Cuối năm 2006 với sự hỗ trợ của Nhật Bản, cây cầu hữu nghị bắc qua sông Mê Kông nối Mukdahan (Thái Lan) và Savannakhet (Lào) hoàn thành đã thông thương toàn bộ tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC).
Với sự ra đời của cây cầu này, hạ tầng giao thông EWEC cơ bản hoàn thành, tạo điều kiện đưa EWEC trở thành hành lang kinh tế đi vào hoạt động sớm nhất trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS). Trong tất cả thuận lợi về các mặt kinh tế- xã hội do EWEC mang lại, sự kết nối giao thông toàn bộ Hành lang kinh tế Đông- Tây đã góp phần khai mở tuyến du lịch đường bộ hấp dẫn liên kết các địa phương thuộc các nước trên EWEC, đem lại hiệu quả về nhiều mặt.
Đến, trò chuyện cùng những câu chuyện bất khuất
Nhiều dịp gặp gỡ những nhà tổ chức, quản lí chuyên nghiệp trên lĩnh vực du lịch của các nước trên EWEC, câu hỏi mà họ đưa ra cho chúng tôi là “gia tài’ Quảng Trị có gì để cùng nhau hợp tác, liên kết, phát triển du lịch, đem lại hiệu quả và bền vững? Chúng tôi đã trả lời với các bạn rằng, Quảng Trị là một mảnh đất hết sức đặc biệt, tiềm ẩn nhiều giá trị lịch sử và chiều sâu văn hóa dày dặn. Du khách cần đến, sống, trải nghiệm và lúc đó, tự mỗi người sẽ rút ra được những câu chuyện cho mình.
Khác với các địa phương có các di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới được hình thành từ sự hòa quyện tuyệt vời giữa cảnh quan và lịch sử, văn hóa như cố đô Huế, thâm trầm và đẳng cấp như Nhã nhạc Cung đình Huế; bởi phong cảnh thiên nhiên kì vĩ và huyền ảo như Phong Nga- Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng (Quảng Bình); bởi các giá trị văn hóa độc đáo có từ hàng trăm năm trước như đô thị cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam); hay nét trầm mặc của cố đô Sukhothai (trên lãnh thổ Thái Lan), cố đô Vesali (trên lãnh thổ Myanmar)… giá trị tài nguyên di tích lịch sử, văn hóa Quảng Trị nằm ở chiều sâu, tầm cao là lương tri, đạo lí, là “cõi thiêng” trong tâm thức mỗi một người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, được hình thành từ cuộc chiến đấu gian khổ chống lại kẻ thù xâm lược, từ máu, mồ hôi, nước mắt và sự anh dũng vô song của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thế kỉ XX là trang sử bi hùng và rực rỡ nhất gắn liền với sự nghiệp chống Mỹ, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân ta. Dấu ấn của một thời oanh liệt đã để lại trên đất Quảng Trị là một hệ thống di tích chiến tranh cách mạng đồ sộ và độc đáo. Với 602 di tích/cụm di tích lịch sử văn hóa và danh thắng đã được công nhận (xếp hạng), trong đó có 479 di tích được công nhận cấp tỉnh, 33 di tích/ cụm di tích được công nhận cấp quốc gia và đặc biệt quan trọng của quốc gia. Trong số 602 di tích trên địa bàn tỉnh, có đến 442 di tích thuộc loại hình lịch sử với đa phần là di tích lịch sử cách mạng (chiếm 85%). Đặc biệt, cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải; cụm di tích Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ và di tích Địa đạo Vịnh Mốc- hệ thống làng hầm Vĩnh Linh đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.
Bên cạnh đó, Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hàng vạn người con ưu tú khắp mọi miền đất nước hi sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc; có Đường 9- Khe Sanh, Sân bay Tà Cơn, Hàng rào điện tử Macnamara, đảo Cồn Cỏ, Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại... Hệ thống di tích chiến tranh ở Quảng Trị phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và có tầm cỡ về nội dung mà không một địa phương nào trong cả nước có được...
Quảng Trị là nơi từng bị chia cắt hai miền NamBắc trong hơn 20 năm, nơi hội tụ khát vọng đoàn tụ, thống nhất của cả dân tộc, được nâng lên thành biểu tượng khát vọng hòa bình của toàn nhân loại. Do vậy, Quảng Trị được đánh giá là bảo tàng sinh động nhất, có ý nghĩa dân tộc và thời đại về chiến tranh cách mạng, luôn mang trong mình khát vọng hòa bình, thống nhất. Bên cạnh đó, Quảng Trị là vùng đất của những lễ hội dân gian tiêu biểu như lễ hội đua thuyền, cướp cù, chợ Đình Bích La; lễ hội mang màu sắc tôn giáo, dân tộc như lễ Phật Đản của Phật giáo và kiệu La Vang của Thiên Chúa giáo, Arieuping- mừng lúa mới của người đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Quảng Trị...
Đặc biệt những năm qua, Quảng Trị đã tổ chức thành công, tạo tiếng vang lớn với các lễ hội mang ý nghĩa sâu sắc, tiêu biểu là Lễ hội Thống nhất non sông, lễ hội Tri ân tháng Bảy, lễ hội văn hóa- du lịch Nhịp cầu Xuyên Á... Những làn điệu dân ca Bình Trị Thiên, hò Chèo Cạn, hò Như Lệ, hò đưa linh... những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp của đất lành Quảng Trị từ lâu đã có sức quyến rũ du khách, làm phong phú thêm những hoạt động du lịch, quyết định cho sự hình thành sản phẩm du lịch.
Từ lợi thế, tiềm năng này, Quảng Trị đã xây dựng các chương trình du lịch độc đáo như:”Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, du lịch hồi tưởng, du lịch tâm linh... trở thành mắt xích quan trọng trong các chương trình du lịch tiếp nối như: Du lịch trên Hành lang kinh tế Đông- Tây “Một ngày ăn cơm ba nước”; “Con đường Di sản miền Trung”; “ Con đường huyền thoại”, du lịch caravan và các chương trình du lịch tiêu biểu khác kết nối với các chương trình du lịch đang được triển khai tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Đến với Quảng Trị, du khách sẽ có dịp sống, trải nghiệm với những câu chuyện bất khuất của con người và vùng đất một thời lửa đạn. Người Quảng Trị cùng cả nước đã chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc mình và cũng vì phẩm giá con người, vì khát vọng hòa bình cao cả của nhân loại.
Trong quá trình hội nhập, có thể thấy bên cạnh lượng khách đến từ trong nước và nước ngoài khá ổn định như lâu nay, lượng khách du lịch quốc tế đến Quảng Trị phụ thuộc rất lớn vào tuyến đường bộ xuyên Á trên Hành lang kinh tế Đông-Tây. Lượng du khách này luôn có nhu cầu tìm hiểu về những giá trị độc lập, tự do thông qua của các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm oanh liệt của nhân dân ta. EWEC còn mở đường ra biển cho người dân thuộc các tỉnh, thành phố và các nước không có biển, cung cấp hải sản và dịch vụ ẩm thực, nghỉ dưỡng từ biển.
Nhờ thuận lợi trong giao thông, các nước trong khu vực EWEC có thêm nhiều cơ hội và lợi thế phát huy tiềm năng của mỗi nước và của khu vực để phát triển du lịch do tính chất vừa thống nhất, vừa tương đồng nhưng cũng rất đa dạng, phong phú về các loại hình du lịch: Di sản, di tích lịch sử, văn hóa, sinh thái… Do đó, vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp để phát huy những giá trị to lớn của các di tích lịch sử cách mạng và tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch biển tại Quảng Trị để tiếp tục tạo sức thu hút mạnh mẽ đối với những thế hệ mới, những đối tượng khách du lịch mới trên EWEC.
Đón đầu từ du lịch biển và Festival “Vì hòa bình”
Trong bản đồ du lịch của Việt Nam và quốc tế, Quảng Trị được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch biển. Đối với các nước trên EWEC, Quảng Trị là lối mở ngắn nhất nối Myanmar, Thái Lan, Lào ra biển Thái Bình Dương. Có một điều thú vị là, những di tích lịch sử cách mạng của tỉnh đều gần biển và kết nối thuận tiện với dịch vụ du lịch biển. Khởi hành từ thành phố Đông Hà vào buổi sáng, du khách có thể ngược Quốc lộ 9 đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, theo đường Hồ Chí Minh thăm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, xuôi về cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, ra Địa đạo Vịnh Mốc và sử dụng dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực tại bãi tắm Cửa Tùng, Vĩnh Linh.
Đến với biển Cửa Việt, du khách không chỉ trải nghiệm không gian trong lành, hải sản tươi ngon, người dân mến khách mà còn được sống lại kí ức hào hùng của miền đất này đã làm nên trận Bạch Đằng trên sông Hiếu, chiến thắng Cửa Việt năm 1973… Khi kết thúc tham quan Khu di tích Thành Cổ Quảng Trị, du khách có thể tiếp tục hành trình đến thăm Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn và thưởng thức hải sản, tắm biển Triệu Lăng hết sức thuận tiện. Bãi biển Mỹ Thủy, nơi có “trái tim” của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trong tương lai, truyền kì về sự tích anh hùng của người con gái quê biển Trần Thị Tâm vẫn luôn được nhắc nhớ…
Du lịch được xác định là ngành “công nghiệp không khói” mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và có tính bền vững cao. Chính vì vậy, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành các chính sách về phát triển du lịch mang tầm chiến lược, tạo điều kiện giúp kinh tế du lịch phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế và sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó chủ động hợp tác, liên doanh, liên kết du lịch với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước, nhất là các tỉnh trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây là một hướng mở đang được quan tâm.
Có thể thấy, phạm vi không gian phát triển du lịch EWEC gồm các tỉnh: Mawlamyine, Myawady (Myanmar); Mae Sot, tak, Phisanulok, Khon kaen, Nakhon Phanom, Kalasin, Mukdahan (Thái Lan 7 tỉnh); Savannakhet, Champasak, Salavan (Lào 3 tỉnh) và Việt Nam 5 tỉnh, thành, phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Khu vực EWEC là nơi tập trung nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên, lịch sử, nhân văn. Nơi đây có các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, nhiều bãi biển đẹp, khí hậu trong lành dọc đường bờ biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam trên lãnh thổ Việt Nam, từ Mawlamyine đến Myawaddy trên lãnh thổ Myanmar thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển, nghỉ cuối tuần. Bên cạnh đó, khu vực này còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhiều làng nghề truyền thống, nhiều lễ hội, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc thuộc khu vực Đông Nam Á. Để đón đầu du lịch biển gắn với khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, ở tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều công trình, cơ sở hạ tầng quan trọng.
Căn cứ quy hoạch tổng thể, việc quy hoạch các khu, điểm du lịch tiêu biểu được triển khai chi tiết tại các địa phương để khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Ở Vĩnh Linh có các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như Rú Lịnh, biển Vĩnh Thái, Mũi Trèo - Rú Bàu, biển Cửa Tùng, Cửa Tùng - Địa đạo Vịnh Mốc, hồ Bảo Đài; Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Huyện Gio Linh có các khu dịch vụ du lịch biển Cửa Việt, Cửa Việt- Cửa Tùng. Hướng Hóa có các khu du lịch thác Ồ Ồ, Tân Độ - Khe Sanh, hồ Rào Quán. Đakrông có Khu du lịch sinh thái Đakrông, du lịch cộng đồng suối nước nóng Klu. Triệu Phong có Khu du lịch dịch vụ ven biển Triệu Lăng, hồ Ái Tử. Hải Lăng có Khu du lịch sinh thái trằm Trà Lộc, du lịch dịch vụ ven biển Hải Khê. Huyện đảo Cồn Cỏ có Khu du lịch đảo Cồn Cỏ.
Hiện Khu đô thị sinh thái biển AE Resort Cửa Tùng đang trong quá trình xây dựng với diện tích khoảng 36ha, trải dài 1,2 km bờ biển với tổng mức đầu tư thực tế lên đến 1.700 tỉ đồng. Dự án được quy hoạch đa dạng với 4 phân khu chính bao gồm: Khu biệt thự nghỉ dưỡng; khu shophouse; khu condotel; khu tiện ích bờ biển. Bên cạnh đó còn có các hạng mục sân chơi bóng đá, sân tenis, beachclub, khu vui chơi và thể thao bãi biển; khu tổ chức các lễ hội ẩm thực đường phố, công viên đại dương…
Dự kiến đến năm 2021 dự án sẽ hoàn thành. Đây là một trong những dự án trọng điểm với mục tiêu mang đến cho khách du lịch không gian nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch biển và lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng tại tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Vĩnh Linh nói riêng. Ngoài ra, huyện Vĩnh Linh đang tập trung khai thác địa danh Mũi Trèo thuộc xã Vĩnh Kim, một điểm du lịch dã ngoại mới thu hút sự chú ý của khách du lịch. Đầu năm 2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn Pacific Health Care đã đề xuất dự án quy hoạch phân khu đầu tư điểm du lịch Mũi Trèo - Rú Bàu trên tổng diện tích 215 ha…
Theo thống kê, trong 3 năm từ 2017 đến 2019 lượng khách du lịch đến Quảng Trị có nhịp tăng trưởng tương đối nhanh. Tính đến tháng 10/2019, tổng lượng khách đến tham quan lưu trú tại Quảng Trị ước đạt hơn 2 triệu lượt, tổng doanh thu kinh doanh du lịch xã hội ước đạt hơn 1.700 tỉ đồng, tăng 9,7% so với năm 2018; trong đó, doanh thu lưu trú và lữ hành của các doanh nghiệp du lịch chuyên ngành ước đạt 460 tỉđồng, tăng 11,5%. Lượng khách đến lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn TP. Đông Hà tăng mạnh so với năm 2018, công suất phòng đạt 85%, các khu vực biển có nơi đạt công suất 100% là một tín hiệu đáng mừng.
Vừa qua, được sự chỉ đạo của tỉnh, Sở Văn hóaThể thao và Du kịch đã xây dựng đề án Festival “Vì hòa bình”. Mục tiêu của việc tổ chức festival chính là xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất từng bị hủy diệt khốc liệt bởi chiến tranh. Đây sẽ là một sự kiện văn hóa lớn, không chỉ mang ý nghĩa đối với quốc gia mà còn đối với cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình. Festival cũng là dịp tưởng niệm, tri ân những người đã hi sinh cho hòa bình và kêu gọi các dân tộc đoàn kết bảo vệ hòa bình.
Có thể thấy, nếu các chính sách về phát triển du lịch của tỉnh đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, trong đó việc hợp tác, liên doanh, liên kết du lịch với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước, nhất là các tỉnh trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây đem lại hiệu quả; xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian hòa bình gắn với đề án Festival “Vì hòa bình” thành công thì chỉ tiêu ngành Du lịch phấn đấu đến năm 2025 thu hút 3.250 nghìn lượt khách du lịch đến Quảng Trị, trong đó có 550.000 lượt khách quốc tế và 2,7 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 6.553 tỉ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 13,6%/năm sẽ sớm trở thành hiện thực.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)