Theo yêu cầu của Thủ tướng, các bộ ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận các cơ hội sau dịch bệnh, như “chiếc lò xo bị nén lại để bung ra”.
Ngày 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân nhằm huy động hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu.Thủ tướng cho biết, đã nhận được được một số thông tin cho rằng một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ sớm phục hồi sản xuất rất nhanh, do đó, chúng ta phải đón bắt thời cơ này, “như chiếc lò xo bị nén lại, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy cơ thành thời cơ”. Một ý chí mới, một tinh thần, khát vọng phát triển mạnh mẽ khi chúng ta đã qua đại dịch. “Chúng ta phải có thắng lợi kép, vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế-xã hội, chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển”, Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh tinh thần “dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba”, Thủ tướng cho biết sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh COVID-19.
Đồng thời chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn, bao gồm cả chương trình kích cầu.
Trước đó, Thủ tướng cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Các giải pháp này đang được các bộ ngành, địa phương gấp rút triển khai với tinh thần chủ động.
Sớm điều chỉnh lãi suất điều hành
Tại cuộc họp chiều ngày 12/3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, đến thời điểm này, dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Chính phủ vẫn chưa điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô nên Ngân hàng Nhà nước chưa đề cập đến vấn đề tăng trưởng tín dụng và nỗ lực bảo đảm duy trì hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Phó Thống đốc cho biết, bên cạnh những giải pháp được đưa ra gần đây để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu và sớm đưa ra quyết định về giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, giảm lãi suất điều hành là một cơ chế chính sách, giải pháp giúp tổ chức tín dụng có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước sớm có điều chỉnh lãi suất điều hành, áp dụng với ngân hàng thương mại, cụ thể là lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, OMO…
“Về thời điểm giảm lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc, song mức giảm lãi suất lần này sẽ tương đối tích cực”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5- 1,5% để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ là 21.753 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho vay đối với 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, các tổ chức tín dụng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cho vay mới 5.493 khách hàng với tổng số cho vay dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, do tác động của dịch bệnh khiến mức tăng trưởng tín dụng rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm đến ngày 4/3, tốc độ tăng trưởng dư nợ chỉ đạt 0,1% so với cùng kỳ năm 2019 (0,85%). Qua báo cáo sơ bộ của 23 tổ chức tín dụng, có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ, chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.
Ngành nông nghiệp vượt 3 thách thức lớn
Cùng ngày, tại hội nghị trực tuyến Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp đang bị đe dọa bởi 3 thách thức lớn.
Đó là ngoài chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành còn chịu thêm 2 tác động lớn là tính cực đoan của thời tiết do biến đổi khí hậu, điển hình là mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn… và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành phải đảm bảo hạn chế thấp nhất những thách thức đó bởi là ngành tạo ra lương thực, thực phẩm nên lúc nào cũng phải đảm bảo cung ứng vững chắc cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, không để thực phẩm tăng giá và tránh trục lợi. Do vậy, ngành cần thúc đẩy sản xuất kèm theo các giải pháp ứng phó với dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sau dịch bệnh, thị trường thường bùng nổ về nhu cầu hàng hóa. Vì vậy, ngành cũng phải chuẩn bị điều kiện tốt nhất khi dịch bệnh kết thúc nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo đà thúc đẩy xuất khẩu.
“Khó khăn “kép”, nhưng ngành phấn đấu hoàn thành mục tiêu “kép” là xuất khẩu và an sinh, đảm bảo môi trường bền vững. Để đảm bảo mục tiêu đó, các đơn vị, ngành hàng phải nhận diện rõ nguy cơ, thách thức để có các giải pháp cụ thể, tập trung chỉ đạo đồng bộ từ Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chỉ cần một thành tố không hoàn thành thì sẽ khó hoàn thành mục tiêu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị và kể cả doanh nghiệp cần xác định rõ vai trò của người đứng đầu, phát huy lợi thế để biến nguy thành cơ, khai thác hết các cơ hội có được.
Vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua là điển hình của sự sáng tạo, cương quyết nên vụ này đã được mùa và "né" được hạn, mặn. Tuy nhiên, vụ Hè Thu dự báo tiếp tục gặp thách thức về hạn hán ở một số vùng, nếu các địa phương có giải pháp tốt thì sẽ đạt được kết quả tốt.
Đối với thực phẩm, Bộ trưởng cho biết, năm nay ngành cần đảm bảo sản xuất đủ 5,6 - 5,8 triệu tấn thịt. Hiện 99% số xã đã không còn dịch tả lợn châu Phi, các địa phương hết dịch phải đẩy mạnh tái đàn lợn, bên cạnh đàn gà, bò, thủy sản… đang phát triển tốt.
Về thị trường xuất khẩu, Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách. Các đoàn công tác của Bộ thời gian tới sẽ có sự tham gia của doanh nghiệp và phối hợp cùng các Bộ, ngành khôi phục thị trường Trung Quốc; đồng thời mở cửa thêm các sản phẩm với thị trường này.
Quán triệt sâu sắc yêu cầu của Thủ tướng
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục quán triệt sâu sắc yêu cầu vừa phòng chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong Chỉ thị số 06/CT-BCT về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành công thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, vừa được ban hành.
Cũng theo Chỉ thị này, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các quyết định, chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Từ đó, bảo đảm thực hiện triệt để việc phòng, chống dịch ở nơi làm việc, nơi cư trú và trong cộng đồng, cũng như để bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh trong toàn ngành ngành.
Đối với phòng, chống dịch và bảo đảm ổn định thị trường, Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, phối hợp với các doanh nghiệp và các địa phương triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, đề nghị các doanh nghiệp cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, nhất là tại địa phương có dịch bệnh.
Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, nhất là với các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch và các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân.
Đáng lưu ý, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, các đơn vị thuộc Bộ rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Hơn nữa, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư; thực hiện tốt công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên ngành; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông…
Trong chỉ thị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục.
Địa phương chủ động xử lý các vấn đề
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Chi cục Hải quan quản lý các Khu công tỉnh bám sát chỉ đạo của Trung ương để triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thành lập đường dây nóng tiếp nhận các ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính.
Tỉnh công khai cán bộ, công chức vi phạm và bị xử lý vi phạm nhằm nâng cao uy tín, chất lượng dịch vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại nâng cao chất lượng phục vụ để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng được thuận lợi nhất.
Công ty Điện lực tỉnh có phương án bảo đảm điện sản xuất cho doanh nghiệp vì nhu cầu điện trong thời gian tới là rất lớn do một số doanh nghiệp lớn đi vào hoạt động, không để tình trạng thiếu điện xảy ra. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đánh giá, dự báo tình hình lao động trong các khu công nghiệp, tham mưu tỉnh định hướng để đáp ứng lao động cho các khu công nghiệp....
Những tháng đầu năm nay, dịch COVID - 19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và các doanh nghiệp sản xuất phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài). Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phải cắt giảm công nhân hoặc sản xuất cầm chừng.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang đang tập trung quyết liệt chỉ đạo sản xuất không để gián đoạn, vừa bảo vệ đàn vật nuôi vừa đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong và ngoài tỉnh.
Tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, hỗ trợ giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là những sản phẩm đặc sản mà Bắc Giang có thế mạnh là lợn, gà, hoa quả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ về cơ chế trong thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Tại Hậu Giang, cũng trong ngày 12/3, UBND tỉnh có buổi làm việc với một số sở, ngành, đơn vị nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh sẽ tiếp thu các kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong tỉnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tuyên truyền đến doanh nghiệp các chính sách hỗ trợ; hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đánh giá mức độ ảnh hưởng do dịch COVID -19 để làm cơ sở thực hiện các chính sách hỗ trợ; đề nghị các doanh nghiệp khai báo y tế chính xác, kịp thời lịch trình di chuyển của lãnh đạo các doanh nghiệp; tiếp tục nắm tình hình doanh nghiệp, phản ánh những phát sinh mới để báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh có chỉ đạo kịp thời.
Cục Thuế tổng hợp các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để phối hợp các cơ quan báo chí thông tin kịp thời đến doanh nghiệp; tăng cường quản lý thuế, không để xảy ra tình trạng lợi dụng dịch bệnh gây thất thu ngân sách.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề nghị Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế nắm bắt số doanh nghiệp, hộ kinh doanh có khả năng chậm nộp thuế do dịch bệnh để có giải pháp cân đối ngân sách, đảm bảo thu chi.