Đóa Hòa bình nở trên đất lửa

Nguyễn Hoàn |

Quảng Trị cũng như các tỉnh, thành khác trong nước muốn phát triển phải dựa trên hai trụ cột chính là kinh tế và văn hóa. 

 Kinh tế Quảng Trị không thể phát triển “vượt trội” hơn nhiều nơi khác trong nước, vì Quảng Trị không nằm trong các vùng động lực, các cực phát triển của đất nước. Nhưng về văn hóa thì lại khác. Văn hóa Quảng Trị, với mảnh đất, con người, với danh tiếng Quảng Trị vang vọng trong dòng lịch sử không chỉ trong nước mà cả thế giới biết đến, rõ ràng có tính “vượt trội”, tính đặc thù. Vấn đề đặt ra là phải khai thác, phát huy tính “vượt trội”, tính đặc thù này như thế nào, để văn hóa Quảng Trị có thể phát triển đi trước một bước so với kinh tế Quảng Trị, đặc biệt, văn hóa phải tạo “cú hích”, tạo động lực cho kinh tế phát triển. Một trong những phương thức đắc dụng, hiệu quả để khai thác tính “vượt trội”, tính đặc thù này của văn hóa Quảng Trị mà lâu nay đã làm đó là tổ chức các lễ hội có tính quảng bá như: Lễ hội Thống nhất non sông, Nhịp cầu xuyên Á, Tri ân tháng 7, thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn… tạo được tiếng vang, hiệu ứng lan tỏa. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. Cần hướng đến một hoạt động có tính tập trung hơn, có tính nhân văn cao, có tầm quốc gia và quốc tế, có sức hiệu triệu, truyền cảm hứng lớn, lay động lòng người mạnh mẽ hơn, tương xứng với vai trò, vị thế của mảnh đất Quảng Trị, đó là Festival “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị.

 
Ảnh: Xanh Ewec 

Nói đến hòa bình là nói đến chân lý thiêng liêng, nói đến giá trị phổ quát toàn nhân loại. Chính vì thế mà bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình đã nêu rõ mọi người sinh ra được tạo hóa dành cho “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, điều này được nêu trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Quyền được sống, tức là quyền được có hòa bình là quyền của tự nhiên, quyền của tạo hóa. Chiến tranh xâm lược là phản tự nhiên, là trái luật tạo hóa. Lịch sử nhân loại đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh liên miên với bao núi xương, sông máu. Tổ chức Liên hợp quốc ra đời là để tránh cho nhân loại rơi vào thảm họa chiến tranh thế giới, là để gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Ngày nay, đa phần nhân loại sống trong hòa bình nhưng tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn những bất trắc khó lường, hiểm họa khủng bố, xung đột sắc tộc, tranh chấp biển đảo, nguy cơ hạt nhân, nguy cơ chiến tranh công nghệ cao hủy diệt nhân loại… Cho nên, quyền sống trong hòa bình là quyền tự nhiên nhưng phải được gìn giữ, bảo vệ vững bền. Đề án tổ chức Festival “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị được xây dựng là để góp tiếng nói xưng tụng, gìn giữ, bảo vệ những giá trị hòa bình mang lại.

 
Ảnh: Xanh Ewec 

Vậy vì sao Quảng Trị đề xướng tổ chức Festival “Vì Hòa bình” hay vì sao chọn Quảng Trị làm nơi tổ chức Festival “Vì Hòa bình” mà không phải là nơi nào khác, trong khi mọi miền quê trên đất nước Việt Nam đều góp công sức và cả máu xương để chiến đấu, bảo vệ hòa bình Tổ quốc? Sở dĩ chọn Quảng Trị là vì nhiều lẽ sau đây:

- Quảng Trị với vị trí địa lý đặc thù của mình là nơi có vai trò, vị thế quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Mảnh đất này có tính chất địa-chính trị, địa-quân sự và ngày nay là địa-kinh tế của quốc gia rất rõ nét.

Quảng Trị từng 3 lần là thủ phủ của đất nước: Lần dựng nghiệp của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng tại Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát; lần dấy nghĩa Cần Vương tại Thành Tân Sở của vua Hàm Nghi và lần lập Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ. Trong 3 lần đó, lần của các chúa Nguyễn là trấn nhậm phên dậu, mở mang bờ cõi, thực thi chủ quyền biển đảo (lập đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải), các lần sau là đấu tranh chống ngoại xâm, giành lấy hòa bình.

Đường 9 là con đường có vị trí đặc biệt của quốc gia và khu vực. Đó là con đường mang tính địa-chính trị, địa-quân sự. Chính vì thế mà tại Hội nghị Genève về Việt Nam năm 1954, theo chứng kiến của nhà báo Úc W.Burchett, khi chọn địa điểm để chia hai nước Việt Nam, đã có sự giằng co quyết liệt giữa các bên: Việt Nam đòi vĩ tuyến 13, Pháp đòi vĩ tuyến 18 và cuối cùng là vĩ tuyến 17. “Vấn đề vĩ tuyến 16 hoặc 17 là một vấn đề có tầm quan trọng mấu chốt. Quốc lộ 9 chạy giữa hai vĩ tuyến này, nối liền Lào với bờ biển Việt Nam… người Pháp làm tất cả để giữ con đường này”(1). Vị trí quan trọng, lợi hại của đường 9 về quân sự càng được thể hiện rõ trong kháng chiến chống Mỹ, khi cả nước dốc sức cho những chiến dịch lớn với chiến thắng vang dội: Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968, Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào năm 1971. Cần nhắc lại ở đây rằng, Mỹ đã từng định ném bom hạt nhân chiến thuật xuống Khe Sanh để giải vây cho lính Mỹ trên chiến trường Đường 9-Khe Sanh ác liệt. Theo Daniel Ellsberg, sĩ quan Lầu Năm Góc từng tham chiến ở Việt Nam cho biết: “Ngày 10 tháng Hai, tờ Bưu điện Washington trích lời phát biểu của tướng Wheeler trước một vài thượng nghị sĩ rằng Hội đồng Tham mưu sẽ khuyến nghị sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu thấy việc này là cần thiết để bảo vệ năm nghìn lính thủy đánh bộ đang bị mắc kẹt tại cứ điểm Khe Sanh, mặc dù ông ta không cho rằng lực lượng tại đây sẽ yêu cầu giúp đỡ”(2). “Sau này Westmoreland viết trong hồi ký năm 1976 của ông ta rằng ông ta nhìn thấy nhiều mặt tích cực hơn của việc sử dụng vũ khí hạt nhân vào thời điểm đó tại khu vực xung quanh Khe Sanh, nơi “con số thương vong dân thường sẽ ở mức thấp nhất có thể”… Việc sử dụng một số vũ khí hạt nhân chiến thuật loại nhỏ tại Việt Nam - hay thậm chí việc đe dọa sử dụng chúng - có thể nhanh chóng chấm dứt chiến tranh tại đây”(3). Dĩ nhiên, tính toán lợi hại, Mỹ đã phải dừng lại ý định “điên rồ” này. Điều đó cho thấy cái giá của hòa bình cho Việt Nam và cho cả nhân loại tại Quảng Trị quả thật vô song, có một không hai, vì nó xóa tan mọi mưu mô hạt nhân “điên rồ” từ trong trứng nước. Đường 9 là con đường địa-kinh tế, vì sự thịnh vượng chung (thịnh vượng là cơ sở của nền hòa bình bền vững). Nơi đây có Hành lang Kinh tế Đông-Tây đi qua và có thêm vùng ảnh hưởng của nó là Hành lang Kinh tế song song với Hành lang Kinh tế Đông-Tây (nối La Lay với Mỹ Thủy). Dựa vào lợi thế đường 9, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị “trở thành một khu kinh tế năng động, hiện đại và hiệu quả, có tầm cỡ trong khu vực Trung Bộ, quốc gia và khu vực ASEAN; là một cửa ngõ giao lưu quốc tế về phía biển Đông của Việt Nam”(4).

- Quảng Trị thời chống Mỹ là địa bàn của những trận chiến, những quả đấm có tính chiến lược của Trung ương để giành lấy hòa bình. Ngoài Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968, Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào năm 1971 như đã nêu trên, trận quyết tử 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị là để gây sức ép với đối phương, để tạo thế cho ta trên bàn Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

- Quảng Trị là nơi trực tiếp chịu đựng nỗi đau chia cắt đất nước suốt gần 20 năm dằng dặc, vì thế là nơi hội tụ khát vọng hòa bình mãnh liệt của cả dân tộc và khát vọng đó đã nhận được sự chia sẻ, đồng cảm sâu sắc của nhân loại như nhà thơ Hy Lạp Menelaos Lountemis (1912-1977) đã viết: “Việt Nam… đất nước biếc xanh, và dài như một chiếc đàn bầu, mà sợi tơ đàn bỗng bị đứt ngang, nơi cái lẫy đàn: sông Bến Hải”. Có người nói, đứt ở đâu thì nối lại ở đó. Đứt ở vĩ tuyến 17 thì nối nhịp cầu hòa bình ở vĩ tuyến 17.

- Quảng Trị là nơi có nhiều địa danh, nhiều di tích lịch sử nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn làm lay động lương tri nhân loại yêu chuộng hòa bình như: Đường 9, Khe Sanh, Hiền Lương, Bến Hải, Vĩnh Mốc, Dốc Miếu, Hàng rào điện tử Mc Namara, Thành Cổ Quảng Trị… “Hậu” chiến tranh Việt Nam, nhân loại thấm thía hơn về nỗi đau chiến tranh và cái giá của hòa bình. Tháng 5/1978, ở Úc xuất hiện một bản nhạc rock mang tên Khe Sanh do nghệ sĩ dương cầm Don Walker sáng tác, kể về nỗi đắng cay mà lính Úc đã trải khi tham chiến ở Khe Sanh năm 1968. Năm 2001, bản nhạc này đã được các thành viên Hội Tác quyền trình diễn Úc xếp hạng thứ 8 trong số những bài hát Úc hay nhất mọi thời đại. Ngày 20/3/2001, Bưu chính Úc phát hành bộ tem “Rock Australia”, gồm 10 mẫu, giới thiệu 10 bản nhạc rock nổi tiếng, trong đó có bản Khe Sanh. Mẫu tem Khe Sanh in hình ảnh chiếc trực thăng đang bay trong chiến tranh Việt Nam và hai chữ KHE SANH.
 
  Thành cổ Quàng Trị

Như vậy, khi bàn về ý nghĩa, giá trị của Chân lý Hòa bình, Quảng Trị hội đủ những yếu tố vừa mang “tính Quảng Trị”, vừa mang tính dân tộc và tính nhân loại nên xứng đáng được chọn để tổ chức Festival “Vì Hòa bình”. Nhưng tổ chức như thế nào, chú trọng vào những nội dung gì và làm sao có nét đặc trưng riêng, không lẫn với nhiều Festival của các địa phương khác?

Trong những năm trở lại đây, nhiều lễ hội được tổ chức ở các địa phương và được nhiều người biết đến như: Festival Huế, Festival Du lịch Hạ Long, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival Cà phê Buôn Mê Thuột, Festival Thuyền Buồm Mũi Né Bình Thuận, Festival Diều quốc tế Vũng Tàu, Festival Biển Nha Trang, Festival Trà quốc tế Thái Nguyên, Festival Lúa gạo Nam Bộ, Festival Hoa Đà Lạt... Việc tổ chức các lễ hội là sự cần thiết của một đất nước hay một địa phương đang chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập và phát triển, là sự sáng tạo văn hóa nghệ thuật nhằm đáp ứng các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đất nước với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều lễ hội sau một thời gian tổ chức đã cho thấy sự nhàm chán, đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu tính sáng tạo nghệ thuật, kém hấp dẫn, ít hiệu quả về kinh tế - xã hội, ít nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân... Festival “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị ra đời sau nên có lợi thế là tránh được lối mòn của các nơi đi trước, tìm lối đi tạo được sự khác biệt.

Xét về nội hàm, nếu các Festival khác chỉ chuyên chú vào quảng bá di sản hay một lĩnh vực, một mặt hàng, một thương hiệu như du lịch, hoa, cà phê, lúa gạo… thì Festival “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị có nội hàm rộng hơn, phong phú hơn. Nội hàm “Vì Hòa bình” mà Festival dựa vào để phát triển ý tưởng, xây dựng kịch bản bao gồm những ý chính sau:

- Tôn vinh giá trị bất diệt, trường tồn của hòa bình.

- Tôn vinh “tính thiêng” của mảnh đất Quảng Trị, nơi nhuốm bao xương máu của những người đã xả thân cho hòa bình, nơi có 72 nghĩa trang, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, nơi có những nghĩa trang không mộ, nơi hình hài người lính đã hóa thành đất đai sông núi.

- Thăm lại chiến trường xưa, nguyện cầu cho hòa bình.

- Hòa bình là “thuốc tiên” để xoa dịu nỗi đau hậu chiến, để hòa hợp hòa giải dân tộc, để hóa giải hận thù, xây đắp tình hữu nghị giữa các nước. Vì thế mà ngày 27/8/2019, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã đến thắp hương viếng hơn 10.000 liệt sĩ Việt Nam tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và đi bộ qua cầu Hiền Lương.

- Chữ “Vì” (trong cụm từ “Vì Hòa bình”) nhắc nhở chúng ta phải gìn giữ, bảo vệ hòa bình, cảnh giác trước những nguy cơ chiến tranh, xung đột, tranh chấp, bất ổn khó lường, như câu cảnh báo nổi tiếng của Jiliut Phuxich: “Hỡi nhân loại, ta yêu người, nhưng hãy cảnh giác”.

- Để nói về một nền hòa bình vững chắc, người ta dùng từ “thái bình” (chữ “thái” nghĩa là cao, to, lớn). Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô đại cáo: “Muôn thuở nền thái bình vững chắc”. Để có hòa bình bền vững, phải phát triển kinh tế thịnh vượng - cơ sở đảm bảo cho hòa bình vững chắc. Do đó, một nội dung rất quan trọng của Festival “Vì Hòa bình” là tổ chức các hoạt động giới thiệu, triển lãm, quảng bá các thành tựu kinh tế, các sản phẩm, thương hiệu; hội chợ thương mại du lịch; các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch…

Trên cơ sở nội hàm Festival “Vì Hòa bình” đã được xác định, cần thiết kế các trục không gian chính để dựng nên tòa lâu đài Festival đảm bảo quy mô, hoành tráng và đủ sức hấp dẫn du khách. Các trục không gian chính đó là:

- Trục không gian Bắc - Nam: Trục này chạy dọc tỉnh Quảng Trị theo Quốc lộ 1A và “lan tỏa” ra các vùng xung quanh, với các điểm nhấn: Di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc và làng hầm Vĩnh Linh; di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (huyện Vĩnh Linh và Gio Linh); di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 (thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong và Hải Lăng).

- Trục không gian Đông - Tây: Trục này chạy dọc đường 9, nối Cửa Việt - Lao Bảo với các điểm nhấn: Cửa Việt (nơi diễn ra trận đấu xe tăng thiết giáp lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam, trước thời khắc Hiệp định Paris có hiệu lực), Đông Hà (thành phố động lực của tuyến kinh tế động lực đường 9), Hàng rào điện tử Mc Namara, Cam Lộ (Thành Tân Sở và Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Khe Sanh, Lao Bảo (nơi có chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, nơi dự định xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Đensavẳn). Trên trục này có 2 hành lang: Hành lang Kinh tế Đông - Tây và Hành lang Kinh tế song song với Hành lang Kinh tế Đông - Tây (nối La Lay với Mỹ Thủy).

- Trục không gian biển: Trục này nối Mỹ Thủy với Cửa Việt, Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ. Trục này giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển (nơi sẽ có cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, có khu du lịch biển Cửa Tùng, Cửa Việt và đảo Cồn Cỏ đã được tỉnh Quảng Trị đề nghị Trung ương bổ sung vào khu du lịch quốc gia); bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có đảo Cồn Cỏ - cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ, có ngư trường Hoàng Sa. Riêng với trục không gian này, có thể làm một Festival biển ở trong Festival “Vì Hòa bình”, tức là Festival ở trong Festival.

Với nội hàm phong phú, với các trục thiết kế không gian như trên, Festival “Vì Hòa bình” sẽ có nhiều đất diễn và diễn lâu dài, theo định kỳ “đến hẹn lại lên”. Tuy nhiên, để Festival “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị không bị lẫn với rất nhiều Festival của các địa phương khác và thực sự trở thành một thương hiệu riêng của tỉnh Quảng Trị, kể cả là một thương hiệu độc đáo của Việt Nam thì phải làm gì?

Trước hết là phải thường xuyên, liên tục sáng tạo ý tưởng, nhất là những ý tưởng độc đáo, mới lạ. Những ý tưởng này sẽ được thực tiễn “mách nước”, khi chúng ta suy ngẫm, chiêm nghiệm, khai thác chiều sâu lịch sử, văn hóa, con người Quảng Trị, từ đó làm bật lên “thông điệp hòa bình” cho mỗi kỳ Festival. Ý tưởng thì có nhiều, nhưng có thể quy về hai loại: Ý tưởng về Quảng Trị và ý tưởng từ Quảng Trị. Ý tưởng về Quảng Trị là sự nhận diện, khai thác sâu về nội hàm Quảng Trị, về “tính Quảng Trị”. Còn ý tưởng từ Quảng Trị vừa có chiều sâu, vừa có nội hàm rộng lớn hơn nhiều, từ Quảng Trị nhìn ra những vấn đề chung, những thông điệp chung cho cả nước và cả những giá trị mang tính phổ quát, toàn nhân loại. Nếu mỗi kỳ Festival “Vì Hòa bình” thể hiện hài hòa hai loại ý tưởng đó thì du khách trong nước và nước ngoài đến thưởng ngoạn sẽ vừa cảm và hiểu sâu hơn về Quảng Trị, đồng thời vừa tìm thấy bóng dáng mình trong đó, như tìm được “bản lai diện mục” của mình trong Quảng Trị vậy. Như thế mới hy vọng du khách không chỉ yêu lần đầu mà còn yêu cả những lần sau, với Quảng Trị. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được phác họa một số “ý tưởng từ Quảng Trị” để chúng ta cùng tham khảo, chia sẻ:

- “Cây Hòa bình” của người Mỹ tại Quảng Trị là một hình ảnh đẹp, một biểu tượng đẹp cần được Festival “Vì Hòa bình” chọn làm đề tài khai thác, chọn làm cái tứ hay, làm điểm nhấn trong tổng thể chương trình.

Tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam (Peace Trees Vietnam - PTVN) do 3 người Mỹ là bà Jerilyn Brusseau cùng chồng là Danaan Parry và mẹ là bà Rae Cheney thành lập năm 1996. Bà Rae Cheney có con trai là Danien Cheney (em bà Jerilyn Brusseau), một phi công Mỹ đã mất tại chiến trường Việt Nam lúc mới 21 tuổi. Từ nỗi đau chiến tranh đó, bà đã cùng vợ chồng con gái lập nên PTVN nhằm bắc một nhịp cầu hòa bình, hữu nghị giữa hai nước Việt-Mỹ, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Đây là tổ chức phi chính phủ đầu tiên của Mỹ được Việt Nam cấp phép hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh tại tỉnh Quảng Trị. Hơn 20 năm qua, PTVN đã hỗ trợ tháo dỡ và phá hủy hơn 102.138 bom, mìn, vật liệu nổ, làm sạch gần 400 ha đất nhiễm mìn, trồng hơn 43 nghìn cây xanh… Ngày 10/9/2010, tại Trường Mầm non Khe Đá, Lao Bảo, Quảng Trị, bà Rae Cheney đã đến dự lễ khánh thành thư viện Mothers Peace, Trường mẫu giáo Daniel Cheney, tổng trị giá 38.000 USD do PTVN tài trợ. Ngày 29/8/2019, tại Hà Nội, bà Jerilyn Brusseau đã được trao tặng Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước vì những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy đoàn kết hữu nghị, hợp tác nhân dân giữa Việt Nam và Mỹ. Trong chuyến công tác tại Quảng Trị ngày 27/8/2019, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink đã đến thăm một địa điểm rà phá vật liệu chưa nổ của PTVN.

- Nhật Bản là một đối tác quan trọng của Festival “Vì Hòa bình”. Quảng Trị là nơi Nhật Bản sớm đưa thuyền châu ấn đến để giao thương, buôn bán, dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Nhật Bản có hai thành phố phải chịu thảm họa hạt nhân là Hiroshima và Nagasaki. Cùng với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có sáng kiến về Hành lang Kinh tế Đông-Tây và tài trợ phát triển Hành lang này. Các đối tác Nhật Bản có thể tham gia các hoạt động tại Festival “Vì Hòa bình” như: Triển lãm về thuyền châu ấn và bang giao Việt - Nhật trong lịch sử; triển lãm, hội thảo về phát triển Hành lang Kinh tế Đông-Tây; giới thiệu chim hạc, biểu tượng hòa bình của Nhật Bản và nghệ thuật gấp giấy Origami Nhật Bản…

- Hàn Quốc là một đối tác có những niềm đồng cảm, chia sẻ với Quảng Trị về Hòa bình và Phát triển. Hàn Quốc đã tài trợ Chương trình Hạnh phúc tại Quảng Trị nhằm phát triển cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân. Tổ chức Y tế vì hòa bình Hàn Quốc (Medipeace) đã triển khai nhiều dự án, viện trợ phi dự án hỗ trợ nhân đạo, tài trợ dự án phục hồi chức năng, cải thiện cuộc sống cho trẻ em khuyết tật Quảng Trị. Năm 2012, UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác Đầu tư và Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào Quảng Trị. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Trị.

- Không phải ngẫu nhiên mà có những bài hát về người mẹ Quảng Trị đã nổi tiếng cả nước, được nhiều người trong nước hát như Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy, Người mẹ Ô Lý của Trịnh Công Sơn… Đạt được điều đó là do sức khái quát về hình tượng Mẹ Việt Nam “từ Quảng Trị” của các nhạc sĩ, như Đài Pháp RFI đã bình luận về Bà mẹ Gio Linh: “Từ niềm đau cá nhân của một bà mẹ đã thăng hoa thành niềm đau chung của một dân tộc và của loài người”. Nói đến người mẹ là nói đến khát vọng hòa bình cháy bỏng tâm can. Festival “Vì Hòa bình” cần tổ chức những đêm nhạc trong nước và quốc tế với chủ đề Hòa bình, ví dụ như đêm nhạc Trịnh Công Sơn, tiếng hát hòa bình (nhạc Trịnh đã được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc).

- Từ câu chuyện Hàng rào điện tử Mc Namara, có thể tổ chức những cuộc hội thảo, trao đổi, diễn đàn (trong nước và quốc tế) về chiến tranh điện tử thời Mc Namara; nguy cơ chiến tranh công nghệ cao thời cách mạng công nghiệp 4.0 (với việc sử dụng “robot sát thủ” và trí tuệ nhân tạo trong quân sự khiến hậu quả chiến tranh sẽ vô cùng thảm khốc, nhân loại bị hủy diệt); vai trò của con người trong phòng chống nguy cơ, hiểm họa khôn lường của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự…

Khi đã có ý tưởng sáng tạo cho Festival rồi, các bước tiếp theo là xây dựng kịch bản và tổ chức thực hiện. Để có kịch bản hay và thể hiện có hiệu quả, cần đặt hàng cho các văn nghệ sĩ nổi tiếng, am hiểu chuyên môn sâu trong nước về kịch bản, đạo diễn dàn dựng chương trình, mời các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và nước ngoài đến biểu diễn…

Festival “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị phải được tổ chức có tính quốc gia và quốc tế. Do đó, công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện phải hết sức chu đáo và mang tính chuyên nghiệp cao. Cần thành lập một Hội đồng tư vấn về chuyên môn, gồm những người am hiểu về tổ chức lễ hội, về lịch sử, văn hóa của vùng đất Quảng Trị để hiến kế, đề xuất những nội dung chương trình lễ hội đặc sắc, phù hợp. Trên cơ sở đó, cần hoạch định chiến lược “dài hơi” cho Festival trong vòng 6 - 10 năm, trong đó phải dự tính được chương trình và điểm nhấn của từng kỳ Festival. Trên cái sườn đó, mỗi kỳ sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế, tránh sự nhàm chán, đơn điệu, lặp lại, đảm bảo mỗi kỳ có những điểm mới, sáng tạo mới mà vẫn giữ được hồn cốt riêng của Festival “Vì Hòa bình” mang màu sắc Quảng Trị. Lập Ban Tổ chức Festival để tham mưu cho UBND tỉnh về đề nghị các Bộ, ngành Trung ương phối hợp với UBND tỉnh trong thực hiện Đề án Festival, về chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện công việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình, về đàm phán, tìm kiếm đối tác tham gia tổ chức, biểu diễn, tài trợ... Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách, cần tăng cường huy động các nguồn tài trợ, nguồn xã hội hóa cho Festival. Festival “Vì Hòa bình” không chỉ quảng bá về văn hóa mà còn góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế, vì mục tiêu thịnh vượng, do đó có thêm cơ sở để huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp... Mặt khác, khi Festival dần tạo được thương hiệu, chính thương hiệu đó sẽ tạo ra sức hút nam châm đối với các nguồn lực hỗ trợ, tham gia. Để Festival có sức sống lâu bền, không bị “Nhà nước hóa” thì phải khuyến khích, huy động nhân dân tham gia một số chương trình, nội dung cho thêm phần phong phú, sinh động, chẳng hạn như diễn xướng dân gian: hát bài chòi, hò giã gạo với không gian thanh bình gạo trắng nước trong… Như thế, nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo Festival, vừa được hưởng thụ giá trị của Festival mang lại. Bên cạnh đó, cần tính đến yếu tố thời gian diễn ra Festival. Với Quảng Trị, việc chọn tháng 7 để tổ chức Festival “Vì Hòa bình” là hợp lý, vì tháng này nhiều năm nay đã diễn ra chuỗi sự kiện quan trọng về lịch sử, văn hóa và tâm linh của Quảng Trị, tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân cả nước. Đồng thời, thời điểm này cũng diễn ra vào mùa hè, về mặt thời tiết là tương đối thuận lợi.

Tháng 7 hàng năm, cả nước đã “hành hương về nguồn” với Quảng Trị trong niềm cảm khái, xúc động dâng trào trước thành quả và giá trị bất diệt của Hòa bình. Trên nền tháng 7 thiêng liêng đó, mỗi kỳ Festival “Vì Hòa bình” cần được mở ra để chứng kiến mỗi ngọn núi, dòng sông, mỗi tấc đất thấm bao mồ hôi, nước mắt, máu xương giữ gìn của cả nước đã nở muôn triệu đóa hòa bình, cùng đất nước thăng hoa trong vận hội mới, cùng nhân loại gìn giữ hòa bình, thịnh vượng.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Buồn vui tháng Một

Diệu Ái |

Tháng Một ngập ngừng gõ cửa bằng những vạt nắng tươi tắn, rực vàng. Nắng ngập tràn trên ban công, nắng nhảy nhót trên thềm nhà. Nắng trải dài, thơm lựng cả cánh đồng đang mùa gieo hạt.

Đất đang xanh một màu xanh Quảng Trị

Đào Tâm Thanh |

Không phải ngẫu nhiên mà số Báo Quảng Trị xuất bản đầu tiên vào ngày 13-7-1989, sau sự kiện tỉnh Quảng Trị được lập lại đã đăng trang trọng bút kí của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, có tên “Đất khát”. Bút kí được nhà văn viết vào đầu tháng 7 năm 1989, ghi lại mảnh kí ức không thể nguôi quên khi có dịp đi qua Quảng Trị sau ngày giải phóng. 

Hoa Quảng Trị

Xuân Đức |

Có thể ai đó sẽ cười mỉm khi đọc cái tên đề bài viết này. Có thể họ nghĩ rằng dạo này tôi thích “tự sướng”, hay ít ra cũng nghĩ tôi đã bị lây bệnh “nổ”. Bởi như một thói quen đến mức thâm căn cố đế khi nói đến Quảng Trị lại cứ phải xứ “Ô châu ác địa”, là “truông dài rú rậm”, “thâm sơn cùng cốc”, “cát trắng gió Lào”. Rồi thì là, đất lửa, đất thép, nghĩa địa và nghĩa trang v.v...

Hạt ngọc trên đất cằn

Tân Nguyên |

Khi PGS Trần Đăng Xuân, Trưởng Phòng thí nghiệm Sinh lí thực vật và hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) công bố gạo hữu cơ Quảng Trị đạt 545 chỉ tiêu chất lượng, đặc biệt là phát hiện ra hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B trong gạo có tác dụng chống bệnh gout, tiểu đường, béo phì đã gây ngỡ ngàng với nhiều người bởi không ai ngờ rằng hạt gạo trên đất cằn Quảng Trị rồi có một ngày được trân quý hơn vàng.