Nghệ nhân Kray Sức nói rằng, ngày trước, trong các lễ hội mừng lúa mới, lễ cầu mùa hoặc nghi lễ ARiêu Ping của đồng bào Pa Cô, bắt buộc phải có áo A Mưng. Khi khoác lên mình những chiếc áo A Mưng, đồng bào Pa Cô thể hiện sự ngưỡng vọng với tổ tiên, thần linh. Hồi trước, trong các lễ hội, chủ nhân của những chiếc áo A Mưng đẹp còn được hội đồng tộc trưởng biểu dương, tặng thưởng trong lễ hội của bản.
Sống giữa đại ngàn Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị), để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, từ xưa đồng bào thiểu số Pa Cô đã làm cho mình chiếc áo từ vỏ cây A Mưng. Áo có bắt đầu từ thời điểm này, do ai làm ra, không ai kể được rành rọt, nhưng nếu nhận định “A Mưng là chiếc áo đầu tiên của đồng bào Pa Cô” - thì không ai phủ nhận.
Làm áo bằng vỏ cây A Mưng...
Già Hồ Văn Dương (SN 1940, trú tại thôn Tà Rẹc, xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) sống một mình tách biệt trong căn nhà sàn bằng tre ở giữa rừng. Sống phụ thuộc vào thiên nhiên và ít khi trở ra cộng đồng trừ những lúc đi đổi chác mắm muối, nên người dân ở Tà Rẹc gọi ông Dương là “người rừng”. Hỏi về quá khứ, ông Dương không muốn chia sẻ, nhưng khi thắc mắc về những nhạc cụ sẵn có trong căn nhà, thì ông lại dành cả buổi để giải thích tường tận về cách làm, cách sử dụng. Thậm chí, những câu chuyện cổ về đồng bào Pa Cô, hoặc những vị thuốc bằng cây rừng ông Dương cũng rất tường tận.
Trong một loạt câu chuyện ngổn ngang mà ông Dương nhắc đến, có câu chuyện thú vị về chiếc áo đầu tiên của đồng bào Pa Cô. “Đó là áo A Mưng, làm từ vỏ cây A Mưng” - ông Dương, kể. Không có áo A Mưng để minh họa như những câu chuyện liên quan đến nhạc cụ và các loại thuốc sẵn có ở nhà, nhưng ông Dương nói rằng ở vùng rừng mà ông ở, có cây A Mưng và ông từng chứng kiến người ông của mình làm loại áo này. “Cây A Mưng mọc giữa rừng già, thân thẳng, ít cành, vỏ láng màu xanh, ngày trước thì nhiều còn bây giờ thì lâu lắm mới tìm thấy. Ông nội tôi từng tìm cây A Mưng rồi làm thành áo cho một dòng họ ở xã Tà Rụt (huyện Đakrông) để dùng vào dịp lễ hội Ariêu Ping” - ông Dương, cho hay.
Theo nghệ nhân Kray Sức (xã Tà Rụt, huyện Đakrông), vào thế kỷ XIX thì áo A Mưng của đồng bào Pa Cô bắt đầu hiếm dần. Trước đó, khi còn sống trong rừng sâu và chưa tiếp xúc với thế giới văn minh, thì đồng bào Pa Cô đã tự làm áo A Mưng để mặc, còn bây giờ thì “tìm mỏi mắt không ra”. Ngoài áo A Mưng được sử dụng đại trà, thì những người giàu, có điều kiện hơn sẽ làm áo bằng vỏ cây Trầm Hương, cây A Hung, cây Cà Rỏ… “Qua tìm hiểu, thì có thể khẳng định áo A Mưng là chiếc áo đầu tiên mà người Pa Cô làm và sử dụng đại trà. Có thể vì áo A Mưng dễ làm, bền, giữ ấm tốt cho cơ thể nên mới được lựa chọn” - nghệ nhân Kray Sức, thông tin.
Phục dựng áo A Mưng
Say mê với văn hóa của đồng bào thiểu số Pa Cô, nên ông Hồ Văn Phương - Phó trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Đakrông - đã sưu tầm được nhiều đồ vật có giá trị, trong đó có chiếc áo A Mưng.
Có thời gian, cứ vào ngày nghỉ là ông Phương lái xe môtô vào các bản làng dọc biên giới Việt - Lào ở huyện Đakrông để tiếp xúc với đồng bào thiểu số Pa Cô. Câu chuyện về chiếc áo A Mưng thôi thúc ông phải tìm bằng được đồ vật này, nhưng không ai còn lưu giữ. Gặp các già làng, hỏi cụ thể cách làm áo và tham khảo thêm ý kiến của các nghệ nhân, đến năm 2015, ông Phương bỏ tiền túi thuê người đi tìm cây A Mưng và tiến hành làm áo.
Theo ông Phương, trước lúc vào rừng chọn cây A Mưng, phải tiến hành nghi lễ “Pa Rôông ” cầu có sức khỏe, may mắn tìm được cây tốt, chất liệu bền, đẹp. Để tìm được cây A Mưng, phải đi vào rừng sâu, chọn thân cây to, không bị hư hại. Sau khi chọn được cây, ông Phương thuê người tách vỏ ra khỏi thân, cắt thành từng đoạn. Vỏ cây được phơi khô, đập dập cho rụng hết lớp vỏ cứng bên ngoài và làm mềm lớp vỏ lụa bên trong, ngâm nước nhiều ngày cho xốp. Vỏ A Mưng tiếp tục được đem phơi sương từ một đến hai đêm, đem ra đập lại lần nữa, tiếp đó mới lấy lên, phơi khô, may vai và lườn lại để làm áo mặc. “Đồng bào Pa Cô chọn cây A Mưng là vì vỏ cây nhẹ, tránh được mối, mọt, điều hòa được thân nhiệt. Áo này giúp đồng bào che đậy cơ thể, chống lại giá rét, khi đi trong rừng rậm, săn bắt, hái lượm, lao động sản xuất, cũng như trong lễ hội” - ông Hồ Văn Phương, cho hay.Sau khi phục dựng được chiếc áo, ông Phương đem về nhà, bổ sung vào bộ sưu tập những dụng cụ, nhạc cụ và đồ dùng độc đáo của đồng bào Pa Cô. Mới đây, tại lễ hội văn hóa các dân tộc ở miền núi huyện Đakrông, chiếc áo A Mưng của ông Phương được mượn để trưng bày ở nhà văn hóa các dân tộc thiểu số. Nhiều già làng, trưởng bản là người đồng bào thiểu số Pa Cô đã rất bất ngờ, khi được nhìn thấy chiếc áo mà thế hệ trẻ bây giờ chỉ được nghe kể bằng miệng.
Nghệ nhân Kray Sức nói rằng, ngày trước, trong các lễ hội mừng lúa mới, lễ cầu mùa hoặc nghi lễ ARiêu Ping của đồng bào Pa Cô, bắt buộc phải có áo A Mưng. Khi khoác lên mình những chiếc áo A Mưng, đồng bào Pa Cô thể hiện sự ngưỡng vọng với tổ tiên, thần linh. Hồi trước, trong các lễ hội, chủ nhân của những chiếc áo A Mưng đẹp còn được hội đồng tộc trưởng biểu dương, tặng thưởng trong lễ hội của bản.
“Bây giờ, áo A Mưng không còn được sử dụng, và cũng chỉ có duy nhất ông Phương đang sở hữu. Vì vậy, các nghệ nhân đang tìm hiểu, dạy lại cho thế thế hệ trẻ cách làm áo, cũng như tìm giống cây A Mưng để nhân giống” - nghệ nhân Kray Sức, cho hay.
(Theo Lao Động)