Trekking đỉnh Voi Mẹp cao nhất tỉnh Quảng Trị

Minh Hiển |

“Chuyến này đi nó… “bạo lực” lắm. Phải có sức khỏe và kinh nghiệm thì mới kham nổi. Cả đi lẫn về hết 4 ngày, ngủ 3 đêm trong rừng, nhắm đi nổi không” – Hoàng đã có một lời mở đầu đầy “bạo lực” với tôi như vậy khi tôi ngỏ ý muốn tham gia cùng khám phá núi Voi Mẹp.

Đỉnh Voi Mẹp nhìn dưới chân núi. Ảnh: MH.
Đỉnh Voi Mẹp nhìn dưới chân núi. Ảnh: MH.
Nhận lời mời từ mạng xã hội Facebook, tôi gia nhập cùng một nhóm các bạn trẻ lên đường “trekking” núi Voi Mẹp, đỉnh núi cao nhất tỉnh Quảng Trị với độ cao hơn 1.700 mét.
Những bước chân khởi đầu quá trình khám phá. Ảnh: MH.
Những bước chân khởi đầu quá trình khám phá. Ảnh: MH.

Hoàng đã có 6 hay 7 lần chinh phục núi Voi Mẹp thành công, nhiều tới mức chính anh cũng không nhớ nổi nữa. Lần gần nhất là vào mùa thu năm 2018, Hoàng cùng 5 người bạn mang hơn 10kg xi măng cùng một chóp nhọn tượng trưng cho đỉnh núi để đánh dấu lại vị trí cao nhất của núi Voi Mẹp. Chuyến đi thành công, chóp núi đã được đặt nhưng việc đi vào mùa mưa và phải gánh thêm một lượng lớn vật liệu khiến ai nhắc lại chuyện cũ đều phải lè lưỡi.

Khu rừng trên đường lên Voi Mẹp tuyệt đẹp. Ảnh: MH.
Khu rừng trên đường lên Voi Mẹp tuyệt đẹp. Ảnh: MH.

“Đi rừng, leo núi thì vất vả lắm, phải luôn đối mặt với núi cao vực sâu, đường thì vừa dài vừa dốc lại thêm cây gai rừng chằng chịt cản lối, suối thác thì vừa trơn vừa cheo leo, vừa đói vừa mệt… là một chuyến đi hành xác đúng nghĩa chứ không thể nào gọi là du lịch được. Liệt kê ra thì không hết được, chỉ biết là leo núi dễ gây nghiện, lâu ngày không đi lại thấy nhớ núi rừng, lại thèm cảm giác được mắc võng ngủ trong rừng sâu, ăn một bữa cơm nấu vội bên bờ suối” – Hoàng bộc bạch.

Hàng trang mỗi người mang theo không hề nhẹ phục vụ cho chuyến đi mấy ngày. Ảnh: MH.
Hành trang mỗi người mang theo không hề nhẹ phục vụ cho chuyến đi mấy ngày. Ảnh: MH.

Cùng tham gia nhóm còn có Đạt, một chàng trai trẻ năng động, nhiệt tình đến từ Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành viên thứ 3 trong nhóm là Thùy Thành, cô gái hay cười đến từ thành phố Quảng Ngãi luôn muốn người khác gọi mình bằng cái tên Bé Út. Hai người còn lại là tôi và anh Bình - người hỗ trợ của nhóm.

Những phiến đá phủ rông rêu. Ảnh: MH.
Những phiến đá phủ rong rêu. Ảnh: MH.

Để chinh phục Voi Mẹp có rất nhiều đường, nhưng chủ yếu từ 3 hướng là từ xã Hướng Linh, Hướng Sơn của huyện Hướng Hóa và xã Hướng Hiệp của huyện Đakrông. Mỗi người chúng tôi đều mang trên mình hơn 10kg hành lý gồm áo quần, võng, túi ngủ, thực phẩm và các vật dụng cần thiết khác.

Những thác nước đẹp ven đường. Ảnh: MH.
Những thác nước đẹp ven đường. Ảnh: MH.

Thử thách đầu tiên của chuyến đi là thử thách sức bền, đường đi quãng đầu không quá khó khăn nhưng việc bỗng nhiên mang vác một lượng lớn hành lý khiến cơ thể khó có thể thích ứng. Nhất là khi bước vào rừng, những cây dây leo, cành cây chắn ngang đường sẽ móc vào ba lô và đẩy ngược chúng tôi trở lại. Ngoài ra, sâu và vắt rừng cũng gây không ít phiền toái, đến cuối cuộc hành trình, mỗi người trong chúng tôi bị vắt cắn không dưới hai mươi lần. Những con sâu to lớn cũng khéo léo ngụy trang bản thân, bám trên thân cây sẽ khiến cho bất cứ ai vô tình nắm trúng cũng phải đau buốt.

Dùng dây leo qua những ngọn núi cao. Ảnh: HT.
Dùng dây leo qua những ngọn núi cao. Ảnh: HT.

So với những khu vực Trekking nổi tiếng Việt Nam như Fansipan, Tà Năng – Phan Dũng, Tả Liên Sơn, Lảo Thẩn… Voi Mẹp không được nhiều người biết, nhưng về độ khó chinh phục và phong cảnh thì nơi đây hoàn toàn có thể trở thành một trong những địa điểm được yêu thích. Trên đường đi, chốc chốc chúng tôi lại dừng lại nhìn ngắm  rừng nguyên sinh trải dài giữa muôn trùng núi non trùng điệp với muôn vàn loài cây. Trên núi, tôi đặc biệt chú ý tới hai loại cây là cây lá phong mọc rải rác khắp ngọn nơi và cây tùng – mọc ở độ cao từ 1000 mét so với mực nước biển trở lên. Địa hình hiểm trở cộng thêm việc nằm trong khu vực bảo tồn khiến rừng nơi đây hoàn toàn nguyên vẹn, quả thực là một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng.

Phút nghỉ ngơi khi leo lên một đỉnh núi. Ảnh: MH.
Phút nghỉ ngơi khi leo lên một đỉnh núi. Ảnh: MH.

Hành trình buổi chiều sẽ là thử thách vượt thác khi chúng tôi phải vượt qua 3 con thác hiểm trở rồi nghỉ chân qua đêm tại độ cao 1.450 mét. Trong 3 con thác, khó khăn nhất là thác 2 bởi chúng tôi sẽ phải băng ngang qua thác, đối mặt với dòng nước chảy xiết và dốc đá trơn trượt dưới chân.

Nấu ăn dã chiến ngay trên đường đi. Ảnh: MH.
Nấu ăn dã chiến ngay trên đường đi. Ảnh: MH.

Chúng tôi vượt thác Tủ Lạnh không quá khó khăn, dốc đá tuy cao nhưng có nhiều điểm để bám và đặt chân. Đi ngược lòng suối thêm khoảng một cây số, thác 2 hiện ra cản lối với tổng chiều cao gần 50 mét, hai bên thác là vách đá dựng đứng, giữa lòng thác là dòng nước chảy và cũng là con đường để chúng tôi tiến lên. Trên đỉnh thác là một tảng đá lớn nằm chênh vênh giữa đất trời, tạo hóa kỳ diệu đã làm cho tảng đá khổng lồ này lăn từ cao xuống, đến đỉnh thác 2 thì kẹt cứng vào giữa dòng chảy, không thể xê dịch thêm một phân.

Quả bom còn sót lại từ thời chiến tranh. Ảnh: MH.
Quả bom còn sót lại từ thời chiến tranh. Ảnh: MH.

Trong nhóm tôi là người đi sau cùng. Phần đầu của thác tương đối dễ, lên đến giữa thác có một khoảng trống nhỏ, tôi tạm dừng nghỉ ngơi lấy sức, nhưng ở quãng tiếp theo thì tôi không tài nào tiến thêm dù chỉ một bước. Dốc đá trơn trượt, vừa đặt chân lên đã trượt ngay xuống, tôi nhìn về phía sau, tiếng nước đập vào đá ầm ào ù hết cả tai, cái ba lô nặng trịch như muốn kéo tôi tuột về sau vậy, lần đầu tiên trong chuyến đi tôi ý thức được rằng chỉ cần một sơ sẩy nhỏ thôi tôi sẽ phải trả giá, có thể bằng chính tính mạng của mình. Sự sợ hãi làm tay chân tôi như cứng lại, chỉ còn có thể giữ nguyên vị trí, 10 đầu ngón tay dùng hết sức bấu chặt vào các kẽ đá.

Cảnh đẹp khi gần lên đến đỉnh. Ảnh: MH.
Cảnh đẹp khi gần lên đến đỉnh. Ảnh: MH.

Thật may mắn, những người trong nhóm đã không bỏ rơi tôi. Thấy tôi loay hoay không tiến thêm được, Hoàng dừng lại cột dây kéo tôi lên. Gần 10 phút sau, cuối cùng tôi cũng đã đặt chân đến tảng đá lớn trên đỉnh thác, thật là một trải nghiệm nhớ đời.

Dựng lán để qua đêm khi lên đến đỉnh. Ảnh: MH.
Dựng lán để qua đêm khi lên đến đỉnh. Ảnh: MH.

Vượt qua thác 2, chặng đường tiếp theo trong buổi chiều tuy dài và dốc nhưng không khó khăn lắm. Thấy tôi đuối sức, Đạt quay lại mang luôn ba lô của tôi đi, dù mang hành trang của hai người nhưng bước chân cậu vẫn phăng phăng tiến về phía trước. Cuối giờ chiều, chúng tôi quyết định dừng lại và làm lán nghỉ qua đêm ở độ cao 1.450 mét.

Ở trên Voi Mẹp, chỉ có cây tre nhỏ, và “viu” thì đâu cũng đẹp. Ảnh: MH.
Ở trên Voi Mẹp, chỉ có cây tre nhỏ, và “viu” thì đâu cũng đẹp. Ảnh: MH.

Hoàng phân công mỗi người một việc, các thành viên trong nhóm lập tức thể hiện kĩ năng đi rừng tuyệt vời của mình khi chỉ trong chốc lát, lán đã được dựng lên và nồi cơm tối cũng đã được bắc lên bếp lửa. Phía trên lán, Hoàng căng bạt làm mái che, tuy nhìn khá mỏng manh nhưng có thể chống thấm. Qua đêm trong rừng, mỗi người chúng tôi đều chuẩn bị võng, loại có màn kéo phía trên để ngăn muỗi và vắt có thể chui vào. Túi ngủ cũng là vật dụng cần thiết để chống chọi lại với cái lạnh ở núi cao, thậm chí tôi còn cẩn thận hơn mang theo hẳn hai chiếc áo khoác, về sau chúng càng phát huy tác dụng, quả thực không thừa chút nào. Ngoài ra, để chống lại đêm tối, chúng tôi dùng một bộ đèn chiếu sáng lấy năng lượng từ những thiết bị sạc dự phòng của điện thoại, dù nhỏ nhưng ánh đèn vàng ấy vừa đủ cho 5 người chúng tôi sinh hoạt.  

Đoàn chụp ảnh lưu niệm trên đỉnh Voi Mẹp. Ảnh: MH.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm trên đỉnh Voi Mẹp. Ảnh: MH.

Sau một đêm dài ngủ trong rừng chúng tôi thức giấc đón bình minh và dọn dẹp để tiếp tục lên đường. Hoàng hướng dẫn chúng tôi phải thu dọn sạch sẽ, ngoài ý thức của người đi phượt, anh còn quan niệm rằng, nếu để lại rác, thần rừng sẽ không hài lòng, chuyến đi sẽ càng thêm khó khăn.

Sau hơn một giờ đi bộ nữa, cuối cùng chúng tôi cũng ra khỏi rừng và đến được khu vực đỉnh núi. Nơi dừng chân của chúng tôi là một “bãi bò nằm”, là một bãi đất trống, cỏ đã bị cày nát để lấy chỗ ngủ bởi đàn bò tót sống trên đỉnh núi theo lời anh Bình giải thích.

Nằm ở độ cao hơn 1.700 mét, chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết nên không khó hiểu khi phần đỉnh núi chỉ loài cây trúc rừng là phát triển mạnh, đây cũng chính là thức ăn ưa thích của loài bò tót, sơn dương và heo rừng. Hàng triệu cây trúc rừng mọc sát nhau kín kẽ, tạo thành một bức tường dày đặc cản lối chúng tôi. Phần đỉnh núi được chia ra làm hai phần rõ rệt, hướng Đông – Nam sườn dốc thoai thoải là nơi phát triển của tầng thực vật và hướng Tây – Bắc dốc cao dựng đứng.

Phần đỉnh của núi khá rộng và bằng phẳng tuy cỏ mọc dày vào cao quá gối. Nếu có đủ thời gian, thì cắm trại ngủ qua đêm trên đỉnh núi là một trải nghiệm mà chúng tôi thực sự muốn thử bởi vào sáng sớm, nhiều khả năng biển mây sẽ xuất hiện. Từ trên đỉnh Voi Mẹp nhìn xuống, núi rừng Trường Sơn thật hùng vĩ và cũng thật bao la một màu xanh ngắt. Những dãy núi nối nhau chen lấn gập ghềnh trải dài đến tận chân trời. Và thật tự hào rằng, những dãy núi đan xen nhau trùng trùng điệp điệp, những khó khăn gian khổ trên đường đi cũng đã không ngăn cản chúng tôi đến được với nơi đây – “Nóc nhà của Quảng Trị”.

Tôi lấy smartphone ra kiểm tra bộ đếm: 17.590 bước chân trên quãng đường 13,9km; độ cao 1.707 mét so với mực nước biển trong thời gian hơn 27 giờ đồng hồ, hành trình chinh phục núi Voi Mẹp đã được 5 người chúng tôi thực hiện như thế đó. Bắt đầu xuống núi, chúng tôi nhằm về phía xã Hướng Hiệp mà cắt rừng tiến bước. Hành trình phía trước dự báo sẽ còn khó khăn gian khổ hơn gấp bội với quãng đường xa và khó đi hơn, nhất là phải vượt qua thác 3 vòi với chiều cao hơn 300 mét cản lối nhưng tôi tin rằng, chỉ cần có lòng tin ở bản thân mình chúng tôi sẽ làm được.

 

TAGS

Đánh thức tiềm năng du lịch ở miền Tây Quảng Trị

Điếu Ngao |

Để kết nối những địa điểm tiềm năng, có khả năng khai thác du lịch ở miền Tây Quảng Trị với các nhà đầu tư, Hoa khôi Phạm Thị Hiệp vừa có chuyến “thượng sơn” cùng các nhà đầu tư.

Mùa vớt rong câu ở cù lao Bắc Phước

Phan Tân Lâm |

Cù lao Bắc Phước (Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị) nằm ở cửa sông, cách biển Cửa Việt chỉ vài… sải bơi. 

Chiếc áo đầu tiên của người Pa Cô ở đại ngàn Trường Sơn

Lâm Hưng Thơ |

Nghệ nhân Kray Sức nói rằng, ngày trước, trong các lễ hội mừng lúa mới, lễ cầu mùa hoặc nghi lễ ARiêu Ping của đồng bào Pa Cô, bắt buộc phải có áo A Mưng. Khi khoác lên mình những chiếc áo A Mưng, đồng bào Pa Cô thể hiện sự ngưỡng vọng với tổ tiên, thần linh. Hồi trước, trong các lễ hội, chủ nhân của những chiếc áo A Mưng đẹp còn được hội đồng tộc trưởng biểu dương, tặng thưởng trong lễ hội của bản.