Không trông chờ vào nhà nước, rất nhiều thôn bản đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bằng chính nội lực cộng đồng đã tự mình làm đường, làm cầu. Với lí lẽ, thời chiến tranh, trong đói khổ, đồng bào vừa làm đường, làm cầu để đánh Mỹ thì thời hòa bình, hà cớ gì không làm được.
Vượt lên từ chính nội lực cộng đồng
Ba thôn A Pun, Tà Rụt 1, Tà Rụt 2 Tà Rụt 3 (thuộc xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị) đã gần 10 năm nay bảo vệ một con đường bê tông dài 8km từ cầu U Sau km 49 vào đến nơi sản xuất của thôn A Pun. Hơn bảy giờ sáng, anh Hồ Văn Hoái, trưởng thôn Tà Rụt 1 chuẩn bị dụng cụ để đến điểm sản xuất thôn A Pun cách đó 6km. “Không cần phải tập hợp dân, hôm trước họp thôn thông qua rồi, bà con sẽ đến đó đông đủ”. Đúng như lời anh Hoái nói, đến điểm sản xuất lúc 7h30 hơn 40 người đại diện cho những hộ dân của thôn đã tập trung ở đó với rựa, cuốc, xẻng, máy phát, máy cưa... tôi hỏi anh Hoái còn các thôn khác đâu. Anh Hoái trả lời, “làm ở đoạn đường khác, chia nhau một lần thôi rồi sau đó cứ thế mà làm, mỗi năm làm một đợt, đường xấu thì làm hai đợt, nhà nước đã làm cho con đường rồi thì giữ lấy mà dùng chứ. Thôn Tà Rụt 1 có 184 hộ, nhưng chỉ có hơn 40 hộ gia đình có đất sản xuất ở A Pun nên đi làm chừng đó người. Đường này thuộc Chương trình 135 đầu tư”.
Công việc của một ngày tròn của đồng bào Pa Cô ở Tà Rụt là nạo vét cổng rãnh để nước thoát vào mùa mưa khỏi xé hỏng đường, đắp lại những điểm sạt lỡ khỏi gây ách tắc đường và đặc biệt là phát quang hai bên đường để đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đây cũng là dịp diễn ra lễ cúng đầu mùa để bắt đầu làm rẫy nên mọi người sẽ nhớ ngày này để làm đường. Anh Hồ Văn Huân, 25 tuổi hì hụi xúc đất trò chuyện với chúng tôi “công việc này có nhiều người trẻ tham gia vì người trẻ có sức, chúng tôi làm đến trưa nghỉ ăn cơm ngay trên đường rồi sau đó làm tiếp. Tôi thấy việc bảo vệ và gìn giữ một con đường là việc làm mà mỗi người dân nơi có cầu đường đi qua đều phải tự giác tập hợp nhau lại để bảo vệ, đường mình đi thì mình giữ chứ chờ ai”.
Ý thức tự giác của cộng đồng dân tộc Pa Cô ở Tà Rụt đã giúp con đường đã xây dựng được gần 10 năm nay không một đoạn hư hỏng, tạo điều kiện cho đồng bào chuyên chở hàng hóa xã trung tâm xã và ngược lại, đồng bào có thể dễ dàng đến nơi sản xuất mà không mất nhiều thời gian và công sức như trước đây. Anh Hồ Văn Nhương, trưởng thôn Tà Rụt 3 cho chúng tôi biết “chỉ mỗi hộ dân đóng góp 20 ngàn đồng cho hoạt động này. Đây là công việc cộng đồng trách nhiệm và tự nguyện thực hiện. Ai có cuốc thì dùng cuốc, ai có rựa thì dùng rựa. Chúng tôi đã mượn một cái máy phát để hỗ trợ thêm cho công việc này. Năm nào bà con cũng hứng khởi tham gia vì được gặp nhau cũng vui. Chẳng mấy lúc được làm cùng nhau thế này, chiều về tập trung lại làm bữa cơm chung, uống một chén rượu thể hiện tinh thần đoàn kết giữa mọi người”.
Giữa cơn mưa ướt át không ngăn được dòng người tấp nập đi khai thông cống rảnh và đi đắp lại những đoạn đường bị xói mòn, phát quang cây cối. Tiếng máy phát gầm rú, tiếng người dân vừa lao động vừa nói chuyện át luôn cơn mưa. Anh Nhương cười “mưa thì phát cây đỡ mệt nạo vét cống đỡ vất vả hơn vì có nước và đắp đất thì mềm. Sống với thiên nhiên mãi nên dựa vào tự nhiên. Cách đây 27km đồng bào Vân Kiều cũng đang làm cầu đấy, ở xã Tà Long”.
Người dân tộc Vân Kiều tự làm cầu qua suối
Theo thông tin của anh Nhương, chúng tôi đến thôn Tà Lao (xã Tà Long, huyện Đakrông) thì đồng bào dân tộc Vân Kiều ở đây đang hối hả làm cầu trước khi mùa lũ đến. Thôn Tà Lao cách trung tâm huyện Đakrông tầm 31 km, có 88, 419 nhân khẩu, tổng diện nông nghiệp 41 ha. Nữ trưởng thôn Hồ Thị Men cho chúng tôi hay. Chị còn chia sẽ thêm “người khởi xướng làm cầu là ông Lê Xuân Hải, hộ dân trong thôn. Hiện nay, hầu như diện tích sản xuất của thôn đều nằm bên kia suối, mùa mua lủ nước suối rất lớn nên việc qua suối sản xuất rất khó khăn và nguy hiểm nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Từ những khó khăn trên ông Lê xuân Hải đã cùng với thôn và chi bộ huy động sự đóng góp của bà con để xây dựng cầu treo bằng gỗ với chiều dài gần 100m để đảm bảo đi lại và sản xuất cho bà con”.
Có chiếc cầu, người lao động có thể đến nơi sản xuất an toàn trong mùa mưa lũ và trẻ em cũng có thể không bị gián đoạn thời gian học tập nhờ có chiếc cầu này. Ông Hồ Văn Năm,nguyên là trưởng thôn thôn Tà Lao trò chuyện với chúng tôi rằng “trước đây khi chưa có cầu, người dân đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa lũ vào mùa gặt bà con không qua suối được vì vậy ảnh hưởng đến mùa màng, thất thu. Từ khi bà con góp công góp tiền để làm cầu thì đi lại dể dàng hơn, tuy nhiên với sự đóng góp có hạn của người dân, cây cầu được xây dựng cũng không đảm bảo được tính an toàn và lâu dài trong thời gian tới nên bà con trong thôn rất mong được sự đầu tư của cấp trên để có cái cầu để đảm bảo sản xuất và an toàn cho bà con”.
Chị Hồ Thị Nga hồ hởi trò chuyện với chúng tôi khi nhìn chiếc cầu “trước đây chị em chúng tôi tham gia sản xuất khu vực bên sông rất nguy hiểm, nhất là trước đây có một số họ sinh sống phía bên kia suối thường bị chia cắt với thôn, nay có cầu treo rồi chúng tôi rất phấn khởi vì mùa gặt chúng tôi đi lại vận chuyển lúa về nhà kịp thời. Học sinh cũng được đến trường”. Bà Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Tà Long cho chúng tôi hay “thôn Tà Lao với diện tích lúa nước tương đối lớn so với các thôn còn lại của xã, tuy nhiên đa số nằm phía bên kia sông, trong khi chị em là người lao động chính trong hoạt động sản xuất này, nên việc tham gia sản xuất và đi lại của chị em rât vất vả và nguy hiểm, đặc biệt là mùa mưa lũ. Nhưng với tình hình chung của xã và huyện việc có nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu trong giai đoạn hiện nay là rất khó khăn. Trong thời gian qua, với ý thức xây dưng quê hương, đảm bảo an toàn lao động sản xuất, một số hộ gia đình như anh Lê Xuân Hải và thôn cũng như chi bộ đã có việc làm vô cùng thiết thực và ý nghĩa đó là vận động bà con đóng góp tiền, vật liệu và công để xây dựng cầu treo bắc qua sông. Việc làm này đã giúp bà con đặc biệt là chị em phấn hởi và yên tâm hơn trong việc sản xuất. Tuy nhiên về lâu dài, chúng tôi mong rằng sẽ có sự đầu tư từ cấp trên về việc xây dựng cầu dân sinh tại khu vực này cho bà con vì ở đây rất có tiềm năng trong phát triển kinh tế”.
Ở Tà Lao, các hoạt động phát quan hai bên tuyến đường nội thôn, tổ chức nạo vét kênh mương thủy lợi, tổ chức sữa chữa hệ thống nước sạch khi bị hư hỏng, đóng góp ngày công hỗ trợ các hộ gia đình gặp khó khăn, tổ chức các nhóm tiết kiệm và vốn vay để các hộ gia đình có nơi tiết kiệm và nguồn vốn vay tại chỗ. Việc làm tự giác và ý nghĩa này của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô đã thực hiện trong thời gian qua đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng các dân tộc sống trên địa bàn.
Bảo vệ công trình như cái nhà của mình
Hầu hết hơn 87 ngàn đồng bào Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sống ở những vị trí địa lí hết sức quan trọng về an ninh chính trị và địa quân sự. Đa số đồng bào sống ở vùng núi cao nên hòa mình vào thiên nhiên, biết bảo vệ thiên nhiên và những con đường, cây cầu mà nhà nước dựng xây như căn nhà của mình. Anh Hồ Văn Hơng, thôn Tà Rụt 1 bày tỏ tâm tình với chúng tôi “cái đường nhà nước làm cho mà đi thì phải biết gìn giữ để đi lâu, đi làm ăn, đi chơi, đi cưới hỏi... nhiều việc phải đi trên con đường thì phải giữ như cái nhà chứ. Nếu cái nhà dùng để ở thì con đường giúp mọi người đi tìm cái ăn, tìm cái mặc và tìm về nhà”. Anh Hồ Văn E chia sẽ thêm “những cái gì nhà nước làm được thì gìn giữ, ở đâu nhà nước chưa hỗ trợ được đường, được cầu thì nhân dân đứng ra làm để cải thiện. Đối với làng bản, nếu cứ trông chờ nhà nước xây cho cầu, xây cho đường, xây hết thì biết khi nào mới có. Trong khi đó dân bản tự lực làm được, có làm mới biết quý hơn để gìn giữ, mọi cái đều quý như ngôi nhà. Đường hỏng đi lại khó khăn, nhà dột thì mình ướt. Cầu không có thì bắc cầu, làm mới làm được”.
Chia tay những người dân ở xã Tà Rụt, Tà Long, chúng tôi vẫn nhớ câu nói của chị Hồ Thị Nga ở bản Tà Lao khi người dân nơi đây làm xong chiếc cầu bằng gỗ “từ nay con cái đi đến trường khỏi phải lo nước suối lớn, chị đi làm cũng chẳng sợ mưa lũ nữa cán bộ à. Sức người hơn mưa lũ mà”.