Cần có thêm một Khu Kinh tế cửa khẩu La Lay

Đan Tâm |

Sau khi thành lập và có bước khởi động tích cực của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, việc hướng đến xây dựng Khu thương mại chung xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan và đặc biệt là hình thành Khu kinh tế cửa khẩu La Lay đang đặt ra rất cấp thiết nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế các khu kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở những vùng còn nhiều khó khăn của tỉnh.

Cửa khẩu quốc tế La Lay. Ảnh: ĐT
Cửa khẩu quốc tế La Lay. Ảnh: ĐT

Năm 2014, Cửa khẩu La Lay được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế. Cửa khẩu quốc tế La Lay phía Việt Nam thuộc địa phận thôn La Lay, xã A Ngo, nằm trong khu vực có các xã Tà Rụt, A Bung, A Vao là những xã nghèo của huyện Đakrông. Cửa khẩu này cách thành phố Đông Hà 120 km về phía Đông Bắc, cách trung tâm huyện lỵ thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông 79 km (dọc theo đường Hồ Chí Minh) và cách Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo 115 km về phía Bắc. Địa hình nơi đây chủ yếu là đồi núi tương đối cao khoảng 600 -800 m, với nhiều sông suối. Đây là vùng có địa hình đa phần thích hợp cho phát triển lâm nghiệp và trồng cây các loại cây như quế, cà phê (các xã A Bung, A Ngo, Tà Rụt), ngô vùng ven sông Đakrông. Điều kiện khí hậu thuộc khí hậu Đông Trường Sơn, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Người dân chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, chiếm tỉ lệ gần 80%, còn lại là người Kinh. Trình độ văn hóa của người dân trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể. Đến nay các xã trong vùng đã hoàn thành công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục THCS.

Về điều kiện kinh tế, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo của người dân, thu nhập chủ yếu là từ các sản phẩm như lúa, sắn, đậu xanh, chuối, chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp với buôn bản nhỏ lẻ. Tại khu vực cửa khẩu và các địa bàn vùng lân cận đã có đầy đủ hệ thống điện lưới quốc gia (22-35KV) đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt đồng thời đã cung cấp một phần cho tỉnh Salavan (Lào). Các mạng viễn thông đã được phủ sóng. Hệ thống máy tính của các công sở ở khu vực cửa khẩu đã được kết nối internet, đảm bảo thông tin thông suốt. Trụ sở làm việc, hệ thống giao thông và các hạng mục cơ sở hạ tầng khác đang từng bước đầu tư nâng cấp. Trong tương lai gần, tại Cửa khẩu quốc tế La Lay sẽ xây dựng Quốc môn, khu hành chính cho các cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ tại cửa khẩu; các công trình làm việc của cơ quan thuế, ngân hàng, bưu điện, điện lực, viễn thông cùng hệ thống kho bãi sẽ được quy hoạch, xây dựng đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa và các hoạt động khác tại cửa khẩu. Năm vừa qua, đã có hơn 128.000 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu và 197.000 lượt người xuất nhập cảnh, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 52 triệu USD.

Để hình thành khu kinh tế cửa khẩu, việc kết nối giao thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Phía Lào, tuyến đường 15B từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đến trung tâm tỉnh lỵ Salavan và nối với thành phố Pakse, tỉnh Champasak (trung tâm kinh tế - xã hội khu vực Nam Lào). Đường 15B từ tỉnh Salavan đến Cửa khẩu quốc tế La Lay có chiều dài gần 147 km đã được Chính phủ Lào đầu tư khoảng 200 triệu USD nâng cấp, mở rộng với quy mô nền đường rộng 9m, mặt rộng 8m, kết cấu mặt đường láng nhựa, đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013. Mặt bằng hạ tầng khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay về phía Lào cũng đã được tỉnh Salavan đầu tư, đảm bảo đủ diện tích để mở rộng và xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan chức năng cũng như các công trình phụ trợ khác phục vụ phát triển kinh tế- xã hội trong vùng.

Phía Việt Nam, Quốc lộ 9 từ thành phố Đông Hà lên cầu Đakrông nhập vào đường Hồ Chí Minh đến địa phận xã A Ngo theo Quốc lộ 15D đến Cửa khẩu quốc tế La Lay (đường Hồ Chí Minh tiếp tục đi huyện A Luới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Tổng chiều dài tuyến đường là 120 km; trong đó Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh đã được đầu tư nâng cấp với quy mô nền đường rộng 8 - 9m, mặt rộng 7- 8m, kết cấu mặt đường láng nhựa, đảm bảo chất lượng trong việc lưu thông. Từ ngã ba xã A Ngo, huyện Đakrông đến Cửa khẩu quốc tế La Lay là Quốc lộ 15D dài 12,2 km. Như vậy, giao thông của hai tuyến đường chính về Cửa khẩu quốc tế La Lay đã được nâng cấp, hết sức thuận lợi kết nối các tỉnh Đông Bắc Campuchia, Đông Thái Lan, Nam Lào với miền Trung Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về Quảng Trị.

Việc hành thành, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu La Lay sẽ góp phần phát huy thế mạnh của Hành lang kinh tế Đông- Tây (EWEC) trên cơ sở lợi thế về giao thông qua Cửa khẩu quốc tế La Lay. Có thể thấy, trong chiến lược phát triển vùng của các nước GMS, EWEC đóng vai trò quan trọng đối với thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho sự phát triển của tuyến EWEC này, các nhà tài trợ và các nước trong khu vực đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các tuyến hành lang PARA-EWEC chạy song song với EWEC từ Tây sang Đông nhằm mở rộng thị trường, nâng tầm ảnh hưởng và sự tác động về đầu tư, giao thông, thương mại, du lịch trong toàn khu vực. Việc thiết lập thêm một hành lang PARA-EWEC từ tỉnh Ubon Ratchathani đi Champasak qua Cửa khẩu quốc tế La Lay đến tỉnh Quảng Trị là tuyến đường quốc tế quan trọng có tác động hỗ trợ trực tiếp đến tuyến EWEC. Như vậy, Cửa khẩu quốc tế La Lay sẽ bổ sung cho Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tạo sự tương hỗ lẫn nhau giữa hai tuyến EWEC (qua Lao Bảo) và PARA-EWEC (qua La Lay).

Chính phủ Lào cũng đã thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển vùng Nam Lào giai đoạn 2010- 2020, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng tỉnh Champasak thành trung tâm kinh tế - xã hội cho 4 tỉnh Nam Lào (là những tỉnh thuộc vùng lõm vì rất khó khăn trong kết nối giao thông để phát triển). Hiện nay, tại Pakse (thủ phủ của tỉnh Champasak) đã có sân bay quốc tế và máy bay Boeing 737 có thể hạ cánh. Sân bay quốc tế Pakse tiếp nhận 5-7 chuyến bay quốc tế/tuần từ Thủ đô Viên Chăn (Lào), Bangkok (Thái Lan) và Siêm Riệp (Campuchia). Do vậy, Cửa khẩu quốc tế La Lay sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu di chuyển của khách quốc tế theo đường bộ về Việt Nam. Điều quan trọng là tuyến đường từ các cửa khẩu quốc tế của Lào, Thái Lan và Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển tại Việt Nam là rất thuận lợi về địa hình và khoảng cách. Tuyến đường vận chuyển từ Pakse - Salavan - La Lay (Quảng Trị) - Đà Nẵng thuận lợi, bằng phẳng, ít đèo dốc hơn tuyến đường Pakse - Attapư - Kon Tum - Quy Nhơn (Bình Định). Tuyến đường từ các tỉnh Ubon Ratchathani, Amnat Charoen (Đông Thái Lan) qua trung tâm Nam Lào về Việt Nam theo Cửa khẩu quốc tế La Lay về thành phố Đông Hà gần hơn khoảng 200 km so với tuyến đường hiện tại từ các tỉnh Đông Thái Lan và Nam Lào qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Cùng với cửa khẩu quốc tế hàng không ở Pakse, Champasak và Cửa khẩu quốc tế La Lay tạo nên một tam giác phát triển bao gồm một vùng rộng lớn các tỉnh Đông - Bắc Campuchia, cực Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào với miền Trung Việt Nam. Mọi hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch của nhiều tỉnh, thành phố của 4 nước, bao gồm Lào (Salavan, Champasak, Sê Kông), Thái Lan (Srisaket, Ubon Rathatchani), Campuchia (Stung Treng, Preah Vihear) và Việt Nam (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng) đều có thể thông qua Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Việc xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu La Lay nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác, cùng phát triển giữa các tỉnh miền Trung Việt Nam và các tỉnh Nam Lào, đặc biệt là các tỉnh có chung đường biên giới với Salavan, Sê Kông, Attapư; góp phần hiện thực hóa những cam kết và thỏa thuận giữa hai nước Việt Nam - Lào và các giữa các tỉnh có chung đường biên giới theo hướng đi vào thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là thúc đẩy thương mại biên giới giữa hai nước.

Bên cạnh đó, các tỉnh vùng Đông Bắc của Campuchia gồm Stung Treng, Preah Vihear, Kratie, Rattanakiri, Kampongcham, Kampongthon và các tỉnh của Thái Lan gồm Srisaket và Ubon Ratchathani đã được kết nối với Salavan và Champasak (Lào) và với Việt Nam. Khu kinh tế cửa khẩu La Lay mở ra sẽ tạo sức hút từ tuyến đường độc lập với tuyến đường qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Đây là tuyến đường ngắn nhất và chi phí phù hợp nhất, đáp ứng nhu cầu giao thương và thời gian đi lại để tiếp cận thị trường đang phát triển của các tỉnh Nam Lào với 1,2 triệu dân và thị trường các tỉnh Đông Thái Lan với tỉnh Ubon Ratchathani (tỉnh đứng thứ 4 lớn nhất về địa lý và thứ 5 lớn nhất về tiềm lực kinh tế của Thái Lan hiện nay).

Khu kinh tế cửa khẩu La Lay ra đời sẽ thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ, tạo nên vùng kinh tế động lực trên tuyến đường Hồ Chí Minh phía Tây Nam của tỉnh. Đặc biệt, 8/14 xã, thị trấn của huyện Đakrông nằm trên tuyến đường từ Cửa khẩu quốc tế La Lay dọc theo đường Hồ Chí Minh sẽ là những địa phương hưởng lợi trực tiếp từ những tác động tích cực do hội nhập quốc tế đem lại. Ngoài ra, Sa Muồi (Lào) - huyện có cùng đường biên giới với Đakrông là huyện nghèo nhất của tỉnh Salavan cũng có điều kiện phát triển, góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự trị an trên tuyến biên giới.

Trong tương lai, cùng với việc xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam với cảng biển nước sâu Mỹ Thủy hoàn thành, một tuyến đường giao thông quan trọng đã được xác định sẽ khởi động triển khai, đó là Quốc lộ 15D nối Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy. Khi đó, Khu kinh tế Đông Nam sẽ trở thành cửa ngõ thu hút nguồn hàng từ Khu kinh tế cửa khẩu La Lay, các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan; Đông Bắc Campuchia; khu vực Trung và Nam Lào qua Cửa khẩu quốc tế La Lay xuất đi các nước trong khu vực. Việc xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu La Lay vừa đáp ứng thực tiễn khách quan do thuận lợi về giao thông, vị trí địa lý, địa hình vừa phù hợp với xu thế phát triển trong khu vực, chiến lược hợp tác giữa các quốc gia và yếu tố liên kết về giao thông - kinh tế giữa EWEC và PARA-EWEC. Đặc biệt, góp phần đưa quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam- Lào, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới đi vào chiều sâu, cụ thể; vừa là cơ hội, động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Phía tây Cam Lộ

Xuân Dũng |

Ngày xưa xứ Cùa xa xôi, diệu vợi và gần như biệt lập, xa hơn cả nơi mà Lê Qúy Đôn từng gọi là thượng du Cam Lộ là những thôn xóm ở trung tâm huyện lỵ Cam Lộ hiện nay, dưới chân đèo Cùa, còn có người gọi là đèo Con Cui.

Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Khi chiếc lò xo bị nén

Thanh Hằng |

Theo yêu cầu của Thủ tướng, các bộ ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận các cơ hội sau dịch bệnh, như “chiếc lò xo bị nén lại để bung ra”.

Gạo hữu cơ không chỉ dựa cơ trời

Cẩm Nhung |

Mùa hè năm 2017, ở thành phố Đông Hà, một hội nghị nông nghiệp quan trọng được tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, tổng giám đốc Công ty Đại Nam. Sau cùng, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Quảng Trị và Công ty Đại Nam đã cùng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo hướng hữu cơ, tạo sự phát triển bền vững cho nông nghiệp tỉnh nhà.

Chuyện của núi rừng

Xuân Dũng |

Đã qua tháng 2 âm lịch rồi mà sơn cước phía Tây Quảng Trị buổi sáng lên, nơi đây như vừa qua giấc ngủ sâu và lành, còn vương vấn với mùa Xuân đang như muốn dùng dằng với mảnh đất này.