Nghe chuột rúc, theo người xưa là điềm báo sự may mắn sẽ đến.
Con chuột, một con vật đã đem đến cho loài người biết bao dịch hoạ, như dịch hạch, phá hoại mùa màng, là mối hiểm hoạ ở các kho hàng, trên tàu biển, trong nhà. Chúng đụng đâu là cạp, gặm, khoét, xé, xoi... tới đó. Chúng làm hang, làm ổ đẻ tứ tung. Con vật như thế, khi rúc lên, lại đem đến điều may mắn cho con người sao? Lại nữa, một con vật mà trong câu đố dân gian đã nói lên tính cách không gì tốt đẹp cả: vừa bằng quả mướp, ăn cướp cả làng. Thế mà lạ thật, trong 12 con giáp, chuột lại đứng đầu.
12 con vật trong 12 con giáp, các con vật thuộc loài có bốn chân thì chuột là loài nhỏ con nhất và cũng không hung dữ, mạnh mẽ như cọp, không linh thiêng như rồng, không chạy nhanh như ngựa, không nhanh nhẹn như khỉ, không to tiếng như gà, đó chưa kể thịt chuột ít ai ưa thích như thịt heo, thịt gà, thịt dê, thịt chó... nhưng lại đứng đầu 12 con giáp. Có vài truyền thuyết lý giải điều đó, mới thấy sự gian sảo, tinh ma của giống vật nhỏ con này. Khi thượng đế tổ chức chạy thi để phân ngôi thứ trong 12 tháng, chuột thấy trâu chạy đầu bèn nhảy lên lưng trâu, và khi đến đích, chuột vội phóng lên phía trước. Thế là con trâu phải đứng thứ nhì. Có truyện cho rằng khi trâu chạy gần đến đích, chuột bó xuống đuôi trâu, cắn mạnh vào đuôi. Trâu đau quá, quất đuôi ra trước. Thế là chuột được trâu quăng tới đích.Theo các nhà nghiên cứu, sách Nhĩ nhã, thiên Thích thiên cho rằng người xưa chọn con chuột, sống trong hang hốc, giữa tranh tối tranh sáng, biểu tượng cho thời kỳ đất trời hỗn mang, khi âm dương chưa định, tối sáng chưa phân, nên cho chuột đứng đầu 12 giáp. Còn tại sao tháng Giêng không phải là tháng Tý, mà là tháng Dần, cũng theo truyền thuyết, cho rằng thượng đế chọn 12 con vật để phong cho chúng là Nguyệt Thần, có nhiệm vụ cai quản công việc hàng tháng, thì Cọp và Mèo đến trước, Cọp hù dọa Chuột và Trâu để tranh ngôi hàng đầu cùng với Mèo. Còn Chuột và Trâu sợ quá, chạy tán loạn, đến Thiên đình trễ nên bị xếp vào việc cai quản các tháng cuối năm.
Chuột sống ở khắp nơi, trên rừng, đồng bằng, trong nhà, ngoài đồng, trong hang, trên cây... Chỉ bằng một câu đố dân gian thôi cũng gom được bốn con thuộc loại gậm nhấm này được chỉ mặt đặt tên: Bốn anh cùng ở một nhà/ Cùng sinh một giống, cùng ra một mình/ Một anh thì đỗ cống sinh/ Một anh qủy quái như tinh trong nhà/ Một anh thói xấu thối tha/ Một anh ăn vụng cả nhà đều ghen. Đó là bốn “anh chuột” có tên : Cống, Lắc, Chù và Đồng. Ngoài ra ta cũng có thể biết được nhiều “anh chuột” khác đang sống quanh ta: Bạch, Chũi, Đất lớn, Đất nhỏ, Đồng lớn, Đồng nhỏ, Khuy, Lắt (nhắt) núi, Lắt nương, Lắt tre, Lắt rừng, Lắt cây đuôi dài, Lắt trắng, Lắt lang, Cà xốc, Choắt, Bóng, Bụng kem, Bụng trắng, Nhà, Hang, Dừa… Cụ Đồ Chiểu, trong bài Thảo Thử Hịch (Hịch bắt chuột) đã miêu tả loài chuột, không những chỉ danh, nơi ăn chốn ở mà còn nêu bật lên tính cách của chúng nữa (tính cách sao giống một số người thế!): “Lông mọc xòm xàm; Tục kêu xù lắt. Tánh hay ăn vặt; Lòng chẳng kiêng dè. Chỗ ở ăn hang lỗ nhiều bề; Đường qua lại đào ra hai ngách. Nghe hơi động vội vàng chạy mất, nhát quá mẹ cheo; Chờ đêm khuya sẽ lén lút nhau, liến hơn cha khỉ. Gọi danh hiệu: chuột xạ, chuột lắt, chuột xù , chuột cống, anh em dòng họ nhiều tên; Tra quán chỉ: ở nhà, ở ruộng, ở rạch , ở ngòi, bầu bạn non sông lắm lối. Lớn nhỏ răng đều bốn cái, ăn củ người thầm tối biết bao nhiêu; Văn dài râu mọc hai chia, vắng mặt chủ lung lăn đà lắm lúc…”
Cũng như các loài vật khác, chuột cũng có kẻ thù. Kẻ thù của chuột ngoài con người còn có mèo, chó, ác điểu và các tật bệnh. Con người nuôi mèo chủ yếu là để trừ chuột, súc miêu phòng thử, chó giữ nhà, mèo bắt chuột là thế. Giữa chuột và mèo có mối thù truyền kiếp. Chuyện dân gian cho rằng khi thượng đế tuyển chọn 12 con vật, mèo nhờ chuột ghi danh hộ, nhưng chuột lại quên (hay cố tình quên). Từ đó, mèo chuột kết thành thù hận và thấy chuột đâu là mèo không tha, phải rình, vồ cho được. Nhìn mèo rình chuột ta thấy được sự kiên nhẫn, tận tâm của nó. Từ đó, con người thường ví vón rình như mèo rình chuột. Họ nhà mèo cũng đã phân công: Mèo nhỏ bắt chuột con/ Mèo lớn bắt chuột lớn. Nhưng mèo muốn bắt chuột không phải dễ: Con mèo, con mẽo, con meo/ Muốn ăn thịt chuột phải leo xà nhà. Vì mèo khen mèo dài đuôi thì chuột (cũng) khen chuột nhỏ dễ chui, dễ trèo. Ngay như Chuột sa chĩnh gạo/ Chẳng biết đường ra/ Chuột khóc chuột la/ Chuột la chí choé/ Mèo nghe thấy thế/ Vội đến nấp rình/ Nhưng mắt chuột tinh/ Chuột bò lẩn mất. Nhưng không phải mèo nào cũng siêng năng bắt chuột, hay trổ nghề bắt chuột giỏi, mà có mèo bắt chuột không hay lại hay ỉa bếp, hay “quan liêu” theo kiểu: Mèo rình bồ lúa vênh râu/ Thấy con chuột chạy, ngóc đầu…kêu ngao!
Tuy thế, không phải chuột nào cũng giỡn mặt được với mèo, vì sắc nanh chuột cũng không dễ cắn được cổ mèo, và cũng thật liều lĩnh, nguy hiểm khi chuột gặm chân mèo, hay chuyện khó xảy ra: chuột cắn dây buộc mèo, nếu không có ý định giúp cho kẻ thù có điều kiện sát hại mình và đồng loại. Muốn được an thân, chuột phải ra sức phục vụ mèo: Con mèo trèo lên cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đàng xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo.
Tranh dân gian Đông Hồ mang tên “Trạng chuột vinh quy” và có một dị bảng mang tên ”Đám cưới chuột”. Cả hai bức tranh diễn tả đàn chuột muốn yên thân đi lại dễ dàng trong việc rước tiến sĩ về làng hay rước dâu về nhà chồng, nên phải trống kèn, lễ vật đến hối lộ cho chú mèo đang vễnh râu, trưng mắt ngồi chờ của hối lộ đang dâng lên. Đó là một tệ nạn hối lộ, tham nhũng mà thời nào xứ nào cũng có: Kìa xem con chuột có răng/ Người mà ngoa ngoắt thà rằng chết hơn. Hay Kìa xem con chuột thối thây/ Người mà vô lễ chết ngay cho rồi.
Con người, tuy ghét chuột, thù chuột, nhưng cũng… sợ chuột, nhất là người nông dân. Chuột phá hoại mùa màng, con người cố sức diệt cũng không hết. Do đó, ngày xưa, người nông dân với sự tin tưởng thần linh cố hữu trong đầu óc họ, họ nghĩ rằng nên thờ cúng chuột, may ra chuột sẽ không phá hoại công sức, tài sản của họ tạo ra. Vì thế, bên cạnh miếu thờ Thần Nông, họ lập ra miếu thờ chuột, gọi là miếu chuột và luôn gọi chuột bằng Ông, Ông Tý, Ông Thiêng cũng nhự gọi cọp bằng Ông Hùm, Ông Dài, Ông Ba Muơi…Đến ngày lễ Thượng điền, vào tháng 11 âm lịch, thời gian lúa đang trổ, dân làng tổ chức tế lễ, cầu xin Thần Nông, Ông Tý ban cho vụ mùa bội thu và xin đừng phá hoại lúa. Khi tế lễ xong một phần lễ vật đổ xuống nền và xung quanh Miếu Chuột hiến cho các Ông Tý. Vì ngày mai có lúa lăn tăn/ Con chuột nó rúc thì ăn bằng gì?
Mèo là kẻ thù của chuột, nên loài chuột luôn mơ ước: Giết một con mèo cứu vạn con chuột. Tuy thế, loài chuột vẫn coi con người là kẻ thù chính, kẻ thù ghê gớm nhất. Vì con người không những dùng đủ mọi cách để diệt chuột mà còn “độc ác” hơn, đem tên, đem tính cách, hình dáng chuột ra để ví von, ám chỉ, so sánh nhằm phê phán chỉ trích một bộ phận con người không tốt đẹp trong cộng đông xã hội loài người. Những kẻ tham ô, đục khoét của công là thuộc loài gậm nhấm như chuột. Những kẻ lí lắc không nên nết được cho là những kẻ làm bộ chuột, làm mặt chuột. Những người hay sinh sự chỉ chọc thì bị mắng là quân thọc chuột. Còn chuột sa chĩnh gạo, chuột sa hũ nếp, chuột sa lọ mỡ thì được gán cho những kẻ không tài cán gì, chỉ gặp may, đào được mỏ, nhưng sa vào có ra được hay không còn là cả một vấn đề. Những người giả nhân giả nghĩa chẳng khác gì chuột đội vỏ trứng để làm điều bậy bạ, cho đến khi cháy nhà ra mặt chuột thì bỏ chạy như chuột, bỏ trốn như chuột. Như cụ Phan Châu Trinh đã cho rằng nước lửa khỏa trời khôn núp bóng/ Ngách hang túng đất phải trồi thây/ Ống tre nổ toác trông đâu nữa/ Bồ nếp tan hoang đến nỗi này. Lại có kẻ không giả nhân giả nghĩa, nhưng làm bộ kiểu cách để rồi không được gì, chỉ tổ làm cho kẻ xấu thêm hưởng lợi, làm cách sạch ruột, làm chuột no bụng.
Trong quan hệ tình cảm giữa đôi trai gái, hình ảnh con chuột cũng có mặt. Con chuột như là một cái cớ để đôi trai gái phê phán, chê bai nhau: Mẹ em để em trong bồ/ Anh nghĩ chuột nhắt, anh vồ đứt đuôi. Hay trên thì gián nhấm vứt đi/ Dưới thì chuột gậm, giữa… gì… gì xuân. Trong hôn nhân xưa, việc thách cưới của nhà quá lớn làm chàng trai không đáp ứng được, đành mỉa mai một… bài, rồi chia tay và cũng thật bất ngờ lại có mặt con chuột: Cưới nàng anh toan dẫn voi/ Anh sợ “quốc cấm nên anh không bàn/ Dẫn trâu, sợ họ máu hàn/ Dẫn bò, sợ họ nhà nàng co gân/ Miễn là có thú bốn chân/ Dẫn con chuột béo mời dân, mời làng.
Trong việc giao duyên, tán tỉnh của các chàng trai cô gái, hình ảnh con chuột cũng được nhắc tới để… hạ các chàng: Chúng chị là con gái trung vàng/ Đứng trên đỉnh núi thì ngang với trời/ Chúng chị là hòn đá tảng trên trời/ Chúng… em chuột lắt cứ đòi lung lay/ Cha đời chuột lắt chúng bay!/ Hòn đá tảng rơi xuống thì mày gãy xương. Hay Giàu chi anh, gạo đổ vô ve/ Chuột không ăn được mà khoe rằng giàu. Và cũng có khi như một lời mời mọc: Chuột kêu chút chít trong lò/ Lòng anh có muốn thì… mò lại đây. Trong đời sống vợ chồng, chồng giận chồng đánh ba dùi/ Chạy ra ngoài ngõ để nồi chuột tha/ Chuột tha lên núi lên non/ Chuột tha làm tổ cho con nó nằm/ Chuột tha đem bán chợ Đầm/ Bán đắt bán rẻ, quan năm chuột về.Trong xã hội còn có những kẻ bầy đường cho chuột chạy. Ví những kẻ thất thế, cùng đường như chuột chạy cùng sào. Con chuột cũng được đem ví với những người làm những việc không thuận: Vịt chê lúa lép không ăn/ Chuột chê nhà trống ra nằm bụi tre, ví với những người làm việc quá sức mình: Sào sậy chống bè lim, mèo con bắt chuột cống và ví với những kẻ ăn không ngồi rồi, vô tích sự: Đi khắp bốn bể chín chu (châu)/ Trở về xó bếp chuột chù gặm chân. Hay theo kiểu mèo già thua gan chuột lắt. Đối với những người chậm chạp, thì lờ đờ như chuột phải khói/ Lù đù như chuột chù gặm quanh.
Nói đến chuột phải nói đến dơi. Con dơi hình dáng giống con chuột, chỉ khác dơi có cánh để bay. Tuy nhiên có lúc, ai đó chẳng phân biệt được dơi không ra dơi, chuột không ra chuột, dở dơi dở chuột, có sự nhập nhằng, lẫn lộn, không chính xác. Từ đó trong xã hội xuất hiện những kẻ mắt dơi mày chuột, mắt dơi tai chuột, nói dơi nói chuột, làm dơi làm chuột… Ngoài ra, con chuột còn có mối liên hệ đến con chim. Người đời thường nói chim nói chuột. Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của thì từ chim chuột đã được giải thích: “ Tiếng nói cho đứa hay láo xược hay kiếm chuyện làm cho sự bất hòa”. Cách giải thích này dựa theo bài ca trong kinh thi Trung Quốc với tựa đề Thử nha tước giác (mỏ chim nanh chuột) có câu: Thùy vị tước vô giác/ Hà dĩ xuyên ngã ốc. Ai bảo chim sẻ không sừng, làm sao xoi nhà ta được. Chim sẻ làm sao có sừng, chắc là do nanh chuột thôi! Đó là việc tranh tụng, kiện cáo nhau, kiếm chuyện làm cho sinh sự bất hòa. Còn trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, từ chim chuột được giải thích như sau: “chim và chuột. Nghĩa bóng: ve vãn, tán tỉnh trai gái với nhau:. Cách giải thích này chắc do câu Điểu thư cộng vi thư hùng, chim thú đồng làm việc…trống mái với nhau. Loài điểu (chim), loài thú (chuột) thông dâm với nhau, nên từ chim chuột chỉ sự tán tỉnh, ve vãn giữa đôi trai gái là thế.
Dù gì, con chuột cũng là kẻ thù của loài người, tuy nó giúp ích cho nền y học nhiều và thịt chuột đồng rất khoái khẩu cho những người thích ăn nhậu: Cần chi cá lóc cá trê/ Thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều. Con người khó bắt, khó diệt hết chuột, nếu ném chuột sợ bể đồ thì nên... lấy mắt mà nhìn. Do đó con chuột vẫn còn “hiện hữu” trong cuộc sống con người, và con người cứ tha hồ mà dùng hình ảnh con chuột để ví von, so sánh, ám chỉ...
Nói về chuột, viết về chuột thì không thể nào tránh khỏi đầu voi đuôi chuột, trái núi đẻ ra con chuột. Thôi thì dừng ở đây vậy!