nghĩa Bích khê - Thạch Hãn, con đường kết hợp nhiều mặt phúc lợi vật chất và tinh thần cho đời sống con người, con đường giao cảm huyền nhiệm giữa hai thế giới âm và dương, con đường giữ đậm đà kỷ niệm tình yêu quê hương của con người trong và nước ngoài, con đường tôn vinh cho sự sâu sát của chính quyền đối với các nguyện vọng thực tiễn của nhân dân… ”.

Sau công trình nói trên, ngày 24.8.2002, lại thêm hai công trình lớn khác tại Nghĩa Trủng được khánh thành, đó là dãy tường rào sau khu mộ địa có tổng chiều dài 100m được nối vào 2 tường thành Đông Tây của nghĩa trang. Và ở mặt trước nghĩa trang là cổng tam quan với Long, Lân, Quy, Phụng, ở hai cột chánh điện là 2 câu đối:

                                  “Thạch Hãn thơm nguồn đức hạnh

                                      Hồng Khê vững trọn nghĩa tình”.

Qua một thời gian sau, gia đình ông Hoàng Hữu Kham đã tài trợ để xây dựng nốt phần tường thành phía trước để bao kín khu nghĩa trang. Nghĩa vụ tâm linh của con cháu Hoàng tộc vẫn tiếp tục không dứt, như quyết tâm chung của con cháu Hoàng tộc là phải làm cho di sản mà cha ông để lại trở thành một Di tích lịch sử danh thắng được nhiều người biết đến chứ không chỉ dừng lại trong phạm vi là cơ sở của một dòng họ. Thể hiện quyết tâm ấy, trong một dịp về thăm quê, sửa sang lăng mộ cho tổ tiên ở Bích Khê, ngày 01.10.2003, ông Hoàng Hữu Pha đã vận động Trường THPT Dân lập Hồng Đức, TP Hồ Chí Minh cúng dường vào Nghĩa Trủng 1 độc lư bằng bêtông cao 2m trị giá 3 triệu đồng và còn tặng thêm số tiền 5 triệu đồng để tu sửa con đường và triệt hạ một số cây lớn tránh làm hư hại công trình trong mùa mưa bão. Tháng 9.2007, tại Nghĩa Trủng Đàn đã khánh thành công trình nữa là Cổng tam quan và dãy tường rào tương đối bề thế, hai bên cổng tam quan được khắc hai câu đối bằng chữ hán với nội dung như sau:  “Lịch tích thiên thu bằng thử địa

                              Tâm hương nhất niệm tưởng anh hồn ”.

Tiếp đó vào sáng này 12 tháng Chạp (tức 15.01.2011) sau gần 3 tháng thi công nâng cấp, tôn tạo Đàn Nghĩa Trủng với sự tài trợ của con cháu Hoàng tộc - Bích Khê cũng đã hoàn thành khá khang trang, ấm cúng hơn. Trước đó, ngày 16.12.2010 UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2437/QĐ-UBND về việc công nhận “Nghĩa Trủng Đàn” là Di tích lịch sử cấp tinh, thành phố. Như vậy, từ nay trở về sau, với sự quan tâm của chính quyền các cấp ở địa phương, sự nhiệt tình chăm sóc hương khói của cư dân làng Thạch Hãn cùng với sự chung tay góp sức của bà con Hoàng tộc - Bích Khê - Triệu Long, tin tưởng rằng Nghĩa Trủng Đàn sẽ từng bước được tôn tạo trang nghiêm, bề thế và toàn diện hơn trong thời gian tới, xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa văn hóa của di tích này.

TAGS

Nắng xuân ấm khắp bản làng

Nguyễn Thành Phú |

Ở miền núi huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) có một bản nhỏ nằm nép mình khiêm tốn dưới chân dãy núi Trường Sơn hùng vỹ, 28 nóc nhà sàn là chỗ sinh sống của người dân tộc thiểu số Vân Kiều, đó là bản Tà Păng. 

Gieo ước mơ ở thung lũng Silicon

Trương Quang Hiệp |

Từ quê hương Quảng Trị, Nguyễn Hải Thạch đã vươn đến nước Mỹ xa xôi và tìm được một công việc mơ ước tại thung lũng Silicon. Nơi đây, ngày ngày Hải Thạch miệt mài cống hiến và ấp ủ hoài bão lớn.

Cần có thêm một Khu Kinh tế cửa khẩu La Lay

Đan Tâm |

Sau khi thành lập và có bước khởi động tích cực của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, việc hướng đến xây dựng Khu thương mại chung xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan và đặc biệt là hình thành Khu kinh tế cửa khẩu La Lay đang đặt ra rất cấp thiết nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế các khu kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở những vùng còn nhiều khó khăn của tỉnh.

Phía tây Cam Lộ

Xuân Dũng |

Ngày xưa xứ Cùa xa xôi, diệu vợi và gần như biệt lập, xa hơn cả nơi mà Lê Qúy Đôn từng gọi là thượng du Cam Lộ là những thôn xóm ở trung tâm huyện lỵ Cam Lộ hiện nay, dưới chân đèo Cùa, còn có người gọi là đèo Con Cui.