Không phải ngẫu nhiên mà số Báo Quảng Trị xuất bản đầu tiên vào ngày 13-7-1989, sau sự kiện tỉnh Quảng Trị được lập lại đã đăng trang trọng bút kí của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, có tên “Đất khát”. Bút kí được nhà văn viết vào đầu tháng 7 năm 1989, ghi lại mảnh kí ức không thể nguôi quên khi có dịp đi qua Quảng Trị sau ngày giải phóng.
Từ một vùng quê trù phú, thanh bình thuở trước, bước ra cuộc chiến tranh tàn khốc, Quảng Trị thời bấy giờ không một bóng tre, không nhà dân, không tìm ra một vũng ao nhỏ còn đọng nước; nhìn khắp nơi chỉ thấy cuồn cuộn những luống đất vừa cày vỡ, chấp chới những đợt nắng nóng dữ dội đi kèm với cơn khát cháy bỏng.
Từ kí ức được găm giữ trong bời bời gian khó, nhà văn đã dự phóng về tương lai của quê hương với sự xác tín quả quyết và một niềm tin mãnh liệt vào yếu tố con người Quảng Trị, bản lĩnh Quảng Trị: “Hiển nhiên là chúng ta sẽ làm lại tất cả trên những đổ vỡ của thời gian. Nhiều người đang nói tới những thế mạnh để đi lên của Quảng Trị: cảng Cửa Việt, cửa khẩu Lao Bảo, đường số 9, cà phê, hồ tiêu, cao su, cửa ngõ Lào và Thái Lan… Nhưng tôi nghĩ rằng cái thế mạnh có thực và có ngay để tạo ra mọi cái khác, chính là con người Quảng Trị. Phải nhìn lại lịch sử trong từng sự kiện quyết liệt nhất của nó để thấy rằng điều ấy không hề là triết lí sáo mòn chút nào hết. Những con người ấy là vàng đã thử lửa; hai ba thế hệ trong một túp nhà đều đã dấn thân trong những thời kì lớn của đất nước; những con người mà ý chí quả quyết đã được cô đúc lại thành bản lĩnh để đi tới những mục tiêu lớn đã lựa chọn. Vâng, tôi tin tận đáy lòng rằng chính nhân dân Quảng Trị sẽ đủ sức tạo nên những điều kì lạ cho tương lai quê hương”…
15 giờ ngày 22-7-1989, tại hội trường UBND thị xã Đông Hà diễn ra buổi gặp mặt chào mừng sự kiện tỉnh Quảng Trị lập lại. Quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Đức Hoan đã đọc diễn văn chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại này và nhận định: “Chúng ta đang sống trên một vùng lãnh thổ mà địa hình, khí hậu đa dạng và phức tạp. Đồng bằng vốn nhỏ hẹp lại ít màu mỡ. Núi liền kề biển, sông suối ngắn, độ dốc cao. Hằng năm, lượng phù sa bị cuốn trôi, lớp đất màu rất mỏng. Như một chu kì định sẵn, mỗi năm chúng ta phải chịu đựng ít nhất vài ba tháng luồng gió tây nam khô nóng và 3 - 4 tháng gió mùa đông bắc; hầu như năm nào cũng phải chống chọi với ít nhất vài trận lụt, vài cơn bão, với biết bao tổn thất, mất mát. Hơn bất cứ nơi nào trên đất nước ta, quê hương chúng ta là nơi phải chịu đựng hậu quả hết sức nặng nề của hai cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù; nhân dân ta chịu nhiều đau thương mất mát mà cho đến nay chưa có điều kiện để khắc phục…”. Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hoan nhấn mạnh: “Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, quê hương này, non sông này từ thế hệ này đến thế hệ khác, con người đã đổ mồ hôi và đổ máu để xây dựng nên. Chúng ta hết sức trân trọng yếu tố con người. Chúng ta tin tưởng với truyền thống đoàn kết, ý chí kiên cường, với lòng dũng cảm vượt khó khăn, với trí tuệ tập thể, với trách nhiệm chính trị cao của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, chiến sĩ, của hội viên các đoàn thể quần chúng, nhất định Quảng Trị sẽ tiến lên mạnh mẽ với khí thế mới…”
30 năm trôi qua, những cam kết chính trị như một lời thề vàng đá của Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị ngày ấy đã dần trở thành hiện thực, sống động và bền vững trên quê mẹ Quảng Trị thân thương. “Điều kì lạ cho tương lai quê hương” như niềm mong mỏi trong “Đất khát” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thuở đó đã được những thế hệ con người Quảng Trị hôm nay tạo lập qua những công trình có giá trị kinh tế và nhân văn sâu sắc. Ở Quảng Trị bây giờ, màu xanh đã khỏa lấp “những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ”, cuộc sống đã hồi sinh mãnh liệt, đầy nội lực và hi vọng.
Có thể nói, thành tựu 30 năm qua của ngành nông nghiệp Quảng Trị có căn nguyên từ công cuộc “thủy lợi hóa” và “chế ngự cát” thành công gắn liền với những con người tận tâm với sự hồi sinh, phát triển của quê hương.
Trong hồi kí “Đất quê hương”, ông Lê Văn Hoan, Bí thư Huyện ủy Triệu Hải giai đoạn 1977 - 1983 có nhắc lại một trong những chủ trương lớn rất cơ bản của Huyện ủy Triệu Hải vào năm 1977 là xây dựng cơ sở vật chất, chú trọng thủy lợi, trong đó tranh thủ công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn sắp xây dựng. Và niềm mong đợi đó đã đến. Nhập huyện Triệu Hải hơn hai năm thì được Trung ương và tỉnh cho đầu tư xây dựng công trình Nam Thạch Hãn. Công trình khởi phát từ trăn trở của Tổng Bí thư Lê Duẩn khi về thăm sau ngày quê hương được giải phóng: “80% dân số Quảng Trị sống chủ yếu bằng nghề nông, trong lúc đó khí hậu lại quá khắc nghiệt, ruộng vườn lại thiếu nước sinh hoạt thì bà con làm sao đủ ăn. Cần phải xây dựng một công trình thủy lợi dẫn nước trên các cánh rừng của huyện về sản xuất”.
Ông Lê Văn Hoan cho biết, công trình lớn khởi công xây dựng vào thời kì khó khăn thiếu thốn mọi mặt. Lao động thủ công, nhưng nhờ sức mạnh cả tỉnh Bình Trị Thiên, từ năm 1978, 1979… trên công trường thường xuyên có mặt hơn hai vạn người tham gia lao động với khí thế dời non lấp biển. Năm 1981, trong một lần về thăm quê, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã lên tận công trình để thăm hỏi, động viên những người lao động, vào từng lán trại để kiểm tra cuộc sống ăn, ngủ, sinh hoạt của họ. Khi công trình đưa vào sử dụng, trong một lần về thăm quê, đồng chí Lê Duẩn đứng lại thật lâu trên dòng kênh ở xã Triệu Long, chỗ đường rẽ về xã Triệu Đông mừng vui đến chảy nước mắt và chân thành: “Có nước rồi, hạnh phúc có rồi, dân ta cần cù nhất định sẽ giàu có”.
Trong hàng trăm công trình hồ đập thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Nam Thạch Hãn là công trình đại thủy nông duy nhất ngăn sông Thạch Hãn để dâng nước vào kênh tưới cho vùng thâm canh lúa lớn nhất tỉnh. Hiện nay, công trình phục vụ nước tưới cho hơn 14.815 ha của hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị. Như những mạch nguồn của sự sống, suốt mấy thập kỉ qua, công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn cùng với các công trình thủy lợi như: Bảo Đài, La Ngà (Vĩnh Linh), Kinh Môn, Hà Thượng, Trúc Kinh, Cánh Hòm (Gio Linh), Tân Độ (Hướng Hóa), Ái Tử (Triệu Phong), Khe Chanh, Thác Heo (Hải Lăng), Hiếu Nam, Đá Lả, Nghĩa Hy, Đá Mài, Tân Kim (Cam Lộ)… với hàng trăm ngàn mét kênh mương các cấp đã đưa nước ngọt về tận các chân ruộng, góp một phần cực kì quan trọng trong việc giữ vững và nâng cao năng suất cây trồng, cung cấp nguồn nước sạch cho dân sinh, cải thiện hệ thống giao thông nông thôn và đảm bảo môi trường sinh thái trên một khu vực nông thôn rộng lớn của tỉnh Quảng Trị. Diện tích lúa được tưới nước chủ động tăng lên; cơ cấu giống lúa và cơ cấu mùa vụ sản xuất được chuyển đổi ngày càng chủ động hơn. Các giải pháp kĩ thuật tiến bộ để giảm gánh nặng lao động cho nông dân được áp dụng rộng rãi. Nhờ vậy, năng suất lúa từ 20 - 25 tạ/ha đã tăng lên 50 - 70 tạ/ha. Sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt gần 25 vạn tấn/năm, tăng gấp 2,5 lần so với năm 1989. Từ lợi thế có hệ thống thủy lợi tương đối đồng bộ, bố trí hợp lí và phát huy hiệu quả, tỉnh đang đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chuyển dần sản xuất nông nghiệp phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh cũng đã có đủ điều kiện thuận lợi để tăng diện tích lúa chất lượng cao lên 18.000 ha vào năm 2020; liên kết sản xuất lúa chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn an toàn; duy trì sản lượng lương thực có hạt hằng năm đạt 24,5 - 25 vạn tấn và phấn đấu tốc độ tăng giá trị ngành nông nghiệp đạt 3,5 - 4%/năm.
Một điều rất thú vị là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Đức Hoan cũng chính là người kĩ sư thủy lợi tâm huyết, từng đảm nhận chức trách Phó Ban chỉ đạo xây dựng công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn hơn 40 năm trước.
Một nhà quản lí, nhà khoa học tận tụy với sự phát triển của quê hương, được nhiều người dân vùng cát ghi ơn là Tiến sĩ Hoàng Phước, người đã nghiên cứu thành công, xây dựng ô sinh thái trên cát để chế ngự nạn cát bay, cát nhảy, cát chảy, cát lấp ở vùng cát Quảng Trị. Nhờ công trình khoa học của ông, 2.000 ha cát trắng ở Quảng Trị đã được cải tạo, cây trái phát triển tốt tươi, người dân đã sống, mưu sinh, làm giàu được trên vùng cát hoang hóa bao đời.
Thời đó, sau ngày tỉnh Quảng Trị lập lại, kĩ sư Hoàng Phước giữ chức vụ Giám đốc Sở Thủy lợi. Việc làm đầu tiên ông đề xuất với lãnh đạo tỉnh là tìm cách chống cát bay, cát lấp vì vùng ven biển Quảng Trị chủ yếu là cát trắng, với diện tích gần 3.000 ha, trong đó chỉ có 1,6% diện tích đất cát trên được canh tác. Nhưng diện tích đất này ngày càng bị thu hẹp do nạn cát lấn dần. Tình trạng cát nhảy, cát bay, cát lấp luôn làm cho mặt cát bị xáo trộn, cây cối không phát triển được. Ban đầu ông đưa ra đề nghị này, nhiều cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cả người dân sở tại đều tỏ ra hoài nghi tính khả thi. Vượt qua rất nhiều trở lực, miệt mài nghiên cứu, khảo nghiệm, năm 1995, ông Hoàng Phước bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Chống cát bay, cát lấp, cải tạo môi sinh vùng cát Quảng Trị”. Trong công trình khoa học này, một kết luận được đưa ra là muốn cát trắng trở thành đất trồng trọt hoa màu thì phải làm cho cát ổn định, tạo độ ẩm, độ mùn. Khi cát ổn định thì cây cỏ sẽ mọc, khi cỏ lụi tàn sẽ tạo ra mùn, mùn ấy nuôi cỏ trở lại tốt hơn và mùn ngày càng tăng lên nhiều. Chu kì này rất hiệu quả nếu bón thêm phân chuồng, phân xanh vào cát. Song song với phương pháp tăng mùn cho cát, phương án ngăn các dòng suối nhỏ cũng được tính đến để chặn không cho cát trôi vào lấp ruộng. Khi cát ổn định chỉ cần một vài năm là có thể trồng trọt hoa màu được. Tại những nơi có phương án tăng mùn, tăng ẩm cho cát được phân thành ô vuông để trồng cây vừa chống được nạn cát bay, lại vừa tạo được sự ổn định diện tích cát trong ô. Cùng một bước quan trọng là tạo ra các hồ chứa nước trên cát trắng để tăng độ ẩm, đồng thời tạo ra các mặt thoáng lớn chống cát nhảy. Đó là một quy trình kết hợp nhuần nhuyễn giữa nông - lâm - thủy lợi. Hơn mười năm nghiên cứu khoa học, công trình của ông đã đem lại kết quả khả quan. Nhờ công trình tâm huyết này, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Viện Nghiên cứu Sinh học của Mỹ tặng bằng ghi nhận cống hiến của ông trong bảo vệ môi trường sinh thái và nhân văn. Công trình khoa học của Tiến sỹ Hoàng Phước không chỉ mang lại màu xanh cho trên 3.000 ha cát trắng Quảng Trị mà còn tạo ra một hướng đi mới cho nông dân miền Trung đang sống trên dãy cát trắng chạy dài từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận. Sự sống trên cát bắt đầu sinh sôi, thắp lên niềm hi vọng đổi đời cho những cư dân trên cát.
Trong những ngày đất nước còn bị chia cắt, đứng bên bờ Bắc sông Hiền Lương, nhà thơ Tế Hanh đã thốt lên: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị”, màu xanh gói ghém khát vọng về ngày đoàn tụ, hòa bình. Hôm nay đây, vùng “đất khát” ngày nào cồn cào trong từng câu chữ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã được khỏa lấp bởi màu xanh ấm no, an hòa, màu xanh của tương lai đẹp giàu phía trước…
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)