Quảng Trị và giấc mơ 60 vạn bước đường hoa

HOÀNG HẢI LÂM |

Mảnh đất với con người Quảng Trị được nhiều người trong nước, thậm chí nhiều nơi trên thế giới biết đến bởi… khói lửa chiến tranh. Hơn 40 mươi năm bước ra khỏi cuộc chiến, người ta vẫn nhắc đến Quảng Trị bởi… khói lửa chiến tranh! 

 

Trong một lần đưa đoàn công tác từ Hà Nội vào tham quan Quảng Trị, khi thắp hương, dâng hoa ở Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn, đoàn công tác (và ngay cả chính chúng tôi) cũng giật mình.

Ngót ngét một ngày chiến tranh khói lửa, muốn cảm giác êm đềm có hoa tươi, cỏ lạ để thư thái nhưng dường như quá khó.

Du khách chụp ảnh tự sướng tại rừng hoa dã quỳ trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: HHL
Du khách chụp ảnh tự sướng tại rừng hoa dã quỳ trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: HHL

Từ "thành phố hoa lộc vừng"

Đến cái thời người dân đào lộc vừng từ trong vườn vứt ra đường để lấy đất trồng rau ăn tôi vẫn muốn nói về câu chuyện đó. Về thành phố Đông Hà, một thời và hiện nay vẫn mệnh danh là “thành phố hoa lộc vừng”.

Mặc dù cả thành phố thưa thớt loài hoa này, nhiều nhất là cung đường Nguyễn Huệ với vài chục cây lộc vừng. Không biết là ai khơi nguồn cho ý tưởng đó, nhưng khơi rồi bỏ đó cũng chẳng đáng để làm gì.

Lời nói đi đôi với việc làm nó còn cách xa nhau đến không đo được chiều dài. Nếu tiện tay, chỉ cần vào google tìm kiếm, cụm từ “thành phố hoa lộc vừng” thì nó sẽ cho ngay kết quả về thành phố Đông Hà – thành phố hoa lộc vừng.

Rất dễ hiểu, và chợt nghĩ, mảnh đất Đông Hà nói chung và Quảng Trị nói riêng không còn xa lạ với mọi người, thậm chí nó trở nên nổi tiếng bởi khí phách anh hùng của người dân Quảng Trị qua một thời đạn bom.

Không lấy lư hương, bát nước của các anh hùng liệt sĩ để làm du lịch. Tôi chắc chắn điều đó và tôi nghĩ rằng rất nhiều người đồng với quan điểm này.

Nhưng để cho du khách về nguồn thăm các anh trên một miền đất khát cháy khi chiến tranh đã “thoát” đi hơn 40 mươi năm thì cũng không khỏi cảm giác mang tội.

Nếu các di tích thời chiến, các nghĩa trang là ngôi nhà nguồn cội thì chính việc xây dựng quê hương giàu đẹp là li nước mát lành rót vào lòng du khách, là chiếc giường êm để họ nghỉ ngơi.

Nhưng chúng ta đã chưa làm được, hơn 40 mươi năm chưa làm được đồng nghĩa với việc bỏ lỡ hơn hai thế hệ người, thậm chí ba.

Đến giấc mơ viết lịch sử bằng hoa

Một điều đáng để chúng ta lưu ý, bất cứ làm việc gì thì phải thuận lòng dân và biết dựa vào nhân dân, vận động nhân dân cùng làm. Khi đã có được sức dân thì không gì là không làm được. Đó là bài học lịch sử đã được kiểm chứng chứ chẳng phải là chính trị hóa đời sống hiện đại.

Trong một chuyến công tác ở Quảng Bình, khi nghe nhiều người nói về chuyện trồng hoa dã quỳ trên đỉnh Sa Mù “nếu từ Tượng đài chiến thắng Khe Sanh vào đến xã Hướng Lập phủ 60km đường hoa dã quỳ thì còn chi tuyệt vời hơn…) tôi đã râm ran bởi ý tưởng đó.

Và cho đến những ngày sau hình ảnh những con đường mờ sương, những đoạn đèo khúc khuỷu, những bản làng e ấp, những đồn biên phòng với những người lính quân hàm xanh… ngập tràn hoa dã quỳ thì đó là một bức tranh đẹp lung linh không giấy bút nào tả hết được. 

Hoa dã quỳ ở đèo Sa Mù (Hướng Hóa, Quảng Trị) luôn thu hút giới trẻ. Ảnh: T.L
Hoa dã quỳ ở đèo Sa Mù (Hướng Hóa, Quảng Trị) luôn thu hút giới trẻ. Ảnh: T.L

Hoa ở trên núi, giữa những tia nắng ấm áp và gió, và bồng bềnh sương giăng… cảnh vật ấy trãi đều 60km thì không ai có thể cưỡng lại được.

Chúng tôi trò chuyện suốt một đoạn đường dài, về chuyện con đường hoa trên núi, và rồi khi không còn gì là khó khăn khi nắm bắt được có hàng trăm, hàng ngàn tình nguyện viên từ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương sẵn sàng lên núi trồng hoa thì giấc mơ về 60km đường hoa, thậm chí cả miền núi phủ đầy hoa dã quỳ chỉ trở nên hiện thực trong một thời gian ngắn.

Nhiều người đã dự kiến về một con đường hoa “chương trình bắt đầu phát động ở một điểm cụ thể sau đó vận động tình nguyện viên ở nhiều nơi trên địa bàn tình thực hiện đại trà thì tầm dưới 3 năm sẽ có một con đường hoa trên đỉnh Sa Mù diệu vợi”.

Những bàn tay xanh từ Hướng Phùng

Trường Tiểu học Hướng Phùng, tôi gọi nơi này là nơi hưởng thụ của học sinh. Bởi, một lẽ rất thực, các em được hưởng thụ một môi trường giáo dục không chỉ nằm trên sách vở mà nó được tái hiện, và hơn thế, từ cuộc sống hiện thực bài học làm người của các em học sinh (đa số là học sinh Vân Kiều) được các thầy cô ở đây đặt lên hàng đầu.

Bài học lịch sử của các em từ Địa đạo Vịnh Mốc đến trận chiến Gạc Ma được tái hiện rất chân thực và xúc động. Và trên hết, đó là bữa cơm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Miết nó vượt lên một bài học lịch sử, nó còn là sự báo đáp trong nguồn cội của những mầm xanh đối với cây cổ thụ già đã dần đi về phía núi.

Khi nghe tin tháng 3 này, Trường Tiểu học Hướng Phùng phối hợp với phụ huynh học sinh, các lực lượng đóng quân trên địa bàn… trồng 1000 cây dã quỳ đầu tiên trên đỉnh Sa Mù, chúng tôi hỏi, việc trồng hoa này có ý nghĩa gì trong việc giáo dục lịch sử cho học sinh không thì thầy Nguyễn Mai Trọng (Hiệu trưởng nhà trường) cười:

“Ý tưởng trồng hoa dã quỳ đã có từ rất lâu đối với nhiều người công tác và sinh sống nơi đây nhưng giờ mới bắt đầu thực hiện được quy mô, những năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục phát động.

Tôi mong rằng việc trồng hoa nó là sự hứng khởi cho nhiều cán bộ, giáo viên và đặc biệt là học sinh, đó là thế hệ làm chủ mảnh đất này. Việc viết nên lịch sử bằng hoa đó cũng là điều rất đáng để chúng ta làm lắm”.

Hoa dã quỳ ở đèo Sa Mù (Hướng Hóa, Quảng Trị) luôn thu hút giới trẻ. Ảnh: T.L
Hoa dã quỳ ở đèo Sa Mù (Hướng Hóa, Quảng Trị) luôn thu hút giới trẻ. Ảnh: T.L

60km đường hoa được khởi nguồn từ 1000 mầm xanh ở Hướng Phùng. Con đường từ Tượng đài Chiến thắng Khe Sanh đến Hướng Lập với những bông hoa dã quỳ còn lác đác như những cánh tay vẫy gọi mọi người từ mọi nơi.

Hoa như gọi, hãy đặt bàn tay mình lên 60km đường và viết lịch sử bằng hoa.

Xắn tay cùng học sinh trồng hoa dã quỳ vào “ngày chủ nhật vàng"

HƯNG THƠ |

Tại lễ phát động "Ngày chủ nhật vàng ra quân trồng hoa dã quỳ" do Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị phát động, đại biểu đến dự không chỉ phát biểu, vỗ tay, làm mẫu để ghi hình... rồi về, mà ai cũng cầm cuốc cùng 250 học sinh đào hố để trồng gần 3.000 bầu hoa.

“Con đường hoa dã quỳ” ở miền Tây Quảng Trị sắp thành hiện thực

HƯNG THƠ |

Mùa mưa đến, 1.000 cây hoa dã quỳ sẽ được trồng dọc con đường từ Đồn Biên phòng Hướng Phùng đến Trường Tiểu học Hướng Phùng. Tiếp đó, sẽ triển khai dọc các tuyến đường để biến ý tưởng con đường hoa dã quỳ ở miền Tây Quảng Trị thành hiện thực…

Trồng hoa dã quỳ dọc theo đường Hồ Chí Minh

HƯNG THƠ |

Mong muốn tạo cảnh quan làm điểm nhấn để thu hút du khách đến với những di tích và cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây (đoạn qua huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã phát động trồng hoa dã quỳ dọc tuyến đường.

Danh sách, địa chỉ ủng hộ Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị

B.T.V |

Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị trân trọng cảm ơn sự đóng góp, hỗ trợ kinh phí của các cá nhân, tổ chức thời gian qua. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của quý vị. 

Mọi sự ủng hộ xin gửi về: Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị; Tài khoản số: 540.10.00.075743.6 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh tỉnh Quảng Trị