Nông dân làm nên thương hiệu

Tây Long |

Gắn bó với đồng chiêm nước trũng, các thành viên Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong (Quảng Trị) không ngờ có ngày tạo dựng thành công thương hiệu cho hạt gạo quê nhà. Tin vui nối tiếp tin vui, mới đây, sản phẩm gạo của hợp tác xã đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia.

 
Sản phẩm gạo sạch Triệu Phong là niềm tự hào của những người nông dân. Ảnh: Q.H 

Đang trong vụ đông - xuân nên công việc của các thành viên Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong rất bận rộn. Để bảo vệ lúa thời kỳ đẻ nhánh, bà con phải thường xuyên bám đồng, sản xuất và phun các chế phẩm thân thiện với môi trường. Dẫu hiếm có thời gian nghỉ ngơi nhưng mọi người đều vui. Mới đây, sản phẩm gạo sạch của Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận TQC chứng nhận sản xuất phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia. Cùng 18 sản phẩm khác, gạo sạch Triệu Phong cũng vừa được chọn là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Vinh dự hơn, những hạt gạo do bà con nông dân Triệu Phong làm ra được phân hạng 4 sao, là một trong hai sản phẩm cùng nhau dẫn đầu trong danh sách được bình chọn. Những tin vui liên tục đến như tiếp thêm động lực, giúp thành viên Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong tin tưởng hơn vào con đường đang đi.

Đón chúng tôi với nụ cười hồn hậu, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong Nguyễn Hữu Đạt chia sẻ, những ngày qua, hợp tác xã nhận rất nhiều cuộc gọi từ các siêu thị, đại lý, doanh nghiệp… để đặt hàng. Thế nhưng, ông Đạt đều phải xin lỗi, hẹn dịp khác. Trong vụ hè - thu vừa qua, thành viên Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong đã mở rộng diện tích trồng lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên lên 40,2 ha. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp canh tác nên sản lượng bà con thu về cao hơn những vụ trước. Sau khi thu mua và chế biến sản phẩm, Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong đã tiêu thụ hết số gạo sạch từ mấy tháng trước. “Tạo ra thương hiệu đã khó, làm sao cho thương hiệu đó đứng vững trên thị trường càng khó khăn hơn. Tôi và anh em trong hợp tác xã không ngờ mình có thể làm tròn hai việc khó đó”, ông Nguyễn Hữu Đạt chia sẻ.

Những tín hiệu vui ngày hôm nay là thành quả xứng đáng cho sự kiên trì, bền bỉ và nỗ lực không ngừng của tập thể Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong. Năm 2016, bà con nông dân huyện Triệu Phong được cán bộ, nhân viên Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương giới thiệu, tập huấn về mô hình sản xuất lúa theo phương thức canh tác tự nhiên (CTTN). Buổi đầu, chỉ vỏn vẹn 11 hộ dân đăng ký trồng thử nghiệm trên diện tích 1 ha. Mọi thứ đều mới mẻ đối với bà con. Lần đầu tiên, họ làm quen với việc sản xuất lúa không sử dụng phân bón, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật. Mọi người phải học để tạo ra các chế phẩm bảo vệ cây lúa từ tỏi, ớt, gừng, đường…

Công đoạn tốn nhiều thời gian, công sức nhất là làm cỏ. Có thời điểm, một số thành viên mất lòng tin, chán nản vì thấy cây lúa sinh trưởng chậm. Thấy thế, ông Nguyễn Hữu Đạt, bấy giờ là trưởng nhóm sản xuất liền báo cáo với nhân viên phụ trách kỹ thuật tập hợp mọi người lại để làm “công tác tư tưởng”, đồng thời hướng dẫn tỉ mỉ hơn quy trình, kỹ thuật chăm bón. Việc giám sát sản xuất được siết chặt. Kết quả là ngay vụ đầu tiên, bà con được mùa với năng suất đạt 230 kg/sào. So sánh với sản xuất thông thường, CTTN mang lại giá trị cao hơn từ 1,5 - 1,7 lần. Đặc biệt, bà con yên tâm hơn khi không phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật như trước. Đó là động lực để họ mạnh dạn mở rộng diện tích trồng lúa theo phương thức CTTN trong những vụ sau.

Dấu mốc mà người dân trong vùng Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương không quên là sự ra đời của Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong vào ngày 1/7/2017 với 88 thành viên. Bấy giờ, mọi khó khăn, vướng mắc trong sản xuất lúa theo phương thức CTTN đã được tháo gỡ. Người dân ý thức sâu sắc và tự giác sản xuất đúng quy trình. Cái khó nhất đặt ra đối với Ban chủ nhiệm Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong là tiếp cận thị trường. Trong một thời gian không ngắn, câu chuyện tồn kho khiến thành viên trong ban chủ nhiệm đứng ngồi không yên. Năm 2017, Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên chỉ thu 20 tấn thóc, vậy mà cuối năm vẫn tồn gần 7 tấn. Năm 2018, 50 tấn thóc được nhập kho hợp tác xã. Cuối năm, ban chủ nhiệm phải chấp nhận bán 14 tấn lúa tồn kho với giá thấp. Từ thực tế đó, Ban Chủ nhiệm và các thành viên Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong quyết định cải thiện mẫu mã, bao bì; dồn sức quảng bá sản phẩm; tổ chức những chuyến dã ngoại để khách hàng biết về quy trình sản xuất của bà con… Thương hiệu càng vươn xa, thì nỗi lo của bà con càng giảm.

Từ 88 thành viên ban đầu, Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên hiện có 145 thành viên ở ba xã: Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trung. Vụ đông - xuân năm nay, bà con mở rộng diện tích sản xuất lên 45 ha. Thu nhập của người dân từ việc sản xuất theo phương thức CTTN ngày càng nâng cao kể từ khi thương hiệu gạo sạch Triệu Phong được xây dựng và sản phẩm tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Sau khi vươn ra các tỉnh, thành trong nước, gạo sạch Triệu Phong đã xuất hiện ở các hội chợ ở nước ngoài. Một niềm vui lớn khác đối với những nông dân làm nên thương hiệu là họ không chỉ bảo vệ cho sức khỏe của mình mà cả khách hàng. Đặc biệt, với việc trồng lúa sạch, bà con đã góp công bảo vệ môi trường, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Đến giờ, hầu hết đối tác tin cậy và khách hàng thân quen của thương hiệu gạo sạch Triệu Phong đều biết đến câu chuyện ẩn trong những hạt gạo thơm, ngọt, lành. Để có gạo sạch Triệu Phong, người nông dân trong vùng dự án đã dám hành động và làm được những điều mà bấy lâu mình cho là không thể. Họ mạnh dạn quay lưng với phương thức sản xuất cũ, lạc hậu để khởi đầu với CTTN. Từ một nhóm nhỏ chỉ 11 hộ, những người nông dân đã đồng lòng xây dựng hợp tác xã tiên phong trong sản xuất gạo sạch, rồi cùng làm nên thương hiệu và mang về nhiều giải thưởng, bằng chứng nhận.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chương trình “Chung tay vì người bệnh”

Minh Châu - Biên Cương |

Ngày 27/2, Chi đoàn Sở Nội vụ phối hợp với Chi đoàn cơ sở Sở Y tế Quảng Trị tổ chức chương trình “Chung tay vì người bệnh” cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong.

Hai người trở về từ vùng dịch Covid -19 bị cách ly đều có kết quả âm tính

P.V |

Trường hợp lao động quê tỉnh Quảng Trị trở về từ vùng dịch bệnh COVID-19 có triệu chứng sốt đã được cách ly nay đã hết sốt. Cùng lúc đó, lúc 14 giờ 30 chiều 27/2, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị Đỗ Văn Hùng thông báo tin vui: Kết quả xét nghiệm cho biết cả hai cô gái đang được cách ly theo quy định đều âm tính với virus gây ra dịch Covid- 19.

Tăng cường bảo vệ đàn cò nhạn

Anh Vũ |

Trong khoảng thời gian trước, trong và sau Tết nguyên đán Canh Tý đến nay, trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tiếp tục xuất hiện loài cò nhạn (tên gọi khác là cò ốc). Đây là loài chim nằm trong Sách đỏ Việt Nam, thuộc loài quý hiếm cần được bảo vệ.

Quảng Trị trang bị thêm 2 máy đo thân nhiệt từ xa ở 2 cửa khẩu quốc tế để chống dịch nCoV

Thanh Lê |

Sáng nay 11.2.2020, thông tin từ Sở Y tế  Quảng Trị cho biết, hiện ngành đã được trang bị thêm 2 máy đo thân nhiệt từ xa để phục vụ công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (nCoV) gây ra.