Gieo ước mơ ở thung lũng Silicon

Trương Quang Hiệp |

Từ quê hương Quảng Trị, Nguyễn Hải Thạch đã vươn đến nước Mỹ xa xôi và tìm được một công việc mơ ước tại thung lũng Silicon. Nơi đây, ngày ngày Hải Thạch miệt mài cống hiến và ấp ủ hoài bão lớn.

Hải Thạch nhận hoa của đại diện Câu lạc bộ Kiến tạo trẻ (LeQinsiDer). Ảnh: Q.H
Hải Thạch nhận hoa của đại diện Câu lạc bộ Kiến tạo trẻ (LeQinsiDer). Ảnh: Q.H

Thắp đuốc mà đi

Nguyễn Hải Thạch (sinh năm 1989) trở về thăm quê trong những ngày tiết trời se se lạnh. Thế nhưng, trái tim Thạch cảm thấy ấm áp lạ lùng. Đồng hành với anh trong chuyến hồi hương lần này là người vợ trẻ từng chung trường thời đại học ở Mỹ. Nghe tin Thạch trở về, nhiều người ghé thăm. Ai cũng vui khi thấy cậu bé suốt ngày cắm cúi vào chiếc máy tính hôm nào nay đã trưởng thành nhưng vẫn giữ nụ cười hiền và ánh nhìn ấm áp. Trước đây, những người thân thiết đều tin có ngày Thạch “làm nên chuyện” nhưng không ngờ cậu bước chân được vào trường đại học ở Mỹ, rồi tự thân vận động tìm được một công việc yêu thích tại thung lũng Silicon, nơi tập trung các công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Là con trai thứ hai trong một gia đình có ba anh em ở Khu phố 3, Phường 1, thành phố Đông Hà (Quảng Trị), từ nhỏ Nguyễn Hải Thạch đã được ba mẹ nhắc nhủ phải biết sống tự lập. Ba mẹ thường nói với Thạch, không ai có thể soi đường, dẫn lối mãi cho mình mà cần phải tự thắp đuốc mà đi. Lời dạy của mẹ cha theo Thạch khôn lớn từng ngày. Không chờ ai thúc giục, cậu luôn tự giác trau dồi kiến thức, kỹ năng. Niềm đam mê lớn nhất đối với Thạch chính là tin học. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu đã tự viết ra một số phần mềm game online khiến bạn bè thán phục. Là học sinh lớp chuyên Toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhưng Thạch dành phần lớn thời gian cho môn Tin học. Cậu ấp ủ ước mơ một ngày đặt chân đến giảng đường ở nước Mỹ xa xôi.

Chính đam mê đã thôi thúc Nguyễn Hải Thạch có những quyết định táo bạo. Sau khi đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội và ngồi ghế giảng đường nửa năm, Thạch quyết định nghỉ học. Cậu muốn dành thời gian để vừa học, vừa làm và chuẩn bị hồ sơ xin đi du học ở Mỹ. Quyết định ấy vấp phải sự phản đối của không ít người. Không ai ngờ với 5 bộ hồ sơ gửi đi, cánh cửa của 3 trường đại học ở Mỹ đã mở ra cho Thạch. Không cân nhắc, chàng trai bản lĩnh chọn chuyên ngành khoa học máy tính, Đại học Drexel để gửi gắm giấc mơ. Thạch biết, từ năm 2 trở đi, sinh viên của ngôi trường này được tạo điều kiện đi học 6 tháng, nửa năm còn lại có thể thử thách mình tại các đơn vị, doanh nghiệp. Đây là cơ hội để cậu kiếm tiền, lo liệu phần nào chi phí học hành.

Hải Thạch (phía ngoài cùng, tay phải) cùng bạn bè tham gia một sự kiện công nghệ. Ảnh: NVCC
Hải Thạch (phía ngoài cùng, tay phải) cùng bạn bè tham gia một sự kiện công nghệ. Ảnh: NVCC

Học ở một đất nước mới chưa bao giờ là việc đơn giản mà rào cản đầu tiên là ngôn ngữ. Những ngày mới sang Mỹ, Thạch rất hoang mang vì không thể hiểu bài giảng. Cậu bất đắc dĩ trở thành “cái bóng mờ nhạt” trên giảng đường. Mất gần 2 tháng trau dồi, Thạch mới tự tin giao tiếp với mọi người. Nỗi nhớ quê hương, gia đình cũng là thách thức không nhỏ đối với những du học sinh như Thạch. Mỗi lần đi trên phố, cậu chỉ ước sao được gặp một người Việt Nam để vơi nỗi nhớ mong. Chính sự tự lập từ bé đã giúp Thạch vượt qua mọi khó khăn và cả những phút yếu lòng để chuyên tâm học tập.

Từ được xem là “cái bóng mờ nhạt”, Hải Thạch bắt đầu gây chú ý với những thành tích mà nhiều sinh viên Mỹ và các quốc gia khác ao ước. Năm 2011, với sản phẩm mang công nghệ mang tên HangPlan, cậu giành giải Nhì cuộc thi “Khởi nghiệp cuối tuần” của thành phố Philadelphia. Năm 2012, tranh thủ thời gian nghỉ, cậu về nước, đầu quân cho công ty một người anh, tham gia phát triển sản phẩm TimBox (mạng xã hội trên điện thoại của Việt Nam). Sản phẩm này sau đó được mang sang Mỹ tham dự triển lãm khởi nghiệp Techcrunch Disrupt tổ chức tại San Francisco. Năm 2014, trong một cuộc thi lập trình của thành phố Philadelphia, Thạch xuất sắc đoạt giải “Sản phẩm tài năng tạo ra bởi sinh viên”. Ngoài ra, cậu còn cùng những người bạn tham gia nhiều sự kiện lập trình lớn khác. Đây là những trải nghiệm quý giá đối với Thạch.

Tìm lối đi riêng

Trong buổi chuyện trò truyền cảm hứng cho các bạn học sinh, sinh viên Quảng Trị do Câu lạc bộ Kiến tạo trẻ (LeQinsiDer) tổ chức tại thành phố Đông Hà, ngồi “ghế nóng” cùng một số bạn trẻ tài năng khác, Nguyễn Hải Thạch để lại dấu ấn với những chia sẻ rất thật, đi thẳng vào vấn đề, súc tích, đôi khi khác biệt. Ít khán giả ngồi trong hội trường biết, giữa đời thường, Thạch là người hay gây bất ngờ. Điều đó thể hiện ngay ở những quyết định, lựa chọn “ít giống ai”, rất táo bạo trong đời cậu.

Những tháng cuối cùng trên giảng đường Đại học Drexel, nhiều người gửi lời chúc mừng khi hay tin Nguyễn Hải Thạch nắm chắc “chiếc vé” đến thung lũng Silicon. Đó là điều mà hầu như sinh viên xuất sắc nào ở trường cũng mơ ước. Mọi người đều khẳng định, thành quả ấy xứng đáng cho tài năng và sự nỗ lực của Thạch. Tuy nhiên, điều duy nhất khiến bạn bè đặt dấu chấm hỏi là tại sao trước nhiều lựa chọn, Thạch lại quyết định vào làm tại Imo.im - một công ty mới thành lập, chưa nổi danh như những “ông lớn” khác? “Có nhiều lý do để Thạch chọn công ty này. Thứ nhất, người sáng lập ra công ty là một trong 5 nhân viên đầu tiên của Google. Thứ hai, qua trò chuyện, Thạch thấy người phỏng vấn mình rất giỏi và cũng “máu” tham gia các cuộc thi lập trình. Thứ ba, mình rất tâm đắc khi công ty chọn hướng đi vì cộng đồng. Đặc biệt, những trải nghiệm của bản thân trước đó đã mách bảo mình đi đến quyết định gắn bó với Imo.im”, Thạch lý giải.

Cũng như các bạn trẻ khác, Hải Thạch (ngồi phía tay trái) ấp ủ nhiều dự định, kế hoạch trong tương lai. Ảnh: NVCC
Cũng như các bạn trẻ khác, Hải Thạch (ngồi phía tay trái) ấp ủ nhiều dự định, kế hoạch trong tương lai. Ảnh: NVCC

Thực ra, từ lâu, Nguyễn Hải Thạch đã tính đến chuyện xin vào làm cho một công ty khởi nghiệp như Imo.im. Năm thứ 3 đại học, Thạch tìm hiểu, đi phỏng vấn và được nhận vào thực tập tại Amazon - một trong những công ty hàng đầu về công nghệ ở Mỹ. Qua 6 tháng thực tập, Thạch học được rất nhiều điều quý giá. Tuy nhiên, cậu cũng nhận ra, nếu vào làm việc ở đây, mình khó có thể bứt phá. Ở Amazon, mỗi nhân viên là một “mắt xích”. Vì đã có những chuyên gia hàng đầu hoạch định chiến lược nên họ phải làm đúng công việc được phân công. Sự sáng tạo đôi khi lại trở thành rào cản. “Đứng trên vai người khổng lồ thì rất thích nhưng Thạch thấy phù hợp hơn với những công ty mới thành lập hơn. Ở đó, mình có thể được thỏa thuê sáng tạo, làm nhiều mảng khác nhau, tự tin đưa ra chính kiến… Vì thế, đôi khi mình có thể làm được những việc mà bản thân cũng không ngờ tới”, Thạch nhìn nhận sâu sắc.

Ở thung lũng Silicon, một doanh nghiệp mới thành lập phải đứng trước nhiều sóng gió. Vì thế, công việc của Nguyễn Hải Thạch khá áp lực. Là kỹ sư, anh và đồng sự phải không ngừng vận động, sáng tạo mới có thể cạnh tranh với các “ông lớn” như: Google, Facebook… Điều khiến Thạch và các nhân viên khác của Imo.im rất vui mừng là sản phẩm IMO chat và gọi điện video trên điện thoại do anh em trong công ty làm ra gây ngạc nhiên với nhiều người. Từ con số 500 nghìn người sử dụng ban đầu, đến nay, sản phẩm đã được hơn 200 triệu người tin chọn. Cùng với nhiều thắng lợi gây bất ngờ khác, công ty Imo.im vừa được một tập đoàn lớn nhắm đến và mua lại. Từ đây, guồng quay công việc của Thạch càng nhanh hơn.

Đến giờ, Nguyễn Hải Thạch đã thực hiện được những ước mơ, dự định của mình trong học tập và công việc. Thế nhưng, chưa bao giờ chàng trai người Quảng Trị cho phép bản thân tự thỏa mãn. Sau những giờ làm việc cật lực, Thạch vẫn dành thời gian xây dựng những dự án riêng. Từ lâu, anh đã ấp ủ ước mơ về một công ty riêng, nơi nâng bước cho các bạn trẻ yêu công nghệ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cần có thêm một Khu Kinh tế cửa khẩu La Lay

Đan Tâm |

Sau khi thành lập và có bước khởi động tích cực của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, việc hướng đến xây dựng Khu thương mại chung xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan và đặc biệt là hình thành Khu kinh tế cửa khẩu La Lay đang đặt ra rất cấp thiết nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế các khu kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở những vùng còn nhiều khó khăn của tỉnh.

Phía tây Cam Lộ

Xuân Dũng |

Ngày xưa xứ Cùa xa xôi, diệu vợi và gần như biệt lập, xa hơn cả nơi mà Lê Qúy Đôn từng gọi là thượng du Cam Lộ là những thôn xóm ở trung tâm huyện lỵ Cam Lộ hiện nay, dưới chân đèo Cùa, còn có người gọi là đèo Con Cui.

Đời xà rê

Phạm Xuân Hùng |

Thời trẻ dại, máu trong người tôi luôn rần rật, thèm muốn những bước chân phiêu lãng, hòa châu thân vào thiên nhiên. Người dân vùng Cam Lộ thượng quê tôi đã có sẵn một thành ngữ để nói về cuộc sống như thế: “Đời xà rê”.

Gạo hữu cơ không chỉ dựa cơ trời

Cẩm Nhung |

Mùa hè năm 2017, ở thành phố Đông Hà, một hội nghị nông nghiệp quan trọng được tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, tổng giám đốc Công ty Đại Nam. Sau cùng, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Quảng Trị và Công ty Đại Nam đã cùng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo hướng hữu cơ, tạo sự phát triển bền vững cho nông nghiệp tỉnh nhà.