Buổi chiều nghiêng nắng lên bản Cu Tài 1, xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị), không gian tĩnh lặng đến nỗi nghe rõ tiếng mây đang trườn qua núi, ôm lấy bản làng.
Chợt đầu bản Cu Tài 1 vang lên âm điệu trầm hùng huyền bí của tiếng cồng, chiêng. Ấy là già làng Kôn Pruôi đang mang “gia tài” cả đời sưu tầm, tích cóp ra chỉnh lại âm thanh để chuẩn bị cho mùa lễ hội.
Tôi theo tiếng cồng, chiêng như cơn gió rừng hoang hoải tìm đến căn nhà sàn của già làng Kôn Pruôi. Già làng Kôn Pruôi (đã qua 82 mùa rẫy), trầm ngâm thẩm âm dàn chiêng, cồng nhuốm màu thời gian. Đang mê đắm trong thanh âm huyền bí giữa mênh mang đại ngàn, già làng Kôn Pruôi thở dài: “Cánh thanh niên đồng bào dân tộc Pa Kô bây giờ thích nhạc hiện đại hơn tiếng cồng, chiêng. Miềng có dạy nó cũng không chịu học, miềng buồn cái bụng lắm. Đối với đồng bào dân tộc Pa Kô thì nhạc cụ, trang phục… được xem là linh hồn, là văn hóa đặc sắc được lưu giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ. Lớp trẻ không học thì mai này lấy ai đánh chiêng, đánh cồng.... khi bản làng vào mùa lễ hội. Miềng cùng nhiều già làng, trưởng bản tâm huyết của xã A Bung nhiều lần lên kế hoạch truyền dạy cho lớp trẻ, nhưng rồi vẫn có quá ít người học đánh cồng, chiêng”. Già làng Kôn Pruôi cho biết, âm thanh cồng, chiêng gắn bó máu thịt với bao thế hệ đồng bào dân tộc Pa Kô. Âm thanh đó chứa đựng sự ngưỡng vọng, tri ân của con người với thần linh và giữa con người với con người... được tấu lên từ đôi bàn tay rắn rỏi của các nghệ nhân. Mọi sinh hoạt trong đời sống của đồng bào dân tộc Pa Kô từ thuở lập bản, lập làng đã gắn bó mật thiết với âm thanh cồng, chiêng. Trong từng giai đoạn của đời người như thuở lọt lòng, lớn lên, nên duyên vợ chồng rồi rời xa bản làng về với tổ tiên đều có sự hiện diện của cồng, chiêng. Âm thanh cồng, chiêng trở nên tưng bừng, rộn rã, trầm hùng trong lễ hội Puh Boh (lễ giữ rẫy), lễ hội Aya (hội mùa), lễ hội Ariêu Piing (lễ bốc mả), Kăl năng Mương (lễ hoàn ân thổ thần)… Cồng, chiêng âm vang trong đêm trăng đại ngàn như lời tổ tiên vọng về, lời núi rừng Trường Sơn linh thiêng. Cồng, chiêng cùng với các nhạc cụ dân tộc Pa Kô khác như khèn bè, đàn Âmpreh, Ta lư… hòa nhịp với các điệu múa như múa Toong (múa giữa rẫy), Xiêng câm priing, Ra Yook, Poon Rayoock được trình diễn trong các dịp lễ hội hay những khi lên nương, lên rẫy, lứa đôi hẹn hò yêu nhau... là yếu tố góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng riêng có của đồng bào dân tộc Pa Kô.Già làng Kôn Pruôi nói rằng, thấy được vị trí vai trò quan trọng của cồng, chiêng trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Pa Kô, nên từ thời còn đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng ủy xã A Bung (từ năm 1968 đến năm 1980), già làng Kôn Pruôi đã tìm cách lưu giữ lại bộ cồng, chiêng quý mà tổ tiên để lại. Rồi trên những nẻo đường băng rừng, lội suối để hoạt động cách mạng trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến khi quê hương hoàn toàn giải phóng, già làng Kôn Pruôi luôn chú tâm sưu tầm thêm cồng, chiêng, A đe pung (nồi đồng). Đến bây giờ, “gia tài” của già làng Kôn Pruôi là 10 chiếc cồng, chiêng; 5 chiếc A đe bung (nồi đồng) lớn, nhỏ cùng nhiều vật dụng sinh hoạt trong đời sống thường nhật của đồng bào dân tộc Pa Kô… Già làng Kôn Pruôi nhớ lại, từng có một thời nhiều hiện vật quý giá về văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Pa Kô bị cơn lốc thị trường biến thành hàng hóa, khiến không ít bản làng mất dần gốc rễ. Nhưng với già làng Kôn Pruôi thì không bao giờ có chuyện bán - mua… Còn nhớ, chỉ cách đây khoảng chục năm, thỉnh thoảng có khách lạ đến gạ mua bằng mọi giá bộ cồng, chiêng, A đe bung… nhưng già làng Kôn Pruôi khước từ. Bởi theo ông, tất cả cồng, chiêng, A đe bung… là hiện vật mà tổ tiên xa xưa để lại và dùng trong các lễ hội cúng tế thần linh. Cho dù có đói ăn thiếu mặc, già làng Kôn Pruôi cũng không bán. Thực tế, trong nhiều bản làng, hiện tại số gia đình giữ được chiêng, cồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người già ít đánh, đám trẻ không mấy mặn mà, cồng, chiêng bỏ không ở xó nhà. Cũng có vài người lén lút bán với giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng một chiếc hoặc một bộ chiêng, cồng tùy loại to, nhỏ và nguyên liệu đúc cồng, chiêng…
Mặt trời đã về phía núi. Già làng Kôn Pruôi rủ tôi ở lại qua đêm ở bản Cu Tài 1, chờ đêm xuống cùng già làng ra nhà văn hóa cộng đồng bản Cu Tài 1 xem đội văn nghệ xã A Bung tập các tiết mục múa cồng, chiêng chuẩn bị cho mùa lễ hội. Đêm xuống, sương giăng mỏng mảnh. Ánh trăng nhạt dần, chỉ còn huyền ảo dáng núi Apay như bộ ngực sơn nữ căng tròn. Không có bếp lửa rừng bập bùng, nhưng nhịp cồng, chiêng vẫn quấn quyện lấy đôi chân trần của những chàng trai, cô gái miền sơn cước. Già làng Kôn Pruôi ngước nhìn bóng núi Apay rồi nói với tôi rằng, sống trong không gian huyền bí của núi rừng, người Pa Kô quan niệm “vạn vật hữu linh”. Bên cạnh con người là một lực lượng siêu nhiên tồn tại đó là Giàng. Do vậy, mọi sinh hoạt bao giờ cũng phải tổ chức nghi lễ để cầu thần linh bảo vệ, giúp đỡ. Thuở xưa, muốn sử dụng cồng, chiêng phải làm lễ xin phép. Bởi cồng, chiêng không chỉ là nhạc cụ mà là “vật báu, hồn thiêng” của gia đình và cộng đồng, là linh hồn của các lễ hội. Đội văn nghệ xã A Bung bắt đầu vào buổi tập. Điệu cồng, chiêng lúc dũng mãnh, rắn chắc, trầm hùng như bước chân các chàng trai Pa Kô thuở xa xưa đang đối đầu với mảnh thú; cũng có lúc đằm thắm, dịu dàng quyện vào đôi chân trần uyển chuyển của sơn nữ.Hôm nay, diện mạo mới của sự ấm no đã về trên những bản làng. Và những đứa con của núi rừng Trường Sơn càng ý thức sâu sắc hơn việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trên hành trình ấy, không thể thiếu nhịp điệu cồng, chiêng. Chính nhịp điệu cồng, chiêng tựa cơn mưa đầu mùa phảng phất, cho lúa trên rẫy lún phún mạ tơ, cây măng rừng đội đất chui lên, cho nước về đầy lòng con sông Đakrông. Nhịp điệu đó khiến già làng Kôn Pruôi luôn thấy mình sống trong ngày hội bản làng giữa đại ngàn mênh mang tiếng cồng, chiêng…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)