Hợp phần 3 của Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) đã hỗ trợ xây dựng 15 mô hình ứng dụng thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) với tổng diện tích gần 167 ha, bao gồm 6 mô hình CSA thâm canh cây lúa, 6 mô hình CSA thâm canh cây màu, 1 mô hình CSA thâm canh cây rau và 2 mô hình sản xuất tiêu an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Thực hiện dự án này người dân luôn được nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh các mô hình CSA cánh đồng mẫu, từ vụ đông xuân 2017-2018 đến vụ hè thu 2019, dự án đã hỗ trợ xây dựng các mô hình CSA nhân rộng trên cây lúa, cây màu, cây rau đến nay đạt diện tích hơn 2.593/ 3.504 ha. Cụ thể đã thực hiện nhân rộng CSA trên cây lúa với diện tích triển khai hơn 2.359 /3.076 ha, đạt 96,7%; nhân rộng CSA trên cây màu được hơn 229/230 ha, đạt 99,58%; và trên cây rau được 5/21 ha, đạt 23,81%. Dự kiến các mô hình nhân rộng này sẽ đạt 100% diện tích trong năm 2020. Với mô hình nhân rộng đại trà, thời gian bắt đầu triển khai từ vụ hè thu 2019 với kế hoạch diện tích cần nhân rộng 1.888 ha. Đến nay, mô hình này đã thực hiện được 1.025 ha (đạt 54,3% kế hoạch). Trong đó nhân rộng đại trà đối với cây lúa 923 ha, cây màu 43 ha, cây rau 39,5 ha, hồ tiêu 20 ha.
Để thực hiện tốt các mô hình trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức cho người dân tìm hiểu, tham gia chương trình “3 giảm 3 tăng” (ICM) trên cây lúa, cây màu, cây rau và trên cây hồ tiêu; tham quan các mô hình tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Đây là việc làm nhằm nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ nông nghiệp địa phương và nông dân về mối quan hệ giữa phân bón, dịch hại và khả năng sinh trưởng cây trồng, từ đó sử dụng lượng giống hợp lí, giảm lượng đạm dư thừa, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển khỏe, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.Ông Lê Văn Viễn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh (Quảng Trị), địa phương được hưởng lợi từ dự án cho biết, với mỗi mô hình CSA, người dân được dự án trang bị các năng lực về kĩ thuật làm đất, gieo trồng, làm cỏ, bón phân, tưới nước tiết kiệm... Đối với mô hình CSA của lúa, người dân tham gia dự án được nâng cao năng lực về kĩ thuật làm đất, đặc biệt quan tâm đào tạo kĩ thuật cày vùi rơm rạ trước khi gieo trồng; được hướng dẫn phương thức sạ hàng thay cho phương thức sạ lan; sử dụng công cụ làm cỏ bằng tay; tập huấn kĩ thuật bón phân. Sử dụng bảng so màu lá để điều chỉnh lượng bón hợp lí và thời điểm bón phù hợp với yêu cầu sinh lí của cây lúa theo từng mùa vụ; tập huấn kĩ thuật sử dụng chế phẩm Trichoderma để xử lí phế rơm rạ trên ruộng và phụ phẩm làm phân bón hữu cơ vi sinh; kĩ thuật tưới nước tiết kiệm cho lúa theo kĩ thuật khô ướt xen kẽ; tập huấn nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, phát thải nhà kính và các giải pháp canh tác bền vững nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với các mô hình CSA cây màu, người dân được hướng dẫn kĩ thuật làm đất, lên luống, che phủ luống bằng bạt phủ ni long, sử dụng máy gieo lạc, đậu xanh, ngô...; hướng dẫn sử dụng lượng bón hợp lí và thời điểm bón phù hợp với yêu cầu sinh lí của từng loại cây theo từng mùa vụ; tập huấn kĩ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh Trichoderma để xử lí phế phụ phẩm sau thu hoạch làm phân bón hữu cơ vi sinh; kĩ thuật tưới nước tiết kiệm cho các loại cây màu trong mô hình; tập huấn kĩ thuật phòng trừ sâu, bệnh hại theo phương pháp quản lí dịch hại tổng hợp (IPM).
Đối với các mô hình CSA cây rau, các hộ tham gia dự án được tập huấn phương thức sản xuất cây con bằng phương pháp gieo hạt trong khay bầu thay cho phương thức gieo hạt trực tiếp trên luống; kĩ thuật sử dụng lượng bón hợp lí và thời điểm bón phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của cây rau; tập huấn kĩ thuật sử dụng chế phẩm Trichoderma để ủ phân hữu cơ và phun phòng các loại bệnh hại trên cây rau; kĩ thuật tưới nước tiết kiệm bằng phương pháp tưới phun mưa, nhỏ giọt; tập huấn kĩ thuật phòng trừ sâu, bệnh hại theo phương pháp IPM.
Ông Nguyễn Văn Hồng ở HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, người làm mô hình CSA cho biết, nhờ dự án nâng cao năng lực cho người dân nên xã viên của HTX đã trở thành chuyên gia đồng ruộng, biết chọn giống tốt, phù hợp với điều kiện địa phương, chọn cây khỏe, đủ tiêu chuẩn, trồng, chăm sóc đúng kĩ thuật để cây sinh trưởng tốt có sức chống chịu và cho năng suất cao. Nhờ đó nông dân có kĩ năng quản lí đồng ruộng, tuyên truyền cho bạn nhà nông biết cách sử dụng các biện pháp phòng trừ thích hợp tuỳ theo mức độ sâu bệnh, thiên địch kí sinh ở từng giai đoạn; sử dụng thuốc hoá học hợp lí và đúng kĩ thuật; bảo vệ thiên địch, bảo vệ những sinh vật có ích, giúp nhà nông tiêu diệt dịch hại.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị cho biết, hoạt động nâng cao năng lực cho người dân tham gia thực hiện mô hình CSA đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành công của dự án. Trong quá trình triển khai dự án, chi cục đã tổ chức 56 cuộc họp dân, 62 lớp tập huấn tại hiện trường cho nông dân (FFS) và IPM, 182 lớp tập huấn kĩ thuật đầu vụ, 96 cuộc hội nghị đầu bờ, thu hút 13.220 hộ tham gia giúp nông dân hiểu và giải thích được lí do của việc áp dụng các biện pháp kĩ thuật nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các buổi họp dân và các lớp tập huấn FFS, IPM đã giúp nông dân phân tích hệ sinh thái, sinh lí cây trồng các giai đoạn, từng bước chủ động áp dụng trên đồng ruộng của mình các biện pháp quản lí cây trồng và dịch hại, với việc lấy đấu tranh sinh học làm trung tâm cho quá trình xử lí dịch hại trên đồng ruộng đã làm giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra nông sản sạch, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)