Trong các tham luận gửi đến Ban tổ chức để trình UBND tỉnh Quảng Trị chuẩn bị hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lí và các cơ quan về Đề án tổ chức “Festival vì Hòa bình”, nhiều tham luận quan tâm đến nội hàm, không gian và chủ nhân của Festival.
Tham luận của PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng di sản lịch sử- văn hóa của Quảng Trị rất lớn, tuy nhiên theo cách làm truyền thống như mấy chục năm nay, dù đã giúp Quảng Trị đạt được nhiều thành tích đáng trân trọng, song vẫn chưa giúp địa phương bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác. Vì vậy, Quảng Trị cần khai thác lịch sử- văn hóa để tìm trong đó nguồn lực phát triển hiện đại. Có nghĩa là cần thiết tổ chức “Festival vì Hòa bình” thông qua quảng bá văn hóa, đột phá du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cùng chung quan điểm trên, tham luận của nhà báo Lâm Quang Huy, Trưởng Văn phòng Thường trú Báo Nhân Dân tại Quảng Trị cho biết, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tổ chức “Festival vì Hòa bình”. Tuy nhiên, trong món quà của lịch sử để lại hàng trăm di tích đã được quy hoạch, bảo tồn, chúng ta không thể tiếp tục biến thành “con đường mòn”, dẫm lại bước chân của người khác, nghĩa là địa phương nào cũng có di tích, rồi ai cũng khai thác di tích phục vụ phát triển du lịch. Mà với Quảng Trị, trên cơ sở những di tích đặc thù của mình, cần quốc tế hóa vấn đề quảng bá, khai thác di tích phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Cần tổ chức “Festival vì Hòa bình” trên mảnh đất Quảng Trị, biến nó trở thành những giá trị năng động cho cuộc sống. Nhìn rộng ra, áo dài Huế là ví dụ, đó là một thành tố cấu thành di sản Huế. Nhưng chỉ bảo người ta mặc áo dài Huế hằng ngày thôi thì vẫn chưa đủ mà phải có nhà bảo tàng áo dài, lập nên nhiều hiệu áo dài thời trang nổi tiếng để nhiều người biết đến. Trên tầm quốc tế, ở Ý có nhà thiết kế thời trang nổi tiếng đã thiết kế chiếc áo đầm của thời kì cách mạng Pháp cho phụ nữ Ý mặc. Từ Ý, chiếc đầm này lan qua Pháp, qua Anh, rồi trở thành thời trang của một bộ phận nhân loại. Có nghĩa, phải làm mới di tích, di sản, mang lại cho di tích, di sản một sức sống hiện đại thì không gì bằng cần có “Festival vì Hòa bình” được tổ chức tại Quảng Trị.Về nội dung của “Festival vì Hòa bình” ở Quảng Trị, nhiều tham luận có chung quan điểm, nếu các Festival khác chỉ chuyên chú vào quảng bá di sản hay một lĩnh vực, một mặt hàng, một thương hiệu như du lịch, hoa, cà phê, lúa gạo… thì “Festival vì Hòa bình” tại Quảng Trị có nội hàm rộng hơn, phong phú hơn. Nội hàm “vì Hòa bình” mà Festival cần tập trung xây dựng kịch bản dài lâu và phát triển ý tưởng, gồm: Tôn vinh giá trị bất diệt, trường tồn của hòa bình; tôn vinh “tính thiêng” của mảnh đất Quảng Trị, nơi nhuốm bao xương máu của những người đã xả thân cho hòa bình, nơi có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, có những nghĩa trang không mộ, nơi hình hài người lính đã hóa thành đất đai sông núi; thăm lại chiến trường xưa, nguyện cầu cho hòa bình; hòa bình là liều thuốc bổ xoa dịu nỗi đau hậu chiến, để hòa hợp hòa giải dân tộc, để hóa giải hận thù. Giáo dục truyền thống yêu nước, hòa bình, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đoàn kết quốc tế. Cảnh giác trước những nguy cơ chiến tranh, xung đột, tranh chấp, bất ổn khó lường.
Với nội hàm như vậy, đi tìm câu trả lời không gian của “Festival vì Hòa Bình”, tham luận của ông Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết, trên cơ sở nội hàm “Festival vì Hòa bình” đã được xác định, cần thiết kế các trục không gian chính để dựng nên tòa lâu đài Festival đảm bảo quy mô, hoành tráng và đủ sức hấp dẫn du khách. Các trục không gian chính đó là trục không gian Bắc - Nam chạy dọc tỉnh Quảng Trị theo Quốc lộ 1 và lan tỏa ra các vùng xung quanh, với các điểm nhấn Di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972. Trục không gian Đông-Tây chạy dọc đường 9, nối Cửa Việt - Lao Bảo với các điểm nhấn: Cửa Việt, nơi diễn ra trận đấu xe tăng lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam, trước thời khắc Hiệp định Paris có hiệu lực, Đông Hà, hàng rào điện tử Mc Namara, thành Tân Sở và Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hai Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9; Khe Sanh, Lao Bảo, nơi có chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào. Trục không gian biển nối Mỹ Thủy với Cửa Việt, Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ.
Đi tìm câu hỏi chủ thể, chủ nhân của “Festival vì Hòa bình”, nhà báo Lâm Quang Huy phân tích trong tham luận của mình: Chủ thể tổ chức là UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với các cơ quan liên quan của trung ương và tỉnh Quảng Trị, cá nhân, tổ chức nước ngoài có thiện cảm với Việt Nam. Bản thân Festival có nghĩa là lễ hội, nhưng phần hội là chủ yếu. Khi nói đến hội là nói đến sự tham gia đông đảo của người dân có quy mô lớn này và người dân là chủ nhân. Festival có rất nhiều việc khác nhau nhưng quy tụ lại, có hai nội dung công việc cơ bản. Thứ nhất thuộc về trách nhiệm của chính quyền các cấp như tu bổ, tôn tạo các di tích, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ trực tiếp Festival, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội... Thứ hai thuộc về trách nhiệm của người dân và cộng đồng của các thành phần kinh tế, là các hoạt động dịch vụ theo nghĩa rộng. Hai nội dung công việc này không tách bạch rạch ròi mà phải kết hợp trên tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm.
Ngoài các hoạt động dịch vụ người dân còn đến với chương trình mở (“OFF”) của Festival bằng cả sự đam mê và tinh thần tự nguyện. Người dân vừa là khán giả vừa là diễn viên không chuyên. Người dân sẽ góp một phần quan trọng vào sự thành công của Festival. Ở Pháp, người ta thường tổ chức lễ hội để người dân thể hiện tinh thần, trách nhiệm của mình trước di tích văn hóa của đất nước. Tại những lễ hội ấy, người dân bỏ tiền túi mua lại những bức tranh quý đem tặng bảo tàng. Mình mà làm được như vậy thì rất hay. Tôi biết có nhiều nông dân ở huyện Vĩnh Linh đang chuẩn bị làm bảo tàng tư nhân, góp sức cùng với tỉnh để tạo thêm điểm nhấn cho “Festival vì Hòa bình.”
Festival bên cạnh các chương trình “IN” chất lượng cao, có thể bán vé thì chương trình “OFF”, là chương trình cộng đồng được xem là linh hồn của lễ hội. Bởi “OFF” là chương trình dành cho công chúng, dễ chơi, dễ xem và mang đậm đà bản sắc văn hóa của vùng đất, thu hút được đông đảo công chúng và khách du lịch trong nước, nước ngoài. Mà bản sắc văn hóa vùng miền của Quảng Trị thì rất phong phú.
Festival là một lễ hội lớn đòi hỏi phải được tổ chức khoa học, chặt chẽ. Bên cạnh những tổ chức mang tính nhà nước như lập Ban tổ chức Festival, văn phòng điều phối Festival, chọn cán bộ gửi đi đào tạo học tập mô hình Festival của các nước, cần có những tổ chức xã hội tự nguyện như các hội, các câu lạc bộ, những người tình nguyện tham gia các hoạt động Festival dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban tổ chức. Vấn đề ở đây là cách quản lí, sử dụng con người cho Festival…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)