Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh Quảng Trị, những năm trở lại đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo và thực hiện các chính sách hỗ trợ, chuyển đổi sản xuất nông sản theo hướng từ số lượng sang chú trọng chất lượng.
Đặc biệt, làm cầu nối cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân liên kết với doanh nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật và công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ở xã Gio An, huyện Gio Linh, đầu năm 2019, được xã tạo điều kiện về đất đai và các ngành chức năng hỗ trợ kinh phí, một nhóm hộ thành lập Tổ hợp tác liên kết với Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm trồng và tiêu thụ cây sâm bố chính trên diện tích 3 ha theo quy trình organic kĩ thuật cao với kinh phí 1,6 tỉ đồng. Đây là cây trồng mới, lần đầu tiên triển khai trồng trên địa bàn trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là tác động của thời tiết nắng nóng diễn ra liên tục với mức nhiệt độ cao, nhưng nhờ ứng dụng các biện pháp kĩ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hợp lí nên mô hình cho kết quả khả quan, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha, nơi cao đạt trên 70 tạ/ha, sau khi trừ các chi phí cho lãi bình quân 118 triệu đồng/ha, cao hơn từ 60%- 80% so với các loại cây khác đang trồng tại địa phương.
Ở huyện Hướng Hóa, từ năm 2018 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã kết nối với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc triển khai dự án thí điểm phát triển cây chanh leo với quy mô 12 ha tại 3 xã Hướng Phùng, Tân Liên và Tân Lập. Nhờ được tập huấn kĩ thuật, doanh nghiệp cho ứng trước 50% giá giống thanh toán vào cuối vụ, cam kết thu mua 100% sản phẩm và khi thị trường không tiêu thụ sản phẩm vẫn được mua theo giá bảo hiểm 4.000 đồng/kg đối với tất cả các loại quả, 18 hộ gia đình đã yên tâm sản xuất. Kết quả cho thấy năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha, hiệu quả kinh tế mang lại sau khi trừ chi phí hơn 150 triệu đồng/ha. Nhận thấy cây chanh leo thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, đất đai ở nhiều nơi trong tỉnh, năm 2019 dự án đã mở rộng trồng 20 ha tại các huyện Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Triệu Phong.Năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tiếp tục thực hiện biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh với Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam tổ chức gieo trồng lúa hữu cơ với diện tích gần 200 ha. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng của thời tiết bất lợi nhưng năng suất lúa bình quân vẫn đạt 5,2 tấn/ha, sản lượng đạt trên 1.000 tấn, đã mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Mô hình đã sử dụng giốnglúa mới ST24, là giống lúa nằm ở top 3 gạo ngon thế giới, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt sau khi thông tin gạo hữu cơ Quảng Trị chứa 2 hợp chất Momilactone A và Momilactone B có tác dụng chống tiểu đường, gút, béo phì chính thức được công bố, sản lượng gạo bán ra thị trường đã tăng gấp 3 lần so với trước đó. Hiện nay, sản phẩm đã thâm nhập vào các siêu thị lớn trong cả nước, tham gia gian hàng thương mại tại một số nước như Trung Quốc, Thái Lan và nhận đơn hàng từ Mỹ, Qatar, Nhật Bản… Điều này khẳng định thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị đủ sức vươn tầm quốc tế.
Đặc biệt, với mục tiêu tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2018, thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã chủ trì triển khai đề tài “Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển cây cam sạch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Chi cục đã lựa chọn 0,7 ha cam ở vùng gò đồi K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng làm thí điểm, tổ chức tập huấn kĩ thuật, hướng dẫn các hộ gia đình bón phân hữu cơ, ứng dụng các biện pháp bảo vệ thực vật sinh học, ủ cá bằng chế phẩm QTMic để làm phân cá bổ sung dinh dưỡng cho cây, lắp đặt bẫy lồng, đặt bả sinh học để dẫn dụ, nhằm bắt bướm chính hút quả, hạn chế tỉ lệ rụng quả. Mô hình bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, năng suất vườn mô hình đạt 36 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, ước lợi nhuận đạt 700 triệu đồng/ha. Đây là cơ sở bước đầu để tuyên truyền, áp dụng các giải pháp kĩ thuật canh tác cam theo hướng hữu cơ trên địa bàn trong thời gian tới.
Ngoài những mô hình trên, trong năm 2019, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương xây dựng một số mô hình như sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng giống lúa mới năng suất, chất lượng cao với quy mô 40 ha, sử dụng phân hữu cơ vi sinh và khoáng Quế Lâm, kết hợp với phân chuồng đã được ủ hoai mục và vôi. Do vậy đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, cứng cây, khỏe mạnh ít bị sâu bệnh, môi trường sạch sẽ, nông sản an toàn, hiệu quả cao, lợi nhuận đạt từ 15- 22 triệu đồng/ha. Mô hình thâm canh cây cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm quy mô 3 ha, giống cam Xã Đoài lòng vàng, thực hiện tại xã Gio Bình, Gio Linh. Đây là mô hình chăm sóc cam đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng phân bón vi sinh, phân khoáng chuyên dùng, phân chuồng hoai mục đã xử lí và các chế phẩm có nguồn gốc thực vật. Vườn cây được quản lí và chăm sóc theo quy trình kĩ thuật, bón phân cân đối nên cây cam sinh trưởng khá tốt, phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương. Mô hình năm đầu tiên cho thu hoạch nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, 3 ha cho lợi nhuận gần 449 triệu đồng, cao gấp 2,5-3 lần các loại cây trồng khác.
Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: “Quảng Trị là nơi có điều kiện tự nhiên và hệ sinh thái đa dạng, do vậy trong quá trình chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, sở xác định lấy khoa học công nghệ làm then chốt; liên doanh, liên kết với doanh nghiệp làm động lực; đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng chủ lực, tìm chọn thêm một số loại cây trồng mới, phù hợp với đất đai, khí hậu, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, tạo ra nông sản sạch. Thực tế cho thấy nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đã khẳng định hiệu quả về cả kinh tế và môi trường”.
Hiện nay, với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, làm thay đổi tư duy sản xuất của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các địa phương, của các HTX và cả người dân, hướng đến sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tăng cường quảng bá, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp liên doanh, liên kết và thực hiện các chính sách hỗ trợ để xây dựng và nhân rộng các mô hình cũng như từng bước xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lí, tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)