Tôn vinh trang phục truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô

Kô Kăn Sương |

Trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được địa phương chú trọng. Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm đến vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đối với trang phục truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô.

Người dân Hướng Hóa mang trang phục truyền thống sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Ảnh: KKS
Người dân Hướng Hóa mang trang phục truyền thống sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Ảnh: KKS

Hướng Hóa có hơn 50% dân số là người Vân Kiều và Pa Kô, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa của các dân tộc ở miền núi. Bằng nhiều cách tuyên truyền vận động phù hợp, thời gian qua, các cấp chính quyền ở Hướng Hóa đã có những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên và người dân về việc giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc mình. Các xã vùng dân tộc thiểu số cũng đã có nhiều cách làm hay để tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động như mặc trang phục truyền thống khi tham gia lễ hội, lễ cúng bái tại làng bản; khuyến khích cán bộ mang trang phục truyền thống đến công sở vào ngày đầu tuần hoặc vào các ngày hội họp, sự kiện quan trọng của địa phương; trong các dịp tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ chú trọng các tiết mục biểu diễn trang phục truyền thống của dân tộc…

Hướng Linh là một trong những xã vùng sâu vùng xa của Hướng Hóa với 100% dân số là đồng bào Vân Kiều. Để giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc ở địa phương qua trang phục truyền thống, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai về tận thôn, bản duy trì và phát huy những hoạt động cộng đồng như mừng lúa mới, cúng giàng, cúng làng bản, lễ hội, cưới hỏi… trong đó lồng ghép nội dung sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động này. Qua đó, tạo điều kiện để người dân có dịp mặc trang phục truyền thống, nâng cao ý thức cũng như lòng tự hào của dân tộc khi khoác trên mình bộ trang phục truyền thống. Xã Hướng Linh cũng đã cấp kinh phí may trang phục truyền thống cho hơn 30 cán bộ để mang vào dịp chào cờ đầu tháng và các sự kiện chính trị quan trọng của quê hương, dự hội nghị từ cấp xã đến thôn, bản, ngày hội đại đoàn kết toàn dân…

Người Vân Kiều, Pa Kô ở đại ngàn Trường Sơn có bản sắc văn hóa rất phong phú và đặc trưng, trong đó trang phục truyền thống được xem là một nét đẹp văn hóa, chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người. Trong xu thế cuộc sống hiện đại hóa, sự giao thoa văn hóa vùng miền mạnh mẽ như hiện nay thì trang phục truyền thống của người dân nơi đây có phần bị mai một. Vì vậy, việc chung tay gìn giữ và phát huy đối với trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết.​

Ông Hồ Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Hướng Linh cho biết: “Chúng tôi xác định trang phục truyền thống là một phần của văn hóa người Vân Kiều. Xã sẽ duy trì, tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa dân tộc, đặc biệt là phục dựng các lễ hội của người Vân Kiều để người dân có cơ hội sử dụng trang phục của dân tộc mình. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc sắc này”.

Các tổ chức đoàn thể, đơn vị trường học trên địa bàn huyện cũng có nhiều hoạt động thiết thực để tuyên truyền vận động hội viên, học sinh nâng cao ý thức giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Tiêu biểu như Trường PTDT nội trú huyện vận động học sinh thường xuyên mặc trang phục truyền thống đến lớp học, tham gia các hoạt động ngoại khóa; tổ chức giao lưu văn nghệ với các tiết mục mang đậm văn hóa dân tộc. Các trường tiểu học và trung học cơ sở vùng dân tộc thiểu số đưa nội dung khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống vào quy chế ứng xử văn hóa học đường của đơn vị mình. Hội phụ nữ các cấp đưa nội dung khuyến khích hội viên mặc trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động của hội, tạo điều kiện, hỗ trợ cho hội viên tham gia học tập và thực hiện mô hình dệt thổ cẩm truyền thống….

Thực hiện chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, huyện Hướng Hóa đã chú trọng đưa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Kô vào các chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa xã hội của địa phương. Trong đó, việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô là không thể thiếu. Các hoạt động quảng bá du lịch, hay các lễ hội tại địa phương đều ghi dấu ấn rõ nét văn hóa đặc sắc này. Tiêu biểu, phiên chợ vùng cao Hướng Hóa lần thứ nhất diễn ra vào dịp đầu xuân Canh Tý 2020 thu hút đông đảo du khách cũng như người dân trên địa bàn tham gia. Phiên chợ đã dành riêng không gian cho việc tái hiện công việc dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, biểu diễn, trưng bày trang phục truyền thống và trải nghiệm mang trang phục truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô. Hoạt động này đã góp phần quảng bá rộng rãi về nét văn hóa đặc sắc, đồng thời nâng cao lòng tự hào của người Vân Kiều, Pa Kô về trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết: “Để trang phục truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô phát huy được những giá trị tốt đẹp, các địa phương cần nhân rộng mô hình cán bộ mang trang phục truyền thống làm việc vào các ngày đầu tuần, cuối tuần và các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước; tuyên truyền, vận động người dân mang trang phục truyền thống vào các dịp lễ hội văn hóa, du lịch, tổ chức các hội thi trang phục dân tộc thiểu số…; các cấp, ngành, địa phương quan tâm xây dựng đề án giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có trang phục truyền thống; có chính sách hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống; tuyên truyền, vận động, lựa chọn đào tạo nghệ nhân trẻ học nghề và nối nghề dệt thổ cẩm…”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

“Ai có về Phước Thị, Gio Linh”

Việt Hà |

Phước Thị là một làng cổ của Huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Trãi qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử, ngày nay làng Phước Thị ngày càng đổi thay và phát triển.

Nhà thờ cây Da bên dòng Ô Lâu

BTV |

Nhà thờ Cây Da nằm ở thị trấn Diên Sanh (xã Hải Thọ cũ), huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Níu giữ Ta lư

Hoàng Tiến Sĩ |

Có thể, trong khoảnh khắc yên lặng hiếm hoi của chiến tranh, tiếng đàn Ta lư của chàng trai, cô gái Vân Kiều, Pa Kô bỗng vang lên giữa núi rừng Trường Sơn là cảm hứng rung ngân tận thẳm sâu tâm hồn nghệ sĩ, để rồi các nhạc sĩ Huy Thục, Phương Nam cho ra đời ca khúc “Tiếng đàn Ta lư”, “Rừng xanh vang tiếng Ta lư” sống mãi với thời gian… 

Khai thác tiềm năng du lịch của Quảng Trị

Xuân Dũng |

Du lịch tâm linh là một trong những xu thế cần quan tâm của du lịch hôm nay.