Đời xà rê

Phạm Xuân Hùng |

Thời trẻ dại, máu trong người tôi luôn rần rật, thèm muốn những bước chân phiêu lãng, hòa châu thân vào thiên nhiên. Người dân vùng Cam Lộ thượng quê tôi đã có sẵn một thành ngữ để nói về cuộc sống như thế: “Đời xà rê”.

 
. Ảnh:  Phan Tân Lâm 

Dẫn dắt dài dòng vì là tôi đang muốn nói về cái gọi là xà rê. Và trước khi kể chuyện xà rê tôi muốn mọi người biết đến dòng Hiếu giang quê tôi. Đó là dòng sông không lớn không nhỏ, ít người biết. Nhắc đến Quảng Trị thì hai danh giang Hiền Lương, Thạch Hãn đã quá nổi tiếng, chỉ có sông Hiếu vọng chút hồi quang mờ ảo từ những trang cổ sử như Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục… Nhưng đó lại là con sông gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu. Sông chảy từ miệt cao vùng Đakrông giữa hai bờ ghềnh đá lởm khởm, về vùng Cam Lộ thượng thì sủi bọt giữa những vạt rì rì xanh tốt hoặc lau trắng phất phơ. Từ chợ Phiên đổ về biển vùng Cam Lộ hạ, sông Hiếu còn có nhiều tên gọi khác như Cầu Đuồi, Đông Hà, Điếu Ngao, đến ngã ba Gia Độ thì sông Hiếu kết thúc cuộc chơi giang hồ, hợp lưu cùng dòng Thạch Hãn rồi đổ ra mênh mông Cửa Việt.Những năm hậu chiến, nhà tôi cách sông chưa đầy một cây số. Thời ấy ai cũng biết quá đói khổ, cơm độn khoai sắn còn chưa có thì chất đạm là nguồn dinh dưỡng quý giá, cần thiết nhất. Cũng may hồi đó sông còn nhiều tôm cá. Dụng cụ bắt cá ở quê tôi cũng như nhiều nơi khác nhưng xà rê thì tôi chưa thấy nơi nào có. Nó giống như cái đó hay ống lươn ở ngoài Bắc, ống trúm ở trong Nam, cũng làm bằng tre nhưng nhỏ gọn, dài chừng hơn gang tay người lớn. Đầu lớn của xà rê có đường kính khoảng 7 - 8 cm, ngay phần mép hình ống trụ các nan tre được bẻ gập vào trong tạo thành hình ống phễu ngoài to trong nhỏ. Ống phễu này chính là đường cá chui vào nhưng không thể chui ra bởi các hom tre nhọn hoắt chỉa ngược vào trong. Đuôi xà rê cũng hình ống đường kính khoảng hơn 2 cm, được nút bằng cùi bắp để khi xổ cá thì chỉ việc rút cùi. Tre dùng để đan xà rê là loại tre già hoặc cây đương (còn gọi là giang - một loại cây họ tre trúc mọc nhiều ở Quảng Trị) chất trên giàn bếp hun khói một thời gian đủ ngấm mới chẻ, vót ruột và đan. Đan xong, xà rê cũng phải treo giàn bếp cho bay mùi gỗ, mùi cây và để xà rê bền hơn khi ngâm nước. Xà rê đan dễ nhưng không phải ai cũng đan được, cả làng chỉ mươi người đan được xà rê đẹp. Chiếc xà rê đẹp nghĩa là thuôn dài, đều, các mối đan khít, miệng và đuôi tròn cân đối. Ngày xưa, mạ tôi là một trong những người đan xà rê đẹp nhất làng.

 
 Ảnh: Phan Tân Lâm 

Mạ tôi cũng là người dạy anh em tôi đặt xà rê. Thường những ngày nông nhàn mùa hè hanh hao, nóng nực bởi gió Lào, mạ dẫn mấy anh em tôi xuống sông Hiếu, tìm quãng sông vắng có thác nhỏ hoặc nước chảy săn, đây là nơi trú ẩn của cá bống, cá trơn, cá lấu cây, cá kiên, cá mát nhỏ… Đầu tiên, mạ cùng anh em tôi đi dọc bờ, lật từng viên đá để bắt loại ốc nhỏ như ốc đá (quê tôi cũng gọi ốc Lào, giống như gió Lào). Ốc sau khi bắt xong, kiếm một hòn đá phẳng đặt lên đó và dùng một viên đá khác đập dập rồi bụm từng vốc nhỏ bỏ vào xà rê. Khi bỏ thì rút cùi bắp phía đuôi bỏ vào rồi dùng cùi bắp nút lại. Xong, chia nhau mỗi người chừng 15, 20 cái mang ra đặt, vị trí đặt thì tùy nhưng kinh nghiệm đặt xà rê không nên gần bờ, không đặt chỗ sâu quá mà nên chọn giữa dòng, chỗ nước săn. Cách đặt là dùng tay moi cát dưới đáy tạo thành khoảng trống rồi đặt xà rê xuống và dùng đá đè phía bên trên. Mỗi chiếc xà rê ở miệng thường cột sợi dây lạt nối với một nhánh cây rì rì nhỏ nổi trên mặt nước để làm dấu. Khi đặt miệng xà rê phải xuôi hoặc hơi chếch theo dòng nước chảy vì cá bơi ngược nước nghe mùi tanh của mồi sẽ chui vào. Đặt xà rê theo “trộ”, mỗi trộ chừng hai mươi phút, thời gian vừa đủ để cá chui vào và mồi cũng nhạt mùi. Khoảng thời gian chờ dỡ trộ thì tiếp tục bắt ốc, đập dập và làm mồi sẵn cho trộ sau. Thường khoảng 5 - 6 trộ thì hết buổi, mọi người gom cá, tắm rửa và súc sạch xà rê.

Những năm đó sông còn nhiều tôm cá. Mỗi chiếc xà rê nếu trúng có khi vài chục con cá trơn, bống, kiên,… có khi chỉ một vài con nhưng là những chú lấu cây dài cả gang tay hoặc những chú tôm sông càng dài lêu nghêu. Nhiều buổi mạ và mấy anh em tôi đem về lưng mủng cá. Chuyện nấu cá, ăn cá sẽ kể dịp khác nhưng một điều chắc chắn những con cá bé nhỏ ngày đó đã thực sự góp phần nuôi sống cả xóm tôi, cả làng tôi.

Một điều tôi từng hỏi nhưng mạ tôi cũng không biết, đó là tên gọi xà rê có từ đâu? Nhớ có lần mạ nói người đồng bào Vân Kiều ở dọc các bản làng ven sông Hiếu cũng không có xà rê. Nhưng họ lại có dụng cụ đơm cá hình dạng giống chiếc đó của người Kinh gọi là xà rù. Sau này, có chút chữ nghĩa rồi làm cái nghề xê dịch khắp chốn tôi đi tìm hỏi nhiều nơi nhưng chưa hề thấy chỗ nào có xà rê, cũng không ai biết có dụng cụ đơm cá gọi là xà rê. Chỉ có chút manh mối là người miền Tây Nam Bộ có một dụng cụ bắt cá gọi là xà di: “Xà di bắt cá thòi lòi / Ăn lươn đặt trúm, vó mồi kiếm cua”. Xà di của người miền Tây chủ yếu để bắt cá rô đồng, có khi cả thòi lòi. Nó khá giống với xà rê về nguyên lý bắt cá nhưng khác xà rê ở chỗ nó đặt đứng và đường dẫn cá chui vào nằm ở bên thân. Về tên gọi, giữa xà di và xà rê có liên quan gì không thì tôi chịu.

Lại nói về “đời xà rê”. Hãy thử hình dung con người giữa thiên nhiên khoáng đạt, sông thì chảy giữa đôi bờ núi rừng xanh ngắt, mùa nam nắng rát da nhưng nước vỗ quanh châu thân thì còn chi sướng bằng. Lại thêm, giữa chỗ hoang sơ, con người mình trần thân trụi, khát thì uống nước sông, đói thì nướng cá, nấu cháo cá ăn tại chỗ, cuộc vui trần tục trở nên cao sang, thi vị lạ thường. Đó là chưa nói đến cảm giác hồi hộp khi dỡ trộ, vui sướng khi nhấc lên từng chiếc xà rê đầy nhóc cá tôm quẫy lao xao. Và càng đi nhiều thì mỗi chuyến đi lại được biết thêm một quãng sông, từng mảnh ghép lại thành rưng rưng nỗi niềm gắn với đời sông. Có lẽ vì thế mà người dân quê tôi dùng “đời xà rê” như một thành ngữ chỉ cuộc sống tự do, gắn bó và hòa mình với thiên nhiên.

 
 Ảnh: Phan Tân Lâm  

Mạ tôi và những người cùng thế hệ giờ đã trở thành người thiên cổ. Sông xưa giờ ngày càng ô nhiễm bởi những bãi vàng đầu nguồn, rừng núi thì mỗi ngày lùi xa làng xóm cùng với những phương thức đánh bắt tận diệt như kích điện, đánh thuốc… khiến cá tôm trên sông Hiếu ngày càng cạn kiệt. Xà rê giờ tìm đỏ mắt không thấy, ngay như người dân xóm Ngã Hai chuyên nghề chài lưới sát xóm Bàu tôi ở giờ cũng chuyển sang làm nông hoặc buôn bán. Mới đây tôi phải nhờ người tìm giúp, chụp vài tấm ảnh về chiếc xà rê, sợ lỡ mai này không còn ai nhớ, biết cái vật dụng từng gắn bó thân thiết với tuổi thơ tôi.

Tôi lớn lên làm cái nghề đi đây đi đó nhiều cũng thỏa phần nào nỗi khát khao “đời xà rê” lúc trẻ. Nhưng càng lớn tuổi, có gia đình, có chút danh phận bé tí thì con người lại bị câu thúc bởi vô vàn mắt lưới của đời sống khiến tự do như miếng bánh trượt dần khỏi tay. Nhiều khi ngồi soi ký ức, cứ ngẩn ngơ với hình ảnh mạ tôi dắt bầy con với đùm xà rê đi ngược nguồn sông.

Mạ tôi ngày ấy tóc còn xanh. Sông Hiếu ngày ấy nước cũng trong xanh.

TAGS

Quê hương biết mấy tự hào...

Xuân Dũng |

Khi ông Nguyễn Đức Hoan, nguyên Phó Ban Bảo vệ Chính trị Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị qua đời, người ta nói nhiều đến cương vị chỉ huy công trường thủy nông Nam Thạch Hãn mà ông từng đảm trách 40 năm trước, thuở còn Bình Trị Thiên vừa mới thoát ra khói lửa chiến tranh mới được chạm mặt hòa bình.

Gạo hữu cơ không chỉ dựa cơ trời

Cẩm Nhung |

Mùa hè năm 2017, ở thành phố Đông Hà, một hội nghị nông nghiệp quan trọng được tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, tổng giám đốc Công ty Đại Nam. Sau cùng, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Quảng Trị và Công ty Đại Nam đã cùng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo hướng hữu cơ, tạo sự phát triển bền vững cho nông nghiệp tỉnh nhà.

“Trạng nguyên” tuổi 12

Trương Quang Hiệp |

Vượt qua gần 5.000 thí sinh trên toàn quốc, em Nguyễn Bảo Ngọc đã xuất sắc đạt danh hiệu “Trạng nguyên tự tin” tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc. Đây là thành quả xứng đáng cho đam mê, tài năng và sự nỗ lực không ngừng của cô bé người Quảng Trị.

Chuyện của núi rừng

Xuân Dũng |

Đã qua tháng 2 âm lịch rồi mà sơn cước phía Tây Quảng Trị buổi sáng lên, nơi đây như vừa qua giấc ngủ sâu và lành, còn vương vấn với mùa Xuân đang như muốn dùng dằng với mảnh đất này.