Khi PGS Trần Đăng Xuân, Trưởng Phòng thí nghiệm Sinh lí thực vật và hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) công bố gạo hữu cơ Quảng Trị đạt 545 chỉ tiêu chất lượng, đặc biệt là phát hiện ra hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B trong gạo có tác dụng chống bệnh gout, tiểu đường, béo phì đã gây ngỡ ngàng với nhiều người bởi không ai ngờ rằng hạt gạo trên đất cằn Quảng Trị rồi có một ngày được trân quý hơn vàng.
Thay đổi tư duy trồng lúa
Như một hiệu ứng tích cực, nông dân trên những cánh đồng cằn cỗi năm xưa lại mừng vui khôn tả. Giá gạo hữu cơ tăng từ 32.000 đồng/kg lên 39.000 đồng/kg mà vẫn không đủ bán. Để có được hạt ngọc trên tay, nông dân Quảng Trị đã phải đấu tranh với chính mình, thay đổi tư duy sản xuất, phương thức canh tác truyền thống với phân hóa học, thuốc trừ sâu... sang canh tác hữu cơ. Và điều mà tôi tâm đắc là trên dải đất miền Trung khắc nghiệt đầy nắng và gió này, người nông dân Quảng Trị đã mạnh dạn đi tiên phong và thành công với nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh Nguyễn Giang vốn là bạn vong niên nên không khách sáo mà tiếp đón, chuyện trò với tôi ngay trên bờ ruộng. HTX Phước Thị là đơn vị đầu tiên của Quảng Trị canh tác lúa hữu cơ. Làm giám đốc HTX nhưng Nguyễn Giang cũng là một nông dân đích thực. Nhà có 10 sào ruộng, 35 năm rồi cứ làm lúa vô cơ, tuần tự làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc… Vậy nên khi Nguyễn Giang về họp xã viên kêu gọi làm lúa hữu cơ, ai cũng lắc đầu ngại khó. Ruộng đất đã chia, manh mún, giờ tích tụ lại đâu phải chuyện dễ.
Nguyễn Giang “bật mí” bí quyết để vận động xã viên làm lúa hữu cơ: “Với những người ban đầu không chịu làm tôi phân loại ra ai có ảnh hưởng lớn trong nhân dân thì đến tận nhà thuyết phục; số đông còn lại thì tôi đàm phán đa phương. Khi người dân đã nhất trí làm lúa hữu cơ thì lại vướng bao chuyện “trời ơi đất hỡi”. Làm ruộng hữu cơ là cánh đồng mẫu lớn, trăm người như một, chỉ cần một người không làm mà có liên địa trên đó, thì tất cả còn lại cũng chịu, bởi quy trình nghiêm ngặt, không ai được làm khác. Nông dân mình vốn bảo thủ, hơn 30 năm nay muốn bón phân lúc nào thì bón, giờ đâu có được; phân vô cơ chỉ 10 kg/sào, nhưng hữu cơ là 105 kg/sào, phải bón 5 lần trong 1 vụ, 15-20 ngày/lần”. Khi bắt tay vào làm lúa hữu cơ, nảy sinh ngay vấn đề là lúa xấu, bởi phân Ong Biển bón thì lúa không xanh đậm, hơi vàng, mật độ thưa lúc đầu, bà con lo lắng. Sâu bệnh xuất hiện, nông dân hoài nghi. “Các ông làm thế này, nếu mất mùa, HTX có đền không? Làm gì có loại phân bón kháng được tất cả sâu bệnh?”. Bản thân Nguyễn Giang lắm lúc cũng nghi ngờ, nhưng rồi lại vững tin bởi doanh nghiệp đã cho ứng phân và giống, bao tiêu hết, mình lỗ là họ đền. Vụ đầu Giang mất ăn mất ngủ. Tôi thấy Giang lắc đầu nhưng là cái lắc đầu sung sướng khi nhớ lại và soi chiếu với hiện tại: “Vụ đầu thắng 80%, từ vụ thứ 2 trở đi, năng suất vượt yêu cầu, có nơi lên 4 tạ/sào, lúa hạt nào ra hạt đó, đẹp và thơm lắm. 1 ha khấu trừ hết các khoản chi phi lãi ròng 30 triệu đồng, gấp đôi ruộng vô cơ, lại không phải bơm thuốc phá đồng, hại sức khỏe, môi trường đảm bảo, bà con sướng lắm. Nhiều ruộng, cá tôm trở lại, có vụ bắt 2 tạ cá/ha”.
Sự đóng góp lặng thầm
Anh Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thừa nhận để có được hạt lúa hữu cơ mà nhiều người ví von “ngọc đã thành hình từ đá” như hiện nay thật chẳng dễ dàng chút nào. Qua tìm hiểu tôi biết anh Tâm được xem là kiến trúc sư trưởng của quy trình kĩ thuật sản xuất lúa hữu cơ vào ruộng Quảng Trị. Tâm chia sẻ: “Đầu tiên quy trình bón phân hữu cơ và giống lúa canh tác là ST 24 nổi tiếng ở miền Nam, nhưng không thể áp đặt một cách máy móc vào ruộng đồng ở Quảng Trị được. Mình phải viết điều chỉnh lại quy trình để phù hợp với đất đai và điều kiện thời tiết ở Quảng Trị, từ khâu phân bón bao nhiêu, thời gian ra sao, xuống giống bao lâu thì bón phân, mực nước trên ruộng là mấy…, tất cả phải khác đi”. Bởi thế anh Tâm là một trong những tác giả đã đoạt giải 3 Hội thi Sáng tạo kĩ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ VIII. “Để có được cây lúa xanh trên ruộng là không biết bao nhiêu lần anh em phải bám sát từng ngày với đồng ruộng. Mình xuống ngồi với nông dân, lội trên ruộng cầm loa mà chỉ việc cho họ. Có nơi mình phải họp 4, 5 lần, giải thích đến lúc bà con yên tâm chấp hành, rồi theo dõi lúa, bằng con mắt kĩ thuật sẽ biết ngay ai làm sai quy trình, đưa phân hóa học, phun thuốc trừ sâu vào, bởi có thì lúa chỗ đó sẽ khác cả đồng. Từ năm 2016, tỉnh có chủ trương đánh giá tác động từ thực tế trong sản xuất để điều chỉnh, bám nông dân, bám cơ sở. Làm ruộng hữu cơ đem lại nhiều nguồn lợi. Ban đầu thì ngần ngại nhưng bây giờ nơi nào cũng muốn làm, từ mấy chục héc ta ban đầu thì nay toàn tỉnh đã có hơn 100 ha với 13 HTX tham gia. Năm 2020 tỉnh sẽ bàn vấn đề tích tụ ruộng đất chứ bây giờ nhu cầu quá lớn”, anh Tâm cho biết.
Cũng theo anh Tâm, hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các đơn vị liên quan mời tổ chức Union Control khảo sát chứng nhận 90 ha lúa đạt chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ và chuẩn EC, đề xuất chủ trương xây dựng nhà máy xay xát lúa gạo tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà… là những điều kiện cần thiết để mở rộng diện tích liên kết sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, làm cơ sở cho việc xuất khẩu gạo hữu cơ Quảng Trị ra thị trường thế giới.
Để giữ mãi nụ cười nông dân trên đồng ruộng
Doanh nghiệp liên kết với Quảng Trị sản xuất gạo hữu cơ là Công ty Đại Nam ở Bà RịaVũng Tàu được lãnh đạo tỉnh mời về. Công ty tuyên bố bao tiêu sản phẩm, cam kết mua thóc tươi, trả tiền ngay tại ruộng; ruộng nào không đủ sản lượng 250 kg/sào, công ty bù; mất mùa công ty đền y như thế. Đổi lại, nông dân phải dùng phân bón Ong Biển do công ty sản xuất; tuyệt đối không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Công ty Đại Nam làm đúng như cam kết, trả tiền tươi 8.000 đồng/kg, “bao cấp” từ cái bao đựng lúa cho đến phân, bón và nhận sản phẩm ngay tại ruộng.
Là “ông bầu” của mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ Quảng Trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam Trần Ngọc Nam cảm thấy tự hào khi mang về những kì tích trên lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng theo ông nếu chỉ đơn thuần trồng lúa lấy gạo thì nông dân chỉ ở mức đủ ăn, có thể dư dả nhưng khó làm giàu. Nếu đưa gạo hữu cơ chế biến ra các sản phẩm khác thì giá trị từ hạt gạo sẽ tăng lên gấp nhiều lần, giá thu mua lúa từ đó sẽ tăng, thị trường cũng được mở rộng. Để thực hiện kế hoạch này, công ty đã khởi công nhà máy chế biến nông sản hữu cơ tại Quảng Trị với nguồn vốn đầu tư 100 tỉ đồng, sau khi hoàn thành sẽ là một khu phức hợp các công trình chế biến nông sản hữu cơ như gạo, cà phê, lạc, ngô…khép kín từ khâu gieo trồng, thu hoạch đến khâu chế biến, đóng gói, thu hồi phụ phẩm…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết: “Sau khi sản xuất lúa hữu cơ thành công, sắp tới diện tích lúa hữu cơ sản xuất theo chuỗi của tỉnh sẽ tăng lên khoảng 10.000 ha. Bởi xu thế hiện nay, sản phẩm nông sản phải thân thiện với môi trường, phải đảm bảo quyền của người tiêu dùng, sức khỏe cho cộng đồng. Vì thế, việc chuyển đổi mô hình sang làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch là bắt buộc, không còn sự lựa chọn nào khác. Từ năm 2017 trở lại đây, tỉnh đã có nhiều đột phá trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng để nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện nay tỉnh đang mời Viện Quy hoạch nông nghiệp quy hoạch lại các vùng, quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Để khi đó, hễ ra đồng là gặp ngay lối canh tác hữu cơ, là nhìn thấy nụ cười của người nông dân. Hi vọng nông dân Quảng Trị sẽ trở nên giàu có từ ruộng đồng, thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị sẽ xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)