Nhớ khói

Hoàng Hải Lâm |

Đôi lúc tôi tự hỏi, phải chăng tôi thèm khói cùng với những yêu thương. Cha đi hơn chục năm để lại ngôi nhà trống vắng, mạ cũng đi làm mây.

 

Lâu lắm rồi tôi không ăn cơm bếp, lâu lắm rồi không ngửi thấy mùi khói hăng hắc giữa trưa nắng chang chang và tiếng nói của mạ vọng ra từ mái nhà tranh xiêu vẹo. Cái nền đất cũ mọc lên ngôi nhà mới, hình ảnh mái nhà tranh thỉnh thoảng trở về trong ký ức tôi.

Trên thực tế, mái nhà xưa không còn. Sự nhường chỗ cho cuộc sống ngày một giàu có hơn về vật chất cũng có trả giá thiệt hơn về đời sống tinh thần. Thực lòng tôi tiếc nuối, đôi khi chậc lưỡi mà rằng: hết rồi mái nhà tranh, khói lam chiều cũng chỉ còn là kỷ niệm.

 
 Ảnh: Nông Văn Dân

Ngày xưa nghèo, trong rất đổi những gian lao con người không hối hả, họ sống chậm nên ngẫm hết được mọi sự đời. Cuộc sống giờ đây dễ đánh mất sự thảnh thơi. Tự mình thay đổi chứ không ai bắt ép.

Ngày ấy, tôi ước mong có mái nhà lợp ngói để ra khỏi mái nhà tranh mùa nắng chiếu vào tận giường, mùa mưa nước nhỏ giữa nền nhà thon thót. Không gì bằng một giấc ngủ ngon trong chăn ấm, gió không thể lùa vào ngôi nhà kiên cố. Giờ tôi đã đạt được ước mong của cuộc đời mình.

Nhưng chính thứ mà tôi muốn giã từ giờ trở về khuấy động. Nỗi nhớ cứ nhưng nhức tận đáy lòng khi nghĩ về mái nhà xưa. Phải chăng đó là chút duyên nợ trong những ngày khốn khó? Tôi tự hỏi lòng mình, có bao nhiêu phồn hoa không nhớ, không thương lấy chi tháng ngày bần hàn làm kỷ niệm riêng tư. Cũng không phải khó hiểu, khi phần lớn đời mình gắn liền với một miền quê mà ở đó tiếng gọi nhau chiều hôm là tiếng lòng yêu thương như tiếng kêu của lũ chim gọi nhau về tổ ấm.

 
 Ảnh: Nông Văn Dân

Có quá nhiều thứ để tôi nhớ mong, dáng cha vác cày, anh trai tôi đi đủng đỉnh dắt trâu từ cánh đồng về, mớ rau mạ cầm trên tay chuẩn bị lo cho gia đình bữa cơm đạm bạc. Gánh nước trên vai chị và nắm củi khô trên tay em. Bao nhiêu thứ đó đều hội tụ về một mái nhà. Và dưới những liếp tranh, nơi nhỏ nhoi nhưng nhung nhúc những con người cứ chí chới gọi nhau. Lúc thì nồi khoai, lúc vài quả bắp, khi quả mít chín thơm tho mới hái từ vườn vào. Tất cả mọi thứ đều diễn ra dưới mái nhà tranh, những yêu thương gói vào đó thơm tho như vỏ quả mít ủ trong đó những hương thơm ngầy ngậy.

Trong ký ức tôi hằn lên những chiều mưa. Dù cơn mưa rả rích hay những trận mưa nước ngập vào tận nhà thì khói lam chiều vẫn bốc lên trên mái nhà đơn sơ. Tôi thường hay ngắm khói. Từ mái nhà tranh những giọt mưa rớt xuống như tấm mành trong khi đó trên mái tranh khói vẫn thả lên trời vương vãi. Những lúc tôi đứng ngắm mưa rơi, tôi nhìn khói bay... cha thường bảo thằng này sau đa cảm lắm. Hồi đó tôi chưa biết đa cảm là gì, giờ ngộ ra đó là chút tình vương trong trời đất, không nhiều nhưng đủ để người ta nhớ, không đủ dày để kết nối yêu thương nhưng cứ vất vưởng lên trời như làn khói dễ đến mấy chục năm khấp khởi ùa về.

 
 Ảnh: Phan Tân Lâm

Gần đây tôi lên miền núi, khi chiều tận ngọn núi và mặt trời vừa lúc nằm quên trên hàng cây xanh phía đỉnh đồi. Khói nhà ai đã bốc lên, trên miền rừng giờ vẫn lác đác những mái nhà tranh, sau cơn mưa khói từ mái nhà lên màu lam. Càng lên cao, gió thổi khói bay giữa không gian và màu lam chuyển sang màu trắng mỏng tang và bay đi cùng gió. Chợt dưng tôi nhớ nhà quay quắt, ngôi nhà của hơn ba mươi năm trước nằm bên cạnh cánh đồng, phía trước là con sông còn sau lưng là dãy núi.

Đôi lúc tôi tự hỏi, phải chăng tôi thèm khói cùng với những yêu thương. Cha đi hơn chục năm để lại ngôi nhà trống vắng, mạ cũng đi làm mây. Và nữa, làng xóm ngày xưa một bước đã sang được nhà nhau giờ xây hàng rào bằng bê tông kín mít. Cửa nhà khép lại cùng với cửa lòng. Trong thênh thang trời đất tìm người tri kỷ còn khó hơn tìm làn khói lam chiều giữa miền quê heo hút. Những kỷ niệm nhắc hoài không nhớ, những điều ngày xưa tưởng chừng là ký ức chung, làn khói lam chiều từ mái nhà tranh đã trôi vào một nơi nào đó trong tiềm thức. Càng cố tình khơi dậy nó càng bị người ta lãng quên.

Tôi thường chép ngày xưa thành trang ký ức cho riêng mình. Để rồi tận đẩu tận đâu có người nhắc rằng tôi nhớ dai dễ sợ. Tôi cười, có lẽ phải cảm ơn những ngày xưa, cảm ơn những thanh củi mục đang còn thấm nước.

Ngày ấy, vào mỗi mùa mưa, cả con sông trước nhà sóng vồn lên dữ dội. Tôi là đứa thích bơi sông, nhất là sóng càng to càng khiến tôi phấn khích. Ra giữa sông mùa lũ để vớt củi từ miền rừng trôi về làm nhiên liệu cho gia đình trong suốt mùa đông. Đó là lí do chính đáng, đồng thời với nó là thõa mãn đam mê sóng nước của mình. Củi được vớt từ sông, anh trai tôi mang lên bờ bổ nhỏ rồi chị gái tôi gánh vào nhà. Mái nhà tranh chất đầy củi cạnh bếp, lúc đút củi vào hơi nước từ đó bốc ra vờn lên mái tranh rồi thả khói lên trời.

 
 Ảnh: ITN

Màu lam ngày ấy giờ chợt cay tròng mắt. Nó lạ như thế, nhiều lúc tôi nhớ khói kèm với nhớ sông, nhất là sông mùa lũ. Rồi tôi ngẫm, câu chuyện cho riêng mình. Việc bơi ra giữa sóng nước bao la vớt một cây gỗ lớn vào bờ tưởng chừng như khó khăn nhưng lại đơn giản. Còn việc bơi qua cuộc đời mình, vớt lấy chính mình trong dòng chảy bao la của cuộc sống tưởng chừng giản đơn nhưng rất đổi nhọc nhằn. Có quá nhiều lúc tôi gục đầu, cũng có lúc giọt nước mắt không nổi nhỏ xuống đất mà chui vào cổ họng khiến giọng nói tôi trở nên nghẹn đắng. Đã có những lúc buồn đau, bí bách như cái đứa trăm năm khát một con sóng ngoài khơi hay người chờ đến ngày dài tháng rộng từ mái nhà xưa vẫn không chụp được màu khói. Những lúc đó tôi thường ghé nơi thanh tịnh, lúc là mái nhà sàn giữa rừng, có khi là mái chùa trong thôn vắng. Ngồi ngẫm đời chơi và đếm xem mình bao nhiêu tuổi, nhìn lá vàng rơi giữa những ngày thu se lạnh và đếm xem bao ngày khói đi qua.

Cuộc đời trôi theo những yêu thương và đứng lại cùng màu nhớ. Có hôm tôi nhớ làn khói xưa thấy tội. Hồi nhỏ cứ bảo nhau rằng “khói lên trên trời thành mây” đó là suy nghĩ thời trẻ thơ mỗi khi chiều về ngắm khói. Giờ thả lòng theo nỗi nhớ vẫn còn ngây dại khi nỗi nhớ cứ đi theo khói mấy chục năm rồi. Đôi lúc cũng thắc thỏm nghĩ, sau khói là gì, nếu đơn thuần khói lên trời thành mây thì kiếp sống phù sinh đã có hồi kết quả. Chợt vui cho phận khói, chợt thấp thỏm cho phận mình. Mình... lên trời thành chi?

TAGS

Quán cơm bụi ngày cuối thu

N.C.S |

BBT XANH EWEC vừa nhận được lá thư của một bạn đọc ghi lại câu chuyện cảm động đầy tình người trong quán cơm phố huyện.

XANH EWEC xin đăng bức thư nhằm lan tỏa những điều tốt đẹp, khơi dậy tình yêu thương trong cuộc sống này.

Tượng đài bà mẹ Gio Linh: Nhiều người ủng hộ ý tưởng này

B.T.V |

Sau khi nhà báo Nguyễn Hoàn đăng trên Facebook đề cập vấn đề cần dựng tượng đài và đặt tên đường ‘BÀ MẸ GIO LINH” ở tỉnh Quảng Trị đã thu hút sự quan tâm, chia sẻ của dư luận trong và ngoài tỉnh.

Chị tôi chưa lấy chồng…

T.L |

Rồi thì cây chuối vẫn xanh ngắt, cánh rừng xanh, cả bầu trời cũng xanh. 

Những giấc mơ ướt

Yên Mã Sơn |

Con đường bêtông dẫn vào khu nhà lá nhập nhòa ánh điện sau cơn mưa đột ngột. Hai đứa trẻ đứng dưới mái hiên bên cạnh những thùng xốp hứng nước mưa đợi chị về.