Hoa Quảng Trị

Xuân Đức |

Có thể ai đó sẽ cười mỉm khi đọc cái tên đề bài viết này. Có thể họ nghĩ rằng dạo này tôi thích “tự sướng”, hay ít ra cũng nghĩ tôi đã bị lây bệnh “nổ”. Bởi như một thói quen đến mức thâm căn cố đế khi nói đến Quảng Trị lại cứ phải xứ “Ô châu ác địa”, là “truông dài rú rậm”, “thâm sơn cùng cốc”, “cát trắng gió Lào”. Rồi thì là, đất lửa, đất thép, nghĩa địa và nghĩa trang v.v...

Cách đây chưa lâu, khi nhận lời viết về tiềm năng du lịch của Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của mảnh đất giới tuyến, tôi đã nói đại ý, nếu như mấy thập kỉ trước, hễ nói tới Vĩnh Linh, người ta quá quen đến mức mặc định những sắc màu xám xịt, đỏ ngầu của tro than, sắt thép và bom lửa, thì đã đến lúc hãy biết tới những gam màu có thật đang hiển nhiên tồn tại trên xứ sở lũy thép này. Đấy là biển biếc, sông xanh, bàu trong và rú thẫm.

Với cả Quảng Trị cũng vậy. Không có lý do gì chúng ta không thể nói đến hoa ở mảnh đất này.

*

 
 Hoa sao nhái, tam giác mạch ở Miền Viên Thảo (Hướng Hoá). Ảnh: Xanh EWEC

Chiến tranh kết thúc, nhất là sau khi cả đất nước biết thế nào là kinh tế thị trường thì bất ngờ trên nhiều miền quê của Tổ quốc bỗng nở rộ muôn ngàn sắc hoa. Hoa để làm đẹp cho đời và hoa cũng đã mang về những nguồn tiền không hề nhỏ. Tuy nhiên hoa là cây cối, là ươm trồng nên phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thiên nhiên, đặc biệt là thổ nhưỡng và khí hậu. Bởi thế, những xứ sở hoa đầu tiên ở Việt Nam mà người ta biết đến, nhắc đến nhiều rồi trở thành thương hiệu, thành đặc sản chỉ bó hẹp ở mấy vùng quê hiếm hoi. Hà Nội có đào Nhật Tân - một xóm nhỏ ở ngoại ô. Trên vùng núi cao phía Bắc thì có Sa Pa. Miền Trung có Đà Lạt… Chỉ ít ỏi vậy thôi.

 
Con đường hoa dã quỳ ở xã Hướng Phùng (Hướng Hoá). Ảnh: Phan Liên

Nhưng rồi, khoảng chừng mươi năm trở lại đây, tự nhiên rất nhiều vùng đất khác trên cả ba miền bỗng cũng trở thành những miền hoa với trăm ngàn loài, giống khác nhau, từ những giống quý hiếm lần đầu được lai tạo trong các vườn ươm chuyên nghiệp, tới những thứ hoa dại vốn đã tồn tại hàng trăm năm trên những đồi hoang rất quen thuộc với người Việt nhưng hầu như chẳng ai bận tâm. Rất nhiều loài hoa mà trước đây, trừ người dân bản địa, còn thì không ai biết đến tên, nay bỗng trở thành những cái tên cực hót, ví như tam giác mạch chẳng hạn. Những vùng hoa như thế đã, đang được quảng bá tràn ngập trên mọi phương tiện thông tin. Cả giang sơn Việt Nam bỗng đẹp hẳn lên, lộng lẫy hẳn lên với muôn màu sắc. Thiên hạ lũ lượt kéo về xem hoa. Nhân tụ thì tài tụ. Nhờ thế mà nhiều miền quê vốn rất nghèo đói cũng đang dần giàu lên nhờ hoa.  

Quảng Trị mình thì sao? Từ hàng trăm năm nay không ai coi vùng đất này là xứ sở của hoa. “Nắng như thể chưa bao giờ được nắng / Ve cứ kêu sấp mặt bảy tháng ròng / Giếng cạn đáy tiếng gàu cào xót ruột / Ngọn gió Lào rong ruổi giáp ngày đông”. Rồi thì “Mưa như thể ngàn năm dồn tụ lại / Lá rũ cành bầm dập đến là thương / Đất nghẹt thở, chân người lầy trong nước / Muỗi chen nhau loạn lạc chật góc giường”. Thiên nhiên khắc nghiệt như thế thì hoa làm sao sống nổi. Chẳng phải dân gian vẫn có câu: Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa đó sao? Cái thiên nhiên bất nhân và dữ dằn ấy đương nhiên kéo theo cuộc sống của con người quanh năm lúc nào cũng thiếu đói, cực nhọc. Đêm năm canh, ngày sáu khắc, người Quảng Trị chỉ trằn trọc có mỗi một ý nghĩ, bằng cách nào để vượt qua những cơn bĩ cực. Ngoài ruộng lúa vốn rất chật hẹp ra, có thêm chút đất nào là phải cắm xuống gốc sắn, bụi khoai để phòng khi giáp hạt ngày ba tháng tám. Hoa ư? Là thứ gì đó quá xa xỉ, thậm chí còn lố bịch nữa.Nói thế, nhưng người Quảng Trị có yêu hoa không? Tôi cam đoan là có, thậm chí là rất khát khao hoa nữa. Bởi hoa cũng như tiếng hát. Dù đói nghèo đến mấy, cơ cực đến mấy, dù tận sâu trong xóm vắng quê nghèo thì vẫn không bao giờ thiếu vắng tiếng hát. Trẻ nhỏ thì hát đồng dao. Mẹ già thì cất tiếng ru con cháu. Người lao động lam lũ trên đồng ruộng hay còng lưng chèo thuyền kiếm sống trên những khúc sông lại cất lên những điệu hò khoan nhặt. Tiếng hát tự nó đâm chồi trong tâm hồn con người. Hoa, tự nó cũng đâm chồi, hé nụ trên mọi rẻo đất. Tình yêu giữa Người với Hoa là thứ tình yêu trời gieo, không có thứ cơ hàn nào ngăn cản được.

 
Hoa dã quỳ ở Hướng Phùng. Ảnh: Phan Liên

Tôi sinh ra và lớn lên trong một mảnh làng heo hút quanh năm thiếu đói. Nhưng tôi cũng tận mắt nhìn thấy ở vùng quê ấy, rất nhiều nhà có trồng hoa. Đương nhiên là họ chỉ trồng dăm ba cây ngay trước sân. Phổ biến nhất là hoa thọ. Có nhà thì trồng thược dược, mào gà. Mấy loài hoa ấy màu sắc rất sặc sỡ nhưng hầu như chẳng phải chăm sóc gì. Bố tôi cũng có trồng vài cây hoa. Ông còn “sáng tạo” ra một “cây hoa” rất độc đáo: Hoa trứng. Ông dùng một nhánh nè (cành tre khô, nhỏ, có nhiều nhánh tua tủa) cắm vào vị trí đất trước sân. Ngày ngày mua được mấy quả trứng vịt từ cửa hàng Hợp tác xã mua bán về, đổ lòng trứng ra rán, còn vỏ trứng thì úp vào một đầu cọng nè. Chỉ mươi ngày, cả nhánh nè ấy trở thành một cây hoa trắng. Bố cứ ngắm “cây hoa trứng” ấy gật gù, tỏ vẻ mãn nguyện. Yêu hoa, thèm khát hoa đến mức ấy thử hỏi có ai sánh bằng!Ở phần trên tôi có nói tới cái khí hậu khắc nghiệt của vùng đất này rất khó để hoa sinh trưởng và phát triển. Nhưng thực ra, tất cả cũng vì chúng ta chưa hiểu hết hoa. Hay nói chính xác là người Quảng Trị chưa có điều kiện thư thái để bận tâm tới hoa.

 
Vườn hoa hướng dương ở xã Triệu Thành (Triệu Phong). Ảnh: MXH

Tôi nhớ ngày mới giải phóng Quảng Trị, tôi đi từ ngoài Quân khu 4 vào tới Đông Hà mới cảm nhận được đầy đủ thế nào là ngọn gió Lào khắc nghiệt. Tuy nhiên điều làm cho tôi sửng sốt không phải là từng cơn gió nóng thổi ù ù như bão làm cuộn tung những làn bụi đất đỏ quay cuồng mù mịt, mà là sự chói sắc của một loài hoa. Ngày đó, trong cái thị xã xác xơ, khô khốc này, giữa những túp lều quán lợp tôn, ngày cũng như đêm lúc nào cũng phả ra hơi nóng hầm hập như lò lửa khiến những người đi qua có cảm giác bị lạc vào Hỏa Diệm Sơn, thì lại có hai thứ cây vẫn xanh tươi một cách kì diệu. Một là cây trứng cá. Hai là cây hoa giấy. Và cũng chỉ có duy nhất hai thứ cây ấy mà thôi. Cây Trứng cá có dáng rất đặc biệt, cành và lá của nó lúc nào cũng xòe rộng ra như một chiếc ô lớn. Dưới vòm chiếc ô đó, người ta dọn những chiếc bàn nhỏ để bán nước giải khát cho khách qua đường. Còn cây hoa giấy thì vươn cao, ôm sát các túp lều tôn, lá xanh mướt và hoa thì tràn ngập nhiều sắc màu đỏ, vàng, trắng… Càng nắng khét hoa càng rực rỡ. Tôi đã sửng sốt kêu lên, làm sao lại có những loài cây, loài hoa vẫn tươi tốt, vẫn màu mỡ như thế giữa cái miền đất mà ngay cả con người cũng thấy khó sống nổi? Sau này tìm hiểu tôi mới biết, cây trứng cá (hay còn gọi là mật sâm) có nguồn gốc ở miền nam Mexico, Caribe, Trung Mỹ và miền tây Nam Mỹ. Còn cây hoa giấy cũng có nguồn gốc từ Brazil, Nam Mỹ. Những xứ sở đó, khí hậu cũng khắc nghiệt chẳng kém xứ ta. Thế mới biết, tạo hóa vốn không có ý tận diệt bất cứ nơi đâu trên trái đất này nên đã điều tiết những giống cây, những loài hoa từ hơn nửa vòng trái đất về đây để giúp đỡ con người xứ này tồn tại.Rồi đến một ngày, không thể xác định chính xác là ngày nào, tháng nào, năm nào, người dân Quảng Trị bỗng quan tâm đến những loài hoa bản địa từng tồn tại hàng trăm năm, chịu đựng được tất cả mọi thử thách khắc nghiệt của nắng gió, và bỗng nhận ra, thật quý biết bao, thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này những sắc màu diệu kì đến thế. Bông trang (mà ngày trước bố tôi gọi là mẫu đơn, loại mẫu đơn Việt khác hẳn hoa mẫu đơn bên Trung Quốc), là thứ hoa dại mọc thành từng bụi, thân cứng, lá dày, hoa nở thành chùm chỉa thẳng lên trời. Cây trang có mặt bốn mùa trên những đồi trọc chang chang nắng xối. Cũng như hoa giấy, trời càng nắng, sắc hoa trang càng rực rỡ. Hoa trang nguyên thủy vốn chỉ có hai loại với hai màu là đỏ và trắng. Giờ thì người ta đã biết lai tạo ra rất nhiều màu khác nhau. Vài năm trở lại đây, thứ hoa dại này bất ngờ sốt giá. Nghe nói có những tay chơi đã mua tới mấy chục triệu một gốc trang.

 Có thể kể thêm mấy thứ hoa bản địa quen thuộc khác. Hoa mười giờ (vì nó chỉ nở đúng vào tầm giữa buổi sáng) thân cỏ, hoa nhỏ như những đồng xu nhưng màu sắc thì vô cùng thắm đượm. Hoa mười giờ cũng là thứ hoa càng nắng gắt hoa nở càng tươi… Hoa dâm bụt được trồng làm hàng rào hai bên ngõ, cánh hoa mềm, mỏng, uốn cong ra phía sau, rất đa dạng màu sắc. Hoa tỉ muội (quê tôi còn gọi là tâm thời) cũng là cây dại mọc lang thang khắp bờ bụi ở làng quê, cánh hoa nhỏ li ti, sắc tím, hồng, vàng lẫn lộn. Rồi sim, mua, chạc chìu. Loài nào màu sắc cũng đẹp, nhiều loài còn ngan ngát hương thơm.Nếu nói đến hương thơm thì trong các hoa bản địa có lẽ không hoa nào sánh được với giẻ. Tôi đã cố ý tìm hiểu các tài liệu trên mạng xem thử loại hoa dại này có họ hàng gốc gác gì với hoàng lan trên phố không, nhưng không tìm được. Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định nó là anh em ruột thịt được sinh cùng một bố mẹ. Bởi giẻ và hoàng lan hoàn toàn giống nhau về hình hoa (hoa có màu vàng, ánh lục hoặc hồng nhạt, cánh quăn như sao biển). Đặc biệt là mùi thơm, cả hai loại hoa đều có hương thơm ngọt ngào quyến rũ đến không dứt ra được. Cái khác cơ bản chính là thân cây. Hoàng lan thân gỗ, cao lớn, có thể thành cổ thụ. Còn giẻ thì thân bé nhỏ, mềm mọc thành lùm bụi. Cái khác nữa là nơi cư trú. Trong lúc hoàng lan chễm chệ giữa phố thị sầm uất, đêm đêm tỏa hương của mình ra để hòa trộn với mùi hương nồng nàn của hoa sữa khiến cho nhiều nhạc sĩ mê đến mức si tình, thì giẻ lại lang thang trú ngụ trên những sườn đồi hoang vắng hay nép mình ở một góc vườn quê. Mùi hương của giẻ ít khoe khoang như hoàng lan mà chỉ khiêm nhường trong đêm vắng như những lời tâm tình e ấp của những cuộc tình dân dã thôn quê. Chợt nghĩ, hoàng lan và giẻ là hình ảnh của Cám và Tấm trong truyển cổ dân gian. Phận người bị yêu ghét, đối xử khác nhau. Tuy thế, rốt cuộc chưa biết ai mới là kẻ xứng đáng được hạnh phúc. Phải chăng vì thế nên nhà văn Văn Linh đã không kìm được lòng mà viết nên những trang văn hút hồn lớp trẻ một thời trong tiểu thuyết Mùa hoa giẻ.

 
Hoa cúc tại chợ hoa xuân Lao Bảo. Ảnh: Xanh EWEC

Giữa đô thị Đông Hà, ngay từ những ngày đầu khi còn gọi là thị xã, ai đó đã khơi lên niềm yêu thích hoa mưng. Cây mưng (mà người miền Bắc đã khoác lên cho nó cái tên mĩ miều là lộc vừng) là loại thân gỗ, lá to, vốn tự mọc bên những bờ ruộng, hoặc quanh các mội nước vùng thôn quê. Giống cây này rất ưa nước và cần có nước mới sinh trưởng tốt. Hoa mưng kết thành từng chuỗi dài lấm tấm sắc tím đỏ, lúc nào cũng buông thõng xuống phía dưới để tìm hơi nước. Vẻ đẹp của thứ hoa này chính là những chuỗi hoa buông dài dày đặc như những chuỗi ngọc. Đông Hà là một vùng đồi sỏi, rất hiếm nước, nên cây mưng khó sống. Nhưng từ khi thị xã này trở thành trung tâm tỉnh lị và với chủ trương quy hoạch nhà vườn để khắc chế thời tiết nắng nóng, thì những ngôi nhà khang trang đã mọc lên trong những khuôn viên đủ chỗ để trồng cây bóng mát. Cây bóng mát là ưu tiên hàng đầu. Nhưng nếu cây bóng mát mà kèm thêm có hoa nữa thì tuyệt hơn. Thế là cây mưng (lộc vừng) là lựa chọn tối ưu. Để có nước tạo hơi ẩm cho hoa, người ta kiến tạo ra những bể nước ngay trước sân và xây thêm hòn non bộ tạo cảnh. Những cây lộc vừng đầu tiên được trồng bên cạnh những bể nước có hòn non bộ như vậy. Rồi đến một lần, thành phố Đông Hà mời nhạc sĩ An Thuyên vào xây dựng một chương trình nghệ thuật để phục vụ cho một lễ kỉ niệm. An Thuyên đặt hàng cho nhạc sĩ Xuân Vũ viết một ca khúc mới về Đông Hà. Xuân Vũ đã lấy cảm hứng từ những gốc lộc vừng vừa quen vừa lạ này mà viết nên ca khúc có tựa đề “Thành phố hoa lộc vừng”. Không ngờ cái tên bài hát ấy lại trở thành sự gợi ý cho một ý tưởng xây dựng Đông Hà thành đô thị văn minh với tiêu chí xanh, sạch, đẹp cùng tên gọi Thành phố hoa lộc vừng. Mỗi phường, mỗi khu phố, mỗi đoàn thể được giao chỉ tiêu trồng một số cây lộc vừng bên đường. Hoa lộc vừng trở thành biểu tượng của Đông Hà từ đấy.

 
Con đường hoa giấy tại thị trấn Lao Bảo. Ảnh: Xanh EWEC

Mấy năm gần đây, cả nước bước vào cuộc vận động xây dựng nông thôn mới hết sức rầm rộ, quyết liệt. Bên cạnh việc dốc sức thực hiện cho bằng được các tiêu chí của một mô hình Nông thôn mới, nhiều làng xã trên toàn quốc xuất hiện những ý tưởng rất sáng tạo, vừa lãng mạn lại vừa hữu ích. Đấy là câu chuyện trồng hoa dọc theo hai bên những con đường làng đã được bê tông hóa. Quả thật cái đẹp có sức lan tỏa nhanh chóng. Hình ảnh về những miền quê đáng sống ấy đã ngay lập tức thu hút sự ham thích của người dân Quảng Trị. Cùng hòa nhịp với cả nước trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhiều xã, nhiều làng quê ở những vùng được gọi là đất cằn đá sỏi này bắt đầu say sưa, háo hức trồng hoa. Đây có thể coi là những công trình Văn hóa hoàn toàn tự nguyện của dân, do dân, vì dân. Cái hay ở Quảng Trị là người dân đã biết lựa chọn những thứ hoa bản địa có sức sống trường tồn với mảnh đất khô cằn này để trồng. Xin bạn hãy ít nhất một lần lượn xe về tất thảy mọi đường quê Quảng Trị của những năm tháng này, bạn sẽ rất bất ngờ và sửng sốt vì hoa. Những bông trang đỏ chói, những cụm cúc biêng biếc hoặc tim tím, những thảm hoa mười giờ bung nở dưới nắng trưa… Ngay cả thứ cây dừa cạn từ tận dưới vùng đất cát ở các bãi biển cũng được tìm đưa lên trồng. Hoa dừa cạn đẹp lắm, cũng đa dạng sắc màu và bất chấp sỏi đá với cái nắng trên 40 độ, hoa cứ nở vô tư. Gần đây xuất hiện lời kêu gọi mang dã quỳ từ Đà Lạt ra trồng trên những con đường vùng núi Hướng Hóa. Hóa ra không khó chút nào. Bước đầu đã cho thấy một vùng hoa mới hình thành, vô cùng quyến rũ. Lại có một lời kêu gọi khác, hãy trồng dày đặc hoa giấy dọc theo con đường xuyên Á mới từ cửa khẩu La Lay về cảng Mỹ Thủy. Cá nhân tôi hết sức cổ vũ cho đề xuất này. Và nếu ý tưởng này thành công thì con đường Hoa giấy ấy cũng sẽ trở thành một danh thắng hút hồn du khách.

Thế là bất ngờ một Quảng - Trị - Hoa nở rộ, bừng sáng. Đấy là chưa nói đến những làng hoa chuyên nghiệp như An Lạc thuộc phường Đông Giang và nhiều vườn hoa ở các khu dân cư thị trấn, thị xã đang ươm trồng những giống hoa quý, sang trọng như hồng, ly, lay ơn, violet… với mục tiêu kinh doanh thứ hàng vốn được coi xa xỉ trước đây nhưng hiện giờ lại là nhu cầu không thể thiếu. Đấy cũng chưa nói đến hiện giờ, trong mỗi vườn nhà của từng gia đình cũng đã xuất hiện ngày một nhiều hơn các loại hoa. Phong lan ra hoa trên giàn, địa lan hay hồng, ngâu, trang, cúc nở hoa dưới đất hoặc trong chậu… Người có điều kiện thì kiến tạo cả một không gian hoa, kẻ khó chí ít cũng có vài ba chậu cảnh. Có vẻ như giờ đây hoa đã là thứ không thể thiếu trong nhu cầu sống của người Quảng Trị chúng ta.

Câu chuyện bất ngờ phát triển hoa ở vùng đất này nói lên điều gì? Phải chăng như người xưa vẫn nói: phú quý sinh lễ nghĩa? Kể ra, cũng có một phần như thế. Khi đời sống vật chất đã đáp ứng được cơ bản thì mong muốn làm đẹp, sống đẹp cũng là nhu cầu tự nhiên. Giờ thì những ngày lễ lớn trong năm hàng hoa là nơi nhộn nhịp nhất. Chợ hoa ngày Tết năm nào cũng chật cứng những rừng đào, quất, mai. Rõ ràng nếu ngày xưa chỉ nói cần no để sống, thì nay cuộc sống cần vui, cần đẹp nữa. Có nhà kinh tế học nói, muốn hiểu được sức phát triển kinh tế của một địa phương hãy đi vào chợ và quan sát các mặt hàng. Có lẽ giờ phải nói thêm ý này, muốn biết thực sự đời sống của người dân ở một vùng đất hãy nhìn vào sức sống của hoa trên mảnh đất ấy.

 
Vườn hoa hướng dương ở xã Triệu Thành (Triệu Phong)

Phần trên tôi có nói, hoa như là tiếng hát. Nói thêm là tiếng hát và tiếng thơ. Vì đấy chính là tiếng lòng. Thế nên, dù dân tộc trải qua không biết bao đận tủi nhục, tao loạn, thậm chí cả một thiên niên kỉ nước mất nhà tan, nhưng ca dao và dân ca trường sinh bất tử. Ca dao và dân ca không phải là thứ được sinh ra ở chốn đô thị phồn hoa mà ngược lại, nó được nẩy sinh từ những mảnh làng heo hút, từ những phận đời cơ cực, lũ lam. Nếu nhìn lịch sử văn hóa một cách công bằng thì những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc nhất mà chúng ta còn lưu giữ được đến hôm nay, hầu hết, hay ít nhất là đa phần, đều được hình thành từ những mảnh làng nghèo đói nhất. Hoa cũng như vậy. Vẫn biết sự dịch chuyển văn hóa từ làng ra phố là sự phát triển tất yếu, nhưng đôi khi lại làm cho người đời nhầm lẫn. Ví như ca hát cung đình là đặc sản của cố đô nhưng thực ra nó được hoài thai từ mọi mạch nguồn của dân ca trong dân gian, để rồi giờ đây, người ta cứ ngợi ca tận đỉnh thứ âm nhạc bác học cung đình mà nhãng quên mất cái gốc sinh thành ra nó. Hoa cũng vậy. Ngàn vạn loài hoa kì ảo hiện nay được lai tạo, được ươm giống với kĩ thuật tiên tiến nhất khiến con người choáng ngợp, nhưng thực ra tất cả cũng có nguồn gốc từ những loài thực vật trên rừng đồi, tất cả cũng từ hoa dại của cây cỏ mà ra. Và nếu vậy thì không có lý gì mà những vùng đất như Quảng Trị chúng ta lại không phải là vùng hoa. Không có lý do gì ta không thể tự kêu lên bằng sự tự tin và niềm kiêu hãnh: Hoa Quảng Trị!

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Lễ hội Xuân bên dòng sông Ô Lâu xưa

N.T |

Tháng 6 năm 1306, vua Chăm là Chế Mân dâng hai châu Ô và Lý làm sính lễ cưới Huyền Trân Công chúa của nhà Trần. Cuộc hôn nhân này đánh dấu cho sự hòa hiếu giữa hai nước Chăm Việt. Song đây cũng chính là sự khởi đầu của cuộc di dân Nam tiến của người Việt.

Từ đường mòn đến đường xuyên Á

Phạm Xuân Dũng |

Nhiều lúc cảm nghĩ có những con đường mang số phận giống với con người. Điều này như đã vận vào con đường 9, con đường trăm năm chất chứa nhiều biến động lịch sử quốc gia và quốc tế dù chiều dài có 82 cây số tính từ Đông Hà lên Cửa khẩu Lao Bảo của tỉnh Quảng Trị. 

Những đứa con của mạ

Bùi Phan Thảo |

Tôi chợt hiểu ra rằng, đâu chỉ là tình quân dân, mà còn là tình mẹ con lai láng, sâu đậm. Xa quê, các bác, các chú vẫn gắn bó với nhau, vẫn là con của mạ, mong ngày được về với mạ.

Hạt ngọc trên đất cằn

Tân Nguyên |

Khi PGS Trần Đăng Xuân, Trưởng Phòng thí nghiệm Sinh lí thực vật và hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) công bố gạo hữu cơ Quảng Trị đạt 545 chỉ tiêu chất lượng, đặc biệt là phát hiện ra hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B trong gạo có tác dụng chống bệnh gout, tiểu đường, béo phì đã gây ngỡ ngàng với nhiều người bởi không ai ngờ rằng hạt gạo trên đất cằn Quảng Trị rồi có một ngày được trân quý hơn vàng.