Đã qua tháng 2 âm lịch rồi mà sơn cước phía Tây Quảng Trị buổi sáng lên, nơi đây như vừa qua giấc ngủ sâu và lành, còn vương vấn với mùa Xuân đang như muốn dùng dằng với mảnh đất này.
Thôn Ra Lu thuộc xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông của tỉnh Quảng Trị nằm dọc theo quốc lộ 9 là chủ yếu, với đa phần là đồng bào dân tộc Vân Kiều, chủ nhân bao đời nay của mảnh đất này. Tên gọi Ra Lu theo nghĩa tiếng Vân Kiều có thể hiểu là nghỉ ngơi nơi bóng mát vì ngày xưa đây nhiều cây to, bà con đi làm qua về thường hay ngồi giải lao sau những lúc làm lụng vất vả, nhọc nhằn. Tìm hiểu kỹ thì thấy thôn Ra Lu cũng có xuất phát từ bản Ruộng, ngày nay còn gọi theo cách hành chính là thôn Ruộng. Câu chuyện gốc rễ núi rừng muốn tỏ tường phải hỏi những bậc già làng trưởng bản là cây cao bóng cả chốn đại ngàn miền tây Quảng Trị. Gìa làng Hồ Xuân Tình ngồi trước sân kể chuyện bản mình.
Thôn Ra Lu nằm ngay trung tâm xã Hướng Hiệp là thôn lớn nhất của xã với khoảng hơn 280 hộ dân và cũng gần cả ngàn nhân khẩu. Trước đây đời sống bà con, nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều gặp rất nhiều khó khăn vì phương thức canh tác lạc hậu, nhận thức chưa được nâng cao, nhà nước chưa có điều kiện để đầu tư nhiều cho miền núi nên kinh tế xã hội nhìn chung chậm phát triển, tốc độ tăng trưởng không đáng kể. Những năm trở lại đây, thôn Ra Lu cũng đã vươn mình vượt qua khó khăn, tận dụng thế mạnh về giao thông, thế mạnh trồng rừng, trồng cây lương thực và chăn nuôi đại gia súc để cải thiện đời sống của mình, làm thay đổi quang cảnh bản làng. Đời sống của người dân địa bàn miền núi đã có những chuyển biến theo thời gian. Bà con, nhất là người Vân Kiều đã biết sản xuất những cây, con thương phẩm mà thị trường đang cần, để có thể tăng thu nhập, thay vì một nền kinh tế tự phát tự cấp tự túc như ngày trước. Những chuyển biến từ nhận thức đã làm thay đổi nếp nghĩ truyền thống quen thuộc, dẫn đến hành động đúng hướng và tích cực, để mục đích cuối cùng cũng là thay đổi dần cuộc sống của mình theo chiều hướng tốt đẹp.
Nhờ nhận thức thay đổi nên ngay cả những khi nông nhàn như đầu Xuân này thì nhiều người vẫn tự kiếm việc cho mình làm, vừa có ích cho chính bản thân mình vừa tránh được những tệ nạn xã hội khi nếp nghĩ lạc hậu: tháng Giêng là tháng ăn chơi và “rảnh rỗi sinh nông nổi” như cách nói thời nay dễ lôi kéo con người vào những chuyện lẽ ra nên tránh.
Thôn Ra Lu bên cạnh việc sản xuất nông nghiệp dựa vào thế mạnh phổ biên là trồng rừng và trồng sắn còn tận dụng địa hình cụ thể của đất từng nơi mà cải tạo vườn tạp, trồng rau màu, trồng lúa nước và đào ao thả cá. Chính cách làm năng động và hợp lý đã góp phần làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, thay đổi cách nghĩ làm lụng rồi hết thảy nhờ trời mà thiếu đi vai trò chủ động của con người. Đó quả thực là những bước tiến khá dài trên hành trình đổi mới của vùng cao Quảng Trị, đem lại một cuộc sống dần dà ổn định của bà con nơi đây.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, bà con ở gần đường cũng tận dụng lợi thế mặt tiền để buôn bán, làm ngành nghề, dịch vụ, thoát khỏi tình trạng thuần nông thường vẫn trói buộc nhiều nơi, đa dạng hóa kế sách mưu sinh, khiến cho chuyện xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới càng thêm sinh động và thú vị. Nhờ vậy bộ mặt của Ra Lu ngày càng khang trang, đổi thay sắc diện trên con đường đi tới tương lai. Anh Hồ Văn Miên, Trưởng thôn Ra Lu cho biết, đời sống bà con những năm trở lại đây đã có thay đổi đáng mừng.
Một năm mới đang về với mảnh đất Ra Lu, một năm có thể nhiều điều không suôn sẻ nhưng một khi bà con quyết chí đồng lòng, được nhà nước quan tâm đúng mức thì cuộc sống sẽ tiếp tục có những trang mới mẻ và đáng tự hào trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở vùng cao ở một địa bàn được chọn làm điểm như xã Hướng Hiệp. Chúng ta cùng đợi chờ và hy vọng nhiều ở mảnh đất này, như một câu hát nhắc nhở con người: ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay. Và đó là hiệu lệnh càng thêm giục giã mỗi khi mùa Xuân đến.