Tạm xa không khí xô bồ thành thị, gác lại những lo toan cơm áo gạo tiền thường nhật. Vượt cung đường hơn 20km từ thị trấn trung tâm huyện Hướng Hóa về nhánh bắc của huyện. Một bức tranh mùa thu dịu dàng với dã quỳ ươm nắng vàng trong miên man bất tận
Đã từng nghe câu chuyện tình đẹp và bi thương của nàng H’Limh và chàng K’Lang của bộ tộc LSiêng yêu nhau say đắm, đi hết câu chuyện tình lãng mạn bi ai này cũng không thoát tục được thói tham sân si ích kỉ của giống người... Họ thoát tục bên nhau và biến thành một loài hoa dại... mênh mang trên triền cao nguyên đầy nắng và gió.
Tháng 11, khi những lọn gió hanh khô mơn man rượt đuổi nhau trên triền cao nguyên Hướng Hóa, những cơn mưa miền tây Quảng Trị ngớt dần, dịch chuyển về phía đồng bằng phía đông rét mướt, Hướng Phùng đã bắt đầu mùa khô.
Không giống như những vùng khí hậu khác, cái rét cái gió bắt cây rừng rụng lá, trơ những cành xương khẳng khiu để đón chào đông giá khắc nghiệt, Hướng Phùng vẫn xanh. Sáng trời âm trầm se lạnh, sương trắng bốc hơi vấn vít bò quanh quẩn triền núi, trưa bóng nắng đỉnh ngọn đầu cũng là lúc mùa hạ dồn về, nửa chiều bỗng chốc có lá thu rơi se lạnh, và đêm về đủ đầy cái rét buốt của mùa đông.
Cũng hơn một năm kể từ cái ngày hai đứa xê dịch từ Lao Bảo vòng nguyên một vòng chữ U để vô Hướng Phùng ngắm hoa. Thế mới biết cái nàng hoa vàng này đỏng đảnh, đỏm dáng cong cớn, mời gọi mãnh liệt đến mức nào.
Nàng rộ lên dậy thì thanh xuân và vụt đi như một bà hoàng quý phái mãi tiếc nuối thì thanh xuân của mình chẳng kịp tận hưởng, tận thu. Nàng là dã quỳ hoa đỏng đảnh miên man trải dài bất tận ven sườn đồi, triền khe tít tắp của xứ Hướng Phùng nắng gió miên man này.
Truyền thuyết vẫn mãi là truyền thuyết, hoa dã quỳ là một loài hoa dại thuộc họ Cúc (Asteraceae) có nguồn gốc ở Trung Mỹ. Tại Việt Nam, dã quỳ được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng. Nó được trồng để làm phân xanh cho các vườn cà phê, cao su. Nhờ hạt dễ phát tán, cây dễ trồng nhờ giâm cành nên loài cây này dần dà chiếm lĩnh các nơi hoang dại ở khắp Tây Nguyên.
Chẳng biết tự lúc nào dã quỳ hoa có mặt ở Hướng Phùng này. Cứ độ vào tháng 11, bắt đầu mùa khô là sắc vàng óng ánh lại trải dài ngút ngàn mênh mông trên triền đồi, trên bạt ngàn con khe suối. Lẽ nào theo chân những di dân đi kinh tế mới vào Tây Nguyên rồi xê dịch về làng cũ, mang hồn hoa về đây rồi rải thảm trên cao nguyên này.
Giữa cái nắng gió, mưa nguồn dồn dập của miền tây sơn cước, dã quỳ hoa với sức sống mãnh liệt đã ươm mầm bén rễ cho những cánh đồng vàng óng miên man bất tận nơi này.
Leo lên đỉnh đồi Chua thuộc địa phận trấn Lao Bảo, vượt qua vài quả đồi thoải nữa là nhìn sang được Hướng Phùng, màu vàng óng ả dồn vào mắt như một tây nguyên thứ hai hiện hữu nơi đây rồi. Cũng mây, núi, ngàn lau dại và cánh đồng hoa dã quỳ.
Không giống như những loài hoa khác, Dã Quỳ hoa không được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vẻ đẹp khi đứng một mình, một sức mạnh ma lực thiên nhiên ẩn chứa nhiều huyền bí, càng nhiều hoa, nhiều hoa, dã quỳ liên kết với nhau tạo thành một tấm thảm dài ngút ngàn bất tận vàng óng ả hút tầm mắt ai vãng hành qua đây.
Tạm xa không khí xô bồ thành thị, gác lại những lo toan cơm áo gạo tiền thường nhật, về đây, để nghe dã quỳ ươm nắng vàng trong mùa thu miên man bất tận.