Nắng vàng mùa lúa rẫy

Minh Hà |

Lúc tôi hỏi, đồng bào dân tộc Pa Cô sống ở xã A Bung (huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị) về nguồn gốc lúa rẫy mọi người đều mĩm cười. “Đi tìm nguồn gốc của lúa rẫy ở nơi đây cũng như đi tìm cội nguồn của cây dâu da giữa Trường Sơn, khó lắm".

Chỉ biết đời trước trĩa, đời sau giữ hạt và đến mùa sau lại gieo hạt xuống nương rồi chờ thu hoạch” chị Kăn Tâm, thôn Cu Tài 1, xã A Bung nói với chúng tôi như thế. Theo tiếng nói, tiếng cười rộn ràng từ phía dãy đồi, chúng tôi cùng những người phụ nữ Pa Cô đeo gùi lên rẫy. Đi hết một dặm đường dài, nụ cười của họ vẫn mang màu nắng lung linh. Cảnh gặt lúa trên nương vui như ngày hội.

: Những người phụ nữ Pa Cô thôn Cu Tài 2, xã A Bung, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị cùng nhau lên rẫy.
Những người phụ nữ Pa Cô thôn Cu Tài 2, xã A Bung, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị cùng nhau lên rẫy.

Cuộc sống sinh hoạt mùa vụ

Từ xa xưa, các dân tộc thiểu số trên địa bàn hai huyện Hướng Hóa và ĐaKrông đã có truyền thống sản xuất lúa rẫy. Ngay cả một số đồng bào sinh sống ở vùng có điều kiện đất đai, nước tưới tiêu thuận lợi như các xã Mò ó, hải phúc, thị trấn Krông Klang (của huyện ĐaKrông) hay các xã Tân Thành, Tân Lập, Tân Long, Thị trấn Khe Sanh... (của huyện Hướng Hóa) nhưng việc sản xuất lúa rẫy vẫn được duy trì khá phổ biến. Đồng bào làm lúa rẫy để có cái ăn, thõa mãn nhu cầu lao động. Và hơn thế, đó là cách duy trì một hình thức sản xuất giản đơn nhưng có bề dày kinh nghiệm không thua kém gì nền văn minh lúa nước ở đồng bằng.

Cứ bắt đầu vào tháng 3 âm lịch, trên dọc núi rừng Trường Sơn đồng bào Vân Kiều, Pa Cô lên nương phát rẫy. Đến cuối tháng 4 đầu tháng 5, khi rẫy đã được đốt xong, dọn sạch để lại trên mặt đất một lớp tàn trò và bên dưới đó là phần đất khá màu mỡ. Lúc này đồng bào bắt đầu trĩa hạt. Những chiếc gậy gộc được chọc xuống và hạt lúa vàng từ tay người nông dân rơi xuống lỗ chờ ngày nảy mầm. Trong tất cả các ngành nghề tạo ra của cải vật chất cho xã hội thì nghề nông được ví là nghiệp đầy chờ mong. Đó là niềm hy vọng xanh, người nông dân chờ hạt nảy mầm rồi vươn cao, vươn xa cho một vụ mùa vàng.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện ĐaKrông, năm 2016 trên địa bàn toàn huyện có 1.000ha lúa rẫy. A Bung có 120ha, đứng thứ 3/tổng số 14 xã, thị trấn của huyện (sau Tà Rụt 160ha và A Vao 155ha). Địa phương này cũng là một trong số ít xã còn lưa giữ những giống cây lương thực bản địa và cách sản xuất truyền thống như: Dếp - giống lúa nếp; Dếp aham - nếp đỏ; Dếp Cucha - nếp than; Ky sai - gạo tẻ... có những giống lúa rất nổi tiếng như: Tro Cuda - lúa gạo ngon để thiết đãi thông gia; Tro an ra dư - Nhớ (ăn một lần nhớ mãi); Tro Tuluc - mây; Tro A Lao - giống lúa Lào.

Người nông dân Pa Cô ở xã A Bung ví tháng 10 như ngày hội. Bà Kăn Nghệ, 55 tuổi, hiện ở thôn Cu Tài 2 hồ hởi chia sẽ với chúng tôi lúc lên rẫy “vui lắm con ơi, mệt nhưng mà... khỏe, vì vui. Năm nào cũng thế, cứ tới tháng 10 là gặt lúa rẫy, cứ tới tháng 10 là bản làng vui như tết. Giờ là tháng 10 âm lịch, là tháng 11 dương. Lịch mùa vụ từ tháng 3 tháng phát rẫy, tháng 4, tháng 5 trĩa lúa rồi tháng 10 gặt”.

Lịch sản xuất lúa rẫy của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô lặp đi lặp lại theo một chu kỳ như hình thức của lịch nông nghiệp. Nó cũng nằm chung trong không gian văn hóa của đồng bào ở nơi đây. Từ xa xưa, lao động sản xuất đảm bảo cuộc sống chủ yếu của người Vân Kiều, Pa Cô dựa vào việc phát rẫy, làm nương. Mỗi năm một mùa rẫy, một mùa rẫy cũng được ghi nhớ như một năm. Đây là nguồn gốc cho sự tính tuổi của đồng bào. Lúc nào đấy, khi chúng ta bắt gặp câu nói, “mẹ 40 mùa rẫy, bố 50 mùa lúa” thì hãy hiểu rằng người đàn bà này 40 tuổi và người đàn ông kia đã 50 mùa xuân.

Cách chọn vùng đất làm rẫy của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô cũng khá “kén”. Rẫy chọn để trĩa lúa phải là rẫy phát lần đầu, có độ mùn cao thì mới đảm bảo cho một vụ mùa thắng lợi. Tuy nhiên nơi chọn đất làm rẫy thường là khu vực đồi núi có độ dốc cao, thường xảy ra hiện tượng xói mòn nên mỗi cái rẫy thường làm 1-2 vụ đầu, sau đó rẫy được “nghỉ” 2-3 năm, lúc này cây cối mọc lên um tùm, đồng bào lại phát để làm rẫy. Đó là kinh nghiệm canh tác rút ra từ thực tiễn cuộc sống, nhưng đó cũng là nguyên nhân khiến đồng bào du canh du cư phát rừng làm rẫy. Mặt khác, đó còn là sự hao phí sức lao động trong sản xuất. Ông Đoàn Ái Thu, nguyên là cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị hiện sống ở thôn Cu Tài 2, xã A Bung chia sẽ với chúng tôi “đến mùa nương rẫy tất cả các thành viên trong gia đình đều tham gia. Đây là công việc mang tính cộng đồng cao, lao động của gia đình này có thể giúp đỡ gia đình kia, làng bản này có thể hỗ trợ bản làng khác trong mùa rẫy. Người Vân Kiều, Pa Cô xem việc trĩa lúa là thả hồn lúa về với đất. Trước khi trồng lúa phải làm lễ xin bỏ giống và sau khi gặt xong phải cúng thần lúa. Do điều kiện đất đai không có để trồng lúa nước, muốn đảm bảo phần nào lương thực cung cấp cho nhu cầu sống nên đồng bào Vân Kiều, Pa Cô vẫn duy trì việc phát nương làm rẫy. Kể ra thì đây là công việc nặng nhọc và tốn nhiều công sức”.

Những người phụ nữ Pa Cô thôn Cu Tài 2, xã A Bung, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị thu hoạch lúa rẫy.
Những người phụ nữ Pa Cô thôn Cu Tài 2, xã A Bung, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị thu hoạch lúa rẫy.

Lúa mới về khắp bản làng

Hành trình mùa vụ của người Vân Kiều, Pa Cô rất đỗi gian nan. Nếu như trong câu ca làm nên một hạt lúa phải đánh đổi tới “chín giọt mồ hôi” thì việc làm ra hạt lúa trên nương rẫy của người Pa Cô trên địa bàn xã A Bung của huyện ĐaKrông gian nan gấp mười lần như thế. Khi hạt lúa về làng thì đôi vai của người đàn bà đã mỏi. Chị Hồ Thị Ba, 42 tuổi, hiện ở thôn Cu Tài 2, xã A Bung tâm sự với chúng tôi khi gùi lúa về tận ngôi nhà sàn nhỏ bé nằm cạnh bìa rừng “nhà chị năm nay bỏ giống 3 thúng gặt về được 10 gùi, mỗi gùi được 30 lon gạo. Trong nhà có 6 người ăn, chừng đó lúa gạo không đủ ăn nhưng không làm thì không có. Ngoài trồng lúa rẫy, chị chị còn trồng sắn để bán thêm có tiền mua gạo”. Chị Hồ Thị Nghỉ, người ở cùng bản với chị Ba chi sẽ thêm “cực khổ chi cũng được, lúa rẫy tạo ra thứ gạo sạch, làm lúa rẫy không phân bón, không thuốc trừ sâu, không thuốc kích thích nên đảm bảo cho sức khỏe. Mùa này lúa về khắp bản làng. Gặt lúa xong bản làng chọn ngày cúng lúa mới, đó gọi là lễ hội A Za”.

Canh tác lúa rẫy là hình thức sản xuất chính trong năm của người Vân Kiều, Pa Cô. Mùa Lúa rẫy sẽ quyết định sự no hay đói của đồng bào. “Thần lúa cho gia đình, cho dân làng no thì được no, ngược lại thì phải chịu đói. Ở đây vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 thường tổ chức lễ hội A Za để biết ơn thần lúa đã cho dân bản bát cơm và cũng để cầu nguyện cho vụ mùa năm sau lúa được tốt tươi, nặng hạt”. Chị Nghỉ cho hay.

Cứ đến tháng chạp là núi rừng Trường Sơn thơm mùi cơm mới. Lúc này Lễ hội A Za (Tết mừng lúa mới) của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô được tổ chức từ thôn này đến thôn khác, từ xã này đến xã khác. Dịp này con cháu dù ở xa mấy cũng về. “năm ngoái 120 hộ dân của hai bản Cù Tài 1 và Cù Tài 2 đều tổ chức Tết Mừng lúa mới vào cùng một thời điểm. Cứ mỗi năm một lần, A Za được tổ chức vào tháng 12, đây là lễ hội cúng Thần lúa với lời cầu mong cho mùa màng năm sau được tốt tươi”. Già làng Vỗ Nghìn - Trưởng dòng họ Par Tar ở tại Cu tai 1, xã A Bung tâm sự với chúng tôi. Già còn chia sẽ thêm với chúng tôi về lễ hội A Za hết sức quan trọng đối với đồng bào Pa Cô ở A Bung “lễ A Za là lúc cầu nguyện cho con cháu trong dòng họ được mạnh khỏe cái chân để lên nương lên rẫy, cảm ơn thần lúa vì đã mang tới cho con cháu trong dòng họ bát cơm đầy, có cái ăn no bụng. Cảm ơn trời, cảm ơn đất, ơn nước, ơn hồn người đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi. Sau A Za đồng bào tiếp tục lên rừng tìm chỗ đất tốt để gieo hạt”.

Già làng Vỗ Nghìn - thôn Cu Tài 1 - xã A Bung - huyện ĐaKrông - tỉnh Quảng Trị thực hiện nghi lễ cầu thần lúa trong lễ hội A Za.
Già làng Vỗ Nghìn - thôn Cu Tài 1 - xã A Bung - huyện ĐaKrông - tỉnh Quảng Trị thực hiện nghi lễ cầu thần lúa trong lễ hội A Za.

Sản xuất nông nghiệp thường mang tính đoàn kết cộng đồng cao. Điểm đặc biệt của Tết Mừng lúa mới cũng là sự quy tụ của cộng đồng, tình đoàn kết dân tộc, sự biết ơn trời đất. A Za là lễ hội mùa màng, là mùa xuân hy vọng mới vào thành quả lao động nông nghiệp của đồng bào giữa núi rừng Trường Sơn. Đối với họ, sự chờ mong vào mùa màng là niềm lạc quan, hy vọng vào tương lai.

Mặc dù lúa rẫy bây giờ không còn mang đến cho đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở núi rừng Trường Sơn cuộc sống no đủ như trước đây. Phần vì chất lượng giống ngày càng thoái hóa, phần vì đất đai canh tác bạc màu... nhưng đồng bào vẫn làm lúa rẫy, đó là công việc gìn giữ cho một hình thức sản xuất có từ lâu đời và đó cũng là ý thức giữ gìn văn hóa nông nghiệp trong đồng bào đáng trân quý. Những ngày đầu đông se lạnh, chúng tôi đi dọc những bản làng của núi rừng Trường Sơn. Ở đâu cũng thơm mùi khói bếp, ở bản làng nào cũng rộn ràng như hội. Những con nắng hiếm hoi của mùa đông đổ lên những nương lúa vàng và nụ cười của sơn nữ khiến mùa đông không còn lạnh giá.

TAGS

44 năm mới làm xong đám cưới

Minh Hà |

Câu chuyện xảy ra với hơn 65 ngàn đồng bào dân tộc Vân Kiều trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ đường và tự làm cầu

Hoàng Hải Lâm |

Không trông chờ vào nhà nước, rất nhiều thôn bản đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bằng chính nội lực cộng đồng đã tự mình làm đường, làm cầu. Với lí lẽ, thời chiến tranh, trong đói khổ, đồng bào vừa làm đường, làm cầu để đánh Mỹ thì thời hòa bình, hà cớ gì không làm được.

Nắng xuân ấm khắp bản làng

Nguyễn Thành Phú |

Ở miền núi huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) có một bản nhỏ nằm nép mình khiêm tốn dưới chân dãy núi Trường Sơn hùng vỹ, 28 nóc nhà sàn là chỗ sinh sống của người dân tộc thiểu số Vân Kiều, đó là bản Tà Păng. 

Gieo ước mơ ở thung lũng Silicon

Trương Quang Hiệp |

Từ quê hương Quảng Trị, Nguyễn Hải Thạch đã vươn đến nước Mỹ xa xôi và tìm được một công việc mơ ước tại thung lũng Silicon. Nơi đây, ngày ngày Hải Thạch miệt mài cống hiến và ấp ủ hoài bão lớn.