Những khó khăn thực tế về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư của Lào sẽ tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với Doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Lào như sau:
– Về cơ chế chính sách: Cơ chế chính sách của Lào còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán giữa TW và địa phương ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; Chính phủ Lào chưa có chính sách hỗ trợ/ưu đãi đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; thủ tục hành chính tại Lào chưa cải thiện (cấp phép đầu tư còn chậm, nhất là DA trong lĩnh vực nông, lâm, nghiệp, thủ tục còn phiền hà nhất là trong cấp đất, ký hợp đồng thuê đất, chuyển nhượng đất cho DA); Chính sách hoàn thuế của Lào còn chậm, các loại thuế còn cao (thuế thu nhập, thuế nhà thầu, thuế dịch vụ phần mềm, thuế chuyển cổ tức/lợi nhuận ra nước ngoài…)
– Quy hoạch sử dụng đất chưa hoàn thiện: Quỹ đất Lào chưa rõ ràng về quản lý dẫn đến một số DA đất được cấp trùng với đất của dân gây tranh chấp hoặc đang triển khai bị CP Lào yêu cầu dừng do nằm trong vùng rừng cấm cần bảo hộ hoặc thuộc vùng có tài nguyên trong khi CP Lào chưa có biện pháp xử lý, bồi hoàn cho DN hoặc tìm vị trí khác giao lại cho DA.
– Mặt bằng lãi suất còn cao so với khu vực; giá vật tư, nguyên vật liệu, nhiên liệu cao (xăng dầu, phân bón…); tỷ giá giữa tiền VN và tiền Kíp Lào chênh lệch cao đã đẩy chi phí dự án tăng.
– Khó khăn về quy định hạn chế lao động nước ngoài của Lào, trong khi lao động tại thị trường Lào chưa đáp ứng cả về số lượng, chất lượng. Chi phí thủ tục visa, thẻ lao động cao, thủ tục XNK, thủ tục đăng ký tạm trú cho lao động nước ngoài…còn phức tạp (phí visa, thẻ LĐ, cư trú…, thuế thu nhập tính bình quân LĐ nước ngoài phải nộp cho CP Lào 18% đến 20% mức thu nhập, tỷ lệ nộp CP Lào còn cao so với khu vực).
– Việc hạn chế và thắt chặt xuất khẩu khoáng sản của Lào cũng gây khó khăn cho các DA khoáng sản của DNVN tại Lào.
– Quy định về vốn đăng kí kinh doanh còn quá cao gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và lao động tự do của VN tại Lào.
– Đối với các DA Nông nghiệp: Bất cập giữa chính sách kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với chính sách hạn chế cấp đất đối với trang trại nông nghiệp (Chỉ được cấp tối đa 100 ha đất cho một DA); việc cấp giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực Nông – Lâm – Nghiệp chưa hợp lý (cấp mỗi năm một lần) cũng gây phiền hà cho các nhà đầu tư.
– Đối với lĩnh vực năng lượng, khai khoáng: Một số quy định về thời gian thực hiện khảo sát, thăm dò, thiết kế…trong một số lĩnh vực thủy điện, khai khoáng chưa phù hợp với thời tiết; khí hậu Lào (tại Lào trong 8 tháng mùa mưa các DA không thể triển khai được) dẫn đến nhiều DA trong các lĩnh vực này phải xin gia hạn nhiều lần;
Các văn bản hướng dẫn dưới Luật (nghị định, thông tư…) chưa đầy đủ dẫn đến việc thực thi các điều khoản luật còn gặp bất cập như: phí chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất đối với các dự án thủy điện, khai khoáng chưa phù hợp với thực tế (15.000 Kíp/m2), quá cao nếu doanh nghiệp phải chi trả khoản tiền cho diện tích cần chuyển đổi mục đích từ đất rừng sang rừng sản xuất (vì thường các dự án này chiếm diện tích rất lớn đến hàng chục km2).
– Các thủ tục XNK: còn phức tạp, phiền hà; việc triển khai áp dụng cơ chế 1 cửa 1 điểm dừng chưa hiệu quả, còn nhiều bất cập (giấy phép liên vận chưa thống nhất mẫu kể cả nội dung và cơ quan ký; còn tồn tại nhiều lần kiểm tra hàng cho cùng một lô…); thuế, phí trong XNK chưa rõ ràng, chưa được niêm yết công khai và còn tồn tại việc thu các phụ phí không có trong quy định cũng gây khó khăn cho DN.
– Hạ tầng tại nhiều cặp cửa khẩu yếu, chưa được quan tâm đầu tư, chưa có khu vực kiểm tra chung (mặt bằng), thiết bị chưa được nâng cấp. Phía Lào còn tồn tại giấy phép con (Đối với Quota cấp tỉnh thì mỗi lần nhập khẩu đều phải xin giấy phép con 1 lần; Thời hạn xin cấp giấy phép con thường là 1 tháng đã gây không ít khó khăn cho DN).
Khó khăn của DNVN trong một số lĩnh vực:
– Lĩnh vực tài chính ngân hàng: Cơ chế công bố thông tin của hệ thống ngân hàng còn chậm và hạn chế. Chính sách Lào chưa cho phép các DA dùng tài sản đầu tư tại Lào thế chấp cho tổ chức tín dụng tại Lào, nước ngoài nên DNVN rất khó khăn trong thu xếp tài chính triển khai các DA, trong khi các ngân hàng ở Lào hầu hết quy mô nhỏ không đáp ứng lượng vốn cần thiết cho các DA nhất là DA lớn, dẫn đến hầu hết các DA của DNVN tại Lào bị thiếu vốn; chưa có đơn vị giám sát, quản lý việc sử dụng ngoại tệ trong khi nguồn cung ngoại tệ cho các NHTM còn thiếu và chưa hợp lý; Các thủ tục xử lý tài sản khi có phát mại, tranh chấp còn chậm, phức tạp. Phí đăng ký giao dịch đảm bảo tại Sở nhà đất còn cao. Các phòng giao dịch chưa được phép thực hiện nhiệm vụ tín dụng gây khó khăn và tốn kém chi phí; tỷ giá ngoại tệ chênh lệch, biến động mạnh giữa hệ thống ngân hàng và thị trường tự do (LAK, USD…).
– Các vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng:
+ Quy hoạch về diện tích rừng phòng hộ tại Lào chưa thống nhất giữa trung ương và địa phương; Lào chưa có quy hoạch phân loại đất nên việc giao đất mất rất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
+ Trong lĩnh vực bất động sản, còn có sự phân biệt đối với dự án BĐS do doanh nghiệp nước ngoài thực hiện như cùng việc bán nhà cho người Lào – ngoài dự án không xác định thời hạn, nhưng trong DA xác định thời hạn dẫn đến DA thiếu thị trường.
– Thị trường bảo hiểm tại Lào còn đơn giản, thiếu hành lang pháp lý và các quy định chuẩn hoá theo thông lệ kinh doanh và quản lý bảo hiểm.
– Các dự án trồng và khai thác cây cao su: CP Lào ban hành chỉ thị và thông báo về dừng cấp phép tô nhượng đất trồng cây cao su và cây công nghiệp đã gây khó khăn cho các DNVN trong việc mở rộng diện tích trồng cây theo quy mô của dự án. DNVN còn gặp khó khăn trong thủ tục xuất khẩu gỗ cao su (cần có giấy xác nhận gỗ rừng trồng, chi phí làm thủ tục cấp giấy xác nhận rất cao).
Những vấn đề khó khăn từ phía các doanh nghiệp Việt Nam
– Năng lực, sức cạnh tranh của DNVN đầu tư vào Lào còn hạn chế dẫn tới việc chậm triển khai các dự án đã cam kết, làm ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh DNVN tại Lào. Đầu tư của DNVN vào Lào có biểu hiện chững lại, tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký của DNVN tại Lào thấp. Một số dự án đầu tư nhất là các dự án trọng điểm trong lĩnh vực thủy điện, khai khoáng, cao su đang gặp khó khăn do thiếu vốn và cạnh tranh gay gắt trong hoạt động đầu tư vào Lào (trong những năm gần đây, các nước như Trung Quốc, Thái Lan cũng gia tăng đầu tư vào Lào, cạnh tranh trong các lĩnh vực mà các DNVN tham gia như khai thác khoáng sản, sản xuất điện, nông nghiệp, dịch vụ…);
– Một số DNVN tại Lào còn chưa tìm hiểu rõ về quy định pháp luật, cơ chế chính sách tại Lào; vẫn còn DNVN vi phạm pháp luật tại Lào: tham gia các hoạt động khai thác gỗ trái phép, khai thác khoáng sản trái phép.
Trích phát biểu của ông Nguyễn Bá Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Lào, trình bày tại buổi tọa đàm chủ đề “Thực trạng, triển vọng kinh tế Lào và những tác động đến doanh nghiệp Việt Nam tại Lào” do Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào tổ chức tháng 10/2019.
(Nguồn: Tạp chí Việt Lào)