Tôi chợt hiểu ra rằng, đâu chỉ là tình quân dân, mà còn là tình mẹ con lai láng, sâu đậm. Xa quê, các bác, các chú vẫn gắn bó với nhau, vẫn là con của mạ, mong ngày được về với mạ.
1. Cách đây chừng 6 năm, mạ tôi, lúc đó vừa qua tuổi 80, một bữa gọi điện thoại di động khi tôi đang ở cơ quan: “Mấy đứa em đã tìm ra địa chỉ Thiên T. rồi con. Chủ nhật này anh em gặp nhau. Hôm qua hắn gọi cho mạ 3 cuộc điện thoại, nói nhớ mạ, sẽ xuống thăm mạ sớm”.
Tôi hiểu niềm vui của mạ khi tìm lại được đứa con thứ 8 sau nhiều năm bặt tin. Thiên T. là học trò của anh tôi, từ Huế vào học tận Tây Nguyên. Năm ấy, lớp của Thiên T. chuẩn bị thực tập, kéo nhau về thăm nhà thầy (lúc đó ba mạ tôi sống ở thị xã Buôn Ma Thuột, thủ phủ tỉnh Đăk Lăk và Buôn Ma Thuột chưa lên thành phố, đô thị loại 1 như bây giờ). Tôi thì đang học đại học ở TP. Hồ Chí Minh.
Thiên T. cùng tên với tôi, cùng lứa tuổi, tính tình hoạt bát, dễ gần nên mấy đứa em tôi rất khoái, cứ đeo theo. Thiên T. cũng thương mấy đứa em tôi, xin phép gọi ba mạ tôi bằng ba mạ. Có 7 đứa con, 3 thằng con trai đầu từng đi học xa, ở Huế, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các anh tôi từng từ Quảng Trị vào Tây Nguyên dạy học, nên ba mạ tôi thấu hiểu hoàn cảnh, nỗi lòng sinh viên xa nhà. Ba mạ tôi nhận Thiên T. làm con nuôi, có thêm đứa con hủ hỉ cũng vui cửa vui nhà. Hắn về thăm những ngày cuối tuần, đầu tuần rời đi là ba mạ và mấy đứa em cũng nhớ, cũng trông.
Ra trường, Thiên T. chuyển vào Bình Phước dạy học. Ba tôi mất, mạ tôi vào TP. Hồ Chí Minh sống cùng các con. Bẵng đi cả chục năm. Nhờ facebook, mấy đứa em tôi kết nối lại với Thiên T. Lúc này Thiên T. đã có gia đình yên ấm, sự nghiệp vững vàng, kinh tế gia đình vào loại khá giả. Mấy anh em lên xuống TP. Hồ Chí Minh - Bình Phước thăm mạ tôi, thăm nhà Thiên T. Những ngày trọng đại của gia đình các anh em tôi và gia đình Thiên T., đều là những ngày vui, có mặt đông đủ con cháu.Mạ tôi nói năm nay Thiên T. sẽ về Huế ăn tết. Hắn gọi cho mạ, nói: “Tết ni con về Huế ăn tết rồi, mấy bữa nữa con xuống thăm mạ rồi con ra Huế. Mạ ăn tết vui vẻ. Năm mới chúc mạ dồi dào sức khỏe”.
2. Đêm 28/4/1975, chiếc xe commăngca đưa bà nội, bà Hy (em bà nội), o Tân Nhân (con gái đầu của bà Hy) và tôi ra đến Thủ đô Hà Nội. Xe vừa lên dốc cầu Long Biên, thủ đô hiện ra trong lung linh ánh đèn. Bác Tâm vẫn ở Trường Sơn, công việc còn rất nhiều với Bộ Tư lệnh 559, nhất là khâu hậu cần, công binh, là trạm tiền phương đón những đơn vị vào Nam, đón cả văn nghệ sĩ vào Nam theo từng bước chân giải phóng quân đang tiến nhanh về giải phóng Sài Gòn. Bác Khuyến công tác ở Tổng cục Chính trị, chiều tối về khu tập thể quân đội đã nóng lòng chờ đón bà nội tôi suốt mấy tháng qua, khi bà nội từ Đà Nẵng về quê cùng ba mạ tôi sau ngày giải phóng Đà Nẵng 29/3/1975. Là con trai cả và dâu cả, bác Khuyến và bác Hảo đã thu xếp chu đáo cho cuộc hội ngộ sau 21 năm các bác, o tôi và các chú tôi xa cách cha mẹ già, lên đường tập kết ra Bắc. Nói đúng hơn, các bác còn xa ông bà nội tôi trước đó nhiều năm, khi có mặt trong những đoàn quân chiến đấu khắp các chiến trường từ Trị - Thiên khói lửa đến Điện Biên Phủ oai hùng…
Lúc đó, mọi người tập trung ở nhà bác Khuyến. Trong đàn con của ông bà nội tôi, bác Khuyến, bác Luyện và bác Tâm đi kháng chiến từ những ngày đầu chống Pháp thì bác Luyện bị giặc Pháp bắt, mất tích. Bác Khuyến qua chiến đấu tại chiến trường Lào, sau về công tác ở Tổng cục Chính trị. Bác Tâm sau chiến thắng Điện Biên Phủ lại vào Nam và trở thành một trong những người góp công xây dựng những đơn vị đầu tiên của Binh đoàn Trường Sơn, Bộ Tư lệnh 559 sau này. Còn bác Thanh tiếp tục kháng chiến chống Mỹ, là công an vũ trang thời đó (nay là bộ đội biên phòng), hi sinh vào năm 1965 vẫn chưa tìm được hài cốt. Đi tập kết năm 1954 là o Hướng, chú Hữu, chú Vĩnh. Ba tôi và chú Lạch, chú Thạch, chú Ngạn ở lại quê để chăm sóc ông bà nội hoặc tiếp tục học hành vì tuổi nhỏ. Chú Ngạn sau vào du kích và hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ…
Chú Hữu ra công tác, lập nghiệp ở Hòn Gai (nay là thành phố Hạ Long), tỉnh Quảng Ninh. Năm 1980 chú chuyển vào Rạch Giá, làm Trưởng ban trọng tài kinh tế tỉnh Kiên Giang trước khi nghỉ hưu. Chú Vĩnh được đi Cộng hòa Dân chủ Đức học, lấy bằng tiến sĩ và giảng dạy tại Đức đến 1975 mới về nước dạy Trường Đại học Kinh tế quốc dân, được phong phó giáo sư, sau đó được phong giáo sư và là giáo sư đầu tiên của làng Mai Xá Chánh, huyện Gio Linh. O Hướng của tôi công tác tại Bộ Giáo dục, sống trong khu nhà của cơ quan bộ, lúc đó tại số 14 Lê Thánh Tông, Hà Nội.
Lúc này, o tôi và các bác, các chú cùng người thân trong gia đình đều có mặt. Có một người, tôi nhìn thấy lạ, ngồi trò chuyện cùng các bác, độ tuổi trạc lớn hơn bác Tâm một chút nhưng ít tuổi hơn bác Khuyến. Sau tôi biết đó là bác Tường, một người con của ông bà nội. Bà nội tôi ôm từng người con, các con cháu quây quần. Bà ôm đến bác Tường và bà khóc, bác Tường cũng khóc: “Tưởng không gặp được mạ, mạ ơi”.
Bác Tường đi tập kết bao năm vẫn giữ giọng Huế. Bác là lính Trung đoàn 95, chiến thắng trận Thanh Hương (huyện Phong Điền) lẫy lừng năm 1951. Sau trận này Bác Hồ gửi thư khen và một người anh em bạn dì ruột với ba tôi là bác Nguyễn Khắc Thứ viết ký sự “Trận Thanh Hương” được giải Nhì (cùng “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi), do Hội Văn nghệ Việt Nam trao tặng. Sau đó, Trung đoàn 95 đưa bộ đội về ở trong dân tại Quảng Trị, Thừa Thiên, bộ đội được các gia đình nhận làm con nuôi. Ba bác của tôi đi bộ đội cũng làm con nuôi các bà mẹ ở làng quê khác, còn bác Tường làm con nuôi của bà nội tôi.
Tôi chợt hiểu ra rằng, đâu chỉ là tình quân dân, mà còn là tình mẹ con lai láng, sâu đậm đi theo đời người, nâng bước những người Vệ quốc quân quên mình vì nước vì dân, giúp họ luôn chân cứng đá mềm. Xa quê, các bác các chú vẫn gắn bó với nhau, vẫn là con của mạ, đàn con đông đúc, mong ngày được về với mạ.
Nay đất nước thống nhất, mạ ra miền Bắc, ôm những đứa con vào lòng, còn hạnh phúc nào hơn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)