Miền tây Quảng Trị, dưới chân những ngọn núi quanh năm sương giăng mây phủ, giữa đại ngàn xanh thẳm, bên những dòng suối bốn mùa rì rào thác đổ là bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô.
Miền tây Quảng Trị hùng vĩ và nên thơ, gắn với không ít câu chuyện tình lãng mạn... Nhưng do cách trở về không gian nên nhiều người thật sự vẫn chưa hiểu biết về thực tế cuộc sống nơi đây. Đâu đó giữa lưng chừng núi, người phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô vẫn còn nhọc nhằn thức khuya dậy sớm, mỗi ngày vẫn đang gồng gánh trên vai cuộc sống của cả gia đình, không ít học sinh vẫn còn bỏ học và kết hôn sớm để rồi phải sống trong cảnh nghèo khó, nhiều thanh niên đang thiếu việc làm… Đó chính là lý do đã thôi thúc chúng tôi cùng chia sẻ, gửi gắm ước mơ và hy vọng qua những bức ảnh với “Lời thì thầm của núi”. Sau những chuyến ngược xuôi giữa đại ngàn, như một thói quen, mỗi lúc có dịp dừng chân ở các bản làng, chúng tôi lại lang thang mong tìm thấy những người thân quen dẫu chưa một lần gặp gỡ. Nằm cạnh tuyến đường Hồ Chí Minh vắt qua đỉnh Sa Mù và những dãy núi chắp nối điệp trùng, bản Tà Puồng thuộc xã Hướng Việt về chiều càng trở nên tĩnh lặng. Mùa Đông, những sợi khói cứ giăng mắc, quấn quýt trên những nóc nhà như không muốn bay về trời. Từ sau cánh cửa bằng tre của một nếp nhà sàn, người phụ nữ trung niên bất chợt ngước nhìn với nụ cười thật hiền hậu. “Chị tên là Lá”… Vậy là câu chuyện của chúng tôi về “Lời thì thầm của núi” cũng bắt đầu từ đó.
Mồ côi từ nhỏ, chị được người dân trong bản đặt cho cái tên là Hồ Thị Lá. Chị Lá không được đi học nên không biết chữ và cũng không biết năm nay bao nhiêu tuổi. Chị chỉ nhớ là mình đã lấy chồng từ rất sớm. Nhưng gần 10 năm trước, người chồng bị bệnh rồi qua đời, một mình chị phải gùi cõng để nuôi 4 đứa con. “Từ nhỏ cuộc sống của tôi đã khổ nhiều như lá cây ngoài rừng. Nếu các con của tôi phải nghỉ học rồi lấy vợ, lấy chồng sớm thì cũng sẽ khổ như mẹ của chúng…”. Bên bếp lửa nhà sàn, chị Lá thủ thỉ tâm sự, những ngọn lửa bập bùng liêu xiêu trong chiều mùa Đông như cố xua đi giá rét trong căn nhà bốn phía là vách nứa không kín gió.
Cách bản Tà Puồng khoảng chừng ba trăm mét là bản Trăng, ngồi cạnh cầu thang của ngôi nhà sàn nhỏ vừa mới dựng, đôi vợ chồng trẻ Lanh và Muôn thoáng chút ngại ngùng khi có khách lạ ghé thăm. Lanh cho hay, cả hai đứa đều mới 16 tuổi và đã nghỉ học. Đầu năm 2019, bố mẹ của Lanh bán một con bò và vay mượn thêm từ người thân để làm đám cưới cho Lanh hết 30 triệu đồng. Nghe Lanh kể chuyện, chúng tôi chợt hiểu ra phần nào nổi lòng của người phụ nữ tên là Lá.Ngược về phía bắc theo đường Hồ Chí Minh, chúng tôi dừng chân ở bản Sê Pu của xã Hướng Lập. Trời không mưa nên Hồ Văn Đon cùng vợ đi tuốt lúa trên núi cao. Từ dưới chân núi đã thấy đôi bạn trẻ vai mang Ka Ria đang miệt mài dùng đôi tay trần tuốt từng bông lúa. Bố của Đon mất khi em mới 14 tuổi và đang học lớp 8, trong khi cả 3 đứa em cũng đều đang đi học. Năm 2018, mặc dù đang học lớp 12 ở Trường THPT Hướng Phùng nhưng Đon đã quyết định lấy vợ để giúp mẹ nuôi các em. Vợ của Đon là Hồ Thị Hải mới 16 tuổi cùng ở bản Sê Pu. Sau khi lấy vợ và sinh con, Đon tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2 lần nhưng đều bị trượt. Mẹ của Đon than thở: “Thi thêm lần nữa nếu không được, có lẽ thằng Đon cũng phải đành phải an phận”.
Nhà của Hồ Văn Xôi nằm ngay giữa bản Cù Bai. Xôi lấy vợ năm 16 tuổi và kém hơn vợ 2 tuổi. Sau hai năm lập gia đình, Xôi được bố dựng cho một căn nhà tạm để ở riêng. Tài sản có giá trị nhất của vợ chồng Xôi và Quý là chiếc tủ đựng quần áo để ở góc nhà sàn ngay lối lên xuống cầu thang. “Chúng em dành dụm mãi mới mua được cái tủ hết 850 nghìn”, Xôi kể. Hàng ngày Xôi vẫn lên núi trồng cây đót với hy vọng cuối năm sẽ bán hoa đót cho người làm chổi để có thêm thu nhập.Ngược dòng thời gian, đầu năm 2018, chúng tôi tình cờ gặp đám cưới của Hồ Văn Tiếp, ở bản Xa Đưng, xã Hướng Việt. Cô dâu là Hồ Thị Dung, người Vân Kiều nhưng sinh sống ở huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào, cả hai cùng 17 tuổi. Sau gần 2 năm gặp lại, con gái của Tiếp và Dung đã 9 tháng tuổi. Tiếp tâm sự “Hồi ấy chúng em làm đám cưới hết hơn 20 triệu đồng, mấy hôm vừa rồi bố mẹ em phải bán 1 con bò mới trả hết nợ. Năm nay nếu bán sắn được 15 triệu thì em sẽ dựng một ngôi nhà nhỏ dưới chân núi trên phần đất rẫy của bố mẹ cho” …
Nhưng không phải tất cả những chàng trai và cô gái Vân kiều ở vùng núi phía bắc của Hướng Hóa này đều muốn lấy vợ lấy chồng sớm. Dẫu còn không ít khó khăn và trở ngại, song mỗi người đều có quyền lựa chọn cuộc sống và tương lai của mình. Năm 2017, hai chị em Nhiêu và Thôi sống ở thôn Tri, xã Hướng Lập được giúp đỡ của tổ chức Y tế Hà Lan- Việt Nam và doanh nghiệp Hội An Roastery giúp đỡ nhận vào làm việc tại phố cổ Hội An. Nhưng rồi được một thời gian ngắn, Thôi quay về bản để lấy chồng, còn Nhiêu vẫn tiếp tục gắn bó với công việc bán cà phê. Tình cờ gặp Thôi cùng con trai mới 2 tháng tuổi nơi đầu nguồn dòng Sê Băng Hiêng “Em ước mong nếu có cơ hội thì sẽ quay trở lại Hội An để có việc làm như Nhiêu”, giọng nói của Thôi nhỏ nhẹ và xa vắng. Khác với Thôi, học hết lớp 9 và sớm mồ côi bố, nhưng Hồ Thị Hoa ở bản Tà Leng đã vượt chặng đường hơn 1200 cây số vào Long An để làm công nhân. “Sau 7 tháng làm việc chăm chỉ, em đã dành dụm được gần 40 triệu đồng. Em chỉ muốn có việc làm gần với gia đình và sẽ không lấy chồng sớm như các bạn”, Hoa chia sẻ.
Cũng như đồng bào Vân Kiều, Pa Kô nơi miền Tây Quảng Trị, cây trẩu, cây tre trên vùng núi Hướng Hóa có sức sống thật mạnh mẽ. Sau 3 năm tuổi cây trẩu nở hoa kết trái, mùa thu hoạch hạt trẩu bắt đầu vào khoảng giữa tháng 8. Ngày trước phụ nữ và trẻ gái thường thu gom hạt trẩu để bán sản phẩm thô, còn giờ đây với sự hỗ trợ của tổ chức Y tế Hà Lan- Việt Nam về kỹ thuật và máy móc, nhiều gia đình đã biết cách sơ chế quả trẩu để nâng cao giá trị sản phẩm. Nhân hạt trẩu được cung ứng cho doanh nghiệp ép dầu để sử dụng trong sản xuất sơn công nghiệp và véc-ni phủ bóng đồ gỗ vì vậy nhu cầu rất lớn.
Trên những dãy núi phía bắc của huyện Hướng Hóa còn có rất nhiều giống tre mọc thành rừng. Cũng nhờ sự hỗ trợ từ tổ chức Y tế Hà Lan- Việt Nam, cộng đồng người Vân kiều ở các thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng; Tà Puồng, xã Hướng Việt và thôn Cù Bai, xã Hướng Lập đã tổ chức sản xuất một số sản phẩm bằng tre như ống hút, dao, thìa nĩa, nến tre, ống tre. Các loại sản phẩm từ tre này bước đầu đã có mặt ở phố cổ Hội An, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và thậm chí còn được xuất sang Hà Lan.
Miền tây Quảng Trị có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế, đồng bào thiểu số người Vân Kiều, Pa Kô xứng đáng để có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc. Song những cuộc đời lam lũ đang rất cần sự chia sẻ về cách thức dựng những chiếc thang, bắc những nhịp cầu để vượt qua ghềnh thác của đói nghèo và lạc hậu. Và sự hỗ trợ từ Tổ chức Y tế Hà Lan - Việt Nam về việc làm, về sinh kế và khả năng khởi nghiệp sẽ là một hướng đi mới mang nhiều hy vọng.
“Lời thì thầm của núi”- Cuốn sách ảnh nhỏ của chúng tôi không chỉ là câu chuyện về cuộc đời và thân phận của người phụ nữ và trẻ em Vân Kiều, mà còn là ước mơ, khát vọng, là nghị lực và niềm tin về một cuộc sống tươi đẹp. Là “Lời thì thầm của núi” như gió, như nước cứ miệt mài vượt qua những cách trở của núi non để lan tỏa yêu thương, để kiếm tìm sự đồng điệu, để mong được kết nối, sẽ chia và giúp đỡ…
(Nguồn: QRTV)