Tháng 6 năm 1306, vua Chăm là Chế Mân dâng hai châu Ô và Lý làm sính lễ cưới Huyền Trân Công chúa của nhà Trần. Cuộc hôn nhân này đánh dấu cho sự hòa hiếu giữa hai nước Chăm Việt. Song đây cũng chính là sự khởi đầu của cuộc di dân Nam tiến của người Việt.
Tài liệu sớm nhất nói về giai đoạn di dân ở vùng này là Bản văn “Thỉ thiên tự” (Bản sao từ bản gốc lập năm 1429) của cụ tổ họ Bùi tên là Bùi Trành ở làng Câu Nhi, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Bản văn này viết về mối quan hệ thân tình giữa người Việt và người Chăm trong giai đoạn đầu khi người Việt vào lập nghiệp ở Thuận Hoá: “Lúc mới vào đất này vẫn còn người Chiêm Thành, ta lấy lòng thành tín đối đãi tử tế với họ, nên người Chiêm Thành tôn kính, khâm phục. Họ thường mang thổ cẩm đến biếu ta và tỏ lòng biết ơn…”.
Tài liệu thứ hai là một văn bản Hán Nôm (bản gốc) được viết từ thời Lê Nhân Tông, niên hiệu Đại Hoà thứ 9, tức vào năm 1451. Đây là một tài liệu địa bạ xưa nhất còn sót lại trong kho tàng di sản Hán Nôm Việt Nam. Ngày xưa gọi thể loại văn bản này là “châu bằng”, thường được dịch là “bằng son”. Từ “sổ đỏ” mà ngày nay ta thường gọi có xuất xứ từ hai chữ “châu bằng” ngày xưa. Văn bản này được ghi đề là “Khám cấp Ma Nê”, là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xưa nhất do chính quyền thời Lê sơ cấp cho tập đoàn người dân làng Mỹ Xuyên khi họ khai hoang vùng ruộng Ma Nê nằm ở vùng hạ lưu sông Ô Lâu. Trong văn bản này, tên sông Ô Lâu được ghi là Đại Giang.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, vùng đất hai bờ đối diện của con sông Ô Lâu lại là nơi còn giữ được những văn bản Hán Nôm cổ liên quan đến thời kỳ di dân đầu tiên của người Việt vào Thuận Hóa. Ô Lâu, dòng sông huyền thoại không chỉ ghi dấu ấn của châu Ô thời mở cõi mà còn có cả dấu ấn của nền văn hóa Đông Sơn qua chiếc trống đồng được phát hiện ở bờ Bắc thượng nguồn sông Ô Lâu (thuộc địa phận xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) vào năm 1994. Sông Ô Lâu bắt nguồn từ dãy Trường Sơn nằm ở phía Tây hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Lưu vực thượng nguồn nằm ở độ cao hơn 900 m, chiều dài dòng chính khoảng 66 km với diện tích lưu vực trên 900 km². Ngoài nhánh sông chính, Ô Lâu còn là hợp lưu của nhiều sông suối lớn nhỏ như Rào Quao (Hòa Mỹ, Phong Điền), Thác Ma (Mỹ Chánh, Hải Lăng), Ô Giang (Câu Nhi, Hải Lăng)… Khi chảy về xuôi, Ô Lâu đã hợp cùng sông Bồ và sông Hương đổ vào phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế) rồi đổ ra biển.Từ khi thiên di vào vùng đất mới, người dân Thuận Hóa nói chung và người dân ven vùng sông Ô Lâu không chỉ phát triển về kinh tế mà còn có những hoạt động lễ hội văn hóa nhằm gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc Việt trên vùng đất mới. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép: Năm Ất Tỵ (1365), mùa xuân, tháng giêng, người Chiêm Thành cướp dân đi chơi xuân ở Hóa châu. Trước đây, theo tục Hóa châu, tháng giêng hằng năm, trai gái họp nhau ở Bà Dương chơi trò đánh đu. Người Chiêm đã nấp sẵn ở đầu nguồn của Hóa châu từ tháng 12 năm trước, đến khi ấy ập tới cướp bắt lấy người đem về. Sự kiện này diễn ra tại châu Hóa vào thời điểm 1365, tức chỉ sau 60 năm kể từ khi triều đình cử Đoàn Nhữ Hài vào tiếp quản và đổi tên hai châu Ô, Lý thành châu Thuận, châu Hóa. Đối với địa điểm Bà Dương, qua nghiên cứu điền dã, tôi xác định đây chính là khu vực Cồn Dương, nơi có miếu Dương phu nhân (miếu bà Dàng), nay gọi là miếu Quảng Tế ở làng cổ Phước Tích. Ngôi miếu này có thờ bộ Yoni 3 tầng. Miếu có câu đối bằng chữ Hán:
Anh linh biệt chiếm cư Dương thổ,
…quang huy tại Hóa Châu
Làng này được thành lập vào năm 1470 (sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông), còn trước đó vẫn là vùng cư trú của người Chăm do nhà nước Đại Việt quản lý. Đầu nguồn Hóa châu ở đây là khu vực làng Hội Kỳ (xã Hải Chánh). Từ Hội Kỳ ngược lên thượng nguồn là nơi có nhiều phế tích đền tháp xưa của người Chăm. Đặc biệt là ở các thôn Tây Lái, Vân Trạch Hòa… Đài thờ Vân Trạch Hòa hiện được trưng bày tại bảo tàng Lịch sử và Cách mạng của Thừa Thiên Huế. Đài thờ này từng được đưa sang trưng bày tại Mỹ và được đánh giá là một kiệt tác điêu khắc đá của người Chăm, niên đại từ thế kỷ IX - X.
Sách Ô châu cận lục chép ở mục Đền thần Y Na: “Đền ở xã Khuất Phố, huyện Kim Trà. Tục truyền thần là đàn bà, cũng có linh ứng. Hàng năm đầu xuân đảo vũ, mở hội đua thuyền, quan bản hạt thân hành chủ tế thì được mưa ngay”. Đây là đền thờ thần Y Na xưa nhất ở Thừa Thiên Huế, tọa lạc ở bờ Nam sông Ô Lâu thuộc làng Trạch Phổ, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (đối diện với làng Câu Nhi, Hải Lăng).
Từ những tư liệu trên, ta biết được cách đây khoảng 700 năm, cư dân Việt ở ven bờ sông Ô Lâu đã từng tổ chức lễ hội vui xuân sôi nổi. Những lễ hội được sử sách ghi lại là lễ hội chơi đu và đua thuyền.
Ngày nay trò chơi đu ngày xuân ở ven vùng sông Ô Lâu phần lớn đã bị mai một. Làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền nằm ở hạ lưu Ô Lâu là còn duy trì được lễ hội chơi đu ngày xuân vào ngày mồng 2 Tết hàng năm. Nhưng chỉ còn trò đu nhún. Còn các trò đu đu tiên, đu rút, đu giàng xay từ lâu đã không còn. Các lễ hội ngày xuân ngày xưa như hát sắc bùa, hát trò, tập chèo... cũng đã mai một. Lễ hội đua thuyền ngày xuân chỉ còn duy trì ở một số thôn, làng có tiềm lực kinh tế hoặc được “mạnh thường quân” hỗ trợ.
Ngày trước, trên sông Ô Lâu, phần lớn ghe thuyền là phương tiện phục vụ cho việc cư trú và hoạt động đánh bắt thủy sản của cư dân thủy diện cũng như người dân các làng xã ở hai bên bờ sông. Trên bước đường di dân bằng đường thủy, lớp tổ tiên của cư dân thủy diện từng là những người từ miền Bắc vào định cư khá sớm tại Thuận Hóa. Họ thường tụ cư trên những đoạn sông gắn liền với làng xã của cư dân nông nghiệp. Thời đó, việc đi lại của người dân thời bấy giờ chủ yếu bằng đường thủy, thuyền bè là phương tiện không thể thiếu của người dân sống ven các dòng sông. Khai thác gỗ củi, mở mang đất đai ở thượng nguồn hay các vùng ruộng lúa nước ở cửa sông Ô Lâu, ven phá Tam Giang người dân chủ yếu dùng đường thủy, ai cũng sử dụng thuyền bè một cách thành thạo. Song khi vượt thác ghềnh, đối phó với thiên tai bão lũ, hay chống giặc ngoại xâm… cần phải có những người chèo lái giỏi, dũng cảm trên sông nước. Đua thuyền chính là hoạt động để luyện tập cho sức khỏe dẻo dai, làm quen với kỷ luật, đội hình của hàng thuyền để làm chủ sông nước. Đồng thời đua thuyền ngày xuân cũng là hoạt động cầu cho “mưa thuận gió hòa, dân an vật thịnh”.
Chuẩn bị phương tiện ghe thuyền để tham gia hội đua được cộng đồng các làng xóm rất quan tâm. Hầu như thôn xóm nào ở vùng Ô Lâu đều có ghe đua. Ghe đua được đan bằng loại nan tre cật (lớp bên ngoài) của những cây tre già, thẳng, không bị hư mắt hay cụt đọt và phải được khai thác khi tre đã hết mùa lên măng để khỏi bị mối mọt. Nan tre sau khi chẻ và vót xong, thường được đặt trên giàn bếp để hun khói vài tháng cho khô, chắc, không bị mối mọt. Đến thời điểm thuận tiện vào mùa khô ráo, thôn hoặc xóm mới tổ chức mời người có kinh nghiệm, biết mực mẹo để đan ghe đua. Có thôn phải mời thợ giỏi nơi khác đến đan và trả công rất hậu hỷ. Khi ghe đan xong thường được để tại các đình thôn hay một gia đình của những người có chức sắc trong thôn, xóm. Đến khi làng tổ chức đua thì các thôn, xóm lại đưa ghe ra sân đình thôn, bến nước hoặc ở ngã ba đường để tu bổ, sơn quét và tổ chức cúng và hạ thủy trước một ngày để đội đua thử lại ghe. Lễ cúng để hạ thủy ghe đua được gọi là lễ hạ nề. Lễ hạ nề (hạ thủy) được tổ chức ngay tại bến sông, đặc biệt là đối với chiếc ghe đua vừa mới đan thì lễ này được thực hiện rất chu đáo. Chủ lễ hạ nề thường là vị bô lão đứng đầu thôn xóm, thường là ông hội thôn hoặc trùm xóm cùng với người chủ trì đan ghe. Ngoài việc chuẩn bị chầm chèo, từng đội đua phải làm những bộ quai chèo (bao gồm cả quai chèo dự phòng) sao cho thật bền chắc và dẻo dai. Buổi đua thử ghe gọi là “thụa”, nếu ghe lướt được nhanh thì tốt. Nếu ghe đi “không năng” (đi dùi, chậm) hoặc ghe bị “tróc” tức là khi bơi, ghe bị nghiêng ngả (không đằm) dễ bị lật, chìm... thì phải mời chính người thợ đan ghe đến chỉnh sửa. Có khi người thợ có kinh nghiệm, họ chỉ cần đóng hoặc nới con nêm ở lòng ghe là chiếc ghe lại lướt đi nhẹ nhàng hơn và có thể mang lại thắng lợi cho đội đua. Để chuẩn bị cho giải đua đầu xuân, trước đó, khi mùa nướlên, họ thường tổ chức những cuộc đua nội bộ từng làng để tuyển chọn những ghe hay, đội bơi giỏi để “đâm vé” (đăng ký) đua với hàng tổng, hàng huyện. Trung tâm của ban tổ chức cuộc đua gọi là “Bàn Quan”. Đây là nơi ra hiệu lịnh xuất phát các giải đua và cũng là nơi người lái chính nộp chèo lái khi kết thúc từng độ đua (giải đua) để ban tổ chức và trọng tài cuộc đua phân định thắng bại đối với các đội. Cụm vè phía trước “Bàn Quan” gọi là vè Trung tiêu, thường gọi là vè rún. Thông thường tất cả các đội đua khi xuất phát đều phải lộn một vòng ở vè này xong mới tiến lên lộn ở vè Thượng tiêu. Vè thượng tiêu được cắm ở ngay giữa đoạn sông phía trên (tính từ thượng lưu chảy về). Sau khi lộn vòng ở vè thượng tiêu xong, đoàn ghe đua phải xuống lộn ở vè Hạ tiêu được cắm ở phía dưới dòng chảy và tiếp tục vòng đua lên xuống vè thượng tiêu, hạ tiêu cho đủ ba vòng sáu tráo xong mới lộn tiếp ở vè rún để về nơi xuất phát. Đôi khi có sự quy định về cách lộn vè, nhưng thường các ghe phải lộn tất cả các vè. Nếu có ghe nào bỏ qua không lộn thì bị phạm qui, gọi là hẻo vè, cho dù sau đó về đích trước các ghe khác một quãng dài cũng không được tính ăn giải. Lúc về đích, người cầm lái phải nhanh tay mở chèo lái vào nộp và phải đặt đúng vị trí gác chèo lái, là nơi có thanh tre buột ngang, cách mặt đất khoảng 50 cm phía trước Bàn Quan. Có trường hợp hai ghe cùng về đích, cả hai tay lái đều chạy vào cùng một lúc, nhưng một người nhanh tay ném chèo lái vào trước nằm đúng vị trí qui định thì ghe đó được tính thắng cuộc.Để đảm bảo trật tự an toàn cho cuộc đua, Ban tổ chức phải đề ra nội qui và thể lệ đua riêng đối với từng giải. Để tạo phần hấp dẫn cho các giải đua, đôi khi phải đặt ra những thể lệ hơi khó để thử tài khéo léo của các vận động viên, ví dụ thể lệ đề ra: “Mũi trong, lái ngoài, lái đứng trên bờ, lụn cạy vào đón lái ra, dựa vè đi lên”. Như vậy, khi chuẩn bị xuất phát, tất cả các ghe đua phải hướng đầu mũi vào trong bờ, còn đầu lái lại nằm phía ngoài sông; người lái thuyền cầm chèo lái đứng ở trên bờ chứ không có mặt trên thuyền. Khi có hiệu lệnh xuất phát, hàng thuyền (vận động viên đua ghe) chỉ bơi bằng chầm (một loại chèo nhỏ dùng để bơi bằng ta), khởi đẩu phải bơi ngược để lùi thuyền ra, rồi người ngồi mũi phải khéo léo bơi (theo kiểu móc) lái mũi thuyền lộn được vè để vào bờ đón lái. Người lái phải nhanh, khi thấy ghe vào gần bờ, phải chủ động lội ra, nhảy lên ghe và nhanh chóng gài (còn gọi là cay) chèo lái vào cọc chèo trong lúc đồng đội vẫn bơi bằng chầm để ghe vượt lên.
Một cuộc đua ghe thường được tổ chức suốt cả ngày và có nhiều giải thưởng, trong đó có 3 giải chính. Giải đầu tiên mở đầu cuộc đua gọi là giải cúng, mặc dầu phần thưởng của giải này có khi chỉ là một mâm cau trầu rượu, nhưng đội nào thắng cũng lấy làm vinh dự, được xem là hên (may mắn), đầu xuôi đuôi lọt, họ tin là sẽ có cơ hội thắng cuộc trong những giải đua tiếp theo. Tiếp theo là giải tiền (giải thưởng bằng tiền mặt), tùy theo mức giải và số lần treo giải để tổ chức thành nhiều đội đua. Trong giải tiền, thường có giải tam liên thắng tức là đội thắng liên tục 3 giải nhất liền nhau. Ở giải tiền, các đội thắng được thưởng bằng tiền. Đội nào cũng có vận động viên dự phòng, những vận động viên dai sức, bơi giỏi, các đội chỉ cho tham gia bơi một số giải xong thì nghỉ dưỡng sức để thi đấu giải phá, tức là giải kết thúc cuộc đua. Đây chính là giải danh dự, phần thưởng chính là lá cờ đỏ dài khoảng 5 đến 7 mét, đôi khi còn thưởng thêm một con lợn, nếu tài chính của cuộc đua dồi dào. Đội đua nào đoạt được cờ phá thì họ tin rằng năm đó xóm thôn làm ăn được thịnh vượng, mùa màng bội thu...
Hiện nay, mỗi dịp xuân về, một số địa phương vùng ven sông Ô Lâu vẫn tổ chức lễ hội đua thuyền đầu năm để cầu cho mưa thuận gió hòa, dân an vật thịnh. Hội đua trên sông Ô Lâu bao giờ cũng có sự tham gia của các đội đua ở ven hai bờ sông, không kể là cư dân của tỉnh Quảng Trị hay Thừa Thiên Huế. Khi mở hội đua thuyền, khán giả đứng chật cả hai bên bờ để cổ vũ, động viên một cách nhiệt tình sôi nổi, tạo không khí vui tươi trong ngày xuân.
Lễ hội văn hóa dân gian truyền thống của cư dân ven bờ sông Ô Lâu một thời sôi nổi, nhưng phần lớn chỉ còn nghe kể lại từ các bậc cao niên hoặc đọc trong các sách báo, tư liệu, thư tịch cổ... Mong sao ngày nay, trong việc đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới... các cấp chính quyền, đặc biệt là ngành văn hóa cần quan tâm hơn việc chọn lọc, phục hồi một số lễ hội văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc, để người dân có dịp thưởng thức được giá trị văn hóa tinh thần của tiền nhân để lại.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)