Nhiều người rất bất ngờ khi hay tin giải đặc biệt cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2019 do Hội LHPN tỉnh tổ chức lại thuộc về một cô gái Vân Kiều.
Để gặt hái thành quả trên sự mong đợi ngày hôm nay, chị Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long, huyện Đakrông đã không ngừng trăn trở, miệt mài học hỏi, sáng tạo và có những bước đi đầu tiên đầy hứa hẹn.
Hôm chị Hồ Thị Thương trở về cùng tấm bằng chứng nhận đạt giải đặc biệt cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, người dân ở xã Tà Long đến chúc mừng chật kín nhà. Một số người trước kia không đặt lòng tin vào tour du lịch trải nghiệm 199 ngàn đồng khi chị Thương ấp ủ ý tưởng cũng tới chung vui và hứa sẽ góp sức nếu có thể. Trong vòng tay yêu thương của dân bản, chị Thương đã gửi đến họ những lời cảm ơn. Quyết tâm giúp đổi mới bản làng, tạo công ăn việc làm cho người dân từ tour du lịch trải nghiệm nhân đôi trong lòng chị Thương. Không đắn đo, chị quyết định dồn toàn bộ số tiền thưởng để làm vốn cho tour du lịch. “Tôi chỉ mong số tiền này sẽ ngày càng sinh sôi từ tour du lịch và mang lại nhiều cơ hội cho dân bản”, chị Thương bộc bạch.
Những khó khăn trong cuộc sống chưa bao giờ làm chị Hồ Thị Thương vơi bớt tình yêu đối với quê hương. Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 7 anh chị em. Từ bé, ngôi nhà sàn nhỏ của mẹ con chị đã thiếu vắng hình bóng ba. Người đàn ông trụ cột trong gia đình ra đi mãi mãi nên mọi nỗi vất vả đặt trọn trên đôi vai gầy yếu của mẹ chị. Tốt nghiệp THPT, dù đỗ vào đại học nhưng Thương quyết định ở nhà vì biết mẹ không đủ sức để giúp mình nuôi ước vọng giảng đường. Những ngày bươn bả đi làm thuê nơi xa, chị Thương đau đáu nhớ những ngôi nhà sàn yên ả dựa vào lưng đồi, dòng Đakrông xanh màu ngọc bích, dãy núi ẩn hiện trong sương sớm… Chị mong sẽ có cơ hội giới thiệu những cảnh sắc tươi đẹp của quê hương đến bạn bè khắp mọi miền đất nước. Thế nhưng, hơn ai hết, cô gái Vân Kiều hiểu rằng, ước mong ấy sẽ không bao giờ thành hiện thực nếu mình chỉ quẩn quanh ở cánh rừng, ngọn đồi quê nhà. Nghĩ thế, chị Thương tìm đường về xuôi học trung cấp nông nghiệp. Hai năm sau, chị trở thành cán bộ văn phòng Đảng ủy xã Tà Long, rồi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã vào năm 2008. Gắn bó với công việc, 11 năm nay, chị Hồ Thị Thương không ngừng trăn trở, tìm cách nâng cao vị thế của phụ nữ trên địa bàn. Nhiều cách làm hay đã được chị triển khai như: Thành lập CLB trẻ em gái để góp phần ngăn chặn tình trạng tảo hôn; bảo tồn, phát huy nghề truyền thống; xây dựng tổ tiết kiệm tín dụng; xây dựng gia đình “Năm không ba sạch”… Đặc biệt, với mong muốn giúp chị em vượt khó, chị Thương đã tuyên truyền, vận động hội viên chuyên tâm phát triển kinh tế. Thấy hội viên không tìm được đầu ra cho thành quả lao động, chị và các thành viên cốt cán trong hội đã tiên phong đưa nông sản vùng cao đi xa thông qua việc bán hàng trên Facebook; tham gia các hội chợ; xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm tại địa phương… Trong những chuyến xuôi ngược đem nông sản quê hương đến mọi miền, chị Thương nghĩ: “Quê mình có cảnh sắc đẹp, con người hiền hòa và phong tục, tập quán độc đáo. Tại sao không thu hút khách du lịch về? Nếu việc này thành công thì một số hội viên sẽ được tạo việc làm, nông sản của bà con chắc chắn có lối ra”.
Ý tưởng về một tuor du lịch trải nghiệm tại quê nhà được chị Hồ Thị Thương ấp ủ suốt 4 năm, mò mẫm tìm lối đi, rồi mới can đảm công bố. Vậy mà khi đưa ra bàn thảo, một số người không tán thành. Họ nói: “Bà con mình chỉ biết lên nương, lên rẫy thôi, không thể làm du lịch được đâu”. Thậm chí, có trường hợp cho rằng, chị Thương đang tính đường để “tư lợi”. “Người dân vùng cao vốn tính thẳng thắn, nghĩ gì nói nấy chứ ít khi cân nhắc hay giấu lòng và cũng chẳng có ý gì xấu. Muốn bà con tin tưởng thì trước tiên mình phải làm”, chị Thương nghĩ. Nguồn động viên lớn nhất đối với chị là phần lớn hội viên đều thuận lòng, ủng hộ. Một số chị em còn nhiệt tình góp sức. Đó là động lực thôi thúc chị Thương thực hiện dự định.
Tràn đầy hi vọng, chị Hồ Thị Thương nhanh chóng xây dựng hai tuyến du lịch trên địa bàn. Tuyến thứ nhất là trải nghiệm tại suối Pa Ca ở bản Pa Hy với các hoạt động như: Tìm hiểu một số nét văn hóa nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều; làm bánh Beng; tắm thác Ra Poo... Ở tuyến thứ hai, khách sẽ được trải nghiệm tại suối Tà Lao với các hoạt động lí thú như: Bắt cá bằng các dụng cụ truyền thống; chế biến món ăn truyền thống ngay tại suối; hóa thân thành các chàng trai, cô gái Vân Kiều trong bộ trang phục truyền thống… Nếu muốn, khách có thể đến gian trưng bày sản phẩm vùng cao, tới tận nhà người dân để mua những món quà đậm chất núi rừng về làm kỉ niệm hoặc qùa biếu. Sau khi chuẩn bị mọi thứ một cách cơ bản, chị Thương chụp ảnh, làm các video quảng bá về tour du lịch trên Facebook cá nhân để giới thiệu với mọi người. Điều khiến chị hết sức phấn khởi là tour du lịch đậm chất núi rừng với giá chỉ 199 ngàn đồng/khách của mình được rất nhiều người quan tâm. Được tiếp thêm động lực, đầu năm 2019, chị Hồ Thị Thương đã mở tour đầu tiên cho khách miền xuôi. Sau một ngày trải nghiệm cùng khách, chị Thương rất vui khi thấy ai cũng hài lòng. Qua mỗi tour, chị và hội viên lại tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, phối hợp với nhau ăn ý, hiệu quả hơn. Vì thế, số khách du lịch liên lạc với các chị ngày càng nhiều. Tính đến nay, cán bộ, hội viên Hội LHPN xã Tà Long đã đón 8 đoàn khách du lịch. “Thực ra, rất nhiều đoàn khách liên lạc với tôi. Tuy nhiên, tôi và chị em đã thống nhất với nhau không nên vì tham số lượng mà làm giảm chất lượng phục vụ khách. Hơn nữa, đây là giai đoạn chị em vừa làm, vừa học và hoàn thiện sản phẩm du lịch nên chúng tôi không cho phép mình vội vàng mà phải có những bước đi từ từ, vững chắc”, chị Thương giải bày.
Những ngày gần đây, hay tin chị Hồ Thị Thương đạt giải đặc biệt cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, nhiều du khách ở trong và ngoài tỉnh đã liên lạc với “nữ thủ lĩnh” của chị em ở xã Tà Long để tìm hiểu, đăng kí tham gia. Họ đến Tà Long không chỉ với mục đích trải nghiệm một tour du lịch giá rẻ, độc đáo, hứa hẹn có nhiều điều mới mẻ mà còn để gặp chị Thương, một cán bộ trẻ luôn nặng lòng với những bước phát triển của phụ nữ vùng cao và sự đi lên của bản làng.