Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng đồng bộ, cơ chế thông thoáng, đặc biệt là sự cam kết của lãnh đạo chính quyền địa phương với phương châm “đến tận nhà, gõ tận cửa” để mời chào, kêu gọi đầu tư, Quảng Trị đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nướ
Ngành công nghiệp khí tỉnh Quảng Trị vừa ghi dấu ấn đột phát khi triển khai khởi công gần 30 công trình, dự án (DA) trọng điểm với tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng. Đây được xem là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của địa phương trong công tác thu hút đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang đến đầu tư góp phần vào sự tăng trưởng thu hút vốn đầu tư của tỉnh. Trong đó, lĩnh vực năng lượng thu hút vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 10.000 tỷ đồng trong năm 2019 như: Nhà máy điện gió Gelex 1, 2 và 3 với tổng vốn đầu tư gần 3.660 tỷ đồng, Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 và Gio Thành 2, tổng vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng…
Vùng biển Mỹ Thủy, DA Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1, công suất 1.320MW đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Cty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGTi) làm chủ đầu tư, dự án này dự kiến khởi công vào cuối năm 2019 và phát điện tổ máy đầu tiên vào năm 2021; DA Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 2, công suất 1.200 MW đang hoàn tất các thủ tục có liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và DA nhà máy Tuabin khí hỗn hợp Quảng Trị, công suất 340MW đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho Tập đoàn Gazprom làm chủ đầu tư.
Đặc biệt, DA xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy (xã Hải An, huyện Hải Lăng) Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng.
Có nhiều yếu tố để nhà đầu tư đến với Quảng Trị, trong đó việc đẩy mạnh xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng tại các KKT, KCN, tạo quỹ đất lớn là một yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng bến cảng Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng), Cửa Việt đã mở ra những tín hiệu tốt để nhà đầu tư kỳ vọng tìm đến.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tiếp đón các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư. Ảnh: P.VMôi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện rõ rệt. Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã có 56 DA được cấp chủ trương đầu tư với tổng số vốn 33.579 tỷ đồng, tăng 32 dự án và hơn 30.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến cả năm 2019 sẽ cấp phép đầu tư cho khoảng 70 DA đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 45.000 tỷ đồng. Địa phương cũng đã tranh thủ được nguồn vốn ODA, phối hợp để vận động các dự án NGO để tăng thêm nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
“Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, cùng với sự phát triển chung của khu vực thì đây là thời điểm “chín muồi” để Quảng Trị bứt phá. Lâu nay lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chỉ mang tính chất nghiên cứu, thì nay nhà máy điện mặt trời trên địa bàn đã đi vào hoạt động và có hiệu quả. Ngoài ra, Quảng Trị có vùng nguyên liệu rất lớn, trong đó rừng nguyên liệu có diện tích lớn, đa chủng loại đã thu hút các nhà máy chế biến gỗ, lâm sản trong chuỗi cung ứng sản phẩm” - ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết.
Tại buổi làm việc với Sở KHĐT Quảng Trị mới đây, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho rằng: Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã thấy được tiềm năng, thế mạnh cũng như khát vọng vươn lên của tỉnh Quảng Trị và họ sẵn sàng đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, vì vậy Sở KH&ĐT phải là đơn vị làm gương cho các đơn vị sở, ngành khác trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Trị thực sự thông thoáng, minh bạch…