Nơi lưu dấu bài bút ký duy nhất của Trịnh Công Sơn

Phạm Xuân Dũng |

Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ít ai biết ông đã từng viết một bài bút ký mang tên “Tháng 3 trên công trường Nam Thạch Hãn”, ghi lại không khí lao động trên đại công trường này mà ông chứng kiến mùa xuân năm 1978.

 
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những bạn bè văn nghệ Bình Trị Thiên. Ảnh: TL 

 Bút ký “lạ” và duy nhất của Trịnh Công Sơn ấy xuất hiện lần đầu trên tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên, số 9, tháng 7/1978.

Đại vũ khúc” bên bờ Thạch Hãn 

Công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn (dân gian quen gọi là Đập Trấm) khởi công năm 1978 và hoàn thành năm 1981 với sự tham gia của hàng vạn đoàn viên, thanh niên tỉnh Bình Trị Thiên. Lực lượng tham gia xây đập được chia thành các Sư đoàn. Có điều khác với quân đội, dưới Sư đoàn là các Đại đội trực thuộc. Sư đoàn thường lấy theo tên gọi của các huyện như Sư đoàn Lệ Ninh, Sư đoàn Bến Hải... Hơn 2 vạn con người, chủ công là lớp trẻ lăn lộn suốt mấy năm trời trên công trường thủy lợi. Hầu hết các công đoạn từ đào đất, gánh đất, bưng đất, đắp đất, đào mương... chỉ làm bằng tay không. Họ đã vượt qua đói, rét, nắng lửa, gió Lào, bệnh tật, bom mìn còn lại dày đặc sau chiến tranh để hoàn thành sứ mệnh lớn lao đem nước về cho vùng đất khát. Một việc “thi gan với trời” mà nhiều người cho là ảo tưởng.

Cho đến hôm nay nhiều người vẫn nhớ về bài hát “Câu hò trên công trường Nam Thạch Hãn” của cố nhạc sĩ Trần Hoàn viết tại công trình. Đặc biệt, mùa xuân 1978, Trịnh Công Sơn cùng đoàn văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên có chuyến “đi thực tế” đến công trình Đập Trấm, và cho ra đời bút ký nóng hổi “Tháng 3 trên công trường Nam Thạch Hãn”.

Cách viết theo thời gian đồng hồ trong cái nhìn còn lắm ngỡ ngàng của một nghệ sĩ bậc thầy trước cảnh hàng vạn con người đang tái thiết quê hương đúng như tâm nguyện cháy bỏng của Trịnh Công Sơn. Ông viết: “3 tháng 3-1978 - 6 giờ. Đường ra Thạch Hãn sương mù dày đặc. Đường sương, ruộng sương, cầu sương, sông nước cũng sương. Xe bật đèn. Những con mắt vàng mở to trong sương sớm. Hai bên đường loáng thoáng bóng người rải sắn lát, chờ sương tan để nắng lên hong khô. Chiếc xe jeep không thể chạy nhanh, nhưng gió ngược cũng đủ làm tóc rối bù”.

 
Thủy lợi Nam Thạch Hãn bây giờ 
 
 Xôn xao Đập Trấm  Ảnh: PXD

 Tác giả ngạc nhiên và hưng phấn trước khung cảnh bằng cảm quan tinh tế của một nghệ sĩ đa tài: “7giờ 30. Xe rẽ vào con đường đất đỏ sát hông chợ Quảng Trị. So với năm ngoái, năm nay chợ đã phình ra thêm một đoạn. Thực phẩm đầy ắp, xanh tươi. Người đứng, kẻ ngồi, đi đi lại lại. Xe vượt qua. Tiếng động nằm sau lưng. Phía trước đã thấy hiện ra một chấm đỏ lưng chừng trời, ở trên đồi cao. Đến gần, chấm đỏ biến thành lá cờ bay bay như bàn tay vẫy dẫn lối. Xin mời về phía này. Xe rẽ sang phải, leo dốc ngắn. Thêm dăm bảy lá cờ. Lên đến đầu dốc, một rừng cờ đỏ rực trên một rừng người đứng thành đội ngũ chỉnh tề như một khối bê-tông vững chắc. Trên từng tấm biểu ngữ ai cũng có thể đọc được: “Công tìrnh đại thủy nông Nam sông Thạch Hãn”. Nghe như thơ”.

Đúng rồi, đây chính là mơ ước và viễn cảnh mà cha đẻ của những ca khúc “Da Vàng” nổi tiếng đã khao khát cất lên trong những năm tháng chiến tranh ly loạn, nước non chia cắt, rằng: “... Ngày mai sẽ xây trường hay họp chợ/Dân ta về cày bừa đủ áo cơm no” (ca khúc “Huế-Sài Gòn-Hà Nội”). Để rồi chính hôm nay, khi vết thương chiến tranh còn chưa kịp lành lặn trên da thịt Việt Nam nhưng giấc mơ tái thiết, kiến tạo đã bắt đầu nảy mầm ngay từ trong gian khó tận cùng.

Những dòng chữ mang nhạc điệu đầy xôn xao, hứng khởi: “Đầm đơn đầm đôi rập ràng nện chặt bờ đập mới nhú. Tiếng đập nhịp nhàng đến độ muốn khơi dậy một tiếng hò nện đã quen. Nước ứa ra ở đoạn thấp của con kênh dự trù. Một tốp nữ tát nước ra ngoài, đều tay như múa. Hiện trường bỗng chốc mang cái khí hậu của một sân khấu rộng rãi ngoài trời, màu đất đỏ non tươi làm nền cho một đại vũ khúc mang tên “công trình đại thủy nông Nam sông Thạch Hãn”.

Còn đây là Trịnh vẽ lại cảnh những nữ thanh niên Nam Thạch Hãn ngày ấy: “Đội nữ gánh đất từ đồi cao lao xuống nhanh như những cánh hải âu vụt xuống mặt sông…Đoàn quân chân đất khuôn mặt hiền từ nhưng thách đố. Mỗi bàn chân có năm ngón. Mười ngón chân bám chặt mặt đất như những câu móc bằng thép nguội. Không gì gỡ ra nổi. Những bàn chân bỗng chốc dạy cho tôi biết vì sao mặt đất quê hương này không bao giờ mất được. Những ngón chân rễ cây đại ngàn đã cắm sâu vào lòng đất nước”.

Nhạc sĩ dự cảm thật đẹp, mà không hoang đường, như chính hiện thực sau này đã minh chứng: “Một cái đập sẽ được chắn ngang khúc sông ấy để chuyển dòng nước chảy về giữa làng xóm nhà kia. Xóm nhà rồi sẽ được khôi phục ở vùng đất mới. Những nề nếp cũ đang được sắp xếp lại trong một trật tự khác phù hợp với lợi ích chung của con người. Bên hông những công trường này, đằng sau những cánh đồi nhấp nhô trùng điệp là con đường tiếp liệu phục vụ sắt thép và xi măng cho toàn bộ công tìrnh. Con đường dài 12 cây số ấy là mạch máu chính để nuôi các công trường lớn nhanh và sớm hoàn thành nhiệm vụ. Cái vùng đất này đang thay da đổi thịt hằng ngày”.

Có lẽ Trịnh Công Sơn là người đầu tiên sáng tạo thành ngữ mới : “thay da đổi thịt” mà sau này báo chí dùng lại như cơm bữa?

Tình Ô Lý

Trịnh Công Sơn đã gắn bó với Huế, với Quy Nhơn, Đà Lạt, Sài Gòn và những bài hát của ông thấm đẫm điều này. Riêng với Quảng Trị dù có lẽ không phải là tâm điểm trong cảm xúc của ông nhưng vẫn đầy duyên nợ.

Ca khúc “Người mẹ Ô Lý” của Trịnh Công Sơn gắn liền với bút tích ghi trên bài hát “Tặng người mẹ già tôi gặp trong đoàn người từ Quảng Trị về Huế, mùa hè đỏ lửa năm 1972”. Ca sĩ Thái Hòa (con trai của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, một người bạn thân của Trịnh Công Sơn) là người đã từng trình bày thành công ca khúc “Người mẹ Ô Lý” (được cấp phép lưu hành năm 2013).

Ca sĩ kể rằng vào một ngày hè năm 1972, khi nhạc sĩ ngồi ở chợ Đông Ba thì gặp một bà mẹ nghèo Quảng Trị tản cư vào Huế để tránh bom rơi đạn lạc. Bà mẹ cho biết mình đã vượt 120 cây số từ quê nhà khói lửa. “Gia tài của mẹ” đem theo chỉ có một trái bí. Quá xúc động trước tình cảnh người mẹ Quảng Trị - người mẹ Việt Nam trong tao loạn, ca khúc “Người mẹ Ô Lý” đã ra đời trong phút chốc.

Chiến tranh ở đây không hiện ra tàn khốc, bi thương và chất chứa nghịch lý như trong nhiều ca khúc “Da Vàng”. Âm vang chiến sự không phải là “Đại bác ru đêm” hay “Hát trên những xác người”..., mà chỉ là hình tượng người mẹ buộc lòng phải xa làng quê máu thịt cùng với và mang theo trái bí cút côi không nơi nương tựa. Không hề có thanh âm khói lửa, chết chóc nhưng vẫn xót xa, ngậm ngùi khi nước Việt chưa được an bình, thống nhất, còn phải chờ ngày kết cục đại đoàn viên.

Một chi tiết đáng nói là bài hát có 120 từ tượng trưng cho 120 cây số tao loạn mà người mẹ đã vượt qua. Đoạn cuối ấn tượng như một khúc ru về một người mẹ quê hương Ô Lý (như cách gọi ngày xưa về một dải đất trong đó có Quảng Trị): “Mẹ ôm trái bí / Mắt còn ngẩn ngơ/ Đường vắng bên lề / Một thân bé nhỏ / Mẹ ôm trái bí / Đi về chợ xa. Mẹ nhớ mái nhà / Hàng cau sau hè / Còn riêng trái bí / Nhớ giàn đầy hoa”

Quảng Trị còn có người bạn thân là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tâm giao mới tri âm, tri kỷ vậy nên ông cũng là một trong những người thấu hiểu âm nhạc Trịnh Công Sơn. Văn nhân hiểu nhạc sĩ nên đã có nhiều bài viết lột tả tâm hồn nghệ sĩ cũng như tinh thần tác phẩm Trịnh Công Sơn, đã từng nhắc lại bài hát “Người mẹ Ô Lý”  như một sáng tác quan trọng khi viết về Mẹ Việt Nam. Ngay sau khi Trịnh Công Sơn qua đời, một cuốn sách tuyển chọn các bài viết về cố nhạc sĩ cũng mang tên “Cát bụi lộng lẫy” (chữ dùng của Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Ngày lên đường vào Nam định cư, Trịnh Công Sơn đã để lại căn phòng nơi mình từng sống trên tầng hai ở đường Nguyễn Trường Tộ (Huế) cho người bạn thân Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sau này đến lượt vợ chồng nhà văn vào Nam theo con, thì địa chỉ này được chọn làm nhà lưu niệm có tên “Gác Trịnh” thường được nhiều người hâm mộ nghệ sĩ quá cố trong và ngoài nước đến thăm. Như một kỷ niệm đẹp về người nhạc sĩ liên quan đến con người Quảng Trị.

TAGS

Đóa Hòa bình nở trên đất lửa

Nguyễn Hoàn |

Quảng Trị cũng như các tỉnh, thành khác trong nước muốn phát triển phải dựa trên hai trụ cột chính là kinh tế và văn hóa. 

Chế Lan Viên - từ mùa xuân đau thương đến nguồn sáng tươi vui

Nguyễn Văn Hùng |

Chế Lan Viên được đánh giá là nhà thơ lớn trên bầu trời thi ca Việt Nam hiện đại. 

Hỏi đá bao giờ mòn?

Yên Mã Sơn |

Có lẽ ở Gio An nói riêng và vùng phía tây Gio Linh nói chung, nếu “nhổ” hết cỏ cây, thứ còn lại là những thửa ruộng đầy đá, bày bố như một ma trận với vô vàn hình thù. Đá bên hiên nhà, đá ngự trong vườn, đá nằm trên ruộng như một cổ vật hiện hữu từ ngàn xưa đến nay.

Lễ hội Xuân bên dòng sông Ô Lâu xưa

N.T |

Tháng 6 năm 1306, vua Chăm là Chế Mân dâng hai châu Ô và Lý làm sính lễ cưới Huyền Trân Công chúa của nhà Trần. Cuộc hôn nhân này đánh dấu cho sự hòa hiếu giữa hai nước Chăm Việt. Song đây cũng chính là sự khởi đầu của cuộc di dân Nam tiến của người Việt.