Hỏi đá bao giờ mòn?

Yên Mã Sơn |

Có lẽ ở Gio An nói riêng và vùng phía tây Gio Linh nói chung, nếu “nhổ” hết cỏ cây, thứ còn lại là những thửa ruộng đầy đá, bày bố như một ma trận với vô vàn hình thù. Đá bên hiên nhà, đá ngự trong vườn, đá nằm trên ruộng như một cổ vật hiện hữu từ ngàn xưa đến nay.

1. Dưới tầng tầng lớp lớp đất bazan và cơ man đá mồ hôi ấy là những mạch ngầm ngày đêm chắt ra, góp lại rồi được dẫn vào máng nước hình thành nên những chiếc giếng độc đáo có một không hai trên thế giới. Anh bạn tôi Quách Đình Dũng, một cử nhân lịch sử của làng Gia Bình nhưng đôi chân bị tật nguyền, đi lại khó khăn. Khi hay tin tôi muốn tìm hiểu về xứ đá Gio An, anh Dũng đã không ngại ngồi lên xe, theo tôi rong ruổi khắp những cung đường. Anh chỉ cho tôi về cơ chế hình thành các giếng cổ. Đó là những công trình tài tình của người Chăm được người Việt thừa kế và điều chỉnh để phù hợp với những biến động thời tiết, khí hậu. Tôi hỏi anh nước ở đâu mà quanh năm suốt tháng trong lòng đất cứ tuôn ra lắm thế. Anh bảo rằng hàng ngàn năm nay đã thế, nếu những lỗ mội nước ấy mất thì xem như xoá sổ giếng. Lạ thay những năm hạn hán khắp nơi khô khát thì nước ở đây vẫn dồi dào và trong mát. Dòng nước ấy đã là nguồn nuôi dưỡng những ruộng rau liệt (rau xà lách xoong) xanh mơn mởn. Nơi đây là nguồn cung ứng rau liệt cho cả tỉnh Quảng Trị và các vùng lân cận.

 

Con nước lượn lờ trong văn vắt theo bờ kè đá đi tới những ruộng rau liệt. Những tảng đá mồ côi nguyên khối, có viên đã được đẽo gọt để xếp thành những máng nước dẫn thuỷ nhập điền. “Không chừng chú đang đứng trên những thớ đá được một người thợ lành nghề chẻ ra từ ngàn năm trước. Bóng dáng lịch sử có khi khuất lấp trong bờ rau cỏ nhưng đủ sức nói với con người hiện tại, rằng hãy làm gì đó để cõi ngàn năm không rơi vào quên lãng”, lời anh Dũng nhắc tôi. Và tôi nhìn xuống dưới chân mình, nước chảy đá mòn. Nước về đâu nhưng đá vẫn ở đây và mòn nhẵn, vô tri và vô tri.

 

Với hệ thống giếng cổ có tuổi đời hàng ngàn năm, Gio An xứng đáng được quan tâm hơn, ít nhất là các cơ quan hữu trách trong và ngoài tỉnh. Vì thế, hệ thống giếng cổ này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia vào năm 2001. Gồm có 14 giếng: giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào (thôn An Nha); giếng Gái 1, giếng Gái 2, giếng Nậy (thôn An Hướng); giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn); giếng Máng (thôn Long Sơn); giếng Pheo (thôn Tân Văn). “Nhưng như thế vẫn chưa xứng tầm với một chuỗi hệ thống giếng độc đáo nhất Việt Nam này”, như lời anh Dũng nói. Bởi những gì đang tồn tại ở đây đáng giá hơn thế. Nên cần có một “bước nhảy” quan trọng là đề nghị công nhận hệ thống giếng cổ Gio An là di sản văn hóa của nhân loại.

2. Ngoài đá và đá ra, đến đây thì có cái gì để khoe, anh Dũng? “Rau liệt có xứng đáng không chú?”, anh Dũng trả lời. Và rồi anh Dũng “thuyết” về loại rau này bằng giọng của một nhà thực vật học hơn là cử nhân sử. Rằng đây là thứ rau sạch nhất trong các loại rau. Bởi nó sống từ nguồn nước ngầm được chắt ra từ các đồi đất bazan. Rễ rau bám nhẹ trên đá, không lấm bùn đất. Rau chỉ sống trong vùng nước chảy, sạch đến tinh khiết. Ngoài ra không có thuốc bảo vệ thực vật, mọi thứ tuyệt đối an toàn nên đến đây mà không đem một mớ rau về thì coi như uổng công. Vì thế, người Quảng Trị rỉ tai nhau rằng: “Muốn ăn chắt chắt thì về Mai Xá, muốn ăn tôm cá thì xuống Cửa Việt, muốn ăn rau liệt thì lên Gio An”.

 

Tôi bước xuống ruộng, đi men theo lối đá làm máng nước ra ngồi cạnh những bà những chị đang chăm chú hái rau bó từng mớ để mang ra chợ bán. Một bà mẹ cho biết một bó chỉ ba ngàn đồng tại ruộng. Người buôn mua lên chợ bán lại thì có giá năm ngàn. Tôi tần ngần về giá cả của nó. Chao ôi, thứ rau sạch từ trong ra ngoài mà giá cả có thế thì biết bao giờ dân mình mới khá lên nổi. Và tôi mường tượng về một đối tượng khách hàng khác. Đó là những vị khách nhận thấy giá trị của sự khác biệt, vì rau này không phải nơi nào cũng có và trồng được. Đó là những vị khách mang tên “khách du lịch”.

Lên bờ anh Dũng khoe với tôi thêm một “món” nữa cũng ở Gio An, đó là sâm Bố Chính. Sâm Bố Chính vừa được trồng thử nghiệm đầu tháng 2 năm 2019 với 3 ha. Tháng 10 đã tiến hành thu hoạch và cho kết quả rất khả quan. Ông Lê Phước Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết: “Vườn sâm Bố Chính đã cho thu hoạch với năng suất khoảng 4 tấn sâm củ/ha. Sâm củ sau khi thu hoạch sẽ được phân thành nhiều loại bán với giá từ 120 - 600 ngàn đồng/kg; trong đó, loại thấp nhất (khoảng 20 củ/kg) có giá 120 ngàn đồng/kg, loại cao nhất (6 củ/kg) có giá 600 ngàn đồng/kg. Trung bình mỗi ha lãi khoảng 200 triệu đồng”.

Giá trị nông nghiệp đã vượt xa những gì kỳ vọng. Vì tại thời điểm này, không có một loại cây gì mang lại lợi nhuận cao hơn sâm Bố Chính. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp dược liệu ở Gio Linh.

Tôi đang nghĩ về những bó rau liệt với giá gấp vài lần hiện tại với cách làm khác mà thế giới thường gọi là ngành công nghiệp không khói - du lịch. Đó là phải làm sao biến vườn sâm Bố Chính thành một nơi “seo phì” độc đáo. Và cùng với hệ thống giếng cổ, Gio An là điểm đến không thể bỏ qua trên hành trình qua miền Trung của du khách.

 

3. Gặp em gái Kim Huê ở vườn hoa hướng dương do nông trường Trường Sơn (Công ty Cao su Quảng Trị) quản lý khi em đang say sưa làm đất. Dù vườn hoa hướng dương đang còn tươi, còn sức hấp dẫn thu hút khách khắp nơi đến chụp ảnh nhưng phải phá đi để chuẩn bị đất, gieo trồng cho kịp vụ hoa mới, phục vụ tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Huê cho biết, đầu tiên thí điểm trồng 4 sào hoa hướng dương, đến vụ Tết này sẽ nâng lên 6 sào. Tết này sẽ có nhiều cái mới như các mô hình tạo điểm nhấn để chụp ảnh sẽ nhiều hơn, diện tích hoa rộng hơn. Vườn hoa hướng dương của Huê trong thời gian qua đã thu hút du khách trong và ngoài tỉnh tìm đến để lưu lại những khoảnh khắc đẹp. So với làm nông nghiệp thuần tuý thì làm nông nghiệp kèm dịch vụ như thế này hiệu quả khác biệt. “Em muốn nhiều người cùng em làm như thế này. Bởi vì phải có nhiều nơi để du khách lựa chọn”, Huê cho biết.

 

Cùng ý tưởng biến nơi đá và đá thành điểm tham quan du lịch như Huê. Hoàng Cường, một người trẻ ở thành phố Đông Hà đã có ý tưởng táo bạo: xây dựng một “tiểu resot” ngay vành đai giếng Đào. Đó là một khu đất nằm trên quả đồi ngó xuống ruộng rau liệt được nuôi dưỡng từ mạch nguồn nước giếng Đào chảy ra. Với cách nhìn của một người làm du lịch nhiều năm, anh đã mua khu đất 1,5 hecta ngay cạnh giếng Đào để thực hiện ý tưởng làm một điểm đến độc đáo trong nay mai. Hoàng Cường cho biết, dự án dài hơi sẽ hơn 60 tỷ đồng với nhiều tổ hợp dịch vụ. Trước mắt với lượng khách lôi kéo được từ liên kết các tour trong hệ thống các công ty du lịch ở Quảng Bình, nơi này sẽ là điểm check in, chụp ảnh của du khách với chuỗi nhà sàn hướng mặt ra ruộng rau liệt. Trên đồi nhìn xuống giữa ngổn ngang đá mồ côi là hoa tam giác mạch, một loài hoa đặc trưng ở cao nguyên Đồng Văn. Ở đây du khách có thể cắm trại, tự mình nấu nướng và thưởng thức sự yên tĩnh với góc nhìn khó nơi nào có.

Cường dẫn tôi đi xem một mạch nước nguồn được rỉ ra từ ngọn đồi của anh. Và anh bảo rằng rồi sẽ có một hệ thống suối, bể tắm từ mạch nước này. “Kế hoạch dài hơi sẽ nhiều ý tưởng từ khu đất đắc địa này. Nhưng Tết năm nay sẽ cho du khách vào thưởng hoa và chụp ảnh trong “thung lũng An Bình” tên gọi của dự án”, Cường nhấn mạnh.

Với nhãn quan của một người làm du lịch, anh thấy được tiềm năng từ những phiến đá, mớ rau ở xứ này. Nó xứng đáng với giá trị mà nó tự có. Cường tiếp tục diễn giải về tương lai rất gần của resot mình bằng lời lẽ rất say sưa: “Những khoảnh ruộng rau liệt dưới kia là không gian để cho khách thỏa thích ngắm, chụp ảnh và mua rau tại chỗ. Có thể những bó rau đó do du khách tự hái và làm thành bó. Khách có thể lội ruộng trải nghiệm làm nông dân. Và khi đó, bó rau liệt không còn là thứ rẻ như cho nữa. Giá nó có thể gấp vài lần, thậm chí cả chục lần”.

 

Chúng tôi kỳ vọng về một ngày mới, ít nhất trong mùa xuân năm nay, những thứ mà Cường đang ấp ủ sẽ sớm tượng hình. Để có một sản phẩm du lịch hoàn hảo và đáng đồng tiền bát gạo để kéo khách về đây thì rất cần sự kết nối, liên kết các điểm và đồng bộ chúng. Những người như Cường, Huê và hàng trăm người dân hiếu khách ở Gio An e rằng chưa đủ. Nhưng đó là tín hiệu tốt khởi đầu cho sự vực dậy một vùng đá tưởng chừng ngủ mê trên ngàn năm lịch sử.

TAGS

Hạt ngọc trên đất cằn

Tân Nguyên |

Khi PGS Trần Đăng Xuân, Trưởng Phòng thí nghiệm Sinh lí thực vật và hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) công bố gạo hữu cơ Quảng Trị đạt 545 chỉ tiêu chất lượng, đặc biệt là phát hiện ra hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B trong gạo có tác dụng chống bệnh gout, tiểu đường, béo phì đã gây ngỡ ngàng với nhiều người bởi không ai ngờ rằng hạt gạo trên đất cằn Quảng Trị rồi có một ngày được trân quý hơn vàng.

Lời thì thầm của núi

Phan Tân Lâm |

Miền tây Quảng Trị, dưới chân những ngọn núi quanh năm sương giăng mây phủ, giữa đại ngàn xanh thẳm, bên những dòng suối bốn mùa rì rào thác đổ là bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô.

Đúc chuông đánh ở xứ mình

Hoàng Phúc Lộc |

Quả chuông chùa từ lâu đã không còn là pháp khí riêng của nhà chùa mà trở thành một vật thân thuộc với người dân trong vùng. 

“Gia tài” của Kôn Pruôi

Hoàng Tiến Sỹ |

Buổi chiều nghiêng nắng lên bản Cu Tài 1, xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị), không gian tĩnh lặng đến nỗi nghe rõ tiếng mây đang trườn qua núi, ôm lấy bản làng.