Bây giờ trên sông Hiền Lương (cũng có tên gọi khác là Bến Hải) - dòng sông vĩ tuyến 17, phân chia nước Việt thành hai miền Bắc-Nam suốt mấy chục năm trời - có tới ba cây cầu mang tên Hiền Lương. Vinh - chàng trai nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát xuất khẩu ra khắp thế giới nói rằng, nơi nuôi tôm một bên là nước ngọt sông Hiền, một bên là nước mặn Biển Đông, và nhìn đâu cũng thấy mặt trời…
Tôm thẻ chân trắng “Made in Trung Giang”
Ngày xưa vua Bảo Đại từ triều đình Huế ra biển Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) để nghỉ ngơi chắc không dám mơ về một con lộ nằm ngay ven biển, đi chỉ mất vài giờ là đến nơi. Giờ đây, song song với quốc lộ 1A, cách chừng mươi, mười lăm cây số là con đường nhựa rộng hai làn xe ôtô chạy dọc dài bờ biển xuyên suốt các tỉnh bắc miền Trung, rất thuận tiện cho du khách đến với biển, nhất là các bãi tắm nổi tiếng như Cửa Tùng, Nhật Lệ…
Cách bãi tắm Cửa Tùng chỉ vài trăm mét là cây cầu Hiền Lương trẻ tuổi nhất, sơn màu trắng, nối hai bờ Gio Linh - Vĩnh Linh. Chị Hòa - một người nuôi tôm kết hợp làm dịch vụ phục vụ khách du lịch biển nói: “Kể từ ngày Nhà nước đầu tư làm con đường ven biển này, đặc biệt là có cây cầu Hiền Lương mới nối hai bờ giới tuyến xưa thì việc làm ăn, đón khách du lịch thuận lợi, phát triển rất nhanh”. Ngược lên quốc lộ 1A, cầu Hiền Lương di tích với hai màu sơn xanh-vàng mỗi năm đón hàng trăm nghìn lượt khách nội địa và quốc tế đến tham quan. Và sát ngay đó là cây cầu Hiền Lương của quốc lộ, hằng ngày vận chuyển không biết bao nhiêu là hàng hóa, sản phẩm lưu thông Bắc - Nam. “Dân sông tuyến bầy tui nói với nhau, Hiền Lương miềng bi chừ có tới ba cầu Hiền Lương mà cầu mô cũng hái ra tiền mỗi ngày, không như cầu Hiền Lương hai màu thuở chiến tranh, cùng anh em một nhà, máu mủ đồng bào của nhau mà phải bắn chửi nhau ngày này sang năm khác… Con em bầy tui giờ đứa học cao làm kỹ sư, bác sĩ, làm cán bộ, đứa giỏi nghề biển theo tàu xa bờ đi đánh bắt hải sản, đứa có máu làm giàu thì nuôi tôm trên cát… Không đứa mô phải cầm súng để bắn nhau nữa. Bữa trước có mấy ông Mỹ về đây, hỏi bầy tui về ý nghĩa của hòa bình, tui nói với họ rứa đó” - chị Hòa nói rồi lấy vạt áo lên lau nước mắt, cố nén tiếng khóc xúc động, hạnh phúc.
Khó khăn lắm mới hẹn gặp được Hoàng Thế Vinh - chàng trai sinh năm 1985 ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh - xã giáp sông Hiền Lương ở bờ Nam. Khó là vì Vinh là ông chủ của một trại nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, có quá nhiều công việc. Đưa chúng tôi đi khắp trang trại, Vinh giới thiệu về cơ ngơi và mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn của mình. “Nuôi tôm trên cát từ cách đây hơn chục năm, năm được năm mất. Nguyên nhân là năm nào tôm chết bất thường thì thua lỗ. Tôi tự mày mò, đi vào miền Tây học hỏi cách nuôi. Tôm bột mua về trước đây thả thẳng ra hồ to, rủi ro nhiều, nay nuôi trong nhà kính nhỏ, chăm sóc đặc biệt, khoảng 27 ngày sau mới thả ra hồ to. Hai giai đoạn, nói nghe ngắn gọn rứa đó, nhưng bắt tay vô làm thì cũng nhiều việc, nhiều quy trình chặt chẽ phải tuân thủ mới có kết quả tốt được” - Vình nói.
Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng nói, Vinh là một triệu phú trẻ nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Mỗi năm Vinh thu lãi trên 0,6ha tôm từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng. “Điều quan trọng là tôm trên cát Trung Giang theo quy chuẩn an toàn nghiêm ngặt, nên vào thị trường Châu Âu rất tốt. Hôm có đoàn du khách DMZ ngang qua hồ nuôi tôm của tôi, ghé thăm rồi hỏi chuyện làm ăn, tôi nói vùng cát này sau hòa bình đầy bom đạn, thương tích do bom đạn của Mỹ, nhưng bây giờ chúng tôi lấy nước biển vào nuôi tôm, bán đi khắp thế giới, trong đó có Mỹ. Mấy du khách cười vui và nói họ cũng sẽ ăn tôm của tôi nuôi ngay tại bờ biển Cửa Tùng và khi về nước sẽ tìm mua tôm “Made in Trung Giang”.
Mặt trời trên cát
Ngày cuối tháng 6.2019, 135.600 tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ Đức trải rộng trên diện tích 60ha cát tại xã Gio Hải (huyện Gio Linh, Quảng Trị) sẽ chính thức vận hành đón nắng để phát điện hòa vào lưới điện quốc gia. Kỹ sư Phan Văn Lực – Phó BQLDA Nhà máy điện mặt trời LIG Quảng Trị (thuộc LICOGI 13) cho biết, với tổng vốn đầu tư 1.150 tỉ đồng đã biến 60ha cát ven biển mà cây cối gần như không phát triển được sau nhiều năm trồng trọt, thành một cánh đồng điện mặt trời, tạo ra công suất dao động trên dưới 40MW là một thành công rất lớn về mặt thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Trị. Cánh đồng này sau khi hòa lưới quốc gia sẽ tạo ra nguồn thu từ 160 - 200 tỉ đồng mỗi năm. “Vì cánh đồng điện mặt trời nằm sát ngay bãi biển, khu du lịch Cửa Việt nổi tiếng nên chúng tôi thiết kế, thi công từ hàng rào, công trình phụ cho đến nhà điều hành… đảm bảo có thẩm mỹ cao, để góp phần tạo sự hài lòng cho du khách khi tham quan điện mặt trời trên cát Gio Hải” - anh Bùi Văn Tuyên - cán bộ phụ trách hành chính - đối ngoại của chủ đầu tư nói. Cách đó không xa là các dự án điện mặt trời Gio Thành 1 và Gio Thành 2. Hai dự án này cũng sẽ biến 120ha cát trắng ven biển thành những cánh đồng điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia trong nay mai. Ông Trần Văn Quảng - Chủ tịch UBND huyện Gio Linh - cho biết là hai dự án này đã cơ bản hoàn thành các khâu chuẩn bị đầu tư, sẽ sớm khởi công trong năm 2019.
Giấc mơ đổi đời của vùng cát ven biển Cửa Việt - Cửa Tùng chính thức khởi động sau khi Tập đoàn FLC tiến hành khảo sát, lập quy hoạch chuỗi hạ tầng phục vụ du lịch đẳng cấp quốc tế trên diện tích 700ha đất ven biển dọc theo sông Hiền Lương đoạn đổ ra Biển Đông. “Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Gio Linh đã vào cuộc tích cực, nhanh chóng triển khai đồng bộ nhiều hạng mục công việc để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là việc thống nhất diện tích, vị trí đất đai để phục vụ quy hoạch. Đa số người dân địa phương phấn khởi, đồng tình cao trước viễn cảnh đầu tư xây dựng biến vùng đất cát cằn cỗi ven biển thành một khu vực phục vụ du lịch đẳng cấp cao gồm chuỗi khách sạn 5 sao, sân gold, biệt thự… tạo ra việc làm, nguồn thu nhập cao cho người dân sở tại” - ông Quảng nói.Trên con đường nhựa ven biển nối Cửa Việt - Cửa Tùng đã mọc lên nhiều khách sạn, biệt thự hướng ra biển. Những người đánh bắt cá, trồng hoa màu những năm trước giờ đã thành người của ngành du lịch không khói. Để biến những ao nuôi tôm trên cát thành hàng trăm nghìn đôla nhờ xuất khẩu dù không dễ dàng nhưng “thuận tay” với người dân bên sông tuyến hơn là làm du lịch, dẫu biết rằng sống bên biển, có những bãi tắm có tên trong bản đồ du lịch quốc tế mà không giàu, rất giàu là kém. Vào các thành phố biển ở phía Nam thấy họ làm ăn, làm du lịch từ biển mới thấy mình còn kém cỏi lắm. Và từ đó càng có quyết tâm cao hơn… Những trăn trở, chia sẻ chân tình đó của chàng trai tỉ phú nuôi tôm Hoàng Thế Vinh khiến tôi vững tin vào trái tim nhìn hướng nào từ cuối dòng Hiền Lương cũng thấy mặt trời của Vinh và thế hệ này.
“Để có được hàng trăm hécta đất ven biển từ Cửa Việt đến Cửa Tùng trở thành đất sạch, biến một số diện tích cát hoang hóa thành những mô hình nuôi tôm trên cát, trồng hoa màu trên cát hiệu quả, làm giàu cho người nông dân hoặc giao cho nhà đầu tư xây dựng, phát triển những dự án về du lịch, văn hóa, chúng tôi trân trọng nói lời cảm ơn đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên cả nước và đặc biệt là các nguồn lực phi chính phủ, quốc tế đã nỗ lực trong hàng chục năm qua để làm sạch bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh trên mảnh đất Quảng Trị nói chung, vùng đất ven biển thuộc huyện Gio Linh nói riêng. Tiềm năng, dư địa để phát triển kinh tế biển, du lịch… đôi bờ Hiền Lương là rất lớn. Chúng tôi kêu gọi các nguồn lực cùng quan tâm, hướng về nơi từng chịu nhiều thiệt thòi, mất mát trong chiến tranh vệ quốc…”.
(Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị)