Gạo hữu cơ không chỉ dựa cơ trời

Cẩm Nhung |

Mùa hè năm 2017, ở thành phố Đông Hà, một hội nghị nông nghiệp quan trọng được tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, tổng giám đốc Công ty Đại Nam. Sau cùng, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Quảng Trị và Công ty Đại Nam đã cùng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo hướng hữu cơ, tạo sự phát triển bền vững cho nông nghiệp tỉnh nhà.

Từ mùa hè ấy, chính quyền và doanh nghiệp bắt tay thực hiện dự án liên kết đầy quyết tâm: gần 100 héc-ta đất ruộng được chuyển đổi cho mục đích phát triển mô hình lúa hữu cơ. Nhưng, bên cạnh kỳ vọng về một bộ mặt mới cho nông nghiệp Quảng Trị, nó cũng tạo ra không ít hoang mang cho những nông dân sống trong vùng dự án.

 
Cánh đồng lúa hữu cơ.  Nguồn: Internet

Buổi đầu trăn trở

Nông dân ở Phước Thị, xã Gio Mỹ - một trong những vùng mà các lãnh đạo Quảng Trị đã kỳ vọng “tạo bước đột phá về nông nghiệp hữu cơ”, đón nhận dự án với những tâm trạng khác nhau.

Những đêm mùa hè đầu tiên Phước Thị được chọn làm mô hình thí điểm sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao, ông Nguyễn Giang - giám đốc hợp tác xã thường khó ngủ, chỉ chờ trời sáng là ông chạy xe ra khỏi nhà. Hai phần ba thời gian trong ngày, ông gần như chỉ quanh quẩn ở văn phòng hợp tác xã và ngoài đồng ruộng. Chính quyền phê duyệt ở đây một dự án liên kết với diện tích 20 héc-ta, 50 hộ dân có đất ruộng nằm trong quy hoạch.

Sau chuyến đi miền Nam và Tây Nguyên thăm quan các mô hình nông nghiệp hữu cơ của Công ty Đại Nam, thấy được triển vọng thành công, ông Nguyễn Giang càng phấn khởi và hi vọng. Ông tin rằng việc chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang canh tác hữu cơ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của nông nghiệp Phước Thị: đất đai cằn cỗi sẽ được phục hồi, giá trị cây lúa sẽ được nâng lên, người nông dân sẽ không còn cày cấy được chăng hay chớ.

“Chúng tôi kỳ vọng việc liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ sẽ là hướng phát triển bền vững cho đồng đất Phước Thị”, vị lãnh đạo doanh nghiệp đứng giữa hội trường đối thoại với bà con xã viên. Đó là một ngày đầu tháng 4/2017, một buổi họp dân được tổ chức tại trụ sở hợp tác xã Phước Thị. Và buổi đối thoại hôm đó là nơi, lần lượt một cán bộ thuộc Sở Nông nghiệp, một đại diện doanh nghiệp, ông giám đốc hợp tác xã cùng phát đi những thông điệp trực tiếp tới người nông dân. Họ cùng nói về một cánh đồng lúa của tương lai, sẽ là cánh đồng có liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Nông nghiệp hữu cơ có bản chất tôn trọng môi trường tự nhiên, sẽ góp phần ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường - hậu quả từ nền nông nghiệp hóa học đã hủy hoại ruộng đồng vài chục năm qua. Việc của chính quyền và doanh nghiệp là sẽ bảo đảm rằng mọi nông dân tham gia dự án được tạo điều kiện vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đặc biệt nhất, được bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Việc của người nông dân là tuyệt đối tuân thủ quy trình canh tác hữu cơ.

Buổi đối thoại hôm ấy cũng là lần đầu tiên trong đời những nông dân Phước Thị nghe đến khái niệm lúa hữu cơ và mô hình liên kết bốn nhà trong nông nghiệp. Trước đó, người nông dân làm ra hạt lúa nhưng lại chưa bao giờ có liên kết trong sản xuất, họ đã quen làm nông nghiệp manh mún với kiểu tư duy “mạnh ai nấy làm”.

Một số hộ gia đình có ruộng nằm trong vùng quy hoạch cho biết họ tự cày cấy mỗi năm hai vụ lúa, dù đã cố hết sức, cuộc sống vẫn chưa sung túc nhờ ruộng đồng. Quãng chục năm qua, họ chỉ thấy đất ruộng trong làng dần bị hoang hóa, cây lúa cho năng suất thấp, người nông dân cày cấy chỉ để giữ ruộng. Ruộng đồng không còn là sinh kế duy nhất, nhiều thanh niên Phước Thị bắt đầu bỏ xứ đi tìm sinh kế khác.

Nhưng một vài hộ nông dân khác đón dự án không phải với tâm trạng hào hứng. Nông nghiệp hữu cơ vẫn là khái niệm xa lạ với những nông dân quanh quẩn sau lũy tre làng, họ sợ phải vào mô hình liên kết không quen, sợ doanh nghiệp không thực hiện lời hứa. Ở buổi họp đó, có những nông dân nói thẳng với đội dự án rằng, họ không cảm nhận được tầm quan trọng của dự án, họ chỉ muốn được yên ổn làm nông như lâu nay.
 
 Ảnh minh họa

Làm nông cũng cần… dân vận

Không nóng vội gò ép nông dân vào dự án, ngược lại, chính quyền và doanh nghiệp đã kiên trì thực hiện “dân vận”. Những cuộc họp dân vẫn tiếp tục, đội dự án trực tiếp xuống, lắng nghe và giải thích thêm nhiều lần nữa, làm sao để nông dân thấy được lợi ích của mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ. Xã viên nào nhất quyết không tham gia, đội dự án đến tận nhà thuyết phục và nhờ những người đã đồng ý nói giúp cho. Để chứng minh sự thực tâm của doanh nghiệp, bản hợp đồng cam kết có sự bảo đảm của Sở Nông nghiệp với các điều khoản có lợi cho người nông dân được đưa ra: hỗ trợ 100% chi phí phân bón hoặc cho tạm ứng phân bón với giá ngang bằng mức đầu tư phân bón hoá học của nông dân; cung cấp giống lúa thơm RVT thuần chủng của Tổng công ty Giống cây trồng Trung ương; bao năng suất 5 tấn/ha; thu mua lúa tươi và thanh toán tiền ngay tại chân ruộng. Những cam kết vừa mang tính pháp lý vừa đầy nghĩa tình của doanh nghiệp đã nhận được sự hưởng ứng giao ruộng của nông dân.

Giữa mùa hè năm 2017, Phước Thị bắt đầu thí điểm dự án liên kết sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao. Những mảnh ruộng nhỏ lẻ được quy hoạch lại thành cánh đồng lớn, tập trung.

Trước ngày xuống vụ, ông Nguyễn Giang ghé xe máy vô nhà từng xã viên, nhắc họ đến sân hợp tác xã nhận lúa giống và phân bón của doanh nghiệp cấp phát. Đội dự án về làng cùng ở, cùng làm với người nông dân. Nông dân được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn các kỹ thuật canh tác từ đầu vụ đến khi thu hoạch. Theo tiêu chuẩn hữu cơ của doanh nghiệp, đất ruộng sử dụng phân bón hóa học lâu năm được xử lý bằng phân hữu cơ vi sinh. Quy trình trồng lúa hữu cơ đầu tư rất kỹ lưỡng cho việc làm đất. Trước khi xuống giống, đất được cày sâu, bừa nhuyễn. Trước khi cấy lúa, phân hữu cơ vi sinh được bón lót thay vì phân hóa học. Sau khi cây lúa bén rễ, bắt đầu nảy nhánh, phát triển lá, làm đòng và trổ bông, lúa được bón lần lượt ba đến bốn lần phân hữu cơ vi sinh. Hoàn toàn không dùng phân vô cơ và các hóa chất bảo vệ thực vật.

“Yêu cầu bà con tuyệt đối tuân thủ quy trình canh tác hữu cơ. Nếu bà con khó khăn thì hãy nói với chúng tôi. Tránh một bước làm sai là hỏng cả cánh đồng”, ông Nguyễn Giang đứng trên bờ dùng loa thông báo đến nông dân. Hợp tác xã của ông vừa là đơn vị tổ chức cho xã viên sản xuất, vừa là đơn vị được giao nhiệm vụ trông nom cánh đồng. Hợp tác xã cắt cử người trông nom trên đồng, ngày cũng như đêm.

Đến kỳ thu hoạch, doanh nghiệp giữ đúng cam kết, thu mua lúa ngay tại chân ruộng. Từ đầu làng đến cuối ngõ đâu đâu cũng râm ran chuyện trồng lúa hữu cơ, nông dân phấn khởi vì được mùa, được giá.

Hạt ngon không phụ công người

Hai năm rưỡi trôi qua, nông dân Phước Thị đã thu hoạch xong 5 vụ lúa hữu cơ. Nhờ bàn tay cần mẫn và tuân thủ các cam kết với doanh nghiệp, nông dân trong vùng dự án vẫn đang được hưởng xứng đáng những việc mình làm. Mỗi năm vợ chồng chị Thu thu hoạch 18 tấn thóc/3 mẫu, doanh nghiệp thu mua lúa tươi với giá 7.000 đồng/kg, cao hơn so với sản xuất lúa đại trà, với nhà nông đó là con số lý tưởng.

Anh Thành chồng chị Thu đã không còn nhớ rõ cái bình phun thuốc trừ sâu mình đã cất ở đâu. Trước ngày thu hoạch lúa, anh trổ một đoạn bờ thửa dẫn nước từ chân ruộng chảy xuống con mương nhỏ, rồi lấy gàu hắt cạn nước bắt được nhiều con cá, con tôm. Đã từ lâu lắm rồi, anh Thành mới thấy cá tôm và các loài thủy sinh xuất hiện trở lại trên đồng ruộng của mình. Đó là kết quả của việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường sinh thái, trước đó là nền nông nghiệp của thói quen dùng phân và thuốc hóa học.

Những vụ lúa sau này, ông Nguyễn Giang không còn phải tổ chức các cuộc họp dân, hay đến nhà từng xã viên để thuyết phục họ vào dự án nữa. Khi người nông dân thấy được nhiều triển vọng thành công, khi lợi nhuận kỳ vọng ước tính cao hơn sản xuất thông thường, họ không còn ngần ngại mà hồ hởi đón đầu cơ hội đổi thay. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn quê ông sau mấy năm tham gia vào dự án đã có những khởi sắc đáng kể. Bây giờ, hợp tác xã Phước Thị là mô hình nông nghiệp hữu cơ kiểu mẫu của cả tỉnh, cả nước. Ông Giang vẫn đều đặn tiếp đón các đoàn công tác từ các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình... vào thăm quan mô hình, xuống tận đồng ruộng trò chuyện với bà con nông dân để học tập kinh nghiệm.

Vụ mùa mới, ông Nguyễn Giang nhận được những lá đơn xin vào mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ của bà con nông dân. Theo thống kê sơ bộ của ông giám đốc hợp tác xã, khoảng một phần sáu đất ruộng của địa phương này đã chuyển đổi để phục vụ dự án lúa hữu cơ. Bây giờ ông Giang đang mong chờ doanh nghiệp cho nhân rộng mô hình để nông dân cùng chăm những bông lúa sạch trên cánh đồng.

Để hạt gạo Quảng Trị… “nặng” hơn!

Người Quảng Trị trong chiến tranh nói rằng “một cân thóc ở Quảng Trị nặng hơn cân thóc ở nơi khác” để ví von sự gian nan khi canh tác trên vùng đất khắc nghiệt này, hạt lúa thấm màu, mồ hôi và tâm huyết của nhiều thế hệ nông dân. Cả nước cũng thường nhớ về Quảng Trị qua thơ Chế Lan Viên với hình ảnh “Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ / Những đồi sim không đủ quả nuôi người”. Có điều, những đồng ruộng canh tác hữu cơ của thế kỷ 21 không còn cái kết xót xa như trong thơ nữa.

Với hơn 70% dân số sống bằng nông nghiệp, Quảng Trị đang thực hiện có hiệu quả các đề án trọng tâm về tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có lúa hữu cơ. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp, qua 4 vụ sản xuất, Quảng Trị đã xây dựng vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ với tổng diện tích gần 500 héc-ta, tổng sản lượng 3.000 tấn, với sự tham gia của 13 hợp tác xã, tổ hợp tác. Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường trong một phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội tháng 11 năm 2019 đã nhắc đến Quảng Trị như một điển hình về phát triển mô hình lúa hữu cơ. Ông Cường cho rằng “Quảng Trị đã đi đúng hướng để nâng cao giá trị của hạt gạo” và “là mô hình cho cả nước làm theo”.

Mới đây, trường Đại học Hiroshima Nhật Bản công bố nghiên cứu quan trọng góp phần nâng tầm giá trị thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị: hạt gạo canh tác theo quy trình công nghệ phân bón Ong Biển đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng, đặc biệt có 2 hợp chất quý Momilactone A và Momilactone B. Sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị mặc dù mới có mặt trên thị trường trong thời gian ngắn nhưng đã trở thành thương hiệu được người tiêu dùng quan tâm, đã được đưa vào phân phối tại các chuỗi cửa hàng buôn bán lẻ và siêu thị trên cả nước, và doanh nghiệp đang đàm phán để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản. Cùng với việc xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ, nhà máy chế biến nông sản hữu cơ Quảng Trị đang xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Đây là dự án đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đầu tư vào chế biến nông sản hữu cơ, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông sản hữu cơ.

Mấy năm nay, nhà nước chủ trương tích tụ ruộng đất để làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Nhu cầu lúa gạo hữu cơ của thị trường đang tăng, những quy hoạch vùng trồng lúa hữu cơ cũng ngày càng mở rộng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường và giữ vững được thương hiệu, tỉnh Quảng Trị đang quy hoạch lại vùng trồng lúa hữu cơ, đặt mục tiêu mở rộng quy mô lên 2.000 héc-ta vào năm 2020. Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị kỳ vọng “với những thành công bước đầu đạt được, Quảng Trị có quyền ước mơ sẽ là một trong những địa phương có nền nông nghiệp hữu cơ đứng đầu cả nước”.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Quảng Trị đang quyết liệt thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, nhất là sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND về khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020 - 2025. Những khung ưu đãi nhất đã được ban hành và chính quyền cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, các tổ hợp tác sản xuất, người nông dân.

Tưởng như sản xuất lúa hữu cơ đơn giản chỉ là để cây lúa phát triển thuận tự nhiên, sử dụng dưỡng chất tự nhiên chứ không cần can thiệp hóa học. Nhưng sẵn cơ trời chỉ là một chuyện, để thành công phải có sự hợp lực của con người mới nên.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

“Trạng nguyên” tuổi 12

Trương Quang Hiệp |

Vượt qua gần 5.000 thí sinh trên toàn quốc, em Nguyễn Bảo Ngọc đã xuất sắc đạt danh hiệu “Trạng nguyên tự tin” tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc. Đây là thành quả xứng đáng cho đam mê, tài năng và sự nỗ lực không ngừng của cô bé người Quảng Trị.

Chuyện của núi rừng

Xuân Dũng |

Đã qua tháng 2 âm lịch rồi mà sơn cước phía Tây Quảng Trị buổi sáng lên, nơi đây như vừa qua giấc ngủ sâu và lành, còn vương vấn với mùa Xuân đang như muốn dùng dằng với mảnh đất này.

Trịnh Công Sơn với “quê hương thần thoại”

Nguyễn Hoàn |

Trong ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” viết năm 1976, năm của mùa xuân hòa bình đầu tiên trên đất nước liền một dải, nhạc sĩ Văn Cao tấu lên khúc hoan ca rộn rã: “Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên. Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm. Từ đây người biết quê người”.

Buồn vui tháng Một

Diệu Ái |

Tháng Một ngập ngừng gõ cửa bằng những vạt nắng tươi tắn, rực vàng. Nắng ngập tràn trên ban công, nắng nhảy nhót trên thềm nhà. Nắng trải dài, thơm lựng cả cánh đồng đang mùa gieo hạt.