Trong ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” viết năm 1976, năm của mùa xuân hòa bình đầu tiên trên đất nước liền một dải, nhạc sĩ Văn Cao tấu lên khúc hoan ca rộn rã: “Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên. Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm. Từ đây người biết quê người”.
Hẳn rằng khi viết những lời ca mà giai điệu lắng dịu mỗi lúc một dâng bổng và vút lên thiết tha nhất với câu: “Từ đây người biết quê người”, Văn Cao đã nhớ nghĩ nhiều đến Trịnh Công Sơn từ trong thẳm sâu tiềm thức, từ trong mối đồng cảm sâu sắc. Bởi chính dòng nhạc phản chiến, dòng nhạc Da Vàng của Trịnh Công Sơn ra đời trong thời kỳ đất nước còn chìm trong lửa khói chiến tranh đã cất lên trào sôi khát vọng “Đi tìm quê hương”, nhận diện lại quê hương Tiên Rồng oai linh thuở chưa từng bị đạn bom tàn phá dữ dội, nói theo ngôn ngữ của Văn Cao là “biết quê người”, như tìm lại được bản lai diện mục của chính mình. Chính Văn Cao từng cho biết là đã “gặp” Trịnh Công Sơn, chính xác là đã nghe nhạc Trịnh đầy ám ảnh và ấn tượng trong những năm chiến tranh: “Mãi hơn một năm sau ngày 30 tháng 4, chúng tôi mới thật sự mặt nhìn mặt tay cầm tay lần đầu, nhưng tôi có cảm giác như chúng tôi đã là bạn của nhau tự bao giờ, mặc dù giữa tôi và Sơn còn cả một thế hệ đệm. Nói cách nào đó, tôi đã gặp Sơn từ những ngày đất nước còn chia hai miền và còn chìm trong khói lửa. Tôi muốn nhắc đến ở đây một kỷ niệm không thể quên ở nhà một người bạn trẻ. Đêm ấy lần đầu tiên tôi nghe (cũng có nghĩa là gặp) Trịnh Công Sơn… Những bạn trẻ hát cho tôi nghe gần suốt đêm hàng loạt ca khúc Trịnh Công Sơn (không biết họ học ở đâu?) hát say sưa đến nỗi đứt cả dây của cây đàn ghi-ta duy nhất có trong nhà… Một lần là đủ, từ cái đêm chiến tranh ấy, tôi biết mình đã gặp một tâm-hồn-chị-em sẻ chia “Một cõi đi về”(1). Sức mạnh của nhạc Trịnh khiến cho bàn tay say sưa làm đứt cả dây đàn. Đặc biệt, sức mạnh đó còn làm chùng cả tay súng. Sức mạnh đó bắt nguồn từ cảm thức quê hương luôn đốt nóng từng giai điệu Da Vàng của “kẻ du ca bất khuất của Việt Nam” như cách gọi của Patrick Sabatier, một người Pháp dành cho Trịnh Công Sơn. Vậy trong nhạc Trịnh, quê hương của người Việt là gì và vì sao phải “đi tìm quê hương”? Quê hương của người Việt trong nhạc Trịnh là “quê hương thần thoại”: “Sau chinh chiến ôi quê hương thần thoại, thuở hồng hoang đã thấy đã xanh ngời liêu trai” (Xin mặt trời ngủ yên). Quê hương của người Việt trong nhạc Trịnh là quê hương linh thiêng: “Thuở đó yên vui, mẹ Việt Nam ngồi, ngày đêm tiếng cười, rộn ràng khắp nơi, một nước linh thiêng, một màu da vàng, người dân no lành, hội hè suốt năm” (Nhưng hôm nay). Nòi giống khai phá, tạo dựng nên “quê hương thần thoại” ấy chính là nòi giống Tiên Rồng: “Nhớ về nghìn trùng, nòi giống của chim... Nhớ rừng mịt mùng, nòi giống của Tiên” (Ngụ ngôn của mùa Đông).Trịnh Công Sơn đã xưng tụng quê hương, cụ thể là xưng tụng truyền thống Việt Nam, tinh hoa Việt Nam, linh khí Việt Nam bằng tất cả niềm tự hào và kiêu hãnh đặc biệt của người Việt, bằng những ngôn từ cũng hết sức đặc biệt mà người ta thường chỉ dùng trong “thế giới thần thoại”. Vậy mà quê hương ấy lại bị chiến tranh kéo dài tàn phá dữ dội. Diễn tả bi thiết nỗi thống khổ mất nước, mất tự do của người Việt, Trịnh Công Sơn đã sử dụng nhiều lần các cụm từ “lưu vong”, “ao tù”, “ngục tù”, “tù đày”: “Nghe đất gọi thầm, trọn nợ lưu vong” (Ca dao mẹ), “Từng ngày chết cho ai, từng ngày chết cho ai, từng ngày hét la to, từng ngày sống âm u, một đời sống ao tù, từng ngày trong bóng tối” (Buồn từng phút giây), “Xin cho tôi quên phận tù đày” (Xin cho tôi), “Một ngục tù nuôi da vàng... Một ngục tù trên quê hương” (Ngày dài trên quê hương). Không còn gì đau đớn, tủi nhục cho bằng, khi “quê hương thần thoại” đã mất, thay vào đó “quê hương là cuộn gai, quê hương là giày xéo, quê hương là tù đày, những phố nhà tả tơi”, những chủ nhân của quê hương này bị biến thành người mất tự do, người “nô lệ”: “Người nô lệ da vàng ngủ quên, ngủ quên trong căn nhà nhỏ, đèn thắp thì mờ, ngủ quên quên đã bao năm, ngủ quên không thấy quê hương” (Đi tìm quê hương). Vậy phải đánh thức, phải lay động ý thức kiêu hãnh về truyền thống dân tộc Da Vàng. Câu nhạc như câu kinh, từng nốt nhạc nhấn đi nhấn lại quyện với ca từ láy đi láy lại mấy chữ: “ngủ quên, ngủ quên, ngủ quên, quên” gõ vào tâm thức của những người “nô lệ da vàng” như tiếng mõ gõ tan bức màn vô minh, cho tư duy tự do bừng thức dậy. Tư duy đã giác ngộ sẽ chắp cánh cho hành động. Và lô gích xuyên suốt trong những ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn, đó là để có tự do phải “đi tìm quê hương”, tức là tìm về với sức mạnh truyền thống cội nguồn, tiếp nhận nguồn lực “thần thoại” này vào cuộc đấu tranh đòi hòa bình: “Đoàn người đi vào quê hương, từng bó đuốc sáng trong tay mình, tìm quê hương xưa giống Tiên Rồng giống da vàng” (Hành ca), “…Đi nói với anh em, đòi cho quê hương thanh bình, dựng xây tương lai Tiên Rồng, đi cho thấy quê hương” (Đi tìm quê hương), “...Mẹ Việt nằm hai mươi năm, xương da mềm, đợi giờ sông núi thiêng, một màu vàng trên da thơm, nên giữ gìn màu lúa chín quê hương” (Ngày dài trên quê hương). Khi hồn thiêng sông núi trỗi dậy trong mỗi tâm thức Việt, chính là khi dân khí đã chấn hưng, chính là lúc làn sóng đấu tranh đòi hòa bình dâng cao: “Lửa thiêng nơi quê hương không biết mỏi, đấu tranh dựng nước từng ngày” (Ngọn lửa), “Dân ta thề quyết lòng giữ nước” (Đừng mong ai, đừng nghi ngại), “Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc dân ta, bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc tự do” (Đi tìm quê hương), “Mỗi người là một ngọn giáo đâm vào mặt chiến tranh, mỗi người là một ngọn đuốc đốt cho tan những nhà tù” (Hoà bình là cơm áo), “Mẹ hát lớn cho tan hoang những lao tù” (Hãy cố như), “Em đã thấy các anh lên đường, những tay trần làm cơn bão lớn, cùng đứng bên nhau, triệu bước nôn nao, biểu ngữ giăng cao” (Chính chúng ta phải nói). Có giành được hòa bình cho “quê hương thần thoại”, những chủ nhân của quê hương này mới có tự do: “Ta cùng lên đường, đi xây lại tự do” (Dựng lại người dựng lại nhà), “Mầm hòa bình nở trên đời dân khốn khó, cùng đứng lên ta đi dựng lại căn nhà tự do” (Dân ta vẫn sống), “Dựng người Việt Nam đứng lên trên đất này tự do” (Ta quyết phải sống). Có một điểm đặc biệt đáng chú ý, sức mạnh lay động, thúc giục lòng người tranh đấu cho hòa bình của những ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn ngoài sự bắt nguồn từ cảm thức quê hương, dân tộc như đã nói, còn bắt nguồn từ cảm thức nhân loại. Trịnh Công Sơn đã nhìn thấu sức mạnh chấn động lương tri nhân loại của cuộc đấu tranh cho một Việt Nam hòa bình, tự do: “Vì quê hương sẽ có ngày gặp lại, máu xương hai miền rung lòng thế giới” (Chưa mất niềm tin), “Dựng lại Việt Nam sáng tươi trong yêu thương nhân loại” (Ta quyết phải sống), “Những giọt máu đến ngày trổ bông, nở hòa bình cho đêm vắng xôn xao tiếng người, nở trên tay chị xuân xanh ngời, nở trong tim mẹ đồng lúa mới vườn cải tươi... Cho ta làm người trong thế giới” (Những giọt máu trổ bông). “Làm người trong thế giới” chứ quyết không làm “nô lệ da vàng”, “người cúi xin”, “mặt tôi đòi”, “vết thương tôi đòi”... Những khát vọng biến lao tù thành trường học, chợ, công viên trong nhạc Trịnh: “Đường đi đến những nơi lao tù, ngày mai sẽ xây trường hay họp chợ” (Huế Sài Gòn Hà Nội), “Xin cho ngục tù thành những công viên” (Mùa phục hồi) cũng chính là những khát vọng xưa nay của nhân loại yêu chuộng hòa bình.
Ca khúc nổi tiếng “Hãy hàn gắn thế giới” của vua nhạc pop Michael Jackson đã hát lên khát vọng về một thế giới yên vui thái hòa: “Hãy tạo nên một thế giới không còn nỗi sợ hãi, chúng ta sẽ cùng nhau khóc những giọt nước mắt hạnh phúc, khi nhìn thấy các quốc gia biến gươm đao thành những lưỡi cày”. Nhạc Da Vàng của Trịnh Công Sơn trong chiến tranh đã có lúc đạt tới sức mạnh góp phần “biến gươm đao thành lưỡi cày” như vậy trong lương tri của những người yêu chuộng hòa bình, điều này đã được thể hiện, chẳng hạn qua tác động của ca khúc “Người con gái Việt Nam” đã khiến cho những người lính miền Nam trước đây buông súng, điều này đã được Từ điển Bách khoa Pháp Le Million khẳng định: “Trịnh Công Sơn cất cao tiếng hát thi nhân mà đạn bom không bao giờ dập tắt được”(2) và Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ghi nhận: “Nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn được cho là có vai trò không nhỏ trong giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam”. Sức mạnh thần diệu đó của nghệ thuật chỉ đạt được với những nghệ sĩ lớn, trong đó có Trịnh Công Sơn, với bút lực sáng tạo dồi dào được mặc khải nhờ linh khí của “quê hương thần thoại”.
Một điểm đặc biệt nữa, nhạc Trịnh đã nêu lên nguyên nhân của chiến tranh và cách thức để vượt thoát khỏi chiến tranh, không chỉ cho thời chiến mà cả cho thời bình, nhằm góp tiếng nói gìn giữ và xây dựng muôn đời “quê hương thần thoại”. Nguyên nhân của chiến tranh dĩ nhiên là do nước lớn tranh giành thị trường, tranh giành ảnh hưởng, thôn tính nước nhỏ, theo thói thường “cá lớn nuốt cá bé”. Dĩ nhiên là thế, nhưng cứ như một hệ lụy, nguyên nhân chiến tranh còn tiềm ẩn trong chính thân phận của nước nhỏ: Anh bị chiến tranh vì anh là nước nhỏ. Trịnh Công Sơn đã viết rõ ra như thế về nguyên nhân chiến tranh Việt Nam: “Ôi gian nan đời nước nhỏ, sao đau thương nhiều lắm thế” (Quê hương nặng đau). Thấu suốt nguyên nhân này, nhạc Trịnh không chỉ góp phần đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình mà còn có những dự cảm sâu xa hơn về xây dựng một nền hòa bình bền vững, vượt thoát khỏi mọi nguy cơ chiến tranh. Để có một nền hòa bình bền vững, để làm triệt tiêu mọi nguyên nhân chiến tranh, phải xây dựng đất nước phú cường, giàu mạnh, xứng danh là “quê hương thần thoại”: “Nhân danh phú cường ta chống chiến tranh” (Nhân danh Việt Nam), “Ta sẽ tự phú cường cho thoát cùm gông” (Ngày mai đây bình yên), “Hai mươi năm chờ đợi đã lâu, nay sức sống tràn về mạch máu, nuôi tim mẹ nuôi tim cha, nuôi tim nhau nuôi đất nước thật giàu” (Đồng dao hòa bình), “Ngày mai đây Việt Nam, là bàn chân tiến lên không ngừng. Ngày Việt Nam con tim hồng lên ánh sáng, dựng lại nước ta, vinh quang trong trời sáng chói Việt Nam” (Ngày mai đây bình yên). Một nước Việt Nam phú cường, sáng chói như vậy, không còn là nước nhỏ nữa. Trên trái đất này, có không ít nước “nhỏ mà không nhỏ” vậy. Trong thời chiến, người Việt tìm trong “quê hương thần thoại” linh khí truyền đời của cha ông để “xin nuôi thêm dòng máu quật cường” (Cho quê hương mỉm cười), để hun đúc dân khí đấu tranh cho hòa bình. Trong thời bình, người Việt càng phải tìm cội nguồn sức mạnh Việt Nam trong “quê hương thần thoại” để hun đúc mạnh mẽ ý chí xây dựng thành công đất nước phú cường.
Như vậy, thông điệp dòng nhạc Da Vàng của Trịnh Công Sơn, thông điệp mà Trịnh Công Sơn gửi gắm trong lời tựa tập nhạc “Kinh Việt Nam”, viết năm 1968: “Xin đừng bao giờ làm kẻ phản bội với một quá khứ hiển linh” vẫn còn nguyên giá trị không chỉ trong thời chiến mà cả trong thời bình, khi lửa chiến tranh đã tắt lâu rồi.