Ở miền núi huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) có một bản nhỏ nằm nép mình khiêm tốn dưới chân dãy núi Trường Sơn hùng vỹ, 28 nóc nhà sàn là chỗ sinh sống của người dân tộc thiểu số Vân Kiều, đó là bản Tà Păng.
Dẫu còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng từng con người Vân Kiều nơi bản nhỏ này luôn không ngừng phấn đấu để cho bản làng mình thay da đổi thịt từng ngày. Khởi nguồn cho muôn vàn cái đổi thay đó chính là nhờ tấm lòng của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cù Bai - nay là Đồn Biên phòng Hướng Lập để dựng xây niềm tin kiên trung, sắt đá trong trái tim người dân vào tương lai tốt đẹp.
Cung đường vào bản Tà Păng bắt đầu từ trụ sở Đồn Biên phòng Hướng Lập, đây là địa danh mà rất nhiều người đã biết đến bởi có đỉnh Động Mang là mạch nguồn đầu tiên của dòng sông Bến Hải và dòng Sê Băng Hiêng chở nghĩa nặng thủy chung của hai dân tộc Việt - Lào. Nơi có động Brai, đỉnh Cà Tam và tuyến đường mòn Hồ Chí Minh một thời lịch sử khắc ghi sự ác liệt của chiến tranh cho vùng đất được gọi là “Cửa tử” nhưng lòng dũng cảm, kiên trung của người dân, của bộ đội, của thanh niên xung phong, của các cán bộ, chiến sỹ đồn Công an nhân dân vũ trang Cù Bai mãi mãi là “bất tử”. Bây giờ, khi con đường Hồ Chí Minh nhánh Tây hoàn thành thì nó trở thành trục chính để từ đó làm điểm xuất phát đi đến khắp bản làng của xã Hướng Lập. Vì vậy ai cũng lấy vị trí này làm vật chuẩn để tính các cung đường vào bản xa, bản gần. Và tôi cũng không ngoại lệ.
Con đường vào bản Tà Păng có chiều dài khoảng hơn 13 km, mất chừng 8 km là gập ghềnh, vất vả. Trên này vừa mới trải qua một đợt mưa khá dài ngày nên nhiều đoạn bùn lầy, phải là tay lái lụa thì mới điều khiển xe máy vượt qua được. Bám chặt vào người Trung úy Hồ Văn Chi, nhân viên Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hướng Lập, có những đoạn dốc tôi gần như phải nín thở vì đường trơn trượt. Những địa danh dốc Pa Rin, dốc Tà Lèng là nỗi lo lắng cho bất kỳ ai mỗi khi phải đi qua đây vào mùa mưa. Vậy mà Trung úy Chi chẳng hề mảy may lo lắng, sơ sệt. Lúc đầu, tôi cũng có tý thắc mắc sao không đi bằng xe ô tô mà lãnh đạo Đồn lại cắt cử đến hai đồng chí cán bộ chở tôi đi bằng xe máy, vất vả cho anh em. Song khi vào đến bản Cù Bai, nhìn lại cung đường vừa mới đi qua, tôi đã hiểu với độ dốc, độ trơn trượt như vậy nếu đi bằng xe ô tô sẽ không thể vượt qua được. Đánh vật với cung đường hơn 8 km, sau gần một tiếng đồng hồ, Trung úy Hồ Văn Chi và Thượng úy Nguyễn Quang Huy đã đưa tôi đến được với Trạm kiểm soát Cù Bai. Bước xuống xe, Chi hỏi tôi: “Anh ngồi sau có thấy run không?”. Tôi mỉm cười và nói thật lòng mình: “Có mấy đoạn xe xuống dốc trơn trượt, mình đã phải nhắm mắt, nín thở và không dám nhúc nhích, cứ gồng mình ngồi im kẻo sợ Chi bị lệch tay lái”. Nghe câu chuyện của chúng tôi, Huy thêm vào: “Những chuyến đi địa bàn như thế này đối với chúng em là rất bình thường, đi mãi rồi nó cũng quen. Suốt quãng đường từ Đồn vào đây, em không sợ mình đau nếu bị ngã mà em chỉ sợ làm hỏng máy móc rồi anh không có gì để tác nghiệp”. Nghỉ ngơi tại Trạm kiểm soát Cù Bai chừng ba mươi phút, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình khi có thêm hai cán bộ ở trạm đi cùng. Từ bản Cù Bai vào bản Tà Păng khoảng chừng hơn 4 km, cung đường đã được đổ bê tông rộng rãi nên việc lưu thông khá dễ dàng.
Ngôi nhà sàn của gia đình ông Hồ Văn Mo nằm ở trung tâm của bản. Ông vui mừng tiếp đón chúng tôi trong ngôi nhà vừa mới được khánh thành. Ông Mo không giấu được niềm vui khi giới thiệu với chúng tôi về ngôi nhà: “Bố được Đồn Biên phòng Hướng Lập tặng cho ngôi nhà ni đó. Được ở trong nhà mới bố vui lắm. Bố không còn thấy lạnh khi gió rừng thổi lớn, không còn sợ khi ông trời trút mưa, trút nắng”.
Sinh năm 1954, ông Mo tham gia vào lực lượng du kích địa phương khi tròn 18 tuổi. Cũng như nhiều thanh niên trong bản, ông ở trần, đóng khố, ăn củ sắn thay cơm, gùi lương thực, vũ khí tiếp tế cho bộ đội ở trên núi Brai bắn máy bay Mỹ. Ban ngày đi vận tải, ban đêm ông lại cùng với dân bản vót chông, đào công sự, luyện tập bắn súng để đánh kẻ địch lấn chiếm giới tuyến, chống bọn phỉ Lào xâm lấn biên giới. Những khi máy bay Mỹ thả bom làm tắc đường, ông lại cùng với thanh niên xung phong vác đá lấp hố bom để cho xe chở đạn vào chiến trường. Ngày ấy, bản Tà Păng nằm gần con đường mòn Hồ Chí Minh, gần ngầm Sê Băng Hiêng, trong bản chẳng ai làm được cái nhà to vì cứ làm lên là bom đạn kẻ thù đốt trụi, cả bản phải kéo nhau vào ở trong hang núi Cà Tam. Khổ lắm nhưng mỗi khi cán bộ đến vận động bà con đi giúp đỡ bộ đội đánh giặc Mỹ, không một ai từ chối.
Khi chiến tranh kết thúc, cả bản chẳng ai biết đọc, biết viết. Để có cái ăn, dân bản rủ nhau chặt phá cây rừng, đốt nương làm rẫy, ngày xuống suối mò con cá, con tôm. Cuộc sống chỉ bắt đầu tốt lên khi Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm chăm lo phát triển kinh tế cho dân bản. Trường học được mở ra, điện thắp sáng trong mỗi ngôi nhà, ruộng lúa không còn phải sống nhờ nước trời, cây bời lời, cây sắn đã giúp đồng bào đẩy lùi đói nghèo. Khi ngôi nhà cũ của ông Mo bị xuống cấp cũng là khi các con ông lớn và đi lấy vợ, lấy chồng ở bản khác. Tuổi tác đã cao, sức lao động bị giảm sút nên kinh tế gia đình ông luôn khó khăn, ông cùng với người vợ, hai thân già côi cút sống trong căn nhà lợp tranh cũ kỹ, vách nứa lâu ngày mục nát, xập xệ. Biết là khổ nhưng ông cũng đành an phận, ông chỉ ước mình có được sức khỏe như hồi thanh niên để vào rừng chặt cây về dựng ngôi nhà vững chãi hơn. Ước mơ đó của ông Mo đã thành hiện thực khi đoàn công tác của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hướng Lập và cấp ủy chính quyền địa phương đến bản thăm hỏi, khảo sát cuộc sống của gia đình ông. Sau khi khảo sát xong, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Hướng Lập đã thống nhất với lãnh đạo xã Hướng Lập, đồng thời kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm và cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ lương của mình để xây tặng ngôi nhà “Nghĩa tình biên giới” cho gia đình ông Mo. Hôm chuyển vào ở nhà mới, hai vợ chồng ông chẳng thể nào ngủ được vì niềm vui cứ dâng mãi trong lòng. Ông định bụng sẽ tổ chức một bữa cơm nhỏ mời bà con đến chung vui cùng gia đình và cảm ơn tấm lòng của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hướng Lập nhưng: “Anh Tuấn (Trung tá Nguyễn Quang Tuấn, Đồn trưởng) nói gia đình bố còn khó khăn, phải dành tiền mua thêm mấy thứ khác. Hôm ấy Đồn còn cho bố thêm cái chăn ấm nữa”.
Từ câu chuyện về ngôi nhà “Nghĩa tình biên giới” của ông Mo, tôi tiếp tục tìm hiểu và biết thêm nhiều việc mà cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hướng Lập đã làm cho người dân bản Tà Păng. Tháng 5 năm 2006, đơn vị đã tổ chức Lễ đỡ đầu bản Tà Păng. Thời đó chưa có con đường lớn vào bản nên điện lưới quốc gia chưa thể đến được với bà con, vậy là Đồn Biên phòng Hướng Lập đã mua và lắp cho bản năm chiếc máy phát điện nhỏ để người dân có điện thắp sáng. Nhiều năm qua, Đồn luôn cử cán bộ vào ở với bản để tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, hướng dẫn người dân trồng cây bời lời, làm ruộng nước, nuôi con bò, con dê để phát triển kinh tế gia đình. Gắn bó nhiều nhất với dân bản Tà Păng là Trung úy chuyên nghiệp Hồ Văn Chi, nhân viên đội vận động quần chúng của Đồn. Trung uý Chi là người dân tộc Vân Kiều, gia đình anh ở bản Cù Bai nên anh hiểu rất rõ về địa bàn, về cả tâm tư, tình cảm của người dân. Sau ba năm học hệ Trung cấp ở trường Trung cấp Biên phòng, anh về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Hướng Lập và gắn bó với bà con dân bản nơi đây. Bám dân, bám bản mỗi ngày, vì thế mà Chi nắm rất toàn diện tình hình địa bàn để tham mưu Ban chỉ huy Đồn, chính quyền địa phương về những giải pháp xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, xử lý tốt các vẫn đề xảy ra. Anh như là nhịp cầu nối giữa dân bản với các cấp chính quyền, tạo dựng niềm tin trong quần chúng nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng, về những chính sách của địa phương. Với người dân ở bản Tà Păng thì Trung uý Chi không chỉ là người cán bộ biên phòng mà đã trở thành người con, người cháu của bản. Và anh cũng yêu và xem dân bản nơi đây như những người thân thích của mình.
Gặp gỡ nhiều người Vân Kiều, nghe họ kể và tôi càng hiểu thêm về những việc làm của các chiến sỹ Biên phòng đã dành cho bản nhỏ thân yêu này. Thầy giáo Phan Trí, người bám trụ ở vùng đất Hướng Lập gần mười lăm năm và đã có nhiều năm dạy học ở bản Tà Păng xúc động kể: Điểm trường bản Tà Păng là một điểm trường xa và khó khăn nhất của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hướng Lập. Trước đây, bản cũng đã được chính quyền quan tâm xây cho một ngôi trường với hai phòng học và một phòng ở cho giáo viên. Tuy nhiên theo thời gian, ngôi trường đã bị xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo an toàn cho học sinh. Để con em mình tiếp tục được đi học, người dân trong bản đã dựng tạm một phòng học nhỏ lợp bằng lá cọ rừng, vách thưng bằng tre nứa chẳng thể che kín ánh nắng mặt trời, chắn đỡ hạt mưa vào mùa đông gió thổi. Để khắc phục khó khăn và đảm bảo chương trình, cả thầy và trò đều cật lực dạy và học bất kể thời gian trong ngày, trong tuần, hễ khi nào thời tiết thuận lợi là thầy gọi trò đến lớp học. Bước vào năm học 2018 - 2019, Đồn Biên phòng Hướng Lập đã vận động, kêu gọi từ các nhà hảo tâm số tiền 350 triệu đồng, cùng với 50 triệu đồng đóng góp của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hướng Lập để xây dựng điểm trường khang trang gồm hai phòng học và một phòng ở cho giáo viên diện tích 130m2, một nhà vệ sinh, nhà bếp, đổ bê tông sân trường. Từ khi có ngôi trường mới, việc dạy và học của thầy trò chúng tôi đỡ vất vả hơn nhiều, các em học sinh cũng thích đến trường hơn. Không chỉ vận động kinh phí xây trường học, những người lính Biên phòng còn phối hợp với các tổ chức, các nhà hảo tâm tặng quà, tặng áo ấm cho học sinh khi mùa đông đến.
Chuyến công tác lên bản Tà Păng lần này, điều làm tôi tiếc nuối nhất là không gặp được Trung tá Nguyễn Quang Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập, người mà các gia đình ở bản Tà Păng yêu thương, quý trọng như con cháu trong gia đình. Hôm tôi có mặt ở bản Tà Păng thì Tuấn đang có chuyến công tác về xuôi, anh chỉ kịp nói với tôi qua điện thoại: “Anh thông cảm cho em, anh lên công tác mà không có thời gian đưa anh đi địa bàn, em phải về xuôi để tìm gặp các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện để xin họ nguồn lực lên lo tết cho nhân dân”. Tuấn bảo trong thời gian tới, cán bộ, chiến sỹ đơn vị sẽ cố gắng bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm của mình để kêu gọi các tổ chức, các nhà hảo tâm tích cực hỗ trợ, tài trợ về vật chất để giúp đỡ nhiều hơn cho nhân dân trên địa bàn phụ trách gồm hai xã Hướng Lập và Hướng Việt. Tết Canh Tý này, đơn vị tiếp tục tổ chức chương trình “Xuân Biên phòng, ấm lòng dân bản” và “Chương trình tặng bánh chưng xanh” cho các gia đình để bà con có một cái tết đủ đầy hơn.
Tạm biệt Tà Păng, giữa một ngày xuân mang nắng ấm về với dãy Trường Sơn, về với những cánh rừng đang bật lên mầm lộc biếc căng tràn sức sống. Món quà tôi mang theo về xuôi trong lần công tác này là nụ cười rạng rỡ của người dân bản Tà Păng, là câu hát “Thương anh chiến sỹ chốn biên cương, giữ gìn non nước, giữ quê hương. Đầu đội mưa rơi, dầm sương gió, chân đạp mây bay dãi phong ba. Thương anh chiến sỹ chốn biên cương, quê nhà chiều đến lòng vấn vương. Tình em xin gửi về phương ấy, như đóa phong lan thắm nghĩa tình” (bài hát “Chiều Cù Bai” của nhạc sỹ Võ Thế Hùng) mà Thượng úy Nguyễn Quang Huy đã hát cho tôi và người dân Tà Păng nghe trong buổi họp dân để triển khai công tác bảo đảm an ninh trật tự cho tết Nguyên đán sắp tới.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)