Ngày 12.12.2019, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện và giám định xã hội Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đông Hà đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Tham gia phản biện tại hội thảo là các chuyên gia, lãnh đạo đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch và xây dựng ở Quảng Trị và Trung ương. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trần Ngọc Lân chủ trì hội thảo.
Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đông Hà đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được thực hiện theo Quyết định số 1255/QĐ-UBND ngày 9/6/2016 của UBND tỉnh và thuộc dự án Phát triển đô thị dọc hành lang Tiểu vùng Mê Kông tại tỉnh Quảng Trị do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư; đơn vị tư vấn là liên danh tư vấn Nippon Koei Co., Ltd (Nhật Bản) và Nippon Koei Vietnam International Co., Ltd., J.V (Việt Nam) và được triển khai từ tháng 6/2017.Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đông Hà đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được nghiên cứu thực hiện theo tính chất xây dựng thành phố có vị thế cấp vùng Bắc Trung Bộ, một trong các đô thị động lực trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Phạm vi nghiên cứu trực tiếp của đồ án trên phạm vi toàn bộ ranh giới hành chính thành phố hiện tại với diện tích khoảng 73 km2. Thời gian lập quy hoạch gồm 3 giai đoạn, gian đoạn ngắn hạn đến năm 2025, giai đoạn dài hạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu quy hoạch nhằm tối đa hóa các tiềm năng lợi thế sẵn có và giảm thiểu các tác động tiêu cực đưa thành phố Đông Hà hướng đến phát triển bền vững thân thiện với môi trường cảnh quan thiên nhiên. Bên cạnh đó, hoạch định các chiến lược và không gian đô thị để xây dựng Đông Hà trở thành một trung tâm phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ, thành phố loại II trực thuộc tỉnh vào giai đoạn 2018 - 2020; tạo lập hình ảnh đô thị hấp dẫn, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân đô thị, tạo đà thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế; bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa của địa phương; bảo vệ và phát triển hệ sinh thái và hỗ trợ phát triển nền kinh tế xanh; làm cơ sở pháp lí cho việc quản lí sử dụng đất đai, lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, triển khai các chương trình phát triển và các dự án đầu tư.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các chuyên gia. Đa số các ý kiến đánh giá đơn vị tư vấn đã bám sát quyết định của UBND tỉnh và các căn cứ pháp lí hiện hành để xây dựng Đồ án. Đặc biệt, qua các lần báo cáo Đồ án trước đây, đơn vị tư vấn đã tranh thủ được nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lí, cập nhật kịp thời các dự án đang được triển khai trên địa bàn thành phố cũng như các quy hoạch có liên quan để đưa vào quy hoạch chung. Từ đó có sự điều chỉnh hợp lí hơn trong đồ án lần này.
Bên cạnh đó, một số ý kiến từ các kiến trúc sư cũng đề nghị phía đơn vị tư vấn bổ sung thêm một số nội dung mang tầm chiến lược như xác định chủ đề, nét đặc trưng của quy hoạch; quy hoạch các trục giao thông chính; thiết kế các khu đô thị điểm nhấn kiến trúc; đưa sông Vĩnh Phước vào trục phát triển đô thị; xây dựng bản đồ hiện trạng ngập úng cũng như làm rõ giải pháp thoát nước cho đô thị; đánh giá hiện trạng của Khu công nghiệp Nam Đông Hà để có quy hoạch bền vững…
Đây là đồ án có quy mô lớn nhất của tỉnh trong thời gian qua và đã trải qua 6 lần hội thảo, lấy ý kiến, phản biện từ các cơ quan nhà nước, các chuyên gia. Sau hội thảo lần này, Đồ án sẽ tiếp tục các phiên hội thảo, tổ chức tham vấn cộng đồng để hoàn chỉnh trình các cơ quan chức năng từ địa phương, Trung ương trước khi được UBND tỉnh quyết định thông qua vào năm 2020.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)