Níu giữ Ta lư

Hoàng Tiến Sĩ |

Có thể, trong khoảnh khắc yên lặng hiếm hoi của chiến tranh, tiếng đàn Ta lư của chàng trai, cô gái Vân Kiều, Pa Kô bỗng vang lên giữa núi rừng Trường Sơn là cảm hứng rung ngân tận thẳm sâu tâm hồn nghệ sĩ, để rồi các nhạc sĩ Huy Thục, Phương Nam cho ra đời ca khúc “Tiếng đàn Ta lư”, “Rừng xanh vang tiếng Ta lư” sống mãi với thời gian… 

Nhạc sĩ Huy Thục sau khi viết ca khúc “Tiếng đàn Ta lư”, đã được đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô xem như là người con của bản làng. Nhưng cây đàn Ta lư của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đi vào thơ, nhạc hiện nay đang đứng trước nguy cơ dần mai một…

Những lúc thảnh thơi, Nghệ nhân ưu tú Kray Sức thường đánh đàn Ta lư. Ảnh: TS
Những lúc thảnh thơi, Nghệ nhân ưu tú Kray Sức thường đánh đàn Ta lư. Ảnh: TS

Đi tìm xuất xứ đàn Ta lư

Buổi chiều nghiêng nắng lên bản Vực Leng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị), không gian tĩnh lặng đến nỗi nghe rõ tiếng mây đang trườn qua núi, ôm lấy bản làng. Chợt cuối bản Vực Leng vang lên tiếng đàn Ta lư hòa quyện cùng làn điệu Xiêng ngọt ngào, thiết tha nói lên nỗi nhớ nhung nồng nàn của người con gái Pa Kô với người yêu sợ phận nghèo, không mang lại hạnh phúc cho cô gái nên không dám đến cùng cô thức ngắm trăng bên bờ suối vắng. “Anh ơi hãy đến ta cùng chung một lời ca/Hãy đến đây cùng thức ngắm trăng/Em mong mỏi chờ anh sao anh không đến... Em ơi, anh nghèo, anh không dám đến/Áo vá mười lỗ, khố chắp mười đốt....”. Nghệ nhân ưu tú Kray Sức nói rằng, muốn hát Xiêng hay phải có đàn Ta lư đệm mới thể hiện hết “hồn vía” của câu hát. Câu hát mới hòa quyện cùng làn gió núi an lành thổi qua nương, qua rẫy đến với người yêu thương. “Hôm nay, tôi rảnh rỗi nên lặn lội từ bản A Vương (xã Tà Rụt) đến thăm anh Hồ Văn Việt, cùng anh luyện lại “ngón đàn” Ta lư chuẩn bị cho các mùa lễ hội sắp tới…”.

Khi nói về xuất xứ của cây đàn Ta lư, Nghệ nhân ưu tú Kray Sức cho biết, qua tìm hiểu từ các bậc cao niên thì hiện nay còn tồn tại câu chuyện về xuất xứ cây đàn Ta lư của đồng bào dân tộc Pa Kô. “Ấy là từ thuở lập bản, lập làng, có người phụ nữ dân tộc Pa Kô sang lấy chồng bản khác. Khi sinh được đứa con gái đầu lòng thì chồng cô đột ngột mất sớm. Người phụ nữ Pa Kô mang đứa con gái nhỏ về bản để sống cùng cha mẹ ở chòi lá trên rẫy. Ngày ngày, người phụ nữ ấy lên nương, lên rẫy, để lại đứa con gái cho ông ngoại chăm sóc. Ông ngoại lấy một đoạn tre, tước cật làm dây để đánh cho cháu nghe. Lúc ấy, đoạn tre cũng chỉ là thứ đồ chơi để ông ngoại dỗ dành cháu. Sau đó một thời gian, ông dùng sợi tơ cây đoác trên rừng xe thành sợi, rồi dùng sợi đoác căng lên đoạn tre. Ông đánh thử thì phát ra âm thanh vui tai… Ông tiếp tục căng thêm một sợi dây nữa lên đoạn tre, rồi vừa đánh đàn, vừa ngân nga câu hát bằng tiếng Pa Kô đại ý là: “Con gái út lớn nhanh… vào rừng kiếm váy… về đồng bằng kiếm cườm…”. Về sau, ông dần hoàn thiện cây đàn Ta lư.

Anh Hồ Văn Việt chế tác đàn Ta lư. Ảnh: TS
Anh Hồ Văn Việt chế tác đàn Ta lư. Ảnh: TS

Cây đàn Ta lư lúc bấy giờ chỉ có 2 dây. Trải qua nhiều thế hệ nghệ nhân đánh đàn Ta lư với bao suy tư, trăn trở đã chỉnh sửa, cải tiến để cây đàn dần hoàn thiện với 3 dây và có thể đệm cho hầu hết các làn điệu dân ca Pa Kô như Cà LơiCha chấp, Xiêng, A Un, Caraun, Terate’k, Ra Zok, Caracadoi, T’rel... Cây đàn Ta lư nguyên thủy được làm từ tre nứa thì nay làm bằng gỗ mít… Các nghệ nhân chế tác đàn Ta lư ở các bản làng dân tộc Pa Kô cũng đã chú trọng hơn đến hình thức cây đàn để cây đàn Ta lư đẹp hơn, nhiều kiểu dáng, kích thước hơn. Bởi các nghệ nhân hiểu rằng, cây đàn Ta lư là nhạc cụ truyền thống, là “tài sản chung” của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở đại ngàn Trường Sơn”, Nghệ nhân ưu tú Kray Sức nói.

Trăn trở cùng Ta lư

Trong trí nhớ của anh Hồ Văn Việt thì khoảng năm 2007, bản Vực Leng diễn ra lễ hội Aya (hội mùa), nhiều nghệ nhân chơi nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Kô ở các bản làng khác mang nhạc cụ đến để chơi nhạc góp vui với bản Vực Leng. Trong số các nhạc cụ truyền thống góp vui trong lễ hội của bản Vực Leng, anh ấn tượng mạnh với cây đàn Ta lư. Sau lễ hội, anh chủ động đi tìm các nghệ nhân làm đàn Ta lư ở nhiều bản làng để học hỏi cách làm đàn. Sau thời gian dài miệt mài học hỏi, nắm chắc kỹ thuật làm đàn Ta lư, anh bắt đầu học thêm cách đánh đàn Ta lư cũng như nhiều làn điệu dân ca Pa Kô từ Nghệ nhân ưu tú Kray Sức. Anh Hồ Văn Việt cho biết, muốn làm một cây đàn Ta lư đúng chuẩn thì khâu đầu tiên là chọn nguyên liệu để làm đàn. Nguyên liệu để làm đàn Ta lư hiện nay chủ yếu là gỗ mít. Cây gỗ mít sau khi đốn hạ sẽ được cưa thành từng đoạn dài khoảng 1 m, rồi phơi khô từ 1 - 2 tháng. Khi gỗ mít khô thì đến công đoạn đục đẽo thành hình dạng chiếc đàn Ta lư.

Đàn Ta lư có chiều dài khoảng 70 cm (phần cần đàn nối với thùng đàn khoảng 40 cm); cuối cần đàn là bộ phận tăng âm được vát lõm thành hình dạng bàn tay khép lại hứng lấy giọt nước chuẩn bị rơi xuống và có gắn các chốt điều chỉnh âm thanh. Ngoài cây đàn Ta lư truyền thống có 2 dây và 3 dây, hiện tại anh Hồ Văn Việt đã chỉnh sửa, chế tác thêm loại đàn Ta lư 4 dây có thể đệm cho tất cả các làn điệu dân ca Pa Kô cũng như các ca khúc đương đại… với nhiều kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Dây đàn Ta lư bây giờ được sử dụng loại dây của đàn guitar. Trong tất cả các công đoạn chế tác đàn Ta lư thì khó nhất vẫn là công đoạn bố trí những phím đàn để có âm thanh chuẩn. Bởi ở công đoạn này đòi hỏi nghệ nhân chế tác đàn Ta lư phải thông thuộc các làn điệu dân ca mới có thể đặt phím đúng vị trí, để âm thanh cây đàn không bị “lạc điệu”. Đàn Ta lư được các nghệ nhân đánh vào các dịp lễ hội với không khí vui tươi, nhộn nhịp hoặc trong lúc nông nhàn thảnh thơi… Đàn Ta lư chỉ không được sử dụng trong ma chay, đám giỗ…

“Từ năm 2007 đến nay, tôi đã tự tay chế tác hơn 300 cây đàn Ta lư. Nhiều cây đàn Ta lư do tôi chế tác đã góp âm thanh rộn rã, vui tươi trong nhiều dịp lễ hội của các bản làng ở xã A Ngo, A Bung, A Vao, Tà Rụt, Húc Nghì… Vừa qua, Nghệ nhân ưu tú Kray Sức cũng đã mang cây đàn Ta lư do tôi chế tác đi giới thiệu với bạn bè văn nghệ sĩ ở thành phố Đông Hà, thủ đô Hà Nội và nhiều nơi khác… Điều khiến tôi lâu nay trăn trở là các nghệ nhân chế tác đàn Ta lư như Nghệ nhân ưu tú Mai Hoa Sen, ông Vỗ Vẩy, Kôn Máy, Kôn Khang… đều đã 60 - 80 tuổi. Trong khi đó, lớp trẻ đồng bào dân tộc Pa Kô không chỉ xã Tà Rụt, hiện nay hầu như không có ai mặn mà với nghề chế tác đàn Ta Lư. Như bản thân tôi, năm nay đã 47 tuổi vẫn được xem là nghệ nhân trẻ nhất, cũng là người cuối cùng biết chế tác đàn Ta lư ở xã Tà Rụt đến thời điểm này. Thời gian tới, các ngành chức năng nếu không có những chính sách động viên kịp thời, có giải pháp duy trì, phát triển “thương hiệu” đàn Ta lư, thì nay mai khó tìm được lớp nghệ nhân trẻ theo nghề chế tác đàn Ta lư truyền thống mà ông cha truyền lại…”, anh Hồ Văn Việt chia sẻ.

Bây giờ, Nghệ nhân ưu tú Kray Sức, anh Hồ Văn Việt cũng như nhiều nghệ nhân tâm huyết với việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô luôn canh cánh bao điều trăn trở, âu lo liệu mai này cây đàn Ta lư cùng các loại nhạc cụ truyền thống đã làm nên “hồn cốt” của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô có bị mai một theo thời gian; liệu cây đàn Ta lư còn tiếp tục được duy trì để song hành cùng thời gian như ca từ đẹp trong ca khúc “Rừng xanh vang tiếng Ta lư” (Nhạc sĩ Phương Nam): “Đàn theo ta đi qua con suối con khe, qua nương rẫy qua bao nhiêu rừng/ Đàn theo ta đi đánh Mỹ đêm ngày, giữa rừng xanh vang muôn câu ca…”

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cây cô đơn sau "biến cố lột vỏ" nhận được nhiều quan tâm từ cộng đồng

Hoàng Hà |

Một tấm biển báo cấm xả rác, một chiếc xoa tưới nước tầm 20 lít ở Cây cô đơn (hồ thuỷ điện Rào Quán, Hướng Tân, Hướng Hoá, Quảng Trị) là những dụng cụ thể hiện động thái của những người có trách nhiệm, yêu thiên nhiên sau “biến cố” Cây cô đơn bị “bức tử” bằng cách lột vỏ.

Dân dã bánh đúc Đại An Khê

Tuệ Linh |

Nhắc đến làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), ai cũng biết vùng đất này có những chiếc bánh tét mặt trăng ngon nổi tiếng. 

Nơi ngọn rau muống "bò" qua 3 huyện, thị

Mai Trọng |

Một địa điểm giáp ranh giữa 3 huyện thị ở Quảng Trị cũng là nơi có sức hút, thoả chí tò mò, muốn đến của du khách khi có dịp ghé đến thị xã Quảng Trị.

Khám phá thác A Dơi ở biên giới Việt Lào

BTV |

Thác A Dơi (hay có tên gọi khác là Xicareo)  nằm ở xã A Dơi, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.