Trang phục đầu tiên của người Pa Kô

Hồ Phương |

Từ ngàn xưa, sống giữa đại ngàn Trường Sơn, đồng bào Pa Kô đã chọn cho mình những loại cây thích ứng với điều kiện tự nhiên, môi trường để làm trang phục. Loại trang phục từ những buổi ban đầu này được đồng bào gọi với cái tên A mưng và được gìn giữ đến ngày hôm nay. 

 
 Tác giả và chiếc áo của người Pa Kô

Trước lúc vào rừng chọn cây làm áo, đồng bào Pa Kô tiến hành nghi lễ Pa rôông với ý nguyện cầu có sức khỏe, may mắn tìm được cây tốt, chất liệu bền, đẹp; đồng thời cầu mong các Giàng, thần linh phù hộ, che chở trong hành trình đi chọn cây không gặp thú dữ, hiểm nguy. Sau khi chọn được cây, đồng bào tách vỏ ra khỏi thân, cắt thành từng đoạn theo ý muốn, phơi khô đập dập cho rụng hết lớp vỏ cứng bên ngoài và làm mềm lớp vỏ lụa bên trong, ngâm nước nhiều ngày cho xốp. Sau đó lại được phơi thật khô một lần nữa trước khi may thành áo. Hoặc sau khi đập lớp vỏ bên trong cho mềm, người Pa Kô đem phơi sương từ một đến hai đêm, rồi đem ra đập lại lần nữa. Lúc đó mới lấy lên, phơi khô, may vai và lườn lại để làm áo mặc. 

Theo ông trưởng thôn Tân Đi 3, xã A Vao (huyện Đakrông, Quảng Trị), muốn làm một chiếc áo vỏ cây, người đàn ông Pa Kô phải rất vất vả đi hàng tháng trời trong rừng sâu mới tìm được cây A mưng về làm áo. Họ chọn những cây A mưng to bằng thùng đựng nước, không bị hư hại, chặt từng khúc dài khoảng 1,5m đến 2m, bóc lớp vỏ bên ngoài rồi dùng dao lột lấy lớp lụa giữa phần thân cây và vỏ, bởi lụa của cây A mưng mềm mại, dai mới làm được áo và màu sắc áo mới đẹp. Tìm cây đã khó, nhưng công đoạn làm sợi chỉ lại khó hơn, chỉ lấy từ sợi cây A mưng kết lại mà thành, khâu xuyên qua từng lớp vỏ cây tạo thành áo. 
 

Ngoài cây A mưng, không phải loại cây nào cũng được dùng để làm trang phục mà đồng bào tự chọn cho mình loại cây nhất định, chất liệu tốt, nhẹ, tránh được mối, mọt, điều hòa được thân nhiệt. Áo làm bằng vỏ cây là loại trang phục giúp đồng bào bảo vệ cơ thể, chống lại nắng nóng, giá rét khi đi trong rừng rậm, săn bắt, hái lượm, lao động sản xuất, cũng như trong lễ hội. 

Trong lễ hội mừng lúa mới, cầu mùa, hoặc trong nghi lễ A Riêu Ping, mừng bản mới… đồng bào Pa Kô mang những chiếc áo A mưng thể hiện sự ngưỡng vọng với tổ tiên, thần linh… đã chỉ bảo cho đồng bào cách tạo ra trang phục, đồng thời thể hiện tính thẩm mỹ, kỹ thuật trong chế tác trang phục. Chủ nhân của những chiếc áo đẹp được hội đồng tộc trưởng biểu dương, tặng thưởng trong lễ hội của bản. Đây cũng là dịp để đồng bào trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình làm trang phục, từ đó ngày càng có những bộ trang phục đạt đến độ tinh tế hơn về thẩm mỹ và chất lượng. 

Đồng bào còn dùng vỏ cây để làm chăn đắp. Cách làm tương tự như làm áo, nhưng miếng vỏ cây làm chăn có kích thước lớn hơn và không được gia công kỹ như làm áo. Sau khi nghề dệt vải thịnh hành, người dân vẫn duy trì công việc này và đến nay vẫn còn những tấm chăn được làm từ vỏ cây. 

Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, áo A mưng đã sưởi ấm cho đồng bào Pa Kô, theo bước chân bà con trên từng chặng đường gùi lương, tải đạn, chiến đấu với kẻ thù. Đó chính là loại trang phục đầu tiên của đồng bào, nhưng hiện nay chỉ còn lưu lại tương đối ít ở một số gia đình, do nghề dệt vải trở nên phổ biến. Đa số người Pa Kô từ lâu không còn làm và sử dụng áo vỏ cây nữa, nhưng những người lớn tuổi trong bản làng vẫn giữ gìn và trân trọng những cái áo từ ngày xưa ông cha để lại như những bảo vật. 

Một già làng ở thôn Tân Đi 3 cho biết: “Khi mặc tấm áo này vào, gươm, dao chặt khó đứt... Hơn nữa, trước đây dân bản nghèo lắm, không đủ áo để mặc. Ông cha mình đã tìm tòi, sáng tạo ra loại áo bằng vỏ cây này, vừa để mặc ấm, vừa làm tấm đắp. Ai có được tấm áo, tấm đắp bằng vỏ cây là thuộc hạng người giàu có. Muốn sở hữu được một tấm đắp vỏ cây người ta phải đổi con heo dài năm gang, cùng nhiều vật dụng khác. Mỗi chiếc áo phải mất ròng rã 3 tháng liền mới hoàn thành, áo nặng khoảng 3 kg. Ngày nay, người biết làm áo không còn nhiều, những người giỏi làm áo vỏ cây cũng đã mang theo bí quyết về với tổ tiên ông bà”. 
 

Anh Hồ Văn Rin, Bí thư chi đoàn thôn Tân Đi 3, xã A Vao, người tâm huyết trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc rất tự hào khi được mặc y phục truyền thống của dân tộc mình tham gia lễ hội, hội thi, hội diễn, bởi đây là sản phẩm quý hiếm do tổ tiên để lại. Hiện nay, anh đã học được cách làm áo vỏ cây và vận động thế hệ trẻ trong bản cùng anh bảo tồn và phát huy loại trang phục này. Với sự nhiệt huyết, lòng đam mê, anh đã tìm được giống cây A mưng để bảo vệ, chăm sóc nhằm phục hồi trang phục truyền thống của dân tộc mình. 

Cùng với các nhạc cụ truyền thống, các làn điệu dân ca tinh tế, sâu lắng, chiếc áo bằng vỏ cây A mưng mà đồng bào Pa Kô đang gìn giữ đã góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam. 

TAGS

Cao điểm 689, một địa chỉ du lịch tâm linh mới ở Hướng Hoá

Yên Mã Sơn |

Mặc dù xây dựng chưa xong nhưng Cao điểm 689 (Hướng Tân, Hướng Hoá, Quảng Trị) đã thu hút khách đến dâng hương, tham quan chụp ảnh.

Sính lễ đặc biệt của người Bru-Vân Kiều

Nguyễn Tiến Dũng |

Có những phong tục của người Bru-Vân Kiều mang đến phiền toái và cả đớn đau cho con cháu họ.

Nồng say diềm nướng Vân Kiều

Nguyễn Tiến Dũng |

Đất trời dường như ưu ái khí sắc cho mùa xuân nhất, nắng nhẹ, mưa phùn phơi phới cộng với tiết khí lúc nào cũng se se luôn tạo cảm giác muốn xách ba lô lên và đi. Bởi thế, mùa xuân bao giờ cũng là mùa của thưởng lãm, du ngoạn; mùa của cảm nếm, khám phá.

Hội thi chẻ đá đầu xuân ở Gio Linh

Trần Tuyền |

Ngày  30.1.2020, UBND xã Gio Hòa (Gio Linh, Quảng Trị) tổ chức hội thi chẻ đá viên mừng Xuân Canh Tý - 2020 với mục đích nâng cao tay nghề của các thợ chẻ đá trong địa phương và quảng bá sản phẩm đá viên Gio Hòa đến với du khách gần xa.