Luang Prabang đạo Phật, làng và phố

Hồ Sỹ Bình |

Vượt quãng đường đèo dốc 350 km từ thủ đô Vientiane khá vất vả mới đến được cố kinh Luang Prabang - một thành phố cổ được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1975.  

Với chuyến du ký nhiều ngày bằng đường bộ trên đất Lào, Luang Prabang là một điểm đến để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc về một cố kinh thấm đẫm không gian sống giao thoa của Phật giáo với yếu tố làng quê và phố thị.
 
 Ngôi điện thờ trong hoàng cung kiến trúc.
Đường phố ở Luang Prabang  nhỏ, honda rất ít, ôtô lại nhiều, ít có hệ thống đèn báo, hầu như vắng bóng tiếng còi xe,  lại ít xảy ra chuyện kẹt đường. Sự nhường nhịn và tự trọng của người cầm lái ở Lào là một hình ảnh đáng trân trọng. Khi tôi đến, nhằm lúc người ta tổ chức lễ hội đi xe đạp cho mọi người nhằm cổ vũ khuyến khích người dân hạn chế sự ô nhiễm vừa giữ được sự bình yên cho thành phố. 
 
Một góc biệt thự ở cố kinh. 

Luang Prabang là một thành phố cổ với nhiều công trình kiến trúc đạo Phật và văn hóa bản địa khá độc đáo biểu hiện sự pha trộn của làng quê và phố thị trải qua nhiều thế kỷ. Nằm giữa 2 con sông Mê Kông và Nậm Khan được bao bọc chung quanh là núi non, Luang Prabang vốn là thủ phủ của vương triều Wat Xieng, dân cư vốn từ những làng bản ven đô. Suốt chiều dài của lịch sử, hoàn cảnh địa lý đã đặt Luang Prabang vào thế hầu như là biệt lập với bên ngoài, Phật giáo như chiếm lĩnh “độc tôn” trong đời sống tâm linh của địa phương. Những yếu tố ấy đã tạo ra một bản sắc khác biệt với các nơi khác, thể hiện rõ nhất chính là ở con người.  

Những cư dân dù ở phố nhưng tính tình thì hiền hòa, cởi mở, họ sống chân thật và nhiệt tình như người dân quê ở mình. Vào chợ, thấy bày bán  những mặt hàng thủ công mỹ nghệ trên những sạp nhỏ, cây trái hoa quả như đem từ trong nhà ra. Những món ăn cũng dân dã như thịt lợn nướng, gà nướng, xúc xích, xôi, các loại rau thơm… tất cả như toát lên một màu quê kiểng.  
 
 Đường phố Luang Prabang.
Chúng tôi đã đặt phòng trước một khách sạn trong một hẻm nhỏ gần Hoàng cung nhưng vì mới đến lần đầu, có một trục trặc nhỏ khi tìm đường nên ghé lại một khách sạn khác để hỏi địa chỉ. Một nhân viên lễ tân tại khách sạn đã nhiệt tình lấy xe Honda chở tôi đến nơi mà tôi muốn tìm rồi anh ta quay lại để hướng dẫn đoàn chúng tôi đến sau. Một người thứ hai tên là Mây, cô tự đọc tên mình theo âm tiếng Việt. Vốn là chủ một cái quán nhỏ cạnh nơi tôi ở chủ yếu là phục vụ khách Tây. Buổi tối anh em tôi ba người thường đến ngồi chơi cho đến khuya lắc khuya lơ. Đêm khuya khá lạnh chúng tôi mang rượu bên nhà sang. Vì đã ăn tối ở Chợ đêm nên đồ nhắm chỉ là một dĩa rong trên sông Mê Kông, đặc sản chỉ có ở khúc sông qua Luang Prabang và một cái xúc xích nổi tiếng của cố kinh, tính ra tiền Việt chưa tới 200.000đ, giá cả rất rẽ. Khi nghe giới thiệu biết chúng tôi là người Việt Nam, Vân và 2 cô phục vụ đều đưa hai tay lên… bravo…  bravo. Ở bên mình nếu có ngồi quán theo kiểu lai rai, ăn uống  sơ sài lại đem đồ uống của mình vào quán người ta rất khó chịu và tính tiền phục vụ cao nhưng đối với họ đều tỏ ra thoải mái, thân thiện và nhiệt tình với khách. Ở quán không có  loại cốc uống rượu mà khách yêu cầu, họ vẫn nhiệt tình để đi “mượn” ở nơi khác. Vân tỏ ra gần gũi, hiền hòa, mua bán vẫn giữ được cái phẩm hạnh như người bước ra từ làng quê, cung cách phục vụ lại nhiệt tình niềm nở phảng phất một chút phố phường. Rõ ràng đó là sự kết hợp giữa làng và phố tạo nên tính cách của người Luang Prabang. Những người chúng tôi tiếp xúc như người lái xe Tuk Tuk, người bán hàng tại các chợ cóc… đều mang lại cảm giác yên tâm khi giao tiếp. Sự chơn chất vui vẻ với tính cách như người ở làng quê Việt Nam. Tôi chợt nhớ đến  câu thơ của một người bạn thơ với tâm trạng của người ở quê ra sống giữa phố: Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi.
 
 Góc chợ cóc ở Luang.
Luang Prabang được biết đến là một thành phố nổi tiếng với nhiều ngôi chùa và tu viện Phật giáo. Dân số chưa tới 60.000 người, mật độ chùa trên đầu người cao nhất thế giới. với tỉ lệ theo đạo Phật chiếm 96%. Đi đâu trong thành phố đều gặp chùa mà ngôi chùa nào cũng cổ kính, chiếm một không gian rộng lớn. Ngay ở trong hoàng cung cũng có một ngôi đền theo lối kiến trúc ngôi chùa Phật giáo dành cho hoàng gia. Dù khá mệt mỏi sau những chặng đường dài nghỉ ngơi chưa lại sức tôi vẫn cố leo lên trên ngọn đồi Phusi, ngọn đồi cao 150m có đền Wat Chom Si, để phóng tầm mắt nhìn quanh thành phố, đâu đâu cũng thấy những ngôi chùa với tháp nhọn vươn lên mạnh mẽ, cao vút, những ngôi chùa có nhiều mái cong đổ sát với mặt đất theo lối kiến trúc đặc trưng của chùa Lào. Đặc biệt là ngôi chùa lâu đời nhất - Wat Xieng Thông được xây dựng từ thế kỷ 14, một công trình tiểu biểu nhất cho Phật giáo của cố kinh.
 
 Hoàng cung.
Khác với những thành phố khác ở Lào, Luang Prabang thức dậy từ rất sớm và hoạt động cho tới khuya. Buổi sớm khi bóng tối còn tràn ngập khắp thành phố, các đoàn tăng nhân tu sĩ Phật giáo nguyên thủy đi khất thực. Thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, tôi chạy khắp nơi, hễ nơi đâu có người dân đang ngồi chờ để cúng dường là tôi ghé lại để ghi hình. Là người lần đầu đến đây, những khoảnh khắc này luôn tạo cho tôi sự xúc động với một chút ngỡ ngàng, có lúc quỳ xuống để cúng dường bằng niềm tôn kính. Tôi thật sự ngưỡng mộ trước truyền thống  và tinh thần của đạo Phật luôn hiện hữu thấm đẫm bao trùm lên không gian thành phố. Rất đông, không chỉ là người châu Âu mà cả người Trung Quốc, Nhật Bản… cũng ngồi chờ để tham dự vào hoạt động đậm màu sắc Phật giáo này. Trong những đoàn tăng nhân đi khất thực, các chú tiểu, sa di chiếm số đông chứng tỏ người dân đã gửi con em vào tu tập từ rất sớm. Chính cái tinh thần và lối sống của người dân được tiếp truyền từ tinh thần Phật giáo đã tạo cho thành phố sự yên bình đôi khi lặng lẽ theo cách đi chậm nói khẽ, thậm chí du khách Trung Quốc vốn ăn nói ồn ào nơi công cộng cũng phải khép mình trong một “khuôn phép” của không gian luôn coi trọng sự tĩnh tâm của con người lên hàng đầu. Trong một đêm ngồi lại với nhau, khi nói về đạo Phật trong đời sống của người dân, nhà văn Thái Bá Lợi cho rằng: Những người sống thấm đẫm với một tinh thần Phật giáo như thế không thể làm điều ác được... Tôi hơi lấy làm ngạc nhiên khi cho rằng con sông Mê Kông vốn được biết đến hùng vĩ và bí ẩn nhưng khi đi qua đất Phật không còn dữ dội bạo liệt nữa. Một người Lào ở một quán cà phê đã giải thích; từ sau khi xây dựng những “công trình” thủy điện ngăn nước sông đầu nguồn ở phía bắc, dòng chảy mới biến đổi như thế.
 
Đoàn tăng nhân gồm nhà sư, chú tiểu đi khất thực. 

Sau những chiêm nghiệm về cố kinh, tôi lại nghĩ đến Hội An, nơi mình từng rất gần gũi. Luang Pra bang vẫn còn những mái nhà mái ngói lô xô nâu xám, không có những ngôi nhà cao tầng, bản tính của cư dân lương thiện hiền hòa như người Hội An xưa cũ chỉ khác là ở Phố Hội là kiến trúc nhà cổ phố Tàu, phố Nhật. Cố kinh lại còn lưu giữ dấu ấn của kiến trúc Pháp với những ngôi biệt thự cũ và mới. Có một khác biệt nữa là ở Hội An gần 15 năm trở lại đây, hệ lụy của cơn lốc kinh tế thị trường đã làm cho Hội An phai nhạt bản sắc của một đô thị cổ bởi một thực tế rất nhiều ngôi nhà cổ vì nhiều lý do đã bị sang tên đổi chủ cho những “đại gia” từ nơi khác đến, nhiều gia đình, cư dân phố cổ phải đi ở chỗ khác hoặc về sống ở ven đô.

So với những thành phố khác ở Lào, Luang Prabang vẫn giữ cho mình một bản sắc văn hóa riêng. Gần đây, lượng du khách của các nước châu Á đến Luang Prabang  khá đông, nhiều người đã ở lại để mua bán và làm việc, tôi cảm thấy lo ngại cho việc bảo tồn di sản nghệ thuật, kiến trúc đặc biệt là có giữ được bản sắc văn hóa của con người ở cố kinh hay không. 

(Nguồn: Báo Xuân Lao Động BMT)

TAGS

Sa Mù - miền mơ tưởng…

Lê Đức Dục |

Chỉ là những khu nhà kính, những luống hoa lạ, nhưng dường như đâu đó trong tôi đã mơ hồ về một phố núi lung linh trên đỉnh Sa Mù (Hướng Hoá, Quảng Trị).

Món ngon ngày tết

Thanh Lê |

Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau, vì vậy các món ngon ngày tết ngoài giá trị truyền thống còn mang ý nghĩa đầm ấm, sum vầy. Ở nước ta, mỗi vùng, miền có những món ăn ngày tết mang nét đặc trưng khác nhau, tạo nên văn hóa ẩm thực đa dạng. 

Sa Mù sẽ là trung tâm sản xuất hoa quả cao cấp

Đình Giáo |

Thời gian gần đây, báo chí phản ánh nhiều về việc trồng thành công các loài hoa mới lạ tại vùng tiểu khí hậu ôn đới Sa Mù sẽ giúp biến nơi đây thành "tiểu Đà Lạt" ở miền Trung. Từ thành công này, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đang chỉ đạo và ngành chức năng cũng đang lập kế hoạch cho nay mai với mong muốn vùng đèo Sa Mù sẽ trở thành thành trung tâm sản xuất hoa, quả cao cấp của tỉnh Quảng Trị để tạo ra sự khác biệt và độc đáo về thương hiệu.

Vẻ đẹp thác Kèn

Phan Tân Lâm |

Sông Thác Ma, còn gọi là Ô Lâu tả trạch chảy qua vùng đất nơi miền Tây Hải Lăng (Quảng Trị) đã kiến tạo nên nhiều cảnh quan kì vĩ, trong số đó phải kể đến thác Kèn.