Đúc chuông đánh ở xứ mình

Hoàng Phúc Lộc |

Quả chuông chùa từ lâu đã không còn là pháp khí riêng của nhà chùa mà trở thành một vật thân thuộc với người dân trong vùng. 

Nếu như xưa, chùa làng Quảng Trị phải đón những quả chuông từ nơi khác đúc đưa về, để rồi lại lưu lạc theo những biến thiên lịch sử, phận chuông cũng như phận người. Còn nay, những quả chuông lớn đã được đúc ngay trên quê hương Quảng Trị, để hun đúc những tốt lành từ khí thiêng linh địa.

Tiếng chuông triêu mộ

Trong tác phẩm “Tiếng chuông triêu mộ”, nhà văn Võ Hồng có lí giải ngày xưa hiếm có lịch và đồng hồ, dân làng “thấy nguyệt tròn thì kể tháng” và nghe tiếng chuông để biết canh thời gian. Tiếng chuông chùa thành ra tiếng báo hiệu sáng sớm (triêu) và chiều muộn (mộ). Đấy là nói đến vai trò của chuông trong đời sống thường nhật. Còn trong đời sống tâm linh, chuông là một pháp khí “thượng thông thiên đường, hạ triệt địa phủ” (Kệ thỉnh chuông), tiếng chuông vọng đến cả những nơi sáng tối. Từ ý nghĩa này, quả chuông lớn còn được gọi là chuông U minh.
 
 

Chuông chùa vì thế trở thành một tài sản chung của thần dân trong các làng quê Quảng Trị, được gìn giữ như một báu vật. Chuông có khi đặt ở chùa, hoặc ở đình làng, như quả chuông do nhà toán học Nguyễn Hữu Thận tặng làng Đại Hòa (xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong) năm 1810. Hay cả làng cùng nhau gánh chuông di tản như quả chuông chùa làng Võ Thuận (xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong). Chiến tranh, chuông đôi khi bị trưng dụng đưa đi chiến khu, dân làng cũng tìm cách đưa về lại được, như chuông chùa Trường Khánh (làng Bồ Bản, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong )...

Song, không phải làng nào cũng may mắn lưu giữ được những quả chuông xưa, chuông cổ. Chùa Đại Áng (TP. Đông Hà) trước đây có một quả chuông cổ, theo các cụ trong làng, chuông tuy nhỏ thôi nhưng tiếng kêu rất hay. Tiếc là chuông đã bị mất. Nên khi đại đức Thích Tín Giải về trụ trì ở đây, ý nguyện đúc lại một quả chuông ấp ủ bấy lâu của dân làng được trợ duyên.

Đúc chuông đánh ở xứ mình

Giữa những ngày hè năm 2019, quả chuông lớn (Đại hồng chung) chùa Đại Áng được tạo tác.

Đúc chuông là cả một quy trình làm thủ công dài ngày, cần kinh nghiệm truyền đời, sự tỉ mỉ, cẩn trọng và cả thành tâm của người làm chuông. Một quả chuông lớn phải mất hàng tháng trời mới xong, có thể chia làm ba công đoạn, từ chuẩn bị khuôn đúc, rót đồng, cho đến gia công hoàn thiện.

Để đúc quả chuông chùa Đại Áng nặng 1 tấn, 12 người thợ phải cần mẫn làm cả tháng. Đầu tiên, họ đào một cái hố chuông vuông 3 x 3 mét, sâu 2 mét. Giữa lòng hố là phần lõi khuôn bên trong quả chuông, phần này không cần cầu kì chi tiết, chỉ cần tròn và trơn nhẵn.

Phần vỏ khuôn bên ngoài được làm từ đất sét nhào nặn cẩn thận. Các hoa văn, diềm chỉ, văn tự đều được tạo từ một bản rập chạm gỗ thủ công rồi in vào khuôn đất sét tươi. Qua mấy ngày phơi nắng, khuôn đất sét đã khô ráo, người ta tiến hành chất củi vào nung khuôn để phần đất sét cứng như gạch. Khuôn gạch này lại tiếp tục được làm sạch, đánh bụi mịn, xử lí những vết rạn hỏng trong quá trình nung.

Các phần khuôn hoàn thành được lắp vào hố. Người thợ căn chỉnh từng milimét để khoảng hở giữa khuôn trong và khuôn ngoài đều nhau. Như vậy chuông mới có độ vọng do cộng hưởng các sóng âm và tiếng chuông đều nhau khi đánh từ bốn phía.

Rót đồng là công đoạn quan trọng nhất, nếu nước đồng bị cô cục bộ gây thủng chuông thì coi như bỏ đi làm lại từ đầu. Để đúc chuông cần đến 2 nồi nung. Một nồi để rót thân chuông, nồi còn lại sử dụng nguyên liệu đồng dẻo để đúc con lao (phần hình rồng để treo chuông). Nồi thứ nhất rót đầy thân chuông, ngay lập tức phải rót ngay nồi thứ hai, chỉ cần chậm thì con lao sẽ không dính vào quả chuông.

Với trên 40 năm làm nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Phước (Phường Đúc, TP. Huế) cho biết nghề đúc đồng rất vất vả và nguy hiểm, nhưng là nghề gia truyền nên phải giữ. Nay đã cao tuổi, nghệ nhân Nguyễn Văn Phước vẫn trực tiếp làm những công đoạn quan trọng khi đúc chuông và truyền lại kinh nghiệm quý báu cho những người trẻ.
 
 Khối thiếc 25 kg được thợ ném vào lò nấu đồng. Ảnh: H.C.D

“Đây là nghề không thể gian dối được”, ông Phước cho biết, vì nguyên liệu đưa vào lò nung là đồng và thiếc, được trộn theo tỉ lệ nhất định. Tỉ lệ này là một bí quyết gia truyền để có được tiếng chuông hay. Bớt vật liệu, hay trộn tạp chất đều làm hỏng tiếng chuông. Thêm nữa, làm đồ vật cho nhà chùa thì cái tâm người thợ phải trong sáng.

Công đoạn cuối cùng là hoàn thiện chuông, gọi là làm nguội. Đây chỉ là phần làm cho quả chuông đẹp hơn chứ không ảnh hưởng đến tiếng chuông nữa. Chuông sau khi đánh bụi đất sẽ có màu vàng đồng. Nếu muốn quả chuông màu đen kiểu chuông cổ thì thợ nguội sẽ tiến hành nhuộm bằng khói lá thông.

Bước qua lời nguyền

Dân gian lưu truyền hai câu chuyện về đúc chuông.

Chuyện thứ nhất, rằng ở làng quê nọ dân làng góp đồng đúc chuông, có bà cụ ăn mày góp một đồng xu nhưng bị chê đồng tiền ăn xin nên người thợ không bỏ vào nồi đun. Đến khi chuông đúc ra bị khuyết một lỗ bằng đúng hình đồng xu.

Chuyện thứ hai, rằng khi đúc chuông phải bỏ vàng vào thì tiếng chuông mới kêu thanh vang.

Có thể xem hai chuyện trên là một, đó là lời nguyền về chuyện đúc chuông: Phải chấp nhận của cúng dường chúng sanh và… phải bỏ vàng.

Tôi hỏi chuyện này với nghệ nhân Nguyễn Văn Phước một cách tế nhị. Ông Phước cười bảo đấy là người ta quan niệm vậy thôi, chứ mấy chục năm làm nghề ông biết vàng không hề làm cho tiếng chuông hay hơn, nếu không muốn nói là… dở đi. Nếu vàng thật, khi thả vào chuông, với một tỉ lệ vô cùng nhỏ so với cái chuông lớn thì nó chả có ý nghĩa gì. Nhưng nếu vàng giả, thì rất có thể quả chuông sẽ bị bục, bị thủng. Mà chuông khi đã bị như vậy coi như bỏ, phải làm lại cái khác.

Thế nên theo ông Phước, mỗi lần người ta cúng vàng đúc chuông ông chỉ cho phép bỏ ở nồi đồng dẻo rót phần con lao. Để lỡ vàng giả, thì nó không ảnh hưởng đến tiếng kêu của chuông.

Tất nhiên nói đi cũng phải nói lại, công đức người ta cúng dường thì nên tôn trọng. Như câu chuyện thứ nhất nói trên, vì người ta cúng dường bằng cái tâm. Và cũng không nên nặng nề chuyện này có ích hơn chuyện lấy tiền ủng hộ đồng bào khó khăn hay không, bởi cái tâm xét cho cùng ở đâu cũng cần.

*

Cùng với sự đi lên của đời sống, những quả chuông đúc từ tiền công đức ngày càng nhiều hơn. Ở xứ sở mà tính thiêng có mặt như một tất yếu sau những biến cố tang thương của chiến tranh, thì sự hiện diện của đạo Phật, của những ngôi chùa, những quả chuông phần nào đáp ứng một phần nhu cầu tinh thần. Chùa chiền chỉ là nơi chiêm bái lễ nghi, còn tiếng chuông mang ý nghĩa rộng hơn, nên chuông được gọi là pháp khí. Có khi chùa chưa tu sửa nhưng chuông được ưu tiên đúc trước.

Trên mảnh đất linh thiêng Quảng Trị, chuông không chỉ ở trong các ngôi chùa, mà nay còn được treo ở một số nghĩa trang, những nơi tưởng niệm chiến sĩ, mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Và đặc biệt, hằng năm, cứ đến giao thừa, tất cả những quả chuông trên xứ này đều được thỉnh để khai thị một năm mới, nguyện cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

“Gia tài” của Kôn Pruôi

Hoàng Tiến Sỹ |

Buổi chiều nghiêng nắng lên bản Cu Tài 1, xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị), không gian tĩnh lặng đến nỗi nghe rõ tiếng mây đang trườn qua núi, ôm lấy bản làng. 

Năm Canh Tý nhớ nhân vật lịch sử cầm tinh con Chuột

BTV |

Nhân dịp đón xuân Canh Tý 2020, Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu một số nhân vật lịch sử Việt Nam cầm tinh con Chuột.

Chuyện chuột năm Tý

Ngô Văn Ban |

Nghe chuột rúc, theo người xưa là điềm báo sự may mắn sẽ đến. 

Tục uống rượu cần miền Tây Quảng Trị

Y Thi |

Cũng như các dân tộc ở Tr­ường Sơn, Tây Nguyên, người Bru - Vân Kiều và Pakô ở miền Tây Quảng Trị uống chung một thứ r­ượu cần cất ủ lâu ngày trong những cái ché.