Thạch Hãn là một nghĩa trang không bia mộ. Có chăng đó là tấm lòng trôi trên sông. Có chăng là tiếng hò trên sông theo con đò mỗi ngày dọc ngang sông mà đến cả ngàn đời sau người ta sẽ còn nhớ
Tôi sinh ra sau chiến tranh nhưng vẫn đào thấy những quả đạn trên đồng đất, vẫn nhìn thấy những quả bom to đùng trong vườn nhà ngoại. Và, nơi tôi nhìn thấy rõ nhất về chiến tranh đó là chiều trên Thạch Hãn. Chiều đông, tôi nhìn xuống dòng Thạch Hãn. Nhiều cảm xúc quá! Tự hào, hạnh phúc nhưng nghẹn đắng thì nhiều hơn. Nó lấn át những thứ khác trong tôi lúc này.
Dòng sông ấy, con đò ấy, buổi chiều ấy và dòng nước như những ngày xưa còn đâu đây. Vẳng tiếng hò trên sông, rồi tiếng súng và máu đỏ nhừ cả một khúc sông trong ngày hè đỏ lửa.
Tôi tìm lại những con người mà tôi chưa hề gặp mặt nhưng đã nghe nhiều người nhắc đến họ trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Nước sông Thạch Hãn trong xanh, xanh đến buốt lòng. Nhìn về phía đằng đông, những con đò thưa thớt đậu cheo leo, một doi cát vàng, đám cỏ xanh. Sương khói ngày đông lãng đãng trên sông và mây chiều chầm chậm trôi theo chiều gió. Tôi có cách gọi mùa riêng của mình. Mùa xuân hạnh phúc, mùa hạ đau, mùa thu nhớ và mùa đông khắc khoải. Gọi như vậy cho mùa đông, cho những ngày đầu đông về trên Thạch Hãn vì tôi có một dòng nhớ của riêng mình, chảy theo sông và về với biển cả.
Tôi từng đếm vết chân mình bên dòng Thạch Hãn. Cách đếm ngược để về với người và sông ngày ấy, cả tuổi trẻ của tôi luôn đau đáu niềm thương. Nhiều lần, tôi chạy xe một đoạn đường dài gần 28km để đứng trên cầu Thạch Hãn nhìn xuống dòng sông. Nước trôi nhưng tôi đứng lại. Tôi chịu im lặng cho đến chiều bật lên thành tiếng. Và câu hỏi vu vơ, chiếc cầu này ai bắc qua sông?
Mưa lất phất bay trong gió đông về lạnh lẽo. Nhiều xe cộ lại qua trên con đường này, trên chiếc cầu này. Có những chuyến xe dừng lại, có những người đàn ông, những người đàn bà, những đứa trẻ đứng tựa lưng vào thành cầu chụp một phô ảnh lấy hình dòng sông ở đầu nguồn rồi vội vã lên xe đi thả lại cái lạnh treo trên những thớ bêtông đã đủ mưa nắng. Thành Cổ ở phía Nam con sông, ở phía Bắc đầu nối cầu là Đài tưởng niệm. 19 giọt máu đỏ, Trung đội Mai Quốc Ca nằm lại ở đó, những con tim đỏ phập phồng trong rét mướt, trong nắng mưa. Chiều muộn, có con đò từ phía cuối con sông chèo ngược dòng với câu hò Như Lệ.
“Bóng cây dừa năm xưa vẫn còn đó
Chiếc khăn thêu hoa hồng đỏ còn đây
Vì ai nên nỗi thế này
Én Nam nhạn Bắc tràn đầy nhớ thương”
Giọng của một người đàn bà, như có đủ nắng mưa, có nhiều đớn đau. Đò trườn lên dòng. Nước sông Thạch Hãn ăm ắp đôi bờ, xanh trong có thể nhìn thấy đến vô cùng của đáy sông. Chợt lòng thắc thỏm. Vì sao nước ở đây trong xanh đến thế? Vì sao người chèo đò chậm đến nỗi câu hò rớt lại thành nỗi cô đơn? Và tôi đứng lặng im, như mặc niệm cho người, mặc niệm cho mình, cho dòng sông Thạch Hãn còn mãi xanh trong đón bốn mùa trong năm, đón hạnh phúc và cay đắng của đời.
Chợt nhớ một ngày đông cách đây hai năm. Cũng trên cầu, tôi nhìn về phía thượng nguồn con sông. Cạnh chiếc cầu sắt bắc qua sông, có cụ bà tóc trắng, hiu quạnh trong chiều. Chai nước sông trên tay, sự chấp nhận cuối cùng của đời người. Linh hồn con cụ nằm trong đó, cả đời cụ nằm trong những giọt nước vớt vát lên từ con sông. Mắt tôi cay xè. Khóc thương như một lẽ thường của niềm yêu được kết nối. Cụ bà quay ánh nhìn về phía tôi. Tôi không nói được gì, cụ cũng không. Thấp thoáng trong chiều đông mấy câu hát cất lên từ mặt sông. Những câu hát buồn vui, những câu hát cũ và mới. Của cụ và của tôi. Chiều đó cũng có con đò, chiều đó cũng có gió lạnh. Và mặt nước phăn lên những giọt mưa không to những đủ để ướt hai mái đầu. Nhưng cuối chiều thì mưa đổ rền mặt sông và có một khoảng trống vắng mênh mông nào đó phủ lên khắp mặt sông. Nước mưa che hết những nỗi đau thầm kín, lấp hết những hy vọng não nề. Và cỏ ngập trong nước sông. Dòng Thạch Hãn mênh mang nước, con đò xuôi dòng. Chắc thế, nó sẽ trôi về cuối cùng con sông. Vì khi tôi kịp thấy nó ướt át trong mưa như một cái chấm đen nhỏ khuất dần giữa một màn mưa trắng xóa.
Thạch Hãn là một nghĩa trang không bia mộ. Có chăng đó là tấm lòng trôi trên sông. Có chăng là tiếng hò trên sông theo con đò mỗi ngày dọc ngang sông mà đến cả ngàn đời sau người ta sẽ còn nhớ.
Có mùa hè tôi đi dọc đôi bờ sông. Trong cái nóng như lửa đốt, cỏ cây Thạch Hãn vẫn rất xanh. Mầu xanh đó nó khác xa với cỏ cây bất cứ nơi vùng đất nào mà tôi đã đi qua trong ngày hè. Có lẽ, bởi phù sa, bởi làn nước mát lành của con sông và cả những gì vốn có nằm trong trong lòng đất. Mà mỗi tấc đất nơi này đã thấm máu của các anh. Lòng chợt đau khi chân dẫm lên cỏ.
Xin nói ra xúc cảm của mình khi đến nơi đây. Lần nào cũng… thấy buồn. Nhiều khi nhói đau và im lặng. Dòng Thạch Hãn như một thế giới khác, thế giới của sông. Sông cứ lặng lẽ trôi giữa cuộc sống với biết bao xô bồ, vị kỷ. Con sông này trôi từng đêm, từng ngày. Trong bão táp của chiến tranh hay những ngày hòa bình lặng lẽ.
Quảng Trị có nhiều nơi để nhớ, nhiều nơi để nhắc không cứ riêng gì Thạch Hãn. Nhưng với tôi, Thạch Hãn trong những ngày đông và những câu độc thoại của riêng mình trong từng cơn gió trườn qua rất lạnh. Chân đã bước đi mà lòng vẫn cứ gởi lại.
Và tôi biết, mùa đông vẫn còn dài lắm!