Khi lan rừng xuống phố

Hoàng Hải Lâm |

Tôi còn nhớ, hình ảnh ngày trước đã in sâu vào tâm trí mỗi người. Khi người lính từ rừng về, trên lưng mang ba lô và nhánh lan rừng.

Lan rừng xuống phố - H.H.L
Lan rừng xuống phố - H.H.L

Đó là hình ảnh làm đắm say lòng người, đắm say không biết bao nhiêu cô gái trẻ. Là mạch nguồn cho thơ ca, nhạc, họa... những lá thư tình cũng có dấu ấn của người chiến sĩ bộ đội và hoa phong lan. Cũng xứng lắm cho những người chiến sĩ mang rừng xuống phố. Gần đây, tôi có người bạn là chiến sĩ biên phòng gọi điện bảo rằng mua giúp cậu ta một ít phong lan rừng ở thành phố Đông Hà để gửi biếu một người bạn tận miền nam. Tôi vui lòng đáp ứng yêu cầu của bạn nhưng lòng thì lại ngẩn ngơ, lan rừng xuống phố từ bao giờ? Một ngày cuối đông lang thang khắp thành phố. Tôi đi để “bắt hình ảnh” vào trong trí nhớ của mình. Những con đường nhỏ khá vắng người, tiếng nhạc từ quán càphê khiến tôi nhớ về một người bạn cũ. Bài hát “Sài Gòn càphê sữa đá”, nhạc chờ của người bạn. Bài hát này nhịp điệu vui nhộn, cứ như khiến con người ta vừa đi vừa nhún nhảy. Vậy mà tôi nghe lại cảm thấy buồn, lạ thế! Có lẽ bài hát gắn với những kỷ niệm của chúng tôi, trong những tháng năm trên từng con phố nhỏ. Âm thanh gợi lên hình ảnh. Chính lúc này tôi nhớ bạn tôi. Và sau này khi ai nhắc tới phong lan tôi sẽ nhớ về hình ảnh hôm nay nhiều nhất. Trên một khúc cua của đường Trần Hưng Đạo, điểm cạnh Bưu điện Thành phố Đông Hà lan rừng được bày bán trên vỉa hè. Tôi đã qua lại ở đó, đã đứng ở đó đợi tàu, đã ngồi trong quán càphê Mây Xanh nhìn ra. Hai mặt hàng chính được bày bán ở đây, phong lan và chổi đót. Hôm nay tôi mới ngắm kỹ càng đến thế. Những người đàn bà từ miền núi, người con gái Vân Kiều, Pa Cô địu trên lưng những giò phong lan từ tận rừng cao, núi ngược. Cái hoang sơ, hồn hậu, giản đơn, chắc chắn... của người miền núi thu hút khá nhiều khách hàng. Hình ảnh những người đàn bà miền núi với chiếc váy thổ cẩm, với tóc xém vàng bởi nắng mưa ngồi trên vỉa hè, bên sau lưng họ là những chiếc xe tăng chiến sự một thời. Nếu chụp ảnh này rất nhiều người sẽ nhầm lẫn với Làng Vây, Khe Sanh. Thì như thế, cuộc sống nhìn vào hình ảnh thôi chưa đủ, phải tận mắt chứng kiến tận nơi. Như lúc này đây, tận mắt chứng kiến người Vân Kiều, Pa Cô bán lan mới tin đó là lan rừng, nghe được tiếng nói, điệu cười của họ mới chắc rằng đó là những nhành lan được mang về từ đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Tôi hỏi Pan, người con gái có làn da trắng phau với tiếng nói, điệu cười giòn giã, người trẻ nhất trong đoàn và là người lâu năm nhất mang lan rừng xuống phố. Rằng Pan mang lan rừng xuống phố từ bao giờ? Pan gãi đầu nhìn rất xa xôi, thôi thì cứ không được nhớ! Pan chỉ biết đây là cành nghênh xuân, đây là lan bọ cạp, đây là lan đuôi cáo, đây là lan phượng vĩ... từng tên lan rất rạch ròi. Từng loài lan và thời gian chúng trổ bông. Cứ nói thật như thế, người mua có thể mua có thể không nhưng phải nói thật. Đó là cội rễ của niềm tin.

Khách hàng đang chọn mua lan rừng - H.H.L
Khách hàng đang chọn mua lan rừng - H.H.L

  Tôi là một gã từng trải với rừng. Còn nhớ thời trung học tôi lang thang trên rừng quên luôn chuyện học chờ ngày mạ lên bắt về nhập trường. Hơn hai tuần lễ đủ để tôi “lận lưng” số cây có hoa và cây có quả ở rừng. Chặng đường gần 100km tôi tứ huyên thuyên biết bao nhiêu cây rừng, chim cáo... mà không hề biết mạ đang buồn vì tôi quá đam mê rừng bỏ bê học hành, khoa cử. Tôi còn trách mạ làm lỡ mất mùa dâu da của tôi với lũ bạn trên đồi. Cũng từ đây tôi chú ý đến phong lan. Giống cây này không phải mọc thấp. Thường lan mọc trên cây cao, trên đá núi, trên từng cây gỗ mục... muốn lấy một cành lan, một giò lan tốn khá nhiều sức lực và đôi khi gặp nguy hiểm. Đàn ông lấy lan từ trên rừng, đàn bà mang lan ra thành phố bán và đổi lấy thực phẩm, vật dùng về cải thiện cuộc sống, để cho cái chân đàn ông được khỏe và lại lên rừng hái lan, đàn bà mang xuống chợ... đó là vòng tròn mưu sinh. Người ta cứ cần mẫn xoay quanh nó cho đến khi ngủ yên dưới đất. Trên hành trình đó có những ngày buồn, những ngày vui... nhưng rõ ràng con người vẫn trông chờ vào hạnh phúc, vào tương lai. Cũng như người trồng lan chờ ngày phong lan trổ bông thỏa sức mà ngắm nghía. Cái thú chơi lan đẹp và sang còn cuộc sống mưu sinh khi gỡ cành lan đem ra chợ bán nó quá đỗi nhọc nhằn.

 

Tôi rất thích mùa xuân nhưng thú thật tôi không thích loài nghênh xuân, bởi trông sắc hoa không thắm và cây lá chẳng xum xuê. Mùa xuân phải rực rỡ và no đủ. Mùa xuân ngó cây cỏ ngoài đồng vươn lên còn thấy no. Không biết ai đã đặt cho loài hoa này cái tên đó, có lẽ do nó nở vào mùa xuân. Tôi thích lan phượng vĩ hơn, chúng nở về mùa hè cùng sắc màu rực rỡ. Cây lan phượng vĩ còn có sức sống trường tồn, dù ở đất, bám trên cây hay trên đá thì lan phượng vĩ vẫn vươn lên trổ bông. Giống lan này cũng dễ trồng, chỉ cần cắt một nhánh dài chừng 40cm găm xuống đất là cây có thể vươn lên. Tôi không phải là người dễ dãi trong lựa chọn nhưng lại thích những thứ khá tuềnh toàng. Bạn bè của tôi mỗi người một phách, không có mô típ nào cả, cũng chẳng cần phải chỉnh chu, lễ nghĩa. Mỗi người một tính cách, mỗi số phận, chê chi.

Trong hành trình gửi phong lan đến người ở miền nam, tôi đã chọn giúp bạn một ít nghênh xuân, một ít lan bọ cạp, vài cành lan đuôi cáo và năm cành lan phượng vĩ. Còn vài thứ lan khác chưa kịp đặt tên nhưng nghe đâu trổ hoa cũng đẹp. Tôi chọn và đóng gói, đem gửi bưu điện mang đi. Cũng chẳng mong một ngày mình sẽ nhìn thấy những cành hoa mình chọn nó sẽ như thế nào ở những ngày sau. Vì điều đó coi chừng xa xôi quá! Cả vị trí và thời gian, cả cái nhịp cầu không quen mình vừa bắc. Cái địa chỉ người bạn của bạn ở tận miền nam xa xôi biết thế nào được. Tôi ghi địa chỉ, như chuyện tiễn những cành lan đi, như chuyện Pan mang lan rừng xuống phố rồi để chúng về với người dân phố thị. Sẽ chẳng biết được những ngày sau nó như thế nào. Người trồng có chăm lan không hay chỉ là sở thích thức thời. Và hoa chúng, cành của chúng... bao thứ đổi thay từ rừng xanh về tận phố rồi len lỏi vào khu vườn của từng gia đình. Pan sẽ mãi mãi không biết được điều đó. Tất nhiên là nó sẽ nằm trong chính ký ức của Pan, những cành lan tự tay mình nâng niu, lựa chọn.

Cũng như nhánh lan rừng, Pan và những người bạn miền núi. Giữa cuộc sống xô bồ của phố thị tôi thắc thỏm đến chiều tối Pan ở đâu? Những người bạn của Pan ở đâu? Họ sẽ làm gì giữa đêm xuống với ánh đèn xanh đỏ khắp phố phường. Pan mỉm cười mà chẳng trả lời tôi. Sau nụ cười là đôi mắt thật buồn. Chiều xuống, phố buồn mênh mang, cơn mưa chiều lăn phăn đủ ướt vài ba mái tóc không đội nón. Tôi nhìn Pan, Pan nhìn những nhánh lan rừng. Cuộc sống với những mưu sinh buộc những người bản xuống phố. Tôi đã nán lại cùng Pan trong khi chiều đã muộn. Không thể tiễn thân phận người như tiễn cành phong lan...

TAGS

44 năm mới làm xong đám cưới

Minh Hà |

Câu chuyện xảy ra với hơn 65 ngàn đồng bào dân tộc Vân Kiều trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ đường và tự làm cầu

Hoàng Hải Lâm |

Không trông chờ vào nhà nước, rất nhiều thôn bản đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bằng chính nội lực cộng đồng đã tự mình làm đường, làm cầu. Với lí lẽ, thời chiến tranh, trong đói khổ, đồng bào vừa làm đường, làm cầu để đánh Mỹ thì thời hòa bình, hà cớ gì không làm được.

Đổi thay sinh kế

Hoàng Hải |

Không nhiều, chỉ vài ba trăm cây cao su, 500 mét vuông trồng cây lá vằng, trồng dứa… đời sống của người nông dân ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã có nhiều đổi thay trên chính mảnh đất trước đây khiến họ nghèo nàn, khốn khó.

Nghĩa Trủng Đàn - Một di sản đạo lí của người Quảng Trị

Nguyễn Duy Hùng |

Nghĩa Trủng là tên gọi của một nghĩa trang được xây dựng vào năm 1872 (năm Tự Đức thứ 25).